Phải đợi thời gian bằng một bữa cơm, Lý huyện lệnh mới đủng đỉnh đi ra, vừa thấy thiếu niên thanh tú, gằn giọng:
- Nhóc con kia, thấy bản quan vì sao không quỳ? Thẩm Mặc thong dong vái sâu một cái, nói:
- Hồi bẩm đường tôn, học sinh đại biểu cho gia phụ mà tới, gia phụ xuất thân sinh viên, thái tổ ban cho thấy quan không phải quỳ, hiện chưa được đại nhân cho phép, học sinh sợ đường tôn bị mang tiếng bất trung bất nghĩa, làm sao dám quỳ.

Lý huyện lệnh mặt vốn âm u không khỏi bật cười ha hả:
- Tiểu tử ranh ma, nói như thế nếu ta bắt ngươi quỳ thì là kẻ bất trung bất nghĩa rồi hả?

- Học sinh không dám.
Thẩm Mặc mặt đầy sợ hãi nói:
- Đường tôn bảo sao làm vậy là được rồi.

Y trước tiên cứng sau đó mềm, cho người ta cảm giác cơ trí biết tiến lui, nếu cứ cứng mãi thì ắt làm người ta phản cảm.

- Thôi khỏi, thôi khỏi.
Lý huyện lệnh cười:
- Hiếm có người làm bản quan vui vẻ, miễn cho ngươi khỏi quỳ.

- Cám ơn đường tôn.
Thẩm Mặc ngoan ngoãn đứng tại chỗ, không tiến tới nửa bước.

- Ngươi chính là Thẩm Mặc con trai độc nhất của Thẩm tú tài à?
Lý huyện lệnh đánh giá thiếu niên này, tấm tắc khen:
- Cốt cách thanh nhã, mặt mày có thần, ắt phải là người thông minh tuyệt đỉnh. Trán cao mà dầy, khuôn cằm tròn trịa, là vận mệnh đại phú đại quý đây...

Thẩm Mắc thầm nhủ :" Không thần kỳ thế chứ? Nhìn ta một cái mà biết ngay tương lai ra sao à?". Quả nhiên nghe Lý huyện lệnh đổi giọng:
- Có điều ngươi cũng đừng có coi là thật, năm xưa người ta khen tướng của bản quan càng thần kỳ hơn, kết quả thế nào? Tuổi gần tri thiên mệnh, vẫn chỉ là một tri huyện mà thôi.

Thẩm Mặc thành khẩn nói:
- Đường tôn thay thiên tử trông coi một phương, mấy chục vạn phụ lão trong huyện đều coi ngài như phụ mẫu, trong lòng chúng tiểu dân, ngài là người còn thân thiết hơn các lão.

Lời này nói làm cho mặt Lý huyện lệnh nóng lên, nhưng trong lòng thư thái như có dòng nước mát chảy qua, cười khà khà nói với Mã điển sử đang cười xun xoe đứng bên cạnh:
- Mang ghế tới cho Thẩm .... ngươi tên là gì, có tên chữ không?
Câu sau là hỏi Thẩm Mặc.

- Học sinh Thẩm Mặc, bời vì chưa từng tiến học, lại chưa tới nhược quán, cho nên không có tên chữ.
Thẩm Mặc khẽ đáp.

*** Nhược quán: 20, nhi lập 30, bất hoặc 40, thiên mệnh 50.
*** Trong chế độ thi cử, thi trúng sinh viên vào trường phủ châu huyện, được gọi là "tiến học".

- Kha kha kha, được, đợi tới nhà ngươi vượt qua rào cản. Bản quan đích thân ban chữ cho ngươi, thế nào?

Lý huyện lệnh cười thân thiện.

- Học sinh vinh hạnh vạn phần.
Thẩm Mặc cảm kích nói:
- Nhất định cần mẫn đọc sách, tranh thủ sớm ngày tiến học.

Thế nhưng trong lòng rất nghi hoặc :" Người ta nói thời này coi trọng nhất quan uy, vị huyện lệnh này sao lại ôn hòa như thế?" . Đó là do y kiến thức nông cạn, không biết Đại Minh đẳng cấp phân chia nghiêm ngặt. Đứng ở trên đỉnh cao chính là người trong sĩ lâm, hay nói cách khác là giai tầng trí thức.

Trí thức vào thời đại đó không phải là quý tộc thời cổ, chỉ có mỗi người đọc sách. Bởi vì chỉ có bọn họ mới có thể thi trúng khoa cử, tiến vào miếu đường. Xuất chinh có thể làm tướng soái, vào triều có thể làm thừa tướng. Cho nên những người này tự cho mình là thanh cao, khinh miệt những nghề khác. Nói một câu đại bất kính, thậm chí ngay cả hoàng đế của Đại Minh cũng bị bọn họ khinh thường.

Đương nhiên, lời này chẳng ai dám nói ra. Nhưng đúng là trong một số tấu chương, trong câu ứng đối nào đó, có thể cảm nhận rõ ràng.

Trí thức là một đám người tự cho mình bất phàm. Mặc dù bọn họ vừa cấu xé lẫn nhau, lại vừa giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng ở điều "khen ngợi người sau, bồi dưỡng người mới", thì tuyệt đối là không tiếc công sức. Cực ít có chuyện ghen ghét hiền tài.

Vì sao chứ? Khẳng định là vì có cái lợi thì người ta mới làm thế. Lợi gì? Ví như Thẩm Mặc sau khi thi trúng tú tài, liền không gọi huyện lệnh là đường tôn nữa, mà gọi là "tiên sinh". Mà ở thời đại này, từ ý nghĩa nào đó mà nói, cha con không thân bằng sư đồ...

Đương nhiên đa số thì người trên đều bày ra thế "thầy nghiêm" với người mới. Hiện giờ Lý huyện lệnh hòa ái như thế khả năng là vì ông ta bỏ bê chính sự, làm bạn với văn nhân mặc khách, du ngoạn sơn thủy, cho nên với thanh niên ưu tú càng thân cận hơn.

Thẩm Mặc dù có thông minh hơn nữa cũng không thể tự hiểu được các quy tắc ngầm của thời đại này, những thứ đó cần y về sau tự tìm hiểu.

Lúc này Mã điển sử mang ghế tới, Thẩm Mặc nhìn sang Lý huyện lệnh, thấy ông gật đầu, thầm nghĩ vào chuyện chính rồi.

Nào ngờ Lý huyện lệnh hoàn toàn không có hứng thú với công việc, mà cười tủm tỉm hỏi y mấy tuổi, đọc sách bao năm, đợi tới khi nghe nói Thẩm Mặc tham gia huyện thì, nhưng vì mẫu thân qua đời mà đành bỏ thi, rất ôn hòa khuyên nhủ:
- Muộn hai năm cũng tốt, thiếu niên đắc chí khó tránh khỏi ngông cuồng, tới lúc cần thì lại vấp ngã.

Thẩm Mặc nghiêm nghị nói:
- Học sinh thụ giáo.

- Hiện giờ vẫn còn đi học chứ?
Lý huyện lệnh cười hỏi.

- Năm ngoái gia mẫu bệnh nặng.
Thẩm Mặc lắc đầu bất đắc dĩ:
- Sau đó không tới trường học nữa.

- Việc học sao có thể hoang phế chứ?
Lý huyện lệnh có chút phật ý, cau mày nói:
- Còn trẻ không nỗ lực, tới già rồi bi thương.

- Tạ ơn đường tôn dạy bảo.
Thẩm Mặc vội chắp tay nói:
- Mặc dù không theo tiên sinh học, nhưng học sinh vẫn ở nhà dùi mài, mấy ngày trước Thẩm lão gia tử ân chuẩn cho học sinh tới trường họ tộc tiếp tục việc học, thế nhưng...

Lý huyện lệnh đang gật đầu liên tục, đột nhiên thấy y lộ vẻ thê lương, không kìm được hỏi:
- Thế nhưng làm sao?

- Thế nhưng làm khổ phụ thân học sinh...
Thẩm Mặc vành mắt lại đỏ hoe, giọng nghẹn ngào:
- Vì để nuôi học sinh đọc sách mà từ bỏ việc học, còn gạt bỏ tôn nghiêm ra đường bán chữ, chịu đựng ánh mắt khác thường, còn bị đồng nghiệp ghen ghét, tìm người đánh bị thương, đáng thương cho cha học sinh gân cốt đứt đoạn, đã nằm liệt giường không dậy được nữa...

Nói rồi đau lòng òa khóc.

Y không khóc không sao, vừa khóc làm Lý huyện lệnh cũng thấy trong lòng chua xót, hai mắt ươn ướt, nước mắt thiếu chút nữa rơi xuống.

Mã điển sử trông cảnh này mà há hốc mồm, thầm nghĩ :" Sao lại khóc cả thế này, có thẩm án nào như vậy không?"

Thẩm Mặc cũng kinh ngạc, thầm kêu :" Mẹ ơi, vị đại nhân này cũng quá đa sầu đa cảm rồi." Có lý nào y lại chẳng tranh thủ thời cơ, liền thêm dầu thêm mỡ, đem Thẩm Hạ vì cứu y, quỳ gối cầu y quán, tới nhờ cậy Thẩm gia, lại đem lương thực bớt cho y ăn, một bữa chỉ có ba hạt đậu. Kể ra một cách sống động như thật cho Lý huyện lệnh nghe.

Một người cha hiền đầy tình yêu con cái, đầy tinh thần hi sinh hiện lên trước mắt Lý huyện lệnh... Đó không phải là cha của Thẩm Mặc, mà là cha của Lý huyện lệnh. Phụ thân của Lý Bằng Trình cũng vì con trai mà bỏ khoa thi tú tài, cả đời sống vì ông ta, nhưng ba năm trước khi ông ta đổ đạt, đã qua đời trước một bước.

Trên đời chuyện gì bi ai nhất? Hi sinh nuôi coi nhưng chẳng đợi được tới ngày con thành đạt.

Lý huyện lệnh cuối cùng không kiềm chế được chua xót trong lòng, đưa tay áo che mắt, khóc tấm tức không ra tiếng.

Thẩm Mặc lúc này mới im miệng, cùng Lý huyện lệnh lau nước mắt. Mã điển sử cũng không dám nhàn rỗi, ra sức chớp mắt, làm ra bộ dạng cha chết mẹ chết.

Phải lâu lắm Lý huyện lệnh mới ngừng khóc, sụt sùi ra lệnh:
- Mã Phong tới phòng thu chi lấy hai lượng bạc.. Không, năm lượng bạc cho Thẩm Mặc.

Mã điển sử càng buồn bực :" Hay rồi, lại còn cho tiền nữa." Nhưng không dám chậm trễ, vội vàng lật đật chạy tới tiền viện.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện