Câu lạc bộ những người lớn tuổi chuẩn bị giải tán về nhà, cũng hơn 9 giờ sáng rồi.
Dân lão có chút không tha:
- Ầy..
Còn hôm nay, ngày mai nữa là Tiểu Cố không thể hàng ngày ở lại chơi cờ cùng mấy ông già chúng ta nữa rồi.
Buồn thật chứ.
Hiểu Linh cười cười.
5/9 này cô khai giảng rồi.
Lịch học được báo từ cuối tháng 8, các lớp phần lớn đều được xếp vào buổi sáng nên sau này một tuần cô chỉ có 1-2 buổi gì đó có thể ngồi lại chơi cờ cùng ba lão nhân.
Dương lão đột nhiên đề nghị:
- Nếu không buổi chiều tầm 5-6 giờ, ba chúng ta tập trung ở nhà nào đó chơi cờ đi.
Hay sang nhà ta? Buổi chiều tầm giờ đó chắc Tiểu Cố rảnh rồi nhỉ?
Hiểu Linh đáp:
- Con buổi chiều ngoại trừ những hôm đi tập võ thì thường qua bên bệnh viện Thú y để làm việc, giúp đỡ bên đó.
Nhiều hôm có những ca khó đến tối muộn mới về nên cũng không chắc được ạ.
Sắp tới con cũng có vài kế hoạch cần triển khai nên sợ là khá bận rộn.
Con xin lỗi.
Dân lão đủng đỉnh nói:
- Lỗi lầm gì.
Giới trẻ là phải xông pha, bận rộn.
Bọn ta mới rảnh rang nhiều thời gian đến vậy, con mặc kệ lão Dương đi.
Đột nhiên Quốc lão lên tiếng:
- Hiểu Linh, qua đây.
Hiểu Linh có chút giật mình.
Quốc lão thường theo hai người bạn gọi cô là Tiểu Cố, sao đột ngột lại gọi tên như vậy.
Cô lễ phép đáp:
- Dạ ông gọi con.
Quốc lão cầm thứ gì đó trong tay đưa ra trước mặt ra hiệu cho Hiểu Linh đón lấy.
Cô nghi hoặc đưa cả hai tay ra nhận đồ.
Khi nhìn rõ vật gì trong tay thì cô rất ngạc nhiên, đó là một cái huân chương kèm thêm một mảnh giấy gấp tư.
Cô không rõ nhìn Quốc lão.
Lăng Ái Quốc chậm rãi nói:
- Ngày 15/9 tới, ta tổ chức mừng thọ 90.
Con phải tới.
Cầm cái huân chương này đưa cho cảnh vệ gác cửa xem, họ sẽ dẫn con vào.
Gặp ta thì trả lại cho ta là được.
Địa chỉ tổ chức ta ghi sẵn trong giấy đó.
Hiểu Linh bối rối đáp:
- Thưa ông.
Con nghĩ là con không nên tới thì tốt hơn.
Con đang trong đại tang của mẹ mà thượng thọ 90 là ngày vui ít có.
Con không nên mang vận đen tang chế tới.
Lăng lão chăm chăm nhìn Hiểu Linh rồi đột nhiên hỏi:
- Nếu như con nói thì những sự kiện gì con sẽ không tham gia khi đang đại tang? Đối với ai cũng vậy?
Hiểu Linh bình tĩnh đáp:
- Con nghĩ là con sẽ không đến những dịp vui vẻ như đám cưới, sinh nhật, tiệc đầy tháng, thôi nôi hay thăm sản phụ.
Và đối với ai con cũng như vậy.
Lăng lão ánh mắt vẫn không dời khỏi khuôn mặt Hiểu Linh.
Ông quan sát từng cử chỉ, nét mặt của con bé để bắt lấy một tia mất tự nhiên khi nói dối.
Nhưng có vẻ đây chính là quan điểm sống của Hiểu Linh chứ không phải chỉ là một cái cớ để từ chối tham dự bữa tiệc.
Có điều nếu không nghe con dâu và cháu dâu nói chuyện, ông cũng không nhận ra Hiểu Linh luôn cố gắng tránh xa Lăng gia.
Bản thân con bé ở đây chơi cùng ba ông lão các ông cũng khá lâu rồi nhưng Hiểu Linh cũng chưa bao giờ hỏi đến gia đình của bọn họ.
Ánh mắt chăm chú của Quốc lão làm Hiểu Linh rất bối rối.
Cô đã làm sai điều gì sao? Hiểu Linh ngập ngừng:
- Nếu con làm sai điều gì, con mong ông thứ lỗi.
Nghe hai người đối thoại, Dân lão cùng Dương lão không rõ chuyện gì xảy ra nhưng không khí có phần căng thẳng.
Dương lão lên tiếng giảng hòa:
- Con bé có làm gì không đúng thì ông nói cho Tiểu Cố biết là được rồi.
Đừng dọa nó như thế.
Lăng lão trầm giọng:
- Ông biết con từ chối tham dự mừng thọ ông là vì không muốn người ngoài nghĩ con mang đen đủi tới.
Nhưng thượng thọ 90 rồi, lão già này cũng chẳng biết còn được bao nhiêu cái mừng thọ, sống nay chết mai.
Vì thế, ông muốn con tới tham gia ngày vui này.
Ông cũng muốn con biết về gia đình ông nên con đừng từ chối nữa.
Hiểu Linh thật không biết làm thế nào.
Ánh mắt kiên định của Quốc lão cùng giọng nói trầm buồn của ông khiến cô cảm thấy bản thân lại làm sai rồi.
Cụ ông đã 90 tuổi, lại đích thân gọi cô tới dự sinh nhật mình chứng tỏ ông rất yêu quý cô.
Hiểu Linh không thể phụ tình cảm yêu mến này được.
Cô đáp:
- Vâng.
Vậy con sẽ đến đúng giờ.
***
Vừa nhập học, Hiểu Linh quay cuồng trong thời gian biểu của chính mình, bận rộn đến vui vẻ.
Trường học theo tín chỉ, ngoại trừ kỳ đầu tiên tân sinh viên sẽ học theo lớp niên chế còn các kỳ sau đều tự mình đăng ký môn miễn sao đủ số lượng tín chỉ cần thiết cho kỳ đó.
Bận rộn thì bận rộn nhưng cô vẫn dành thời gian mỗi tối đính đá cho bức tranh làm quà mừng thọ cho Quốc lão.
Hiểu Linh đã nghĩ rất nhiều về món quà nên tặng ông.
Tiếp xúc với các ông thời gian dài, Hiểu Linh chỉ nắm được tính cách của các cụ một chút chứ không hề biết gì về gia thế mỗi người.
Quốc lão là người nghiêm cẩn, mạnh mẽ, ít lời.
Dân lão có phần thần bí khi hay nói những chuyện liên quan đến tâm linh, nhắc cô hôm nay không nên làm gì nhưng đôi khi tính cách có phần lão ngoan đồng.
Còn Dương lão thì phóng khoáng vui vẻ nhẹ nhàng.
Bức tranh này là chiếc xe tang húc đổ cổng Dinh, đánh dấu mốc quan trọng thống nhất đất nước.
Hiểu Linh nhờ người chuyển thể sang bản tranh đá quý cũng như phối màu cho nó.
Cô sẽ căn cứ những hướng dẫn chú thích về màu sắc để gắn đá lên toàn bộ bức tranh.
Hiểu Linh cảm thấy Quốc lão là quân nhân hẳn sẽ yêu thích bức tranh này.
Giá trị của nó không cao nhưng lại là do cô tự tay đính từng viên đá, là tâm ý của cô..