Bắt một con rắn thì không hề gì, cho dù con rắn này có vẻ giống thú cưng của Nam Sơn, chắc hẳn chàng trai nghèo hào phóng định giá thịt khô hai đồng một cân đó cũng chẳng để ý lắm đâu…

Nhưng như thế không có nghĩa là anh có thể yên tâm bắt đi một đứa bé.

Chử Hoàn nhìn Sư Cọ Mốc đang đùa giỡn với con heo trước mặt, sầu lo muốn bốc khói.

“Lại đây.” Chử Hoàn đanh mặt, bập bẹ tiếng dân tộc Ly Y, đồng thời cố nặn ra khuôn mặt uy nghiêm, “Sao cháu lại đuổi theo? Muốn ăn đòn đúng không?”

Sư Cọ Mốc nghe thế, chẳng những không sợ hãi chút nào, còn vui vẻ ôm cổ heo cười ầm lên.

Chử Hoàn: “…”

Đây là tai hại trong việc học tập ngôn ngữ theo kiểu người câm, biết nghe không biết nói, người khác cười nôn cả ruột mà mình vẫn không biết đã nói gì sai.

Chử Hoàn khó khăn sửa lại phát âm, na ná như: “Muốn… ăn, ăng… đòn.”

Sư Cọ Mốc cười lăn lộn.

“Thôi đi.” Chử Hoàn nản chí, anh phát hiện mình không nghiêm nổi, đành phải khuyên bảo nhẹ nhàng, thoạt đầu bất đắc dĩ sờ túi, phát hiện kẹo nằm cả trong căn nhà nhỏ anh ở, không mang đi một cục nào.

“Chú thực sự hết kẹo rồi,” Chử Hoàn cố hết sức phát âm cho rõ, móc túi áo khoác cho Sư Cọ Mốc xem, “Thật đấy, không lừa cháu đâu, về nhà đi, ngoan, chú đưa cháu về.”

Sư Cọ Mốc căn bản không thèm nghe, nhảy xuống ôm cứng chân Chử Hoàn.

Nó hiển nhiên đã thạo nghề ôm chân rồi.

Con heo thấy thế cũng muốn bắt chước, nhưng bị ánh mắt tỏa đầy sát khí của Chử Hoàn hù dọa, đành phải né qua bên kia hầm hừ cào đất. Rắn nhỏ lại lấy tư thế công thần, hống hách trèo lên vai Chử Hoàn, nhất lãm chúng sơn tiểu(1) mà nhìn xuống loài khác – đương nhiên, nó nhanh chóng bị Chử Hoàn túm đầu liệng đi.

Chử Hoàn: “Đều là mày gây ra mà còn quấn cái khỉ gì?”

Một con rắn phải làm sao để giải oan đây? Vấn đề tàn nhẫn này định sẵn là không có lời giải, cho nên nó đành tủi thân bò lên tay Sư Cọ Mốc, dáng vẻ trông hơi hèn nhát.

Chử Hoàn nói nát nước, cảm thấy mình đã sắp luyện hết khẩu ngữ rồi, mà vị Thần Trư kỵ sĩ kia vẫn không rung rinh, sự kiên nhẫn của anh rốt cuộc cạn sạch.

Thế là Chử Hoàn không thèm nói nhiều, trực tiếp xách Sư Cọ Mốc lên như xách cặp, ném lên lưng ngựa, cấp tốc quay về theo đường cũ.

Con heo gầm gừ hai tiếng, vội vàng co cẳng chạy theo.

Sư Cọ Mốc mới đầu còn rất hào hứng, đi một hồi phát hiện đường hình như không đúng lắm, mới cắn ngón tay nghi hoặc đánh giá xung quanh.

Chờ về tới bờ sông tràn ngập sương mù, nó rốt cuộc muộn màng phát hiện mình vậy mà lại bị đuổi về – Sư Cọ Mốc tự thấy đã hy sinh lớn lao, vứt lại gia nghiệp, bỏ ra vô số thông minh tài trí đi truy tìm tung tích con rắn, cuối cùng mới chạm đến bóng Chử Hoàn.

Nhưng nó vui vẻ bỏ trốn theo người ta, rồi lại bị vô cớ đuổi về, hỏi trên thế giới còn chuyện gì tàn nhẫn vô tình và vô lý hơn không? Trong lòng vừa buồn vừa hận, thế là Sư Cọ Mốc bắt đầu giãy giụa dữ dội.

Đáng tiếc với Chử Hoàn thì chẳng khác nào mèo con cào, anh dễ dàng trấn áp được, thế là nó đành phải dùng tới đòn sát thủ, cao giọng khóc toáng lên.

Chử Hoàn thô lỗ nói: “Khóc cái gì mà khóc, có phải đàn ông không hả? Câm miệng!”

Sư Cọ Mốc hít sâu một hơi, để thể hiện khí chất đàn ông đích thực, bèn khóc ra một tràng lảnh lót như gọi người thức dậy.

“…” Chử Hoàn im lặng một lúc lâu, rốt cuộc thừa nhận mình phục rồi. Anh vỗ vỗ lưng Sư Cọ Mốc, hạ giọng nói, “Được rồi được rồi, bé cưng, chú không mắng cháu nữa, được chưa…”

Kỳ thực thái độ của người lớn càng thay đổi thất thường, thì con nít lại càng hiểu là họ chẳng làm gì được mình. Sư Cọ Mốc không hề sợ hãi, ngược lại càng dũng cảm hơn, ở trên lưng ngựa lăn lộn gào khóc chơi xấu đủ kiểu.

Chử Hoàn mệt mỏi đứng ở bờ sông sương trắng dày đặc, chẳng làm được gì.

Sau lần này, anh không bao giờ muốn làm “cậu” của bất cứ đứa nào nữa – mặc kệ thanh mai trúc mã sinh ra cái gì.

Chử Hoàn: “Đừng khóc nữa, dẫn chú qua sông được không? Chú đưa cháu đi tìm mẹ.”

Không ai để ý đến anh.

Chử Hoàn: “Khóc nữa là chú bỏ cháu lại đây đấy.”

Vẫn không ai thèm để ý.

Chử Hoàn nhìn trời thở dài thườn thượt: “Tổ tông à, van cầu ông…”

Anh bó tay một lúc, thấy Sư Cọ Mốc không định thôi, hết cách đành thử đại, quay sang con rắn nhỏ: “Mày biết đường không?”

Nói xong, Chử Hoàn cười tự giễu, cảm thấy mình hơi bất bình thường.

Ai ngờ con rắn nhỏ rề rà bò xuống đất rồi chậm rãi chui xuống nước, một chuỗi nước gợn hầu như không nhìn thấy dập dờn lan ra, nó nhô cái đầu xanh lục lên mặt nước, thè lưỡi nhìn Chử Hoàn.

Biết đường thật kìa!

Chử Hoàn lập tức vỗ vỗ ngựa: “Đi theo nó.”

Một mình anh dẫn theo cả sở thú, lần thứ hai trong ngày đi xuống dòng sông mịt mù sương phủ.

Chử Hoàn chưa từng nghĩ đến, một ngày kia mình sẽ dắt một con heo một con ngựa và một đứa con nít quỷ, để một con rắn độc dẫn đi, bước lên con đường mù sương ngay cả tín hiệu cũng không phát được.

… Đương nhiên, anh cũng không ngờ, con rắn thoạt nhìn rất đáng tin này đi một hồi liền lạc đường.

Khi kim giờ đã xiêu vẹo đi qua hơn hai nấc, anh mới ý thức được sự bại não của mình – lại chịu tin tưởng IQ của một con rắn.

Họ cứ thế lạc trong sương mù dày đặc, con rắn bất an bơi vài vòng dưới nước, cuối cùng sợ hãi theo thân ngựa trèo lên ống quần Chử Hoàn.

Ngay cả ngựa cũng trở nên sốt ruột.

Chử Hoàn đã xác nhận với Nam Sơn, lúc đi anh chỉ cần thả ngựa ra, là nó có thể tự mình tìm về, vậy trên lý thuyết, bạch mã nên qua sông được, nhưng con rắn đần độn này rốt cuộc dẫn đường kiểu gì, để con ngựa già rành đường cũng phải lạc hướng?

Sư Cọ Mốc đã sớm khóc mệt lử, nằm bò trên lưng ngựa, hai tay túm vạt áo Chử Hoàn, rầm rì nấc cụt, mắt nhìn lung tung, ánh mắt hết sức mù mờ.

Chử Hoàn: “Biết không?”

Sư Cọ Mốc thành thật lắc đầu.

Chử Hoàn thở dài, lúc này la bàn trên đồng hồ đã hoàn toàn không còn tác dụng, giống như đụng phải từ trường hỗn loạn, xoay vòng vòng như điệu Waltz, mà giữa sương trắng mờ mịt, anh hoàn toàn không cách nào phán đoán phương hướng mặt trời, trong tầm mắt chỉ có nước sông lạnh ngắt và sương mù vô tận.

Anh thậm chí không thể nhận ra sương mù chỗ nào mỏng hơn.

Người bỗng nhiên mát rượi, anh cúi đầu nhìn thấy con rắn nhỏ đã chui vào áo – chỉ có khi cảm thấy lạnh, không cách nào chống lại bản năng của động vật máu lạnh, thì con rắn này mới dán lên da người ta.

Chử Hoàn cũng nhanh chóng cảm nhận được nhiệt độ hạ thấp, anh cởi áo khoác bọc Sư Cọ Mốc chỉ mặc mỗi cái yếm và tấm lót mông vào lòng, vỗ vỗ ngựa: “Đi, đừng dừng lại.”

Lũ động vật nhỏ giống như biết mình đã gây họa, đều ngậm miệng hết, thở mạnh cũng không dám. Chử Hoàn nắm hờ dây cương, vừa cẩn thận quan sát hoàn cảnh xung quanh, vừa để ngựa tự tìm kiếm đường ra.

Bỗng nhiên, Chử Hoàn nghe thấy tiếng nước chảy đột ngột xiết hơn.

Sống lưng căng cứng, thân thể theo bản năng cảm nhận được nguy hiểm trước ý thức, Chử Hoàn thúc mạnh bụng ngựa, bạch mã giật mình nhảy vọt đi như tên rời cung. Chỉ nghe phía sau truyền đến một tiếng vang lớn, tiếp đó là giãy giụa dữ dội, bọt nước tung tóe. Chử Hoàn quay đầu lại, chỉ thấy một bóng đen to đùng lướt qua dòng sông, con heo vừa đi theo sau ngựa đã mất tăm, từng vệt máu nhỏ xuôi dòng nước chảy tới.

Sư Cọ Mốc run bắn, ôm cứng vai Chử Hoàn, bất an thò đầu nhìn, Chử Hoàn một tay đè đầu nó xuống, một tay rút lưỡi lê.

“Suỵt…” Anh nói, “Không sao, đừng sợ.”

Xung quanh chợt yên tĩnh, giống như kẻ ban nãy đang tìm kiếm chỗ cắn, mà mùi máu tươi đã bay vào mũi.

Bạch mã có khả năng là vua trong đàn ngựa của tộc Ly Y, nó bình tĩnh hơn bất cứ con nào Chử Hoàn từng cưỡi. Nhưng nó dù sao cũng chỉ là động vật, không cách nào che giấu phản ứng “chiến hoặc trốn” như người từng được nhận huấn luyện đặc thù. Chử Hoàn cảm thấy rõ ràng bốn chân nó đang run nhè nhẹ.

Đột nhiên, bạch mã lui phắt về sau một bước dài, quái thú khổng lồ thình lình chui lên mặt nước, cơ hồ ngang tầm mắt với người trên ngựa, một luồng gió tanh tưởi hắt vào mặt, con rắn trong lòng Chử Hoàn ngóc dậy, làm động tác tấn công theo bản năng khi loài rắn hoảng sợ.

Ngay sau đó, gió thốc vào mặt, cơ hồ rạch tan màn sương trắng. Con đó trông hơi giống rắn, thân đầy vảy của loài bò sát, tứ chi khỏe hơn rắn, linh hoạt hơn thằn lằn, cái mặt dẹp lép, miệng lồi lên, hàm răng nhọn hoắt như dao mọc lộn xộn trong miệng như bàn chải đánh giày, ngay cả lưỡi cũng không có chỗ để.

Nó lao tới cắn Chử Hoàn.

Chử Hoàn cơ hồ nằm bò trên lưng ngựa, lưỡi lê đâm ra từ chỗ quỷ dị nhất, cắm phập vào cằm quái vật, sau đó anh xoay mạnh cổ tay, lưỡi lê ba cạnh khoét một lỗ nhỏ máu dưới lớp vảy dày của quái vật – ngay khi răng nó đã trùm lên lưng mình, anh đánh bay cái miệng khổng lồ ấy.

Quái vật bị đau, há mồm gầm lên một tiếng.

Không cách nào hình dung âm thanh ấy, Chử Hoàn chỉ cảm thấy huyệt thái dương căng lên, cả lồng ngực đều chấn động theo. Anh bịt một tai Sư Cọ Mốc, đè tai còn lại vào ngực mình, sau đó kéo dây cương, bạch mã chạy bước nhỏ, lướt qua con quái vật kềnh càng kia đầy nguy hiểm.

Ngay trong nháy mắt ấy, lưỡi lê vĩnh viễn u ám đột nhiên tỏa ra quầng sáng kỳ dị, chém đứt màn sương mù dày đặc trên đường, sắc bén đâm vào mắt quái vật.

Ra tay độc ác, dứt khoát lưu loát, lưỡi lê xuyên từ mắt này sang mắt kia của quái vật.

Quái vật rên rỉ hấp hối, cả con sông cùng sương mù đều chấn động. Chử Hoàn cảm thấy như bị sóng âm nghiêm trọng tập kích, cơn đau đầu quen thuộc như suy nhược thần kinh đột nhiên tái phát dữ dội hơn, trước mắt anh cơ hồ tối sầm đi, vị tanh lập tức trào lên cổ họng.

  1. Nhất lãm chúng sơn tiểu là một câu trong bài Vọng nhạc của Đỗ Phủ, nghĩa là đứng trên cao nhìn xuống thấy núi non xung quanh thật nhỏ bé. Có thể tạm hiểu là con rắn nó bò lên vai Chử Hoàn và thấy mình thật to lớn còn con heo với thằng nhóc thì thật là nhỏ bé.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện