Đợi đến khi nhịp tim bình tĩnh trở lại, Lỗ Thiên Liễu mới đưa ánh mắt nhìn khắp lượt xung quanh. Cô muốn tìm thứ vừa đánh thức cô dậy trong khoảnh khắc cuối cùng của giấc mơ, đó là hai cây cột đen rất lớn.
Bên cạnh cô chỉ có hai cột trụ ngả nghiêng được chồng xếp lộn xộn. Nếu hai cột đá này là đá nguyên khối, đẩy đổ chúng xuống đầm, sẽ chỉ còn cách bờ đối diện một quãng ngắn, nhưng đáng tiếc là chúng lại được chồng xếp từ nhiều tầng đá rời.
“Mình cũng đã từng xếp những cái cột tương tự thế này, lúc nhỏ mình đã từng xếp chồng gỗ lên nhau!” - Lỗ Thiên Liễu lẩm bẩm một mình – “Hình như còn có cha đứng ở bên cạnh, vừa xếp vừa giảng cho mình nghe điều gì đó...”
Lỗ Thiên Liễu bỗng ngồi bật dậy:
-Dùng điểm thông lực!
Dùng điểm thông lực là một kỹ thuật truyền thống của nhà họ Lỗ, nhưng nó không thuộc về bất kỳ kỹ pháp nào trong công phu Lục hợp, mà là một loại công phu bổ trợ nằm ngoài Lục công, được gọi là Tiểu công. Tiểu công là loại công phu bắt nguồn từ những việc chuyên chở vật liệu, trộn vữa, chuyền dụng cụ..., vốn được sử dụng xen kẽ giữa Lục công. Công phu này có rất ít kỹ thuật, lại có sự khác biệt rất lớn so với những kỹ thuật tinh xảo của nhà họ Lỗ, không phải được truyền trong “Ban kinh”, mà hoàn toàn là thứ công phu được sáng tạo dựa vào tài năng của những thế hệ sau.
“Dùng điểm thông lực, lực thành một đường, hình trông không vững, không thua xếp thẳng”, đây chính là khẩu quyết khi chồng xếp. Thực ra, nếu lý giải theo nguyên lý lực học, tức là sắp xếp trọng tâm của các bộ phận thành một đường thẳng xuyên suốt, từ đó giữ được trạng thái cân bằng tổng thể.
Đương nhiên, nói thì dễ, nhưng bắt tay vào làm mới khó. Muốn vận dụng công phu “dùng điểm thông lực” để xếp chồng các tảng đá lên nhau hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng. Muốn xếp sao cho thoạt nhìn nghiêng vẹo như sắp đổ, nhưng thực chất lại vô cùng kiên cố, lại càng khó khăn hơn nữa.
“Không đúng! Nhìn từ bố cục và bề mặt tiếp xúc của những tảng đá trên hai cột đá, thì cách vận dụng “dùng điểm thông lực” vẫn chưa thật chính xác!” – Sau khi quan sát kỹ lưỡng, Lỗ Thiên Liễu liền đưa ra kết luận – “Đường lực tổng thể từ trên xuống dưới vẫn có sự lệch lạc, lẽ ra không thể chắc chắn như thế này được. Lẽ nào bề mặt tiếp xúc đã dùng chất gì đó để kết dính? Hay là đã sử dụng rãnh chốt, mộng khớp?”
Lỗ Thiên Liễu vừa suy nghĩ, vừa đưa ánh mắt tìm tòi. Khi lướt qua vị trí ban nãy vừa quấn Phi nhứ bạc, cô bỗng phát hiện ra một vệt trắng in hằn lên trên lớp rêu màu xanh lục. Có lẽ đó là vết xước do sợi xích trên Phi nhứ bạc tạo ra. Thế nhưng mặt đá ở những nơi không bị rêu phủ rõ ràng có màu nâu thẫm, tại sao ở đây lại xuất hiện màu trắng? Lỗ Thiên Liễu đứng dậy, đến bên cạnh phần chân của cột đá. Ở đây, trong đám cỏ, cô đã tìm thấy một số mảng đá vụn màu nâu và lớp bột trắng. Lỗ Thiên Liễu đưa tay chấm lấy chút bột trắng, và xúc giác nhạy bén lập tức phát hiện ra rằng đám bột có hơi ấm. Đưa lên trước mũ, cô đã ngửi thấy một thứ mùi quen thuộc, thứ mùi thường xuyên ngửi thấy trong quá trình định móng, trừ uế, quét tường khi xây nhà: đá vôi. Thứ bột màu trắng chính là đá vôi, hơn nữa, còn là đá vôi sống, vì chỉ có đá vôi sống mới nóng lên sau khi tiếp xúc với nước.
Trong mỏ than, mỏ pha lê, mỏ đá vôi đều có một chất tên là đá khoáng khoai sọ, tức là than đá, đá vôi bị bao bọc, cách ly trong một lớp đá không có tác dụng gì, sau khi khai thác ra, chúng có dạng khối. Loại đá khoáng sản này muốn sử dụng phải tốn rất nhiều công sức, thu lợi không nhiều, nên thông thường người ta chỉ coi đó là thứ bỏ đi, không thèm khai thác. Thế nhưng hai cây cột đá lại được xếp chồng từ chính loại đá khoáng này. Hơn nữa, lớp đá vô dụng xung quanh đã được gọt giũa bớt, chỉ còn một lớp rất mỏng. Đặc biệt nhất là lõi đá bên trong chính là đá vôi sống tự nhiên, không cần phải nung qua lửa. Chẳng biết các bậc tổ tiên đã đào đâu ra thứ đá cổ quái này.
Vật quái dị, tác dụng chắc chắn cũng khác thường. Hai cột đá đã đứng ở đây không biết bao nhiêu năm mà không hề sứt mẻ hư hại, chứng tỏ bí mật trong đó vẫn chưa bị ai phát giác.
Lỗ Thiên Liễu tung mình nhảy sang bờ bên kia. Trụ đá bên kia thoạt nhìn không có gì khác biệt so với trụ đá bên này. Lỗ Thiên Liễu móc từ trong túi ra một chiếc giũa cạo[10] mài từ thép ròng, dùng phần đuôi rộng vạch thành nhiều đường ngang dày sít trên mặt đá, sau đó lại vạch thêm rất nhiều đường thẳng dày đặc tương tự. Vụn đá bắn ra tung tóe, những đường rạch ngang dọc đã tạo thành rất nhiều ô vuông nhỏ. Cô lại dùng đầu nhọn của giũa để nậy lấy những ô vuông nhỏ bé ra, từ từ mở rộng phạm vi và độ sâu. Phương pháp cạo đá này, chỉ có những khảm tử gia đủ thận trọng và kiên nhẫn mới sử dụng đến. Làm như vậy sẽ tránh gây động chạm đến chốt lẫy.
Lỗ Thiên Liễu nhanh chóng nhìn thấy màu trắng của lớp đá bên trong. Dùng đầu nhọn đào lấy một ít bột trắng đưa lên mũi ngửi, cô phát hiện đó không phải là đá vôi. Lỗ Thiên Liễu rất phấn khởi, lại là một loại đá khoáng màu trắng nữa, mặc dù không biết là thứ gì, nhưng cùng lúc xuất hiện hai loại đá khoáng, về cơ bản có thể xác định đây là hai trụ đá được thiết kế một cách có dụng ý, một thiết kế thâm thúy vô cùng.
Đã là được thiết kế, vậy chắc chắn sẽ có chốt lẫy. Đối với những khảm diện hình trụ, thông thường chốt lẫy sẽ được đặt ở phần chân. Với hình trụ dạng xếp chồng, sẽ nằm ở khối thứ hai tính từ chân lên. Lỗ Thiên Liễu bắt đầu dùng phần đuôi rộng của giũa cẩn thận cạo sạch phần rêu xanh và bụi bám trên viên đá thứ hai.
Không tìm thấy chốt lẫy, chỉ phát hiện ra một vết nứt trông có vẻ rất tự nhiên. Hơn nữa, vết nứt ở hai trụ đá trông giống hệt như nhau.
Tuy chỉ là một vết nứt nhỏ rất khó phát hiện, nhưng lại nứt ở một vị trí cực kỳ quan trọng, vị trí này chính là điểm thoát lực của kết cấu “dùng điểm thông lực”. Chỉ cần tác dụng một lực đạo rất nhỏ lên vết nứt, có thể khiến trụ đá đổ xuống, hướng đổ chính là phía đầm nước nhỏ.
Nhưng những tảng đá rời rạc rơi xuống đầm nước sẽ có tác dụng gì?
Đá vôi sống có thể khiến nhiệt độ nước đầm nóng lên, còn có tác dụng tiêu độc khử uế.
Không biết thứ đá khoáng màu trắng ở cột trụ trước mặt là thứ gì, nên càng không biết được tác dụng của nó.
“Thôi mặc kệ! Trước tiên cứ đẩy đổ cột đã rồi tính tiếp. Đi đến đâu tính đến đấy, cho dù không thành công, nếu phá hỏng được ý đồ của đối phương cũng tốt!”
Sau khi quyết định, Lỗ Thiên Liễu liền lấy ra một chiếc bẩy đế rộng. Dụng cụ này phía trước là lưỡi sắc, phía sau là đế rộng, chủ yếu dùng để cạo bỏ những dị vật, vết bẩn bám chắc trên bề mặt đá gạch. Vì phần đế có sức nặng nhất định, khi đặt lên trên mặt phẳng, chỉ cần đẩy nhẹ về phía trước sau, phần lưỡi sắc sẽ cạo bay được vết bám, nhẹ nhàng hơn dùng xẻng cạo rất nhiều.
Trước tiên, Lỗ Thiên Liễu tiến đến phía trước cột đá vôi sống. Vì cô hiểu rõ nó hơn, nên sẽ hành động trước. Song lúc này, cách cô sử dụng bẩy đế rộng không được khoan thai như lúc bình thường, mà cầm ngược phần đế, vung mạnh cánh tay, đập thẳng cánh phần lưỡi sắc vào khe nứt.
Rất chuẩn xác! Chuẩn xác hệt như người thợ mộc Lỗ gia ngắm đường kẻ khi làm đồ gỗ, phần lưỡi sắc đã chém thẳng vào vết nứt. Ngay sau đó, Lỗ Thiên Liễu thấy vết nứt trên cột đá nhanh chóng kéo dài, mở rộng. Một tràng những tiếng “lạch cạch” vang lên. Trụ đá nghiêng dần, rồi đổ về phía đầm nước.
Những khối đá được chồng xếp theo phương pháp “dùng điểm thông lực” không hề tan rã, cả cột đá vẫn liền thành một khối đổ ập xuống nước.
Điều này khiến Lỗ Thiên Liễu vô cùng kinh ngạc, vì nhìn vào vết nứt đã được tách vỡ hoàn toàn, cô đã nhận ra “dùng điểm thông lực” chỉ là dáng vẻ bề ngoài, bên trong trụ đá không những có chốt ngược nút cài, mà còn được lồng một sợi dây co giãn bện từ gân thú.
Đúng vào khoảnh khắc tảng đá chuẩn bị va đập với mặt nước, sợi dây co giãn đột nhiên giật thẳng lại. Vang lên một tiếng nổ long trời lở đất, khác nào tiếng sấm rền, ì ùng vang dội trong lũng núi.
Chim chóc, bướm ong đều kinh hãi bay mất tích. Đám bụi nước hình lông vũ cũng bị chấn động đến bắn tóe tứ tung, đổi hẳn hình dạng. Dòng nước chảy vào trong đầm cũng như ngừng hẳn lại.
Tiếng nổ vừa dội lên, tất cả các tảng đá trên cây cột đều vỡ tan tành thành đá vụn, rải một lớp đều đặn trên mặt đầm tròn căng. Từ trong thung lũng bốc lên một làn sương khói dày đặc, nhất thời không thể phân biệt được đó là bụi bắn ra hay là hơi nước bốc lên sau khi đá vôi rơi xuống nước.
Làn sương khói mù trời khiến tầm nhìn của Lỗ Thiên Liễu trở nên mờ mịt, nhưng cô vẫn nghe thấy một sự bất thường. Cây cột còn lại cũng bắt đầu đổ nghiêng, Lỗ Thiên Liễu chưa cần đi phá vết nứt, nó đã tự đổ xuống, quá trình tương tự với cây cột trước đó, có điều tốc độ chậm hơn rất nhiều. Lỗ Thiên Liễu đã hiểu ra, cho dù cô ra tay với cây cột nào trước, thì hai cây cột cũng sẽ lần lượt theo nhau đổ xuống.
Khi nước trong đầm sủi bọt, cây cột đang từ từ đổ xuống cũng bắt đầu phân rã. Tiếng nổ lần này không kinh động bằng lần trước, nhưng lại kéo dài liên tục. Đá trên cột vỡ ra từng viên một, vụn đá bay ra nhỏ mịn hơn rất nhiều so với bột đá vôi, rắc trên mặt nước cũng đều đặn hơn nhiều.
Trong lúc cây cột đá thứ hai lần lượt vỡ tung, lớp khói bụi và hơi nước mù mịt trên mặt đầm cũng dần dần nhạt bớt. Lúc này, trước mắt Lỗ Thiên Liễu đã không còn là mặt nước đầm xanh biếc, mà trở thành một mặt phẳng trắng xóa, một màu trắng thuần khiết như mặt tuyết, trắng đến nỗi không nhìn thấy một gợn bụi tạp.
Lỗ Thiên Liễu quỳ xuống bên cạnh mặt phẳng trắng muốt vừa mới hình thành, cúi đầu quan sát kỹ lưỡng xem nó là loại chất liệu gì. Cô vừa cúi đầu, nhành hoa đang cài trên tóc bỗng rụng xuống hai cánh nhỏ. Cánh hoa đáp xuống mặt phẳng, không có bất cứ phản ứng gì. Hiện tượng này giúp Lỗ Thiên Liễu phán đoán rằng, mặt phẳng trắng muốt kia khá an toàn. Cô bèn đưa hai ngón tay trái khẽ chạm lên mặt phẳng.
Cảm giác tại đầu ngón tay rất cứng rắn, giống hệt như mặt đá. Nhưng tại sao mặt đầm xanh biếc lại có thể biến thành một mặt đá trắng toát chỉ trong khoảnh khắc?
Là thạch cao thiên nhiên! Sau một thoáng suy nghĩ, Lỗ Thiên Liễu đã nhận ra. Và cũng chỉ có thạch cao mới có thể tan chảy hoàn toàn dưới tác dụng của nhiệt độ cao khi đá vôi sống gặp nước. Sau khi nhiệt độ hạ xuống, nó sẽ đông kết lại một cách nhanh chóng. Lớp lớp bụi nước rơi xuống từ thác Nhạn Linh mang theo hơi lạnh của suối núi đã giúp cho bề mặt thạch cao ngưng kết nhanh chóng.
Chú thích
[10] Là một dụng cụ trong công phu Tịch trần, giống như chiếc que dẹt nhọn đầu, dùng để cạo bỏ bụi bặm trong khe hở.