Suốt cả ngày Ngô Hiểu không về. Mưa đã tạnh, Lâm Tinh mấy lần ra đứng ở đầu phố chờ anh. Cô sốt ruột muốn nói với anh, hai nhân viên công an thường phục nói với cô trên nhà thủy tạ trong hồ Công viên Trung Sơn. Họ nói với cô về lương tri và trách nhiệm trước pháp luật của mỗi người.

Cô không biết mình tố cáo ông Công tức là đã tố cáo ông Thiên. Cô không biết làm như thế Ngô Hiểu có giận không. Sự im lặng của Ngô Hiểu làm cho cô lo lắng, không biết anh lén đi tìm bố hay cố tình tránh không về nhà. Rất muộn Ngô Hiểu vẫn không về. Nửa đêm Lâm Tinh nằm khoanh trên sofa ngủ quên lúc nào không biết, tỉnh dậy đã là sáng hôm sau. Cô sợ hãi phát hiện không biết Ngô Hiểu đã về lúc nào. Cái áo ngoài của anh để trên giường không thấy đâu. Cô chạy ra gọi anh, anh không về. Suốt nửa năm yêu và lấy nhau, cô vẫn cho rằng mình và Ngô Hiểu trở thành một tổng thể khăng khít thân mật, nhưng hôm nay mới phát hiện mình chưa thật hiểu anh.

Vậy Ngô Hiểu có hiểu Lâm Tinh không? Cô gọi điện cho bạn anh trong ban nhạc, hỏi thăm Ngô Hiểu ở đâu. Các bạn trong ban nhạc không biết, cả ngày hôm qua anh không đến. Qua khẩu khí của Lâm Tinh, các bạn trong ban nhạc biết chắc giữa cô và Ngô Hiểu có chuyện không vui. Họ hỏi Lâm Tinh có việc gì, phải chăng hai người cãi nhau? Lâm Tinh nói không phải, cô có việc cần tìm Ngô Hiểu.

Cô rất muốn ra phố tìm anh, nhưng biết tìm đâu? Bắc Kinh quá rộng! Hơn nữa, cô không dám rời nhà, sợ Ngô Hiểu về, mỗi người đi một ngả. Quả nhiên, buổi trưa Ngô Hiểu về. Anh giống như cả đêm không ngủ, mặt bẩn thỉu, hai mắt đỏ đọc. Anh vừa vào nhà, Lâm Tinh cảm thấy có chuyện gì đó, chưa bao giờ cô thấy sắc mặt Ngô Hiểu khó coi đến thế: không cười, không giận, không nói năng, như muốn khóc, nhưng lại không có nước mất

Lòng Lâm Tinh tan nát, hỏi anh: “Anh Hiểu, suốt một đêm một ngày vừa rồi anh đi đâu? Em lo quá!”

Ngô Hiểu đứng trước cửa sổ quay lưng về phía Lâm Tinh. Cô hỏi mãi mà anh không nói. Giọng anh lạc hẳn đi, lời lẽ của anh giống như người điên nói lảm nhảm. Mỗi câu nói của anh khiến Lâm Tinh phải run lên.

“Anh đi tìm bố. Chiều hôm qua mưa to... Bố hẹn anh sáng nay đến bãi sông. Anh đến tìm, bố bảo hôm nay đưa bố đến một nơi... Ở bãi sông ấy, hồi nhỏ anh vẫn thường ra chơi với bố. Bố rất thích tập lái xe ở đấy... lái xe ở đấy rộng rãi. Anh đến đấy. Bãi sông nắng đẹp, rất đẹp. Bố đã ở đấy rồi. Anh trông thấy xe của bố, ở đấy chỉ có nắng, chỉ có hai chiếc ô tô đã đậu từ lâu. Anh đi tìm, anh hỏi bố có ở đây không...”

Ngô Hiểu khóc nức nở, khóc tưởng như không thể nín nổi. “Bố có ở đấy, bố ở trong xe... Bố gọi anh đến, gọi anh đến để cùng anh đến một nơi. Chắc chắn bố không muốn chết. Nếu không bố sẽ không, sẽ không nói chào con...” Hai tay Ngô Hiểu che mặt, ngăn dòng nước mắt. Lâm Tinh hoảng sợ, hiểu được những lời nức nở của anh. Cô sợ, toàn thân tê dại, cảm thấy mình và Ngô Hiểu, gia đình của họ, bước đến bờ vực đổ vỡ. Cô thoáng hiểu nhưng vẫn hỏi lại: “Anh Hiểu, anh nói gì? Anh bảo bố thế nào?”

Ngô Hiểu khóc không thành tiếng. Lâm Tinh đi tới ôm anh, anh né tránh. Anh vừa khóc vừa nói: “Tại sao em hại bố?”

Lâm Tinh cũng khóc: “Anh Hiểu, em không, em không làm hại bố! Anh đừng nói thế...”

Qua giọt nước mắt Lâm Tinh như trông thấy giữa cô và Ngô Hiểu đang có vết rạn vỡ, đồng thời cô nghe thấy những âm thanh “không, không” trong vết rạn vỡ. Lòng cô sợ hãi cực điểm. Âm thanh ấy mỗi lúc một to, làm cô bừng tỉnh trong cơn mê dại. Cô nghe có tiếng gõ cửa.

Cả hai cùng không khóc nữa, đứng ngây trong tiếng gõ cửa. Lâm Tinh lau khô nước mắt, tay chân đờ đẫn ra mở cửa. Cô chưa kịp phản ứng thì mấy nhân viên cảnh sát chưa hề gặp mặt với đầy đủ súng ống ập vào nhà.

Cảnh sát hỏi Ngô Hiểu mặt đầy nước mắt: “Có phải anh tên là Ngô Hiểu?”

Ngô Hiểu không trả lời, chỉ trố mắt nhìn họ.

Cảnh sát không hỏi nữa, tuyên bố: “Chúng tôi tạm giữ anh.”

Tai Lâm Tinh ù lên, tưởng chừng không còn đứng vững. Cô hỏi: “Tại sao, tại sao các người bắt anh ấy? Anh ấy có tội gì?”

Cô bị cảnh sát chặn lại ở góc nhà, trông thấy họ mở tờ giấy tạm giữ trên mặt bàn cho Ngô Hiểu ký tên và điểm chỉ. Cô hoảng hốt hỏi: “Anh Hiểu, cuối cùng anh đã làm gì? Tại sao họ lại bắt anh?” Ngô Hiểu không để ý đến cô. Anh cúi xuống ký tên và điểm chỉ như một cái máy. Cô vùng chạy tới ngăn anh lại: “Anh Hiểu, anh không được tùy tiện ký tên!” Cảnh sát giữ lại, quát to: “Chúng tôi đang thi hành công vụ, đề nghị cô hợp tác. Ngăn cản người thi hành công vụ là phạm pháp, cô biết không?”

Mắt cô mở to, nhìn cảnh sát đưa Ngô Hiểu đi. Cô muốn đi theo nhưng bị cảnh sát ngăn lại. Cô hỏi: “Các người đem anh ấy đi đâu?” Không ai trả lời. Nhìn Ngô Hiểu bị giải lên ô tô, cô gào to: “Anh Hiểu!” Ngô Hiểu không quay đầu lại, cũng không để lại cho cô một ánh mắt, một câu nói.

Xe của cảnh sát đã đi. Những người đứng xem đều nhìn Lâm Tinh. Trong ánh mắt của không biết bao nhiều người nhìn theo, cô chạy ra trạm điện thoại công cộng, gọi cho nhân viên cảnh sát lớn tuổi mặc thường phục. Viên cảnh sát lớn tuổi nghe thấy tiếng cô kêu cứu, ông bình tĩnh nói: “Mời cô đến đây, chúng tôi có việc đang cần tìm cô.”

Lâm Tinh vẫy xe dọc đường, đi tìm người cảnh sát lớn tuổi mặc thường phục. Đã có lần cô đến nơi viên cảnh sát lớn tuổi làm việc. Nơi ấy, hễ nói lái xe taxi biết ngay. Cô gặp ông ta và người trợ lý trẻ tuổi trong phòng khách. Thần thái của họ vẫn như mọi lần, người lớn tuổi hòa nhã thân mật, người trẻ tuổi không nói cười.

Viên cảnh sát lớn tuổi nói: “Cô làm rất đúng. Xem ra lời nói của chúng tôi không phí hoài.” Ông ta đưa ra một cái nhẫn to cho Lâm Tinh xác nhận: “Có phải cái này không?” Lâm Tinh gật đầu. Ông ta cười nói: “Cảm ơn cô!”

Lâm Tinh rất kì vọng ở người cảnh sát này. Cô sốt ruột muốn báo cho ông biết chuyện: “Anh Hiểu của tôi bị bắt rồi. Ông biết không? Ông có thể bảo cho tôi biết anh ấy bị bắt vì tội gì? Vì anh ấy là con ông Thiên à? Hàng ngày anh ấy sống với tôi, không hề hay biết việc bố anh ấy làm.”

Lời của Lâm Tinh lập tức được viên cảnh sát trẻ tuổi ghi lại. Cô trông thấy nhưng không hề sợ hãi. Viên cảnh sát lớn tuổi rất bình tĩnh, nói: “Tôi hỏi cô nhé, bố anh ấy với ông Công can tội giết người, anh Hiểu có biết không?”

Lâm Tinh nói: “Anh ấy không biết. Về sau tôi nói với anh ấy. Hôm ấy anh đi Đại Liên làm chương trình ca nhạc truyền hình. Anh ấy về, tôi mới nói.” Viên cảnh sát lớn tuổi lại hỏi: “Cô bảo với anh ấy hôm nào?”

Đầu óc Lâm Tinh rối lên: “Hôm qua. Không... tôi bảo với anh ấy hôm kia.”

Viên cảnh sát lớn tuổi mỉm cười để làm giảm căng thẳng của Lâm Tinh: “Cô nghĩ kỹ lại xem, hôm qua hay hôm kia?”

Lâm Tinh nói: “Hôm kia, tối hôm kia. Anh ấy ở Đại Liên về tôi nói với anh ấy ngay. Chúng tôi bàn với nhau khuyên bố anh ấy ra đầu thú với công an.”

Viên cảnh sát trẻ tuổi ghi xong, ngước lên hỏi thêm vào: “Hai người có khuyên không?”

“Hôm sau chúng tôi đi tìm bố anh ấy, nhưng không gặp. Sáng hôm ấy, các ông đã đến Công ty của ông ấy và cũng đã gặp chúng tôi đấy thôi.”

Viên cảnh sát trẻ tuổi ghi chép xong, rất có trách nhiệm đưa bản ghi chép cho Lâm Tinh xem: “Chị xem tôi ghi có đúng không? Nếu đúng, chị ký vào đây một chữ.”

Lâm Tinh ký, cô nói: “Tôi ký, liệu anh ấy có được ra không?”

Viên cảnh sát lớn tuổi nói: “Cô Tinh, có một vài việc không nhất thiết cô phải biết. Tôi nghĩ, cô hoàn toàn hiểu được chồng mình.”

Với thái độ nghiêm túc của viên cảnh sát lớn tuổi, Lâm Tinh có dự cảm sự việc khó có thể cứu vãn. Cô khóc, lời lẽ có phần lộn xộn: “Anh ấy thế nào, lẽ nào tôi tin các ông? Tôi nói hết những gì mình biết cho các ông. Vậy mà các ông đến bắt anh ấy, tại sao không bắt luôn tôi đi?”

Viên cảnh sát lớn tuổi nói: “Đấy là hai chuyện khác nhau. Cô nói với chúng tôi những gì cô biết, là một công dân phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tất nhiên chúng tôi cảm ơn. Nhưng hôm ấy tôi cũng đã nói với cô, đây không phải là vụ án quá phức tạp. Cô Hân lúc chết trên người có tấm thảm và dây thừng, chúng tôi đã tìm ra xuất xứ của chúng. Lần trước chúng tôi đến gặp ông Ngô Trường Thiên còn trông thấy trên bàn làm việc của ông ấy có phiếu của ngân hàng thanh toán lợi tức của khoản tiền gửi rất lớn. Điều ấy chứng tỏ trong những ngày gần đấy ông ấy rút ra một khoản tiền lớn. Với lại, ông Công giết Lưu Văn Khánh không thể không để lại dấu vết... Vụ án để lại rất nhiều vật chứng, lại có hiện trường phạm tội hoàn chỉnh, cho nên tìm ra thủ phạm không khó. Hơn nữa, ngay từ lúc bắt đầu chúng tôi đều theo một hướng điều tra. Nếu cô không tố giác hung thủ, vụ án cũng không kéo dài quá lâu.”

Lâm Tinh không hứng thú với những phân tích ấy. Qua nét mặt của hai viên cảnh sát, cô không thấy chút hy vọng nào có thể cứu được Ngô Hiểu ra. Sau đấy họ ân cần chỉ dẫn điều gì đó cô cũng không nghe rõ. Cô không biết tại sao hồn vía mình đi đâu mất. Ra khỏi Sở Công an, đứng ngoài đường phố nhìn ánh chiều từ xa, nhìn dòng xe chạy trên đường, cô thấy mình không có nhà để về.

Cô cứ lơ mơ thất thểu đi ngoài phố, đi không phương hướng. Mãi đến khi trời tối, cô lau khô nước mắt, tự nhủ phải kiên cường, vì lúc này Ngô Hiểu rất cần cô. Cô không thể chỉ buồn đau, phải dũng cảm, dốc toàn lực cứu Ngô Hiểu. Quyền thế và ảnh hưởng của nhà họ Ngô cũng đã đột ngột mất đi cùng sinh mệnh ông Ngô Trường Thiên, ngay cả một dư âm cũng không còn. Cô sẽ là người duy nhất cứu Ngô Hiểu.

Niềm tin khiến cô bỏ lại đau khổ ở phía sau. Cô đi tìm anh em trong ban nhạc Thiên Đường, cầu cứu họ cứu Ngô Hiểu. Anh em trong ban nhạc nghe nói, ai cũng trố mắt há hốc miệng. Trong con mắt của họ, Ngô Hiểu là chú em ít nói, không phải không trái. Trong ban nhạc mọi người đều tuân thủ luật pháp, không tiếp xúc với người bên công an, không quen người của tòa án, viện kiểm sát. Cả ban nhạc trước đây chỉ có Ngô Hiểu leo lên được hai chữ quyền thế.

Lâm Tinh lại đi tìm thầy giáo, bạn học cũ, khóc lóc kể lại chuyện của mình, nhưng ai cũng tỏ ra đồng tình và không thể giúp gì được. Lâm Tinh là con người quen với cô đơn, không kết bạn thân tình với ai, mấy hôm nay sợ hãi đôn đáo kêu gào khắp nơi, nhưng không tìm được người bạn nào có thể rút kiếm tương trợ. Cô đến cả Công ty Trường Thiên, nhưng chẳng ai muốn nói chuyện với cô. Cô xông thẳng vào văn phòng ông Trịnh Bách Tường, Phó chủ tịch tập đoàn, người chủ trì công tác của Tập đoàn hiện tại. Cô quỳ xuống van lạy, nhưng không ích gì. Trước kia, ông Tường trung thành, cung kính ông Thiên như thế nào, Lâm Tinh cũng đã tận mắt trông thấy, nhưng lúc này nói với cô toàn giọng quan cách, công vụ. Hơn nữa, trong lúc nói chuyện, ông ta cố tình mời hai cán bộ nữa vào cùng nghe để tránh mọi nghi ngờ. Ông ta nói, việc của bố con ông Thiên đang được công an điều tra, bây giờ chúng tôi không có quyền nói gì, không thể can thiệp công việc tư pháp. Tâm trạng của cô, chúng tôi có thể hiểu, nhưng phải tin vào Đảng, tin vào Chính phủ. Đảng và Chính phủ không để oan người tốt, cũng không thể tha thứ kẻ phạm tội. Bố con ông Thiên có vấn đề gì hay không, rồi sẽ có ngày sáng tỏ.

Lúc này Lâm Tinh mới hiểu thế nào là nhân tình thế thái của người Trung Quốc, mới hiểu thế nào là ấm áp tình người, thế nhân băng giá. Mấy hôm trước cái tên Ngô Trường Thiên trong cái Tập đoàn công ty này còn nổi như cồn, không ai sánh kịp.

Bởi vậy cô nghĩ, về bản chất làm người, họ còn cô đơn hơn chính cô. Bởi họ không thật lòng yêu ai, không cam tâm tình nguyện hy sinh cho ai. Cô còn đầy đủ và may mắn hơn họ rất nhiều, bởi ít ra trong lòng còn có Ngô Hiểu, còn có vui buồn giận dữ thật sự.

Cô đưa áo quần thay đổi vào cho Ngô Hiểu, đưa những thứ anh thích ăn, đưa cả tiền. Trừ thức ăn, trại tạm giam đều đồng ý chuyển cho anh. Nhưng lần thứ hai cô đến, cảnh sát trả lại nguyên bọc đồ cho cô, lý do rất đơn giản: anh không nhận.

“Tại sao anh ấy không nhận?” Lâm Tinh hỏi.

“Chúng tôi không biết.” Cảnh sát trả lời.

“Anh ấy có biết đây là đồ của gia đình gửi cho không?”

“Chúng tôi nói rồi, anh ấy không nhận. Anh ấy bảo anh ấy không có nhà. Cô là thế nào với anh ấy? Là chị hay là em gái?”

“Tôi là vợ.”

Cảnh sát nhìn cô từ đầu xuống chân, tỏ vẻ nghi ngờ về tuổi của cô: “Hai người đã lấy nhau rồi à? Hay còn là bạn?”

Lâm Tinh không trả lời, ôm bọc quần áo về. Về đến nhà, cô vẫn ôm bọc quần áo ấy, ngồi khóc. Lẽ nào anh vẫn còn giận, chưa tha thứ cho mình? Đấy là điều Lâm Tinh sợ nhất, là đòn mạnh cô không thể chịu đựng nổi.

Tối hôm ấy cô sốt cao, mấy hôm nay không đi lọc máu, ăn uống thất thường. Cô nằm trên giường, toàn thân đau nhức, lòng những mơ hồ nghĩ rằng, mình sẽ chết. Nhưng cô vẫn không buông nổi Ngô Hiểu, dù thế nào cũng phải sống để được một lần nữa trông thấy anh. Cô xuống giường, từng bước xuống nhà, ngồi bên đường vẫy gọi taxi. Taxi không dám chở. Người qua đường bỏ mặc, chỉ nhìn rồi bỏ mặc. Cuối cùng có một ông già đi tới hỏi cô có chuyện gì? Giọng cô khản đặc nhưng cố nói: “Cháu ốm, muốn đến bệnh viện...” Ông già vội vẫy xe, đưa cô đến bệnh viện. Lâm Tinh không chết. Cô phải nằm viện mất mấy hôm. Vẫn là bệnh thận.

Ngoài một nhạc công chơi dương cầm của ban nhạc Thiên Đường, không ai đến thăm cô. Người chơi dương cầm này lớn tuổi nhất trong ban nhạc. Anh ta và tay trống nhờ có quan hệ quen biết đến thăm Ngô Hiểu, đưa quà vào cho anh. Sau đấy thông báo cho Lâm Tinh đang nằm viện biết tình hình Ngô Hiểu. Anh nói, Ngô Hiểu trong tù rất gầy, nhưng không ốm. Có thể sắp tới sẽ mở phiên tòa xét xử anh. Ngô Hiểu không có luật sư bào chữa, tòa chỉ định cho anh một luật sư. Nghe vị luật sư kia nói, tội của Ngô Hiểu là “che giấu tội phạm.”

Lâm Tinh hỏi: “Các anh đưa gì vào cho anh ấy?”

Người chơi dương cầm nói: “Áo quần, thức ăn, còn đưa thêm một ngàn đồng.”

Lâm Tinh hỏi: “Anh ấy có nhận không?”

Người chơi dương cầm nói: “Cảnh sát không cho nhận thức ăn nhưng áo quần và tiền thì nhận.”

Lâm Tinh sững sờ hồi lâu sau mới nói được một câu: “Anh ấy có hỏi gì em không?”

Cô nhìn miệng người chơi dương cầm, sợ anh nói không. Cô không biết mình có thể chịu đựng nổi được tiếng trả lời “Không” hay không. Người chơi dương cầm vẻ mặt buồn buồn, nhìn đi chỗ khác, chần chừ hồi lâu mới nói: “Không!”

Lâm Tinh quay mặt ra phía cửa sổ. Cô không muốn đối mặt với câu trả lời tàn nhẫn ấy.

Người chơi dương cầm cũng trầm mặc hồi lâu, rồi đứng dậy, nói: “Tôi về nhé!” Anh nhìn Lâm Tinh cúi đầu, hai tay che mặt, muốn khuyên: “Có thể cậu ấy cho rằng... họ bảo... cô đã bán cậu ấy. Tôi đến thăm cô, không bảo với hai người kia trong ban nhạc. Nhưng tôi muốn nói thật tình hình của cậu ấy, nếu cô muốn biết. Dù sao thì ở trong đó cậu ấy vẫn ổn, nghe nói không bị đánh.”

Người chơi dương cầm đi rồi, Lâm Tinh ngồi ôm mặt, muốn khóc nhưng không dám khóc. Phòng bệnh có sáu bệnh nhân, có y tá, hộ lý và người nhà bệnh nhân ra ra vào vào. Cô không muốn để người khác chú ý.

Mấy hôm sau người chơi dương cầm gọi điện báo cho cô biết ngày mở phiên tòa xét xử Ngô Hiểu. Anh ta nói tốt nhất cô đừng dự, sợ sẽ bị sốc. Nhưng hôm mở phiên tòa, cô vẫn xuất viện ra dự vì cô rất muốn được thấy Ngô Hiểu.

Phiên tòa nhỏ hơn cô hình dung. Chỗ ngồi dự thính đông chật. Trong số người dự, cô thấy ban nhạc Thiên Đường không đầy đủ. Ba người trong ban nhạc trông thấy cô, nhưng không ai chào hỏi cô. Nghe những người chung quanh bàn tán, cô biết đến dự hôm nay phần đông là những fan hâm mộ Ngô Hiểu.

Ngô Hiểu được dẫn ra. Lâm Tinh không dám nhìn anh. Tóc anh chưa bao giờ cắt ngắn như vậy, tưởng như chỉ còn một lớp mịn màng. Tóc ngắn trông anh có cái vẻ buồn tủi trẻ con, chỉ có thần sắc đờ đẫn, tê dại. Sau phần thủ tục phiên tòa, công tố viên đọc cáo trạng. Cáo trạng buộc tội anh trong vụ Lí Đại Công giết người anh biết mà không tố cáo, còn định giúp bố chạy trốn, phạm tội che giấu tội phạm, đề nghị tòa xét xử theo luật định. Sau phần cáo trạng đến phần luật sư bào chữa. Tuy là luật sư chỉ định, nhưng ông vẫn tỏ ra khảng khái, hiên ngang, chứng lý đầy đủ. Luận điểm chủ yếu của luật sư là, bị cáo không biết bố phạm tội, không cố tình che giấu tội phạm. Tiếp theo là phần điều tra của tòa, hai bên cùng đưa ra nhân chứng, vật chứng. Trong phiên tòa này Lâm Tinh biết, phía cảnh sát khám thi thể ông Thiên tìm được tấm vé máy bay đi Quảng Châu. Công an đến phòng vé của hàng không điều tra được biết, trên phiếu gốc ghi tên người mua vé là Ngô Hiểu, số điện thoại để lại cũng của anh.

Đấy chẳng phải là bằng chứng vững chắc hay sao?
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện