Từ tháng Năm năm Kiến Viêm thứ hai, Tư chính điện học sĩ, Đông Kinh lưu thủ, Khai Phong phủ doãn Tông Trạch vẫn luôn ngoan cường chiến đấu chống lại quân Kim lại liên tiếp dâng sớ xin Triệu Cấu quay về kinh thành. Ông cũng báo cáo chi tiết kế hoạch điều động quân đội cho Triệu Cấu để cố gắng khiến y yên tâm qua sông trở về, thậm chí không tiếc lấy tính mạng mình ra bảo đảm. Đại ý của tấu chương trình lên là: Thần muốn trong mùa Hạ này cử đám người Vương Ngạn vượt sông, lấy lại các châu Hoài, Vệ, Tuấn. Vương Tái Hưng và những người bảo vệ từ Trịnh Châu tới lăng tẩm Tây Kinh như Lạc, Tương, Chân Đinh, Dương Tiến, Vương Thiện, Đinh Tiến tự dẫn quân của mình chia ra các đường tiến đánh. Nhân dân trung thành ở Hà Bắc thần đoán chừng cũng sẽ hưởng ứng, số lượng lên tới trăm vạn người. Mong bệ hạ sớm ngày trở về kinh sư, thần sẽ đứng đầu sóng ngọn gió, dẫn đầu chúng tướng lĩnh. Nghiệp chấn hưng nước nhà chắc chắn có hy vọng thành. Nếu có lời nói sai, thần xin lấy đầu tế quân dân!



Thế nhưng sau khi tấu chương được dâng lên, tình hình ở các Châu lại không lạc quan lắm. Quân Kim khí thế như lốc cuộn, các phủ Duy Châu, Hoài Ninh, Trung Sơn của quân Vĩnh Hưng liên tiếp thất thủ. Kinh lược sứ Đường Trọng, Tri Duy Châu Hàn Khiết, Tri Hoài Ninh phủ Hướng Tử Thiều, Tri Trung Sơn phủ Trần Cấu đều hi sinh trên chiến trường. Triệu Cấu thấy tình hình trở nên nghiêm trọng liền tạm thời chưa trả lời. Tông Trạch kiên trì tiếp tục dâng tấu khuyên: Cơ nghiệp tổ tông, nếu để mất thật đáng tiếc. Phụ thân huynh trưởng của bệ hạ đều đang ở nơi sa mạc hoang vu, giam trong Tây Kinh, bị giặc lăng nhục, tiết Hàn Thực năm nay không được trải qua tử tế. Mà ngàn vạn sinh mạng ở Lưỡng Hà, Nhị Kinh, Hiệp Thạch, Hoài Thịnh đều đang chìm trong bể khổ, thế nhưng bệ hạ vẫn muốn lánh về phía Nam, bao che cho gian thần, vừa tiếp tay cho nạn trộm cắp vừa đồng lõa với cái xấu ác. Nay kinh thành đã được củng cố, vũ trang đầy đủ, quân đội tinh nhuệ, sĩ khí lên cao, mong bệ hạ hãy nghĩ cho tấm lòng muôn dân trong thiên hạ, chớ nên giẫm lên vết xe đổ của nhà Đông Tấn!



Triệu Cấu đọc xong vô cùng xúc động, tuyên Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn và các đại thần khác vào thương nghị chuyện chọn ngày về kinh. Thế nhưng hai người Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn trước nay vẫn bất hòa với Tông Trạch, cũng hiểu "gian thần" mà Tông Trạch nhắc tới trong tấu chương là chỉ mình, càng thêm oán hận, liên tiếp lên tiếng ngăn cản Triệu Cấu quay về Biện Kinh, không ngừng khuyên can: "Nay thế cục Hà Bắc chưa ổn định, không ngừng truyền tới tin tức châu phủ thất thủ, nếu bệ hạ về kinh lúc này vô cùng hung hiểm. Những năm Tĩnh Khang khi quân Kim mới xâm phạm biên giới Đạo quân Thái thượng hoàng đế cũng từng khuyên Uyên Thánh Hoàng đế về Nam lánh nạn, đáng tiếc Uyên Thánh Hoàng đế không chịu tiếp thu ý kiến của Thái thượng hoàng, kiên quyết cố thủ Biện Kinh, nên mới dẫn tới kiếp nạn Tĩnh Khang. Đã có tiền lệ, bệ hạ không thể không đề phòng. Nước nhà đều đang chờ bệ hạ phục hưng, sự an nguy của bệ hạ can hệ tới muôn dân. Vì bá tính trong thiên hạ, xin bệ hạ hãy bảo trọng chính mình, thận trọng hành sự, không nên vội vã quay lại kinh đô khi quân Kinh vẫn chưa rút lui, chấp nhận rủi ro không cần thiết này."



Vừa nhắc tới sự việc Tĩnh Khang, Triệu Cấu lại lập tức do dự. Trước khi nước mất nhà tan, Triệu Cát quả thực đã từng khuyên Triệu Hoàn cùng lui về phía Nam lánh nạn, bảo vệ bản thân trước, ngày sau lại nghĩ sách lược phản công. Thế nhưng lúc ấy Triệu Hoàn sớm đã không còn nghe bất kì kiến nghị nào của Phụ hoàng nữa, cộng thêm với sự cổ vũ của các đại thần liền kiên quyết ở lại cố thủ Biện Kinh. Sau khi nước mất, Triệu Cát bị người Kim áp giải đi từ Biện Kinh, trên đường tới Kim gặp lại đứa con trai "đi trước một bước" là Triệu Hoàn, câu đầu tiên Triệu Cát nói với y chính là: "Nếu ban đầu con chịu nghe lời của cha già này thì hôm nay đâu có gặp phải kiếp nạn lớn tới vậy!"



Triệu Cấu một mình ngồi trên long ỷ trầm tư, Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn tiếp tục phân tích lợi hại thiệt hơn ngăn cản. Cuối cùng y đứng dậy, trước khi khoanh tay rời đi tuyên bố quyết định của mình: "Việc hồi kinh ngày sau lại bàn."



Năm ấy Tông Trạch đã bảy mươi tuổi, sau khi nghe nói liền u uất thành bệnh, nhanh chóng đổ bệnh nằm liệt giường, tới giữa tháng Bảy bệnh tình càng nghiêm trọng hơn. Dương Tiến và các tướng lĩnh khác lần lượt tới thăm, Tông Trạch gượng dậy trên giường nói với bọn họ: "Sức khỏe tôi vốn đã không tốt, nhiều bệnh trong người, chỉ bởi hai vua ở Kim lâu ngày vẫn chưa đón được về nên mới âu sầu chuyển nặng. Nếu các anh có thể diệt gian chống địch, giúp chủ thượng thành toàn ý nguyện phục quốc, vậy tôi chết không còn nuối tiếc gì!"



Chúng nhân nghe xong đều rơi lệ, gật đầu đáp: "Chúng tôi sẽ liều chết hoàn thành lời dặn dò của đại nhân."



Sau khi các tướng lĩnh lui ra ngoài, Tông Trạch bật khóc, cảm khái nói: "Cổ nhân có câu thơ: 'Chưa giết xong giặc thân bỏ mạng, anh hùng che mặt lau lệ khô.' Mà nay ta bệnh nặng thân sắp vong, đã thực sự lĩnh hội được tư vị miêu tả trong đó."



Sau đó không còn sức lực nói chuyện nữa, mà ngày hôm ấy những lời thốt ra trước đó cũng toàn liên quan tới quốc gia dân tộc, chuyện nhà của riêng mình không nhắc tới một câu. Đêm ấy mưa gió mịt mù, khác hẳn ngày thường, Tông Trạch nằm nghe gió nổi sấm rền, chợt ngồi bật dậy, kêu lên: "Qua sông! Qua sông! Qua sông!" Mắt trợn trừng như muốn nứt ra, người nhà vội chạy tới chăm sóc, gọi vài tiếng thấy ông không đáp lời, kiểm tra hơi thở mới biết ông đã từ trần, mà đôi mắt vẫn luôn mở trừng trừng, không sao khép lại được.



Người Kim nghe tin Tông Trạch đã qua đời liền càng thêm quyết tâm dồn binh xâm lược phía Nam. Kim chủ Hoàn Nhan Thịnh hạ chỉ: "Nhất định phải truy lùng, tiêu diệt Khang vương. Đợi sau khi bình Tống, lại lập một Hoàng đế bù nhìn giống Trương Bang Xương." Sau đó mệnh Phó nguyên soái Niêm Một Hát tiếp tục thảo phạt phía Nam, vượt sông xóa sổ triều đình Nam Tống của Triệu Cấu.



Từ đó, tin tức truyền tới càng lúc càng nguy ngập:



Ngày Giáp Thân tháng Chín, tướng lĩnh cũ do Tông Trạch chiêu mộ, Kinh thành ngoại tuần kiểm sứ Đinh Tiến nổi dậy, dẫn quân tiến về Hoài Tây.



Ngày Quý Tỵ tháng Chín, quân Kim chọc thủng Ký Châu, Quyền tri quân châu sự Thiện Mỗ tự sát.



Tháng Mười mùa Đông, quân Kim bao vây Bộc Châu, tình hình Bộc Châu không quá lạc quan...



Triệu Cấu ăn không ngon ngủ không yên. Ban ngày cùng các đại thần thảo luận chiến sự, bận rộn tối tăm mặt mũi. Buổi tối lại quay về trông thấy Thái hậu và các phi tần, nhớ lại trong loạn Tĩnh Khang cung quyến đều bị bắt về phương Bắc, ưu tư khó giải. Thị ngự sử Trương Tuấn nhìn ra y lo lắng cho an nguy của cung quyến, liền kiến nghị nói: "Không bằng chọn trước một chỗ an toàn để lục cung an trú, sau đó bệ hạ có thể yên tâm đi tuần khắp bốn phương, mưu tính kế hoạch dài hạn." Triệu Cấu cảm thấy có lý, sau khi nghiêm túc suy nghĩ cân nhắc liền chọn Hàng Châu làm nơi an cư cho cung quyến, mệnh lục cung theo Long Hựu Thái hậu chuyển về đó trước, đồng thời lệnh cho Thường Đức quân thừa tuyên sứ Mạnh Trung Hậu bảo vệ Thái hậu và lục cung tới Hàng Châu an toàn, phong Võ công đại phu, Đỉnh Châu đoàn luyện sứ Miêu Phó làm Hỗ tòng thống chế.



Y cũng bảo Anh Phất theo Thái hậu khởi hành trước, thế nhưng Anh Phất vẫn cự tuyệt, cầu xin Triệu Cấu được ở lại hầu hạ bên cạnh y. Lần này Triệu Cấu cũng không nói nhiều nữa, đồng ý cho nàng lưu lại. Anh Phất từ đó lại càng tích cực luyện tập cưỡi ngựa bắn tên hơn, chuẩn bị cho ngày sau lúc nào cũng mặc y phục cưỡi ngựa đeo cung tên cùng Triệu Cấu đi tuần khắp nơi.



Thế tấn công của người Kim lại mạnh thêm, tin tức kháng chiến truyền về tai Triệu Cấu phân nửa đã là tin xấu: Ngày Nhâm Thìn tháng Mười Một, quân Kim chọc thủng Diên An phủ. Ngày Ất Mùi, quân Kim phá vỡ Bộc Châu. Giáp Thìn, quân Kim phá Đức Châu, sau đó là Tri Châu. Ngày Giáp Tý tháng Mười Hai, Phó nguyên soái Kim Niêm Một Hát công thành Bắc kinh, Hà Bắc Đông lộ đề điểm hình ngục Quách Vĩnh tử trận. Tiếp đó Quách Châu, Từ Châu, Tứ Châu liên tiếp thất thủ. Tới tháng Hai năm Kiến Viêm thứ ba, quân Kim lại đánh vào Sở Châu, càng ngày càng áp sát Triệu Cấu ở Dương Châu.



Một tối kia sau khi phê duyệt tấu chương Triệu Cấu về tẩm cung nghỉ ngơi, thế nhưng trong đầu vẫn toàn là chuyện chiến tranh. Nghĩ tới việc quân Tống liên tiếp thất bại rút lui cảm thấy nặng nề vô cùng, tâm tư khó yên không đi ngủ được, cuối cùng bèn lần nữa khoác y phục, một mình tới thư các, muốn tiếp tục đọc sách luyện chữ giết thời gian.



Không ngờ còn chưa đi tới cửa đã nhìn thấy có ánh đèn trong phòng hắt ra từ phía xa, tức thì cảm thấy kì quái: Y rời đi đã lâu, còn ai vẫn đang ở bên trong? Đang làm cái gì?



Y liền nhanh chóng sải bước, đẩy cửa bước vào, chỉ trông thấy nữ tử trước án vội vã đứng dậy, giấu thứ gì đó ra phía sau lưng, vừa sợ hãi vừa kinh ngạc ngây ra nhìn y.



Là Anh Phất. Những lúc y phê duyệt tấu chương đều là nàng đứng bên hầu hạ, thế nhưng y đã quay về tẩm cung, nàng lại vẫn còn ở đây lâu như vậy, hơn nữa lúc này sắc mặt hoảng hốt, vô cùng đáng nghi. Triệu Cấu không vui, lạnh lùng hỏi: "Ngươi còn ở đây làm gì?"



Anh Phất cúi đầu đáp: "Quan gia tha tội..."



"Trẫm đang hỏi ngươi." Ngữ khí Triệu Cấu thêm phần nghiêm trọng: "Ngươi giấu thứ gì phía sau?"



Anh Phất thấy sắc mặt y lạnh lẽo nghiêm túc, nhất thời luống cuống không thốt nên lời, đứng đờ đẫn ở đó, cũng không đưa thứ đồ giấu phía sau ra trình lên cho y xem.



Tâm trạng Triệu Cấu vốn đã không tốt, lúc này thấy nàng giấu diếm mình, lén lút giấu đồ vật, lòng ngờ vực lại càng tăng, cũng càng thêm tức giận, không buồn hỏi han nữa, đi thẳng tới nắm lấy tay phải của nàng kéo ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện