"Nào, nhìn theo ngón tay bác nhé." Vị đàn ông già dặn mặc áo nghề trắng toát, dài đến ngang đầu gối, giơ ngón trỏ gầy gầy nhăn nheo trước mắt. 

Đôi đồng tử nâu sáng lờ đờ chậm rãi di chuyển theo ngón tay. Một đống người đứng đằng sau, trông đều trẻ măng, ai nấy cặm cụi viết lách, đôi lúc ngẩng lên nhìn nhìn, nhòm thật kỹ, tay lia lịa trên tờ giấy, thi thoảng đưa lên đẩy cặp kính dầy cộp. 

Sau một vài bài kiểm tra phản ứng cơ thể khác, vị bác sĩ quay lại nói với người phụ nữ trung niên đang nén từng hơi thở nặng trĩu.

"Tạm thời chưa có vấn đề gì nguy hiểm nữa. Cháu cũng vượt qua được kiếp nạn này coi như được sống lại một lần, sẽ không sao đâu, mong gia đình đừng lo lắng quá. Chỉ là chỗ này đang hồi phục một cách kỳ diệu, chúng tôi lại không hề đả động gì đến nó. Vốn dĩ bệnh này chưa hề có cách chữa trị. Nên là vẫn cần ở bệnh viện để kiểm tra nhiều hơn." Ông đang nói thì dừng lại, tay vô thức chỉ lên trán. 

Bà trực trào nước mắt. Dòng chảy nóng hổi tuôn ra từ nơi khoé mắt gập lại từng đường vì nếp nhăn. Một người phụ nữ trẻ tuổi, ngồi xuống giường, chạm lên gương mặt tê cứng lạnh ngắt, không một chút cảm giác nào của tôi. Mãi lúc sau, đôi môi khô khốc run lên nói những lời đầu tiên sau vài tháng bất tỉnh. 

"Chị..." 

"Ừ chị đây." Người kia không kìm được, nấc lên một tiếng, rồi quay qua bên kia: "Mẹ ơi, em tỉnh thật rồi." 

Người mẹ ấy của tôi, đã già đi rất nhiều. Tóc bà lấm tấm điểm chuốt vài sợi bạc ở mái, mếu máo ngồi xuống ghế cạnh giường, nói với tôi nhiều điều, nhưng đều khó hiểu. 

Anh trai chững trạc tiễn vị bác sĩ cùng một giàn thực tập ríu rít nối đuôi ra ngoài. Anh tôi lấy vợ rồi. Người ngồi trước mặt này là chị dâu của tôi, gia đình đã có hai cháu song sinh một trai một gái. 

Mẹ và chị rối rít hỏi thăm tôi, nói đủ thứ, chạy qua chạy lại hỏi tôi có đói không. Tôi tỉnh lại được một tuần, nhưng đến tận giờ tôi mới có ý thức trở lại. Bác sĩ nói tôi đã có thể ăn được, nên chị chạy đi lục tung khắp phòng kiếm được gì đó có thể khiến tôi lấy lại sức. 

Tôi lặng im, đảo mắt liên tục giữa những gì đang diễn ra. Đầu mũi tôi cay xè, từng đoạn cơ mặt giật lên không ngừng, phần não bị tổn thương trở nên tê tái điên cuồng. Một dòng điện xoẹt qua làm tai tôi ù lên đau đớn. Tôi nhận ra rằng bản thân đang ở đâu, đã trải qua những gì, và cuối cùng lại chẳng cứu được ai. Giấc mộng quá đỗi ngắn ngủi như một chuỗi phim tái hiện ký ức trước khi con người chuẩn bị sang thế giới khác. Phải chăng vì tôi chẳng có lấy một quá khứ đẹp đẽ nào nên ký ức của tôi mới được ưu ái mà hiện lên một cách mơ hồ khiến người khác nhầm lẫn như vậy? 

Bố. Vẫn không thể quay lại. 

Hoàng Hải Đăng. Cũng chỉ là giấc mơ đẹp trong năm tháng thanh xuân. Vẫn không thể thành hiện thực. 

Tôi đờ đẫn, không thể khóc nổi. Hai mắt khô cong dường như không có một chút nước nào bên trong. Tôi không chấp nhận nổi hiện thực này. Tôi còn chẳng thể chào bố lần cuối cả trong giấc mơ. 

*** 

Vài ngày sau, Linh cầm bó hoa to tướng đến thăm tôi, còn dắt theo cả người nào lấp ló đằng sau. Vị này có chút quen mặt. 

"Chúng mày vẫn còn quen nhau đấy à?" Tôi ngờ vực. 

Linh bất ngờ, ngồi sụp xuống ghế, tóm lấy hai tay tôi: "Nghe nói chỗ ấy của mày đang dần hồi phục, thì ra là thật." 

"Chỗ ấy?" 

Linh dừng lại, hai mắt rưng rưng, nhìn tôi đầy đau buồn và thương xót. Lâm đến gần, xoa đầu con bé, an ủi, rồi nói với tôi: 

"Mày nhớ lại được hết rồi à?"

Tôi nuốt nước bọt: "Gì chứ? Nói cái gì chẳng hiểu? Chúng mày vẫn chưa chia tay à?" 

Linh như bắt được vàng, hớn hở tươi rói: "Chia tay cái gì. Tại đầu óc mày không khoẻ nên bọn tao mới hạn chế gặp nhau trước mặt mày thôi." 

"Tao đã quên cái gì à?" Tôi bực mình trước sự vui mừng không rõ này của hai đứa kia. 

Linh đến thăm tôi cả nửa ngày, chỉ kể chuyện. Kể cho tôi nhiều chuyện, mà tôi đã quên, đã đánh mất từ rất lâu rồi. 

Hoá ra, kiếp trước mà tôi coi là cơ hội để làm lại cuộc đời, lại chỉ là cuộc đời mà tôi từng trải qua, và được trải qua một lần nữa, sống động như thật. 

Khi ấy, tôi mắc một căn bệnh không tên, ở não. Vỏ não mang một lớp màng bọc, bám chặt lấy từng kẽ hở, ngày càng rối, không thể phẫu thuật, không thể chẩn đoán là bệnh gì. Chỉ có tác hại là ngày càng quên dần, rối loạn kí ức. Nặng hơn là mất trí nhớ hoàn toàn. Nặng hơn nữa là chết não. 

Tai nạn năm ấy đã làm tôi bị tổn thương ở vùng đầu, vì thế mới phát hiện bệnh sớm. Nhưng căn bệnh này không có cách chữa, nên dường như ai cũng bỏ cuộc. Chỉ người bệnh như tôi, vừa khỏi chấn thương vì tai nạn, liền quên mất lý do tại sao mình lại nằm viện. Vài ngày sau đó thì quên hết ký ức của vài tháng trước. Nghe đến đây, tim tôi như có sợi dây siết chặt, không thở nổi. 

Hồi ấy tinh thần tôi không được ổn định. Bác sĩ nói rằng không được cố gắng lấy lại ký ức đã mất, vì dấu hiệu của tôi đã lên đến mức độ hai, rối loạn trí nhớ. Càng cố nhớ lại, càng nhớ sai, và có nguy cơ rơi vào trầm cảm. Vì thế, mọi người liền im lặng thuận theo từng diễn biến tâm lý của tôi. Tôi cho cái gì là thật, thì mọi người khẳng định cái đó là thật. Không thể cố gắng giải thích. Duy nhất có một người, lại tự tiện đảo lộn mọi thứ.

Nghe Linh kể, tôi nhớ dần được tất cả những gì là sự thật diễn ra suốt quãng thời gian sau tai nạn khi ấy. Quỳnh sau đó ngày ngày đều một mình qua thăm tôi sau mỗi giờ học. Đem bài vở đến, bày ra trước mắt tôi tất cả những gì những người bạn tốt có thể làm. Rồi kể tôi nghe một ngày của lớp đã diễn ra thế nào. Cũng nhắc đến Đăng rất nhiều, úp úp mở mở. 

Tôi đang trong thời gian rối loạn tâm trí, những thứ Quỳnh kể trùng lặp rất nhiều với những gì tôi và Đăng đã cùng nhau trải qua. Chẳng trách... tại sao ký ức của tôi lại sai lệch đi nhiều đến vậy. Người con gái của Đăng thật sự là tôi, không hề như những gì Quỳnh cố ý bóp méo khiến người bệnh đầu óc không được minh mẫn như tôi nhầm lẫn. 

"Hồi đó mọi người phải cố gắng nói cho tao biết chứ." Tôi lớn giọng trong uất ức, rùng mình vì những gì đã xảy ra. 

Linh sụt sịt, gạt nước mắt gân cổ cãi lại: "Hồi đấy mày như bị tâm thần phân liệt ấy. Tâm trạng thì lên xuống thất thường, lúc nào nhìn thấy cái thằng kia cũng khóc. Ai mà dám nói cái gì được. Nó thì cũng bị điên. Hai chúng mày đều thần kinh với nhau cả nên những đứa ở giữa như bọn tao mới không thể làm gì đấy." 

"Lúc ấy Đăng thế nào? Ý tao là, đột nhiên tao bị như thế, thì mọi thứ sẽ..." Tôi ngập ngừng.

"Nó chấp nhận sự thật này còn nhanh hơn bọn tao. Thậm chí tao còn phải tháo cái vòng cổ của mày xuống theo lời nhờ vả của nó."

Nghe đến đây, tôi như phản xạ lập tức sờ lên cổ mình, hoảng loạn: "Cái vòng đấy thực sự có thật ư?" Bởi tôi vẫn không thể tin được những gì tôi cho là kiếp sau ấy lại chính là thực tế. "Còn giữ không?"

Linh nhíu mày, cố gắng lục lại ký ức: "Hình như nó nằm trong hộp đồ lưu niệm của tao thì phải. Để về tao tìm cho." 

Xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc, tôi đã có cho mình kết luận. Giả thuyết ban đầu "Tôi bị điên" được đưa ra khi mới bắt đầu giấc mộng, lại là thứ đáng thuyết phục nhất. Trên đời này làm gì có chuyện thần kỳ như sống lại được cơ chứ? Chỉ có sống một lần duy nhất với những tiếc nuối của quá khứ không thể buông bỏ thôi. 

***

Hai tuần sau, tôi được xuất viện sau vô vàn những bài kiểm tra sức khoẻ mỗi ngày. Vị bác sĩ già điều trị chính cho tôi vui mừng vỗ vai, còn tặng cho tôi một túi hoa quả làm quà: "Bác không mong gặp lại cháu nữa đâu. Ai đời lại có bệnh nhân tuần nào cũng gặp mình nhẵn mặt mà lần nào mình cũng phải giới thiệu bản thân." 

Xách túi đồ ra đến cổng bệnh viện, mũi giày năm phân của tôi chợt khựng lại trước vạch kẻ đường. Tim tôi đập loạn xạ, chẳng dám bước qua. Tôi hít lấy hít để thứ oxi được cho là hiếm hoi trong phổi lúc này, mặc cho đường phố toàn là bụi. 

Từ đâu, Linh hốt hoảng chạy đến, kéo ngược tôi lại trước khi cơ thể như đang dần ngả xuống. Con bé lo lắng, quát: "Đi đứng cẩn thận đi người ơi. Có muốn nằm đây một lần nữa không hả?" 

Giữa vạch kẻ đường kia, ngay trước mắt, như có vũng máu lớn vào ngày mưa tầm tã. Cũng là một ngày mưa... 

Linh khoác tay, dắt tôi qua đường: "Cái tên lúc ấy, hắn lên xe một mạch tẩu thoát, đến giờ vẫn chưa bắt được. Tốt nhất là mày nên cẩn thận nhiều chút thì hơn."

Tôi ngơ ngẩn đến đần người. Cảm giác phải chết nhiều khi cứ cận kề không biết trước. 

"Mày có vẻ không thèm nghe tao nói. Thế có lấy lại thứ này không?" 

Linh thả đung đưa trước mặt tôi sợi dây chuyền. Mắt tôi như bắt được ánh sáng, liền chộp lấy không chút ngại ngần. Nắm chặt chiếc vòng trong tay, nỗi sợ vô hình không thấy đáy dường như cũng nguôi đi phần nào. 

Tít tít. Cạch. Mở cửa nhà, tôi ngả mình luôn xuống sofa. Tôi đang ở trong căn chung cư thuê vài triệu một tháng, đầy đủ tiện nghi và thoải mái để sống một mình. Kê tay lên trán, mắt chăm chăm nhìn vào trần nhà. Ánh đèn mờ ảo len lỏi giữa căn phòng tối thui phát ra từ gian bếp. Nghĩ đi nghĩ lại mà tôi phải tự cười khinh chính mình đến mức lẩm bẩm một lúc lâu.

"Hừ, sao mật khẩu nhà thì vẫn nhớ. Vẫn nhớ phải đi làm để kiếm tiền như thế nào, vẫn nhớ rất nhiều thứ... Tại sao lại chọn lọc những cái quan trọng nhất để nhầm lẫn như thế?" 

Nằm quằn quại một hồi, tôi bò dậy men theo tia sáng lé loi từ bàn bếp. Định mở tủ ra tìm nước, đập vào mắt tôi lại là tờ ghi chú to đùng dán ngay trên cánh tủ lạnh. 

"Bác sĩ dặn không được uống nước lạnh. Nhất định phải đến khám định kỳ vào thứ bảy tại bệnh viện X, khoa ngoại thần kinh, bác sĩ Văn Toàn. SĐT: 0xxxxxxxxx." 

Thì ra đây là lý do tại sao tôi vẫn đều đều đi khám dù chẳng nhớ nổi bác sĩ điều trị cho mình cái gì. Nét chữ này là của tôi, dù không nhớ nhưng chắc chắn sẽ phải đi. Tờ giấy nhàu nát, bạc cả màu theo năm tháng, chắc hẳn tôi đã từng luôn cố gắng và khổ sở thế này. 

Tiếng cuộc gọi video zalo vang lên. Tôi dán lại tờ giấy rồi lật đật đi tìm điện thoại. 

"Con gái, nhớ mai về nhà với mẹ đấy nhé."

"Vâng, con nhớ mà. Con vừa từ bệnh viện về. Chút nữa con sẽ dọn đồ."

"Mang vài bộ quần áo là được rồi. Có gì về đây mẹ dắt đi mua." Mẹ nói giọng nhẹ nhàng, cưng chiều tôi hết mức.

Mai tôi sẽ cuốn gói về quê ở với mẹ, coi như là nghỉ dưỡng. Mẹ đã phải về trước từ tuần trước nên không thể cùng tôi ra viện. Sáng nay có anh trai làm thủ tục xuất viện cho tôi, ngày mai anh sẽ lai tôi ra ga tàu. 
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện