Đường Cẩm lột vỏ rồi rửa sạch củ mài cô mang về, đậu Hà Lan thì ngâm ở trong bát. Tiếp theo, cô nấu chín chúng rồi nghiền nhuyễn, trộn thêm đường, nhào từ từ cho đến khi đường ngấm vào khoai và đậu. Sau đó, Đường Cẩm chia đậu và khoai ra làm thành từng viên, bên trong có cho thêm nhân đậu xanh rồi tạo thành nhiều hình dạng khác nhau. Một mẻ bánh củ mài và bánh đậu ra đời.

Đường Cẩm nghiền rất nhuyễn nên ăn vào chỉ cảm thấy mềm mịn, ngọt mà không ngấy, còn có mùi thơm nhàn nhạt.

Cách làm hai món ăn này tương đối đơn giản, nguyên liệu cũng dễ dàng chuẩn bị. Đường Cẩm chừa lại một phần ở nhà để ăn cho đỡ thèm, số còn lại thì cô mang đi bán với anh đào. Hai loại thức ăn này đều rất đắt hàng, cô vẫn bán cho người đàn ông đen gầy kia.

Giao dịch được vài lần nên hai người cũng trở nên quen thuộc, người đàn ông đen gầy kia gọi là Lý Lão Tứ. Vừa thấy Đường Cẩm đến bán đồ vật, anh ấy lập tức nhiệt tình vô cùng.

Bởi vì những thứ Đường Cẩm bán đều là thức ăn, hương vị tươi ngon, lại còn là những thứ không thể mua được ở trên thị trường nên có rất nhiều người đến mua. Chỉ là cô rất ít khi đến chợ đen, nhưng lần nào cũng mang đến một lượng lớn trái cây và sản vật từ núi rừng.

Có hai lần giao dịch trước, Lý Lão Tứ ra giá thành thật hơn. Anh ấy nhận lấy đồ vật Đường Cẩm mang đến, thuần thục đếm phiếu. Lý Lão Tứ quan hệ rộng nên dễ dàng có được các loại phiếu thường gặp.

Đường Cẩm đổi một vài phiếu vải và phiếu đường. Hiện giờ cô cần phiếu vải nhất, thời tiết dần nóng lên, thêm một tháng nữa trời sẽ oi bức thật sự, mà nhà cô chỉ toàn là đồ cho mùa thu đông, cô cần phải mua vải mỏng về may quần áo.

Ở trên đường, Đường Cẩm gặp được người bán cây giống, cô liền mua hai bó về trồng.

Trong nhà chỉ có ba phần đất phần trăm, nhưng các góc trong vườn, thậm chí là ở sân sau đều có thể dùng để trồng rau.



Cô cuốc sạch toàn bộ cỏ dại ở phần đất trồng rau, xếp những cây cải trắng già qua một bên, đào từng luống đất nhỏ rồi đặt cây giống xuống là được.

Đường Cẩm quan sát một lúc, cô đang nghĩ xem có nên đi bắt gà con về nuôi hay không. Đội quy định mỗi hộ gia đình có thể nuôi bốn con gà. Gà chăm kỹ là có thể đẻ trứng, trứng gà không chỉ làm thức ăn mà còn có thể mang đến cung tiêu xã đổi kim chỉ, có thể tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Đường Cẩm nhớ rõ có vài hộ gia đình nuôi gà mái, cô có thể hỏi thăm một chút xem họ có bán hay không.

Nhà của Đường Như Phân nằm trên đường cô muốn đi, Đường Cẩm liền cắt một miếng thịt và đổ nửa giỏ anh đào để ghé qua thăm bà ấy.

Gả đi vài chục năm mới trở lại, Đường Như Phân muốn hòa nhập với những người ở đây cũng không dễ dàng gì. Mọi người đều cảm thấy bà ấy từng đấy tuổi rồi mà lại thành ra thế này, dẫn con gái ở nhà tranh rách nát, lại còn không có chồng, không nơi nương tựa, thật sự là quá nghèo, khó tránh khỏi bị người xem thường.

Người xung quanh không muốn lui tới cùng Đường Như Phân, cho nên không có ai tâm sự nói chuyện với bà ấy cả.

Nhưng Đường Như Phân đã rất thỏa mãn. Vì để không đói bụng, ngày nào bà ấy cũng liều mạng kiếm điểm công, tuy rất mệt nhưng sung sướng tự do hơn lúc ở nhà chồng. Ít nhất thì hiện tại những gì Đường Như Phân kiếm được đều thuộc về bà ấy, sẽ không có ai cướp đi. Giờ đây sức khỏe tinh thần của Đường Như Phân rất tốt, ánh mắt vẩn đục cũng tươi tắn.

Khi Đường Cẩm sắp đi đến cửa nhà của Đường Như Phân, cô thấy ở hướng sân vườn có một người đàn ông trung niên đi qua, ông ấy đặt một bọc lá cây liền lập tức rời khỏi.

Đường Cẩm cảm thấy kỳ quái. Người đàn ông kia ở đội sản xuất cũng không thu hút, bởi vì vợ khó sinh mất sớm nên vẫn luôn độc thân đến giờ. Nhưng mấy năm trước, ông ấy xây được căn nhà ngói xinh đẹp, liền trở thành đàn ông độc thân khá được chào đón, chỉ là không biết vì sao ông ấy không tái hôn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện