Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Tầm Phương vô cùng tâm đắc với truyện thơ Truyện Kiều. Trong đó có hai câu trác tuyệt như thế này:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."

Vô cùng phù hợp để diễn tả tình trạng hiện tại. Một người lo lắng đứng bên ngoài, một người co ro chịu đựng sự giày vò của nỗi buồn, thất vọng, lo sợ. Bão lòng anh cuồn cuộn hơn sóng dữ, cột gió cao thổi bay những hy vọng mong manh còn sót lại, đưa anh đến thế giới lạnh lẽo, từng chút từng chút nhấn chìm anh xuống hố đen vô tận.

Tầm Phương tựa cả người lên cửa, nhìn bóng lưng ai đó chằm chằm. Dù dì Thông đang nói chuyện cùng mình, cô vẫn không rời mắt khỏi anh.

"Đã hai tiếng rồi phải không Phương? Để vậy không phải cách hay đâu con. Hay là để dì vào đó khuyên nó."

Tầm Phương lắc đầu, nói rằng: "Không ổn đâu dì. Hiện giờ anh ấy vẫn chưa hết giận, bây giờ dì vào đó chưa chắc gì anh ấy nghe đâu."

"Vậy, vậy bây giờ phải làm sao?" Dì Thông sốt ruột, đi đi lại lại trước cửa phòng.

Tầm Phương kéo tay áo, ngăn bà tiếp tục di chuyển, bằng không, e là cô sẽ ngất xỉu vì chóng mặt.

"Dì đừng lo, con sẽ đứng ở đây trông anh ấy."

Nhìn vào ánh mắt kiên định và thái độ cứng rắn của cô đã phần nào san sẻ đôi chút lo lắng trong lòng dì Thông, trước khi rời khỏi tầng hai, dì nắm chặt tay Tầm Phương, đôi mắt già nua bừng lên tia sáng vui mừng. Nhân lúc cô vẫn chưa hiểu gì, dì cất bước xuống cầu thang, trả lại không gian tầng hai rộng lớn cho hai người trẻ.

Tầm Phương nhìn bàn tay vừa được dì Thông nắm, đảo mắt liếc sang người đàn ông trong phòng, khó tránh khỏi phút giây mủi lòng. Trước đó không lâu, anh vẫn đang vui vẻ kể cho cô nghe rất nhiều chuyện riêng tư của mình, mà đoán chắc rất ít người được biết. Trước đó không lâu, anh vẫn miệt mài vẽ lên ngày mai tươi sáng trong trí tưởng tượng. Niềm vui hiếm hoi khó có được chỉ vì một cú điện thoại nhanh chóng tan thành mây khói.

Đúng sáu giờ sáng ngày hôm nay, chuông điện thoại trong phòng khách nhà Dĩ Lâm reo lên inh ỏi. Khi đó, dì Thông bận rộn làm bữa sáng trong bếp, Thanh Vân dọn dẹp lầu một, Tầm Phương quét dọn phòng khách, vì vậy, trọng trách nhận cuộc gọi đến thuộc về cô. Loa điện thoại vọng ra tiếng nói khẽ khàng có phần mệt mỏi của ông ngoại Dĩ Lâm.

"Cháu ngoại tôi đã dậy chưa dì Thông?"

Tầm Phương cười, thầm ngưỡng mộ tình cảm ông cụ dành cho đứa cháu trai yêu quý.

"Là con, Phương đây ông ơi! Anh Lâm chưa dậy, chừng nào anh ấy dậy con sẽ bảo anh ấy gọi lại cho ông nhé."

Ông ngoại Lâm bỗng cười phá lên. Ông nói: "Không cần đâu, ông gọi để thông báo tin vui đó mà."

"Tin vui gì vậy ông?"

Tầm Phương bất ngờ, trong suy nghĩ dấy lên nghi hoặc lớn liên quan đến Dĩ Lâm. Quả nhiên, câu trả lời của ông cụ hoàn toàn trùng khớp với suy đoán của cô. Tầm Phương kết thúc cuộc gọi, hớt hải vọt lên tầng hai, chẳng màng đến gõ cửa hay phép lịch sự gì đó mà kéo người đang ngủ trên giường ngồi dậy. Cô vỗ bộp bộp lên mặt anh, miệng không ngừng gọi.

"Anh Lâm, anh Lâm! Dậy đi, dậy đi!"

Dĩ Lâm mê man ậm à ậm ừ, hai mắt nhắm tịt, giọng nói khi ngái ngủ hệt tiếng lợn kêu.

"Ờ ờ... Dậy rồi."

Sau đó, anh ngáp một cái rõ to rồi ngã xuống giường tiếp tục ngủ, nhưng Tầm Phương nào tha cho anh dễ dàng thế. Cô nghiến răng, nắm tai trái của anh hét lớn vào.

"Con heo kia dậy đi!"



Tiếng hét rất lớn, mơ hồ đâm xuyên qua màng nhĩ chạy thẳng lên não bộ. Dĩ Lâm choàng mở mắt, bên tai chỉ nghe thấy tiếng ù ù như radio không bắt được tần số.

"Cái gì vậy Phương?" Anh che tai mình, vừa buồn ngủ vừa sợ.

"Chuyện lớn rồi." Cô thản nhiên ngồi xếp bằng trên giường, tiện tay ôm gối nằm của Dĩ Lâm vào lòng.

"Chuyện lớn gì mà không đợi tôi thức dậy rồi nói được à?" Dĩ Lâm tựa lưng lên đầu giường, cơn buồn ngủ biến mất tăm. Trên trán hiện rõ tám chữ 'Tôi ngu rồi! Tôi chả hiểu gì cả'.

Tầm Phương tường thuật nguyên văn câu nói của ông ngoại cho anh nghe, lầm rầm bên tai:

"Chuyện lớn lắm, tôi không thể chờ anh thức dậy rồi nói được."

Dù cô nói nhiều bao nhiêu, mặt Dĩ Lâm vẫn chỉ tồn tại trạng thái duy nhất, là đơ. Không chỉ mặt, ngay cả cơ thể anh cũng đơ cứng như tượng gỗ, chỉ có trái tim đập thình thịch trong lồng ngực báo hiệu sự sống vẫn đang tồn tại. Anh đỏ mắt, thấp giọng hỏi Tầm Phương.

"Có thật là ông tôi đã nói như vậy không?"

"Thật." Sợ anh không tin, cô chậm rãi nhắc lại: "Ông cụ nói phía bệnh viện vừa thông báo người nhà của một bệnh nhân chết não đồng ý hiến tạng cho những bệnh nhân khác. Ông còn nói, ngày mai hãy đưa anh Lâm đây đến bệnh viện khám mắt để đủ điều kiện ghép giác mạc."

Chính tai nghe tin vui này tận hai lần, Dĩ Lâm vẫn chưa thể chấp nhận nó, anh đặt tay lên ngực mình tự trấn an bản thân, nhiệt độ cơ thể mỗi lúc một nóng lên. Đây có lẽ là tin tức anh muốn nghe nhất trong năm, cũng là cơ hội mà anh hằng đêm ao ước. Không ai biết được trong sáu tháng qua, anh đã sống khổ sở bao nhiêu, việc này giống như ai đó dùng chiếc lồng cứng cáp giam giữ thân xác mình. Dù anh kháng cự ra sao, lấy hết sức lực phán tan chiếc lồng kia thế nào, những việc đó tựa như công Dã Tràng, đừng nói là thoát khỏi, ngay cả tổn hại lồng giam anh vẫn chưa thể làm được. Cho đến tận hôm nay, khi Tầm Phương nói anh sắp nhìn thấy thế giới này lần nữa, lồng sắc đã hoàn toàn biến mất trong đời anh, mảng đen phía trước được thay thế bằng thảo nguyên rộng lớn và bầu trời xanh ngắt.

Đây là lần đầu tiên anh cười một cách chân thành, thoải mái, sau sáu tháng.

"Trời đất quỷ thần ơi!" Dĩ Lâm cảm thán, cẩn thận đứng dậy, đưa hai tay cao qua đầu, ngửa mặt lên trời: "Ông trời đúng là không triệt đường sống của ai bao giờ."

Tầm Phương học theo anh đứng lên. Đợi khi Dĩ Lâm bình tĩnh hơn, cô nói:

"Thấy chưa, tôi đã nói là anh có cơ hội sáng mắt mà. Thấy miệng tôi linh không?" Tầm Phương hất mặt tự hào, vui vẻ nhìn anh.

Dĩ Lâm không nói gì, hai bàn tay lớn xòe ra, giơ cao ngang ngực: "Đặt tay lên tay tôi đi!"

Tầm Phương cau mày khó hiểu, muốn hỏi lại thôi. Cô dè dặt đặt tay mình lên tay anh, Dĩ Lâm chớp thời cơ nhanh chóng nắm chặt, vừa cười há há như đứa ngốc, vừa nhảy nhót trên giường. Sở dĩ, anh yêu cầu cô đặt tay lên tay mình là muốn kéo cô cùng anh nhảy nhót ăn mừng.

Dĩ Lâm đã có lòng, Tầm Phương sao nỡ từ chối. Cả hai cùng nắm tay nhau, trao cho nhau hơi ấm, niềm vui nhỏ nhặt, cùng nhau cất cao giọng hát không mấy êm tai.

"Khổ trước sướng sau thế mới giàu

Tình nghĩa anh em có chắc bền lâu."*

Và tình nghĩa anh em của họ không bền lâu thật. Vì nhảy quá hăng, cộng vào việc không nhìn thấy gì, Dĩ Lâm trượt chân ngã nhào xuống đất. Tầm Phương dùng tay che mắt, không có can đảm nhìn tư thế mặt hôn đất, mông chổng lên trời của anh. Cô bò xuống giường, lân la đến gần.

"Có sao không đó?"

Dĩ Lâm khôi phục trạng thái trong tích tắc, anh ngồi dậy, chỉnh lại áo ngủ, mỉm cười lắc đầu:



"Không sao, ba cái quỷ này nhằm nhò gì."

Tầm Phương không ngốc, cơn đau từ việc ngã úp mặt từ giường xuống sàn nhà không hề nhẹ. Tuy vậy, cô lựa chọn không vạch trần, chừa cho anh tí mặt mũi, tránh tổn thương đến sĩ diện của một người đàn ông.

"Không đau thật à?"

"Đã nói không đau rồi mà." Dĩ Lâm nghiến răng, nhấn mạnh từng chữ.

Ấy mà, chuyện đáng quan tâm hơn còn ở phía sau, khi anh vừa nói hết câu, một dòng chất lỏng màu đỏ chầm chậm chảy ra từ mũi, rơi xuống bộ đồ ngủ màu xanh đậm.

Mặt Tầm Phương xanh như tàu lá chuối, luống cuống chộp lấy hộp khăn giấy, điên cuồng rút nhiều tờ bịt kín mũi anh.

"Làm sao bây giờ? Chắc tại cú ngã hồi nãy nên anh chảy máu mũi đó. Đâu, đâu... để tôi sờ thử coi sống mũi anh có gãy chưa?"

Tầm Phương đưa tay lên sờ, không phát hiện điểm nào bất thường, Dĩ Lâm cũng chẳng kêu đau. Cô ngồi phịch xuống sàn nhà, rưng rưng nước mắt, ôm hết mọi lỗi sai về phía mình.

"Tại tôi hết, tại tôi mà anh mới bị như vậy. Huhu... anh đừng bị làm sao nha! Anh mà có bề gì thì tôi đi tù, mẹ và em trai tôi sẽ không có ai nuôi."

Dĩ Lâm vừa bực vừa buồn cười, một tay anh giữ khăn giấy, một tay vỗ vai cô.

"Không sao thật mà, chỉ là chảy máu mũi thôi, không chết được đâu."

Chưa đợi Tầm Phương đáp lời, anh làm theo lời dạy của dì Thông ngày bé, ngửa cổ khi chảy máu mũi. Nào ngờ phía sau đầu bị Tầm Phương giữ chặt, ép đầu anh cúi xuống.

Cô ra lệnh: "Ai bảo anh ngửa đầu hả? Cúi đầu cho tôi!"

"Từ nhỏ đến lớn, lần nào chảy máu mũi tôi cũng ngửa đầu hết." Dĩ Lâm cãi.

Lần nữa bị Tầm Phương chặn lại. Hễ anh ngửa ra sau, cô sẽ kéo đầu anh cúi xuống, ngửa và cúi, cứ thế lặp lại ba lần, cổ anh bắt đầu lâm râm đau.

Dĩ Lâm bực tức vùng vằng: "Ây... chết tiệt! Ngửa đầu cũng không cho là sao?"

Tầm Phương đánh mạnh lên vai anh, lên giọng dạy dỗ: "Ngửa đầu ra sau sẽ làm máu chảy ngược xuống cuống họng, chảy qua lỗ thông khí, có thể gây sặc máu. Tệ hơn là nuốt phần máu vừa chảy ra xuống dạ dày, sẽ gây ra các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa."*

Cô châm chọc: "Sao nào? Có muốn ngửa đầu lên tiếp không?"

"Không muốn." Dĩ Lâm bặm môi, ngoan ngoãn ngồi yên một chỗ, đầu cúi xuống, tay giữ khăn giấy. Tin tưởng lời Tầm Phương nói 100%.

Cô vô cùng hài lòng với thái độ đó của anh, chờ sau khi máu ngừng chảy, Tầm Phương cẩn thận dùng tăm bông đã tẩm nước muối sinh lý lau sạch vùng đầu và hai cánh mũi.

...

*Trích lời bài hát: Đời là thế thôi - Quách Beem.

*Thông tin tham khảo từ bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện