Lâm Dịch vào học ở Thạch Cổ Học viện đến năm thứ hai thì triều đình xảy ra một việc lớn. Bởi vì Tây Hạ và Liêu quốc không ngừng xâm lấn, phương Bắc bị quấy nhiễu liên tục, triều đình liền quyết định đem thủ đô dời đến Lâm An, chính là Hàng Châu ở hiện đại. Ở phía Bắc có mấy quận tuy trên danh nghĩa vẫn là lãnh địa của nhà Tống, nhưng quyền khống chế đã không còn trong tay quân Tống nữa. Mặc dù triều đình phái quan viên đến nhận chức quản lý, nhưng chức quan đó hầu như cũng không có thực quyền gì, mà thực tế cũng không có tác dụng gì hết.



Từ khi nghe được tin tức dời đô, Lâm Dịch đầu óc trống rỗng, sửng sốt hồi lâu mới phản ứng lại. Số mệnh vốn như thế, dù lịch sử có thay đổi thế nào cũng không thoát li được khỏi quỹ đạo vốn có, mặc dù ở giữa có nhiều sự việc lệch đi, cũng như làm cản trở tiến trình diệt vong của triều đại Bắc Tống. Việc này không phải chỉ dựa vào năng lực của một người là có thể thay đổi được. Biến pháp của Vương An Thạch cũng không hoàn toàn được xem là thành công. Mặc dù nó làm chậm quá trình diệt vong của nhà Bắc Tống nhưng cũng không cứu được vương triều Bắc Tống vốn đã thối nát này. Quan điểm của biến pháp đã quá mức cho phép, căn bản không phù hợp với hoàn cảnh của xã hội phong kiến đương thời, cương quyết thi hành cũng chỉ dẫn đến hiệu quả dục tốc bất đạt (1) mà thôi. Cũng chính vì nguyên nhân này mà đời sau mới bình luận, nói Vương An Thạch là lý do chôn vùi vương triều Bắc Tống. Mà ở thời đại này, tuy rằng không biết nguyên nhân gì khiến cho biến pháp thành công, nhưng xem ra hiệu quả cũng không lý tưởng như thế. Không, có lẽ không nên nói là biến pháp thành công, nên nói là Tân cựu đảng tranh giành với đảng bảo thủ tạm thời thắng lợi. Chỉ không biết người cầm quyền khi nào mới có thể ý thức được điều này, để không còn là một con rối, khi nào mới có thể cân bằng được cục diện triều đình.



Một năm này, vì chuyện dời đô mà triều đình đã hủy bỏ khoa cử. Vốn Tô lão thái gia dự định để cho Lâm Dịch xuống trường thi luyện tập, cũng vì thế mà hủy bỏ.



Trong học viện, vì chuyện triều đình dời đô mà sục sôi ngất trời. Có người nói, việc triều đình dời đô là tỏ ra yếu kém hơn so với man di, là dự đoán cho sự suy vong; có người thì cho rằng dời đô nam hạ là vì bảo toàn huyết mạch hoàng thất, mưu tính cho hậu thế. Cũng có người nói, phía nam sắc tím oanh nhiễu, phước trạch dồi dào, thiên tử ở phía nam là thuận theo ý trời, vì thế nên nghe theo. Có người hoang đường hơn còn nói, Hoàng đế vì gặp mỹ nữ Giang Nam, nên dời đô đến Lâm An là thuận tiện để ông thu thập hết mỹ sắc đó thôi.



Lâm Dịch thì lại cho rằng, đây đâu phải là dời đô, rõ ràng là bỏ của chạy lấy thân. Thánh thượng vì sợ tai họa ở phương Bắc lan tràn đến Biện Kinh, đến lúc đó không kịp rời đi, nên dứt khoát nhân lúc chưa xảy ra chiến sự, lấy một cái cớ mà rời đi thôi. Dù sao cũng bị ngăn cách bởi sông Trường Giang (2), người phương Bắc có đánh cũng không lại. Đã vậy còn muốn tìm một lý do hoang đường, đưa mấy đạo sĩ, lập đàn tế thần bái thánh, nói là thuận theo ý trời gì đó. Xàm!



(2) Sông Trường Giang: con sông lớn thứ ba trên thế giới, dài 6 300 km, chảy qua 11 tỉnh thành của Trung Quốc.



Tiến trình lịch sử đã thế, Lâm Dịch cũng chưa từng có ý nghĩ muốn làm gì đó để thay đổi. Huống hồ việc này không phải dựa vào năng lực cá nhân là có thể xoay chuyển tình thế được. Dù sao nó cũng nhận thấy bản thân không có năng lực này. Vì thế nhóm học tử đàm luận đến cao trào nó cũng chỉ đứng một bên mà nghe, không có nói chen vào.



"... Đạo làm vua, trước hết là ở bách tính. Nếu làm tổn hại đến bách tính để nhằm bảo tồn thân thể này, thì cũng như chặt đi bắp đùi mà lấy thịt ăn, ăn cho no nê để rồi cũng chết. Nếu muốn thiên hạ an ổn, trước hết chính là tự thân, nếu không tự mình làm việc chính nghĩa mà trốn tránh thì trên trị dưới cũng sẽ loạn. Nay Thánh thượng vứt bỏ vạn dân Giang Bắc không thèm để ý, tự thân ham muốn sự an nhàn, bỏ hết mà xuống phía nam, sẽ khiến phong phạm của đấng quân vương bị mất đi..."



"Từ xưa tới nay, bậc đế vương dù bình định được thiên hạ, cũng không địch nỗi người Khuyển Nhung. Nay Tây Hạ, Liêu quốc sẵn sàng ra trận, chúng ta xuống phía nam để tránh đi mũi giáo thì có gì là sai? Thế cục của thiên hạ, phòng ngừa chính là tấn công, chẳng qua cũng chỉ có thế."



"Đông Kinh có Khai Phong là phụ thuộc vào đường thủy vận (3), hằng năm tập trung chủ yếu ở Trường Giang, như gạo sông Hoài mấy trăm vạn đấu. Kinh thành lại có trăm vạn quân chiếm đóng, toàn bộ đều phụ thuộc vào con đường thủy vận từ phía đông nam. Dời đô về Lâm An, e rằng thủy vận sẽ gặp khó khăn, thiếu hụt cho quân đội."



(3) Thủy vận: vận chuyển bằng đường thủy, tính cả đường sông và đường biển.



"Dời đô về Lâm An, các quận phía Bắc xem như cũng bị vứt bỏ. Đến lúc đó man di xuống phía nam, thiêu đốt, bắt người, cướp của, ngoài tầm kiểm soát của triều đình, vạn dân các quận phía Bắc sẽ gặp nguy khốn!"



"Vì nước vì dân, là chí hướng của đại giả (4). Binh pháp có dạy, biết cách tạo đường lui ấy mới là mưu kế giỏi. Mà mưu kế giỏi cũng chính là biết cách giấu nghệ, giấu tài. Mài một thanh kiếm mười năm, rút kiếm cũng phải một nhát nhắm vào cổ họng. Nay Kim thượng tạm thời khoan dung cho bọn giặc ngang ngược, để nghỉ ngơi mà hồi phục. Ngày sau nhất định sẽ nhất cử mà dẹp yên quân giặc, nâng cao khí phách của Đại Tống chúng ta."



(4) Đại giả: người vĩ đại, có chí hướng.



"Đạo làm vua ban đầu chính là ở chí hướng. Đã không có chí, thì sao còn có người. Nay kim thượng vứt bỏ chúng sinh, lo sợ man di, sao có thể gọi là có chí đây?"



...



Lâm Dịch ở một bên xem bọn họ tranh luận đến mặt đỏ tía tai, cảm thấy rất hứng thú. Mọi người đều biết nó là đi cửa sau mà vào, cũng không để ý đến nó. Hơn nữa nó chỉ mới có chút tuổi, nên bọn họ cũng không thèm để tâm cùng một tên nhóc choai choai tìm tòi nghiên cứu cái gì cả. Nó cũng hiểu ở một bên xem kịch cũng tốt, nhưng mà, vì sao lại có người cố tình còn không tha cho nó đây?



"Tô hiền đệ, đệ luôn ngồi trầm tư, tập trung suy nghĩ, không biết có ý kiến gì không?" Dương Tri Vũ đến bên cạnh nó ngồi xuống, nghiêng đầu có vẻ chuẩn bị chăm chú lắng nghe.



Có ý tưởng quái gì đâu chứ!



Lâm Dịch trong lòng phát điên, nhìn y hai mắt tỏa sáng, nhìn chằm chằm mình, còn không biết ngượng mà như xem kịch vui, khiến cả đám người đang hăng hái bàn luận kia cũng phải quay đầu lại, đành tỏ ra ôn hòa mà cười, "Tiểu đệ nào có ý kiến gì, chỉ là ngồi nghe chư vị nói như vậy, nội tâm cảm phục mà thôi!"



Đáng tiếc, Dương Tri Vũ lại không buông tha cho nó, hỏi đến cùng, "Vậy hiền đệ nghĩ như thế nào? Cứ tùy ý mà nói, không cần phải nghiêm túc đâu."



Lâm Dịch suy nghĩ, bỗng nhiên trong đầu nhớ đến các Hoàng đế Minh triều.



Sơn hà yểm hữu Trung Hoa đích, nhật nguyệt trọng khai Đại Tống thiên (5)! Đại Minh Hùng vĩ! Không cắt đất, không đền tiền, không hòa thân, không cống nạp, thiên tử trấn giữ biên cương, quân vương liều chết vì xã tắc! Đại Minh Oai dũng!



(5) Sơn hà yểm hữu Trung Hoa đích, nhật nguyệt trọng khai Đại Tống thiên – 山河奄有中华地; 日月重开大宋天: Là bài thơ do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương viết ở Tập Khánh (sau đổi thành Ứng Thiên phủ), nhằm chiêu mộ quân lính tham gia đánh giặc. Tạm dịch: Núi sông bao phủ đất Trung Hoa của những năm Đại Tống trị vì lại một lần nữa được mở ra. Ý là, sự góp mặt của Chu Nguyên Chương trong trận chiến là thuận theo ý trời, giúp ông một lần nữa lấy lại đất cho Trung Hoa. Mà đất này giờ sẽ có tên là Đại Minh.



Nhà Minh trị vì 276 năm luôn trước sau như một: không chịu hòa thân, không đền tiền, không cắt đất, không tiến cống. Thiên tử đóng ở biên cương, quân vương chết vì xã tắc. Hậu nhân nhà Minh bỏ chạy vẫn ngoan cố chống lại nhà Thanh suốt 38 năm, đây là một triều đại ngạo cốt (6), dù là quân vương hay thần tử, thà chết cũng không chịu khuất phục.



(6) Ngạo cốt: ngông nghênh, cứng đầu. 



"Trẫm đăng cơ được 17 năm thì nghịch tặc uy hiếp kinh đô. Mặc dù trẫm đức mỏng phận hèn, bị trời quở phạt, dẫn tới nghịch tặc kéo thẳng vào kinh sư, nhưng đây đều là do các bề tôi hại trẫm. Trẫm chết, chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tông, tự vứt bỏ mũ áo, lấy tóc che mặt, để mặc cho giặc phanh thây, chớ làm tổn thương thêm người dân nào nữa (7)."



(7) Là những lời được Minh Tư Tông (tức vua Sùng Trinh, vị vua cuối cùng của nhà Minh), viết vào vạt áo trước khi tự tử dưới gốc cây hòe ở đình Thọ Hoàng.



Sùng Trinh mặc dù cuối cùng cũng mất nước, nhưng cũng chưa từng bỏ thành mà chạy, nếu so với triều đại sau, nhà Tống quả thật kém rất nhiều. Nhà Minh hầu như mỗi một hoàng đế đều đứng lên chống giặc, mà nhà Tống dân chúng lại luôn rêu rao phỉnh nịnh, "dĩ hòa vi quý" giống như hiện đại, chiến tranh còn chưa đến, hoàng đế đã sợ tới mức phải bỏ chạy.



"Hay, nói rất hay!" Dương Tri Vũ đột nhiên một chưởng vỗ lên vai Lâm Dịch, mà Lâm Dịch lại không đề phòng, liền bị một chưởng này làm cho chật vật. Thấy Dương Tri Vũ đầy mặt hồng quang, có vẻ kích động đứng lên, hai tay nắm lại thành quyền, "Thiên tử phòng thủ biên cương, quân vương chết vì xã tắc, đây mới là có khí phách!"



Quay đầu nhìn Lâm Dịch, Dương Tri Vũ dường như nhớ tới điều gì đó, đột nhiên thu hồi cánh tay trên vai nó, đồng thời khuôn mặt tuấn tú nổi lên hai luồng đỏ ửng, ánh mắt không dám nhìn Lâm Dịch, nói úp úp mở mở, "Hiền đệ... Vừa rồi ngu huynh có làm đau đệ không?"



Lâm Dịch uốn éo bả vai, trong đầu nghĩ, ra tay nặng như vậy khẳng định đã sưng đỏ lên rồi, song trên mặt lại tỏ vẻ không có việc gì, "Không sao cả, cũng không đến nỗi yếu ớt như thế!"



"Mảnh mai một chút cũng không sao..." Dương Tri Vũ dựa sát nói thầm.



"Hả?" Thanh âm quá nhỏ, làm Lâm Dịch không nghe rõ.



"Không có gì!" Dương Tri Vũ phát hiện mình lỡ lời, nhanh chóng phủ nhận, lại nhớ đến lời của Lâm Dịch, trong lòng có chút nghi hoặc, "Nhưng mà, Đại Minh là ở đâu thế?"



"Đại Minh?" Lâm Dịch thầm phiền muộn, lại vừa nói bậy, trong đầu chuyển động cấp tốc, tìm lời che giấu những lời vừa nói, "Đại Minh à... Đại Minh chính là Đại Tống khôi phục thanh minh!"



Dương Tri Vũ bỗng nhiên bừng tỉnh, "Thì ra là như vậy!"



______________________________

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện