Sau khi làm Vô Thường bán thời gian thì tui "hot"

Tác giả: Lạp Miên Hoa Đường Đích Thố Tử

Chuyển ngữ: Dú

Chương 8: "Anh à, em cũng chẳng muốn gồng nữa..."

Lan Hà không những biết làm nén hương mà còn biết xếp thành núi hương nữa.

Ba nén hương dài dựng thành khung, những nén khác xếp dựa theo khung đó thành hình tháp dưới nhiều trên ít – Vì cớ đó mà cái này cũng được gọi là tháp hương, ở giữa để trống tiện đốt.

Lúc Lan Hà xếp núi hương, chị Hồ đã ngửi thấy mùi rồi, mắt chị cứ nhìn lom lom anh xếp núi hương mà cong dần.

Đúng rồi... Cậu ta là Vô Thường sống, mặc dù cậu ta thấy thức ăn ngon, nhưng chưa chắc đã không có thứ chị thích, ví dụ như đám hương khói mà hồn người sống không thích kia...

Xếp xong, Lan Hà đốt lửa thiêu hương. Phừng, ngọn lửa nổi lên từ phía dưới, mùi hương nhang nồng nặc bay lên. Tàn hương bị đốt thành màu trắng rơi xuống bệ hương, chất lượng vẫn tốt.

Lan Hà nhìn khói hương hóa thành hai luồng lần lượt bay vào mũi chị Hồ và lão Bạch.

Kể cũng thú vị, trước khi chúng bay vào mũi chị Hồ, khói hương uốn thành hình hóa đoa rồi mới bị chị hít vào.

Chị Hồ hít một hơi khói, mắt lóe ánh xanh, miệng toét rất rộng, ngay cả động tác hít và nuốt khói hương này có thể nói là rất mạnh mẽ. Lưỡi thi thoảng thè ra, dài đến nỗi tưởng chừng như có thể rửa mặt cho bản thân.

Ban nãy chị còn nghĩ Lan Hà rất giống quỷ đói, ai ngờ đến lượt mình trông còn vã hơn cả Lan Hà.

Lan Hà chưa quen nhìn dáng vẻ của chị Hồ, mắt bắt đầu láo liên, hệt như mỗi lần chẳng đếm xỉa đến đám quỷ anh không muốn gặp. Anh nghi chị Hồ là động vật thành tinh, đôi khi lão Bạch cũng làm mấy bản mặt hãi hùng khiếp vía nhưng không có sắc thái như loài động vật.

Vả lại, họ của chị Hồ làm Lan Hà nghi ngờ chị không phải người hay quỷ, mà là hồ ly.

Các cụ hay nói Nam quỷ Bắc hồ. Phía Nam nhiều truyền thuyết về ma quỷ, phía Bắc nhiều động vật thành tinh, nhất là loài hồ ly. Còn có câu ngạn ngữ rằng "Không có hồ ly thì không có thôn xóm".

Kỷ Hiểu Lam đã từng viết trong "Duyệt Vi thảo đường bút ký"*: Con người và động vật khác loài, hồ ly ở giữa; âm phủ và dương gian khác đường, hồ ly ở giữa; Tiên và yêu không chung đường, hồ ly ở giữa.

(*Tác phẩm này được Kỷ Hiểu Lam (Kỷ Quân) viết khi đã nhiều tuổi, về nghỉ hưu ở quê nhà. Ngoài đề tài là ma quái kinh dị hấp dẫn, gián tiếp phản ánh hiện thực, Duyệt Vi thảo đường bút ký còn có nhiều bài phản ánh một cách trực tiếp thế lực quan trường hắc ám đời Thanh, đả kích thói đạo đức giả dối của tầng lớp nho sĩ, vì danh vì lợi có thể làm bất kì điều xấu xa, tàn ác nào. Vạch trần những gian dối trong buôn bán, nạn hàng giả, nạn lừa đảo trong thương trường cũng đã được Kỷ Quân nói đến, mang đầy màu sắc của thương trường hiện đại.)

Ý bảo hồ ly là hình tượng vừa chính vừa tà. Nếu chị Hồ đã là người hầu nơi đây, cho dù hình tượng có thi thoảng dị hợm đôi chút thì vẫn thuộc chính phái.

Lan Hà suy diễn như vậy, cũng là để an ủi mình mà nhìn thẳng chị Hồ.

Chị Hồ hít hương khói đã đời, đoạn thờ dài đầy thỏa mãn, "Mùi hương thơm tuyệt."

"Phải, chưa kể đám hương này đều là do cậu ấy làm ra cả. Đám trâu giấy ngựa giấy cũng là do cậu ấy gấp. Đây là một mãnh tướng của âm ty Đông Nhạc chúng ta." Lão Bạch đắc chí khoe khoang.

"Cậu ta làm?" Đôi mắt chị Hồ toát lên vẻ ao ước. Mặc dù hay bảo ai nấy đều là người một nhà, sếp của chị là con gái của sếp lớn Lan Hà, nhưng chung quy vẫn khác. Chị lắp bắp nói với Lan Hà, "Cậu sống ở đâu? Ta theo cậu về nhà."

Lan Hà: "..."

Lan Hà phát hoảng, làm sao đây, vì bữa ăn mà lấy thân báo đáp?

"Ờm, không, không được, không hay đâu chị."

Nuôi hồ ly tinh? Thôi xin kiếu.

Chị Hồ nhìn móng tay: "Cậu thấy móng tay ta dài quá?"

Dài thì đúng là dài quá thật, nhưng mà... Lan Hà nhìn lão Bạch cầu xin.

"Vì mấy cây hương cỏn con mà luồn cúi, chị muốn vứt hết thể diện của nương nương sao!" Lão Bạch trách cứ, đoạn nhìn Lan Hà với vẻ nghiêm túc, "Anh à, em cũng chẳng muốn gồng nữa..."

Lão Bạch biết Lan Hà còn muốn từ chức đi Vô Thường thì đời nào chịu đi nuôi hồ ly. Y trêu xong bèn giải vây cho anh: "Cô Hồ này, cô cũng biết bây giờ là tiết gì mà, bọn ta bận lắm, đưa cô về cũng chả lo cho được."

"Vậy thôi." Chị Hồ nhìn Lan Hà với vẻ tiếc nuối.

...

Quà đã tặng, cơm đã ăn, là lúc nên về rồi.

Bé mập ôm chân Lan Hà khóc vòi không cho anh đi. Lan Hà bế bé lên: "Sau này chú sẽ đến thăm cháu tiếp."

"Còn ta nữa nha." Chị Hồ lại cười, khóe miệng vô thức nhỏ hai giọt nước miếng.

Lan Hà: "... Được."

Lão Bạch và Lan Hà xuống núi, y bảo còn có việc bèn rẽ hướng khác đi, Lan Hà chỉ đành về thành phố một mình.

Mình là một Vô Thường sống, chẳng sợ cái quái gì. Lan Hà lẩm bẩm bay về, đi được nửa chừng bèn nghe tiếng chiêng trống.

Lan Hà lấy làm lạ, chỗ này là nơi đồng không mông quạnh, đèn ở các tòa kiến trúc gần đây nhất cũng nằm ở nơi rất xa, cũng chẳng có mấy xe cộ đi ngang qua trong đêm, vậy tiếng chiêng trống rộn ràng đó từ đâu ra?

Anh dỏng tai nghe kĩ, không chỉ mỗi tiếng chiêng trống mà còn mang máng có tiếng hát hí réo rắt.

Mộng Tinh là một diễn viên Xuyên kịch*, hằng năm sẽ trú diễn tại một quán trà ở Bắc Kinh với đoàn kịch các cô. Tuy gọi là đoàn kịch, song vẫn mang phong cách rất hiện đại, thậm chí còn đăng kí công ty.

(*Xuyên kịch tức hí kịch Tứ Xuyên.)

Bắc Kinh là trung tâm văn hóa, dù rằng các cô chỉ hát hí khúc địa phương thì vẫn có người thưởng thức. Bình thường các cô còn có thể nhận một vài sự kiện kịch.

Ví như bây giờ có một ông chủ quê Tứ Xuyên mời các cô đến sơn trang nghỉ dưỡng mình mở để dựng kịch.

Một cái xe buýt chở tất cả đến sơn trang nghỉ dưỡng ngoài ngoại ô Bắc Kinh. Ai nấy đều đang buôn dưa rôm rả trên xe về chuyện dạo gần đây có chuỗi nhà hàng lẩu muốn lôi kéo đoàn kịch các cô. Diễn viên trong đoàn kịch cơ bản toàn là người gốc Tứ Xuyên, ai ai cũng quen tám chuyện bằng giọng quê hương, tiếng chửi "ngu ngốc" vang rền khắp xe.

Đặt chân đến sơn trang nghỉ dưỡng xong, đến tối sẽ bắt đầu diễn, sân khấu ngoài trời nên ai cũng tranh thủ bắt đầu trang điểm.

Hôm nay phải diễn một vở kịch quỷ kinh điển, "Tình thám"* trong "Phần hương ký".

(*"Phần hương ký" là một tác phẩm truyền kì thời Minh, tác giả là Vương Ngọc Phong, chủ yếu là nói về chuyện tình yêu giữa Vương Khôi và Tiêu Quế Anh. Nội dung của "Tình thám" là: Vương Khôi rớt cử nhân gặp gỡ với một danh kĩ là Tiêu Quế Anh, nên duyên vợ chồng. Vương Khôi vào kinh thành đi thi, sau khi giành giải Trạng Nguyên thì vong ân phụ nghĩa, Quế Anh nhận thư đòi bỏ vợ bèn đến miếu Hải Thần khóc òa kể tội Vương Khôi, thắt cổ tự vẫn, cuối cùng phán quan cho tiểu quỷ đến bắt sống Vương Khôi.

*Tình thám có thể hiểu là "Sự thử thách của tình yêu".)

Xuyên kịch có nhiều kịch liên quan đến ma quỷ, kịch quỷ nhắc đến những câu chuyện có quỷ, thậm chí còn có hí khúc lấy quỷ làm nhân vật chính. Cũng như vở kịch quỷ được xưng là hàng đầu "Ô bồn ký"*, nó có cái tên gốc rất đáng yêu "Đinh đang quỷ chậu", nhưng chính bản thân vở kịch lại nổi tiếng là kinh khủng.

(*Ô bồn ký: Nằm ở hồi 5 trong tác phẩm cổ điển nổi tiếng "Tam Hiệp Ngũ Nghĩa", kể về chuyện Bao Công đến huyện Định Viễn phá vụ án mạng tham tài hành hung. Chữ ô bồn ở đây được hiểu là cái chậu bẩn, ở Việt Nam được dịch thành "Vụ án chiếc chậu sành". Thương nhân Lý Hạo trên đường trở về nhà gặp Đinh Thiên, một tên tướng cướp đã rửa tay gác kiếm nay làm nghề chế tác chậu sành. Đinh Thiên vô tình phát hiện Lý Hạo mang theo nhiều vàng bạc nên nổi lòng tham, giết chết anh rồi cùng đồng bọn Giang Vạn Lý đốt xác và lấy tro làm thành một chiếc chậu sành đem bán. Vương Tiến, người đã bán chiếc đèn lồng cho Lý Hạo để anh đem về tặng con vô tình lại là người mua chiếc chậu oan nghiệt đó. Oan hồn Lý Hạo không siêu thoát, hiện lên cầu xin Vương Tiến đi đánh trống kêu oan cho mình, đồng thời bộc lộ mong muốn về thăm vợ con. Chu Vân Nương vợ Lý Hạo biết chồng chết oan quyết khăn gói lên phủ Khai Phong cầu xin Bao Công tìm ra hung thủ.)

Và đa số các kịch quỷ trong Xuyên kịch thậm chí còn sản sinh ra một loại nghề đào kép độc đáo: Quỷ hồ đán.

Trong đó người ta còn chia ra quỷ đán và tiên hồ đán, lần lượt là những cô gái đóng quỷ và hồ ly thành tinh. Quỷ đán gắn lĩnh*, hồ đán gắn lông đuôi trĩ, là một trong những thứ kì công nhất của quỷ hồ đán.

(*Lĩnh là một loại vải mỏng dùng cho tranh chữ.)

Mà trong vở "Tình thám" của ngày hôm nay, Mộng Tinh diễn vai quỷ nữ Tiêu Quế Anh.

Mộng Tinh hóa trang đổi mặt* một cách tỉ mỉ, đoạn nhớ tới chuyện ngày xưa từng diễn quỷ, cô treo tờ tiền lên tai làm kí hiệu.

(*Trong Xuyên kịch, người ta sẽ bôi thuốc màu hóa trang ở từng bộ phận riêng trên khuôn mặt, lúc trình diễn thì lấy tay quệt lên mặt để thay đổi sang sắc mặt khác.)

Lúc này, Mộng Tinh nghe chủ gánh hỏi: "Linh Quan đâu? Linh Quan đi đâu rồi?"

"Linh Quan" không phải tên của người. Theo truyền thống Xuyên kịch, phàm là phải diễn kịch quỷ liên tục, nhất là khi diễn vở kịch Mục Liên* với đông đảo nhân vật quỷ, để phòng ngừa việc dẫn quỷ chính tông đến gây chuyện, người ta sẽ mời một diễn viên – thường sẽ là diễn viên nam chính* của đoàn kịch – sắm vai thần Vương Linh Quan*. Lúc mở màn, người đó sẽ bước ra trấn yểm sân khấu; lúc kết thúc lại ra "quét" sân khấu, ngụ ý là quét sạch đám yêu ma quỷ quái.

(*Mục Liên là một vở kịch Phật gia kinh điển, kể về câu chuyện Mục Liên vượt qua bao chông gai khó khăn để cứu mẹ khỏi địa ngục.

*Vương Linh Quan là thần Hộ Pháp đời đầu trong Đạo giáo.

*Ở đây là 当家花脸 Tức diễn viên nam chính của đoàn kịch, chuyên đóng vai nam mạnh mẽ, dữ dội. Cảm ơn cô Manh nha.)

Bởi vì vở kịch này không phải một vở kịch lớn với nhiều diễn viên nên họ đã tương đối đơn giản hóa nghi thức này, mở màn trấn yểm sân khấu chỉ niệm mỗi một câu chú, lúc kết thúc "quét" sân khấu cũng chẳng mở lời, lấy cái chổi quơ bốn hướng là được.

Nhưng dù có đơn giản cách mấy thì cũng chẳng thể không tìm thấy người chứ.

Bầu gánh tìm tới tìm lui, cuối cùng mới tìm được người đó ở nhà vệ sinh. Diễn viên kia chẳng hiểu ăn phải thứ gì mà bị tiêu chảy.

Bầu gánh bóp mũi bắt chuyện với anh ta mãi cũng chẳng tài nào ra ngoài được. Bình thường toàn anh ta sắm vai Linh Quan, bầu gánh hết cách bèn tìm diễn viên khác thay tạm.

Lúc Mộng Tinh đợi lên sân khấu thì trông thấy Linh Quan thay thế đương cầm pháp khí roi vàng đứng niệm chú trấn yểm ở phía trước.

Cô kìm lòng không đậu hỏi diễn viên đóng nam chính Vương Khôi đứng cạnh: "Anh ta niệm sai thì phải?"

Diễn viên đóng Vương Khôi tên là Lê Xuyên, anh ta cũng gật đầu, "Hình như vậy."

Dù họ chưa bao giờ niệm chú thì nghe lâu cũng biết câu chú người đứng trước mặt đang niệm sai lè. Vốn dĩ chỉ là thay người tạm thời, vả lại người xem dưới sân khấu không ai hay, thành thử coi như cho qua.

Thời đại đã khác, không ai quá để tâm nữa.

Đoạn kịch "Tình thám" này được xem là phần cao trào của "Phần hương ký".

Nó kể về chuyện nữ chính Tiêu Quế Anh sau khi tự vẫn đã hóa thành quỷ, đi đến thư phòng của tên Vương Khôi phụ tình. Cô thấy đùa gã ta chán ngắt bèn lấy mạng ngay tại chỗ.

Thoắt cái, Mộng Tinh phải lên sân khấu.

Cô đi quanh sân khấu, bước chân nhẹ nhàng, lĩnh chẳng cần gió vẫn phấp phới, không lộ chân ra, trông thật giống hồn ma đang bay. Kiến thức cơ bản vững chắc tức thì dẫn tới sự ủng hộ của người xem dưới sân khấu.

Tình tiết phát triển dần, sau khi quỷ đán dịu dàng phát hiện gã đàn ông cặn bã đã phụ lòng mình bèn nháy mắt trở thành lệ quỷ đòi mạng, tình tiết cực kì hồi hộp và kịch liệt.

Diễn trên sân khấu ngoài trời, lại còn đang giữa đêm hôm thành thử luôn cảm nhận được luồng gió lạnh thổi vù vù. Dù Mộng Tinh có dốc sức diễn ra sao, người có nóng thế nào vẫn cảm giác sau gáy se lạnh. Có lẽ là mồ hôi bị gió thổi lạnh.

Mộng Tinh xuống sân khấu trong tiếng vỗ tay, chân hơi nhũn nhưng may có Lê Xuyên đỡ cô, đoạn cả hai chuẩn bị đi tháo trang sức. Sân khấu được dựng ngoài quảng trường để tiện cho người xem nên đương nhiên "hậu đài" được đặt trong một căn gần đó.

Sơn trang nghỉ dưỡng này nằm chếch, đứng bên trong dõi mắt ra xa sẽ nhìn thấy núi, dọc đường đi chỉ có ánh đèn nhập nhèm trong bụi hoa bụi cỏ.

Mộng Tinh càng đi càng thấy lạ: "Có phải chúng ta đi nhầm đường không anh, sao chỉ có mỗi hai đứa thế này?"

Không chỉ mỗi họ chào cảm ơn mà còn các diễn viên khác nữa, chưa kể người xem cũng giải tán, dù có ra sao cũng không thể vắng tanh vắng ngắt đến mức này mới đúng.

"Không thể nào, anh nhớ rất rõ là đường này." Trí nhớ Lê Xuyên khá tốt, anh ta tin chắc mình không đi nhầm đường, song nhìn bốn phía chẳng lấy một bóng người làm anh ta cũng thấy kì lạ, "Có lẽ họ đi đường khác... Đi thôi, đằng nào chúng ta sắp đến nơi rồi."

Không một bóng người thực sự rất quái dị. Mộng Tinh giật thót, ngay lúc này có giọng nói cất lên từ sau lưng: "Cô Mộng Tinh, cậu Lê Xuyên!"

Mộng Tinh dừng bước ngoái đầu bèn thấy một người đàn ông trung niên mặc áo kiểu Tôn Trung Sơn đuổi theo từ đằng sau. Trong bóng tối, gương mặt ông ta dần lộ ra, mắt to mũi cao, nhìn quen quen, "Chào hai người, ban nãy tôi mới xem vở kịch của các cô cậu, diễn rất hay!"

"Cảm ơn chú." Mộng Tinh nghĩ, hóa ra là người mê kịch, hình như ban nãy có thấy ông ta dưới sân khấu thật, còn đứng xem đầy hưng phấn nữa là.

Người đàn ông trung niên hết sức nhiệt tình, "Cô Mộng Tinh vừa xuất hiện trên sân khấu là tôi đã thấy kĩ năng diễn vô cùng tốt rồi, đặc điểm "lướt đi theo gió" của quỷ được cô nắm bắt rất chuẩn. Và cả lúc lấy mạng gã đàn ông cặn bã kia nữa, cái thần thái đó thật sự làm tôi nhớ tới Thái Nguyệt Thu! Ngặt nỗi Thái Nguyệt Thu là đàn ông nên mạnh mẽ hơn cô, lúc tôi bắt tay với cậu ta cũng có thể cảm nhận được luồng sức mạnh đó. Ôi, lạc đề rồi, tóm lại là đã lâu rồi tôi chưa gặp được một Tiêu Quế Anh tuyệt vời đến bậc này, quả là quỷ đán xuất sắc..."

Ông ta càng trưng nét mặt hào hứng, Mộng Tinh và Lê Xuyên càng kinh ngạc và hoài nghi hơn.

Thái Nguyệt Thu và một tiền bối tiếng tăm lẫy lừng, đồng thời là một nam đán Xuyên kịch, Tiêu Quế Anh ông đóng cực kì nổi tiếng.

Người ta hay nói trong tứ đại kinh điển "Chu Vương Tần Lâm Giang hấp thủy, Đàm Vân Tiên u hội phóng bùi. Dương Tố Lan quý phi say rượu, Thái La La miếu Hải Thần bắt sống Vương Khôi", Thái La La ý chỉ Thái Thu Nguyệt.

Chỉ là cách nói này đã là khá lâu về trước, đã là cách nói lưu truyền cuối thời Thanh đầu dân quốc.

Làm sao người đàn ông trung niên này có thể gặp được Thái Nguyệt Thu và bắt tay với người ta!

Mộng Tinh đang thấy quái quái, nghi ngờ ông ta bị điên thì thấy người đàn ông trung niên vươn tay ra nói: "Thật sự không dám giấu, tôi quen cả tá diễn viên nghiệp dư*, đêm nay chúng tôi cũng gặp nhau, nhưng họ không tin các cô cậu có thể diễn hay, tại có mỗi tôi đến xem mà. Tôi muốn mời hai người diễn một lúc để họ mở mang tầm mắt, được không?"

(*Từ gốc ở đây là 票友, ý chỉ người đam mê hí kịch đến nỗi tự sắm vai và diễn các vở kịch nghiệp dư.)

Ông ta vừa ngoắc vừa cất mấy bước.

Đến giờ Mộng Tinh và Lê Xuyên mới chú ý đến chân ông ta, liếc một cái mà máu đông cứng lạnh. Trên mặt đất không có bóng của người đàn ông này, vả lại, ông ta đang bay.

...

Lan Hà dò theo tiếng động tìm sang bên kia. Vốn dĩ anh không muốn nhìn đâu, chỉ là thấy loa phóng thanh và micro nhỏ rơi ven đường vẫn nguyên vẹn, cảm thấy có hơi lạ bèn đi qua xem.

Chỉ thấy trên bãi đất hoang có dựng một sân khấu kịch thô sơ, trên sân khấu có hai đào kép đã hóa trang đang diễn với nhau, có điều dù hóa trang thì cũng nhìn ra một người trong đó có vóc dáng và mặt mũi cường tráng, có vẻ là nam đán.

Ngoài trống nhạc bên cạnh thì dưới sân khấu còn có mười mấy người đang tập trung xem.

Trên sân khấu, cô gái trẻ đẩy người đàn bà già: "Chết tiệt, đồ sống dai nhà bà..."

Người xem dưới sân khấu bèn căm phẫn chửi: "Đồ mụ vợ ác độc!"

Lan Hà bay tới từ một bên, anh đứng ở một nơi không xa không gần, nhờ bụi cỏ cao che mà tập trung nhìn.

Hai diễn viên trên sân khấu có hỏa khí mờ ảo nhưng vẫn đúng là người sống, song cái đám mặt xanh lét, đeo nụ cười cứng ngắc đương tấu nhạc và xem kịch này không phải quỷ mới là lạ, toàn cô hồn dã quỷ.

Chính vì vậy mà dù hai đào kép đang kẻ này bắt nạt người kia, nhưng mắt rưng rưng, chân run lẩy bẩy.

Chỉ riêng việc nhìn những gương mặt xanh lét dưới sân khấu là Lê Xuyên và Mộng Tinh đã sợ vỡ mật rồi, song vẫn phải cố gắng diễn tiếp, chỉ sợ diễn không tốt sẽ bị tính sổ.

Họ diễn vở "Tình thám" còn chưa đủ, mấy tên... "diễn viên nghiệp dư" này còn bắt họ diễn lại. Bao dũng khí dần bị mài mòn, họ không khỏi nghĩ thầm không biết còn có thể về được nữa không.

Lan Hà đang nhìn thì bất thình lình có người lên tiếng:

"Là ngươi?"

Lan Hà cứ ngỡ là quỷ, lúc ngoái đầu nhìn thấy người lạc hồn mặc đồ đen tóc đen, cổ đeo tràng hạt mà anh gặp phải trên đường đi dẫn quỷ với Nghiêm Tam ngày trước, bèn sửng sốt thốt lên: "Là anh!"

Đúng là ngươi thật rồi. Tống Phù Đàn chưa hỏi tên của quỷ sai này, âm phủ rộng lớn chừng ấy mà vẫn có thể gặp lại.

Nếu quỷ sai này không đeo khẩu trang, trên mũ viết "Đến cũng đến rồi" và có lẽ chỉ có một thì hắn sẽ chẳng dám nhận bừa.

Thấy đôi mắt Lan Hà toát lên vẻ mừng lỡ, tâm trạng Tống Phù Đàn cũng thoải mái hơn, dè dặt khẽ gật đầu.

Lan Hà giật mình nhìn hắn: "Sao anh lại ở đây? Anh chết rồi?"

Tống Phù Đàn: "..."

Tống Phù Đàn: "Hồn lìa khỏi xác."

"Không thể nào." Lan Hà thấy sai sai, "Hôm đó tôi mới đưa anh về mà."

Tống Phù Đàn bình tĩnh nhìn anh: "Ngươi nói vụ "Ra roi thúc ngựa" kia?"

"..." Lan Hà cười ngượng, "Ban đầu muốn đưa ngựa cho anh, ai biết chỉ còn mỗi... Ủa, bộ nó rách nửa chừng nên anh vẫn lảng vảng đến tận giờ?"

Tống Phù Đàn: "Là lại xuất hồn."

Lan Hà cảm thấy rất là bất ngờ, nhịn lắm mới không nói tần suất anh xuất hồn sắp vượt qua tên Vô Thường sống là tôi rồi đó: "Lại xuất hồn? Anh làm gì mà trong thời gian ngắn như vậy đã xuất hồn tiếp? Là bị đám quỷ này dẫn tới à? Nếu chưa rách thì lừa chiến tôi đưa anh đâu? Anh làm mất nó rồi à!"

Tống Phù Đàn: "??"

Tống Phù Đàn: "Lừa chiến...?"

Ngụ ý chắc là: Sao ngươi có thể mặt dày mà nói như vậy?

Lan Hà: "Có vấn đề gì? Tôi là một mãnh tướng của âm ty Đông Nhạc đó!"

*Tác giả:

Lão Bạch: Là mãnh tướng của âm ty Đông Nhạc ta! Siêu mãnh!
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện