Quả thật Ngụy Khiêm chẳng hề thấy hứng thú với việc phòng Ngụy Chi Viễn có cái gì.
Tính cách càng lúc càng bình tĩnh quá mức của Ngụy Chi Viễn một dạo từng khiến gã bận tâm, nhưng gã vẫn cho rằng, cậu nhóc đó lớn như vậy rồi, mọi việc đều nên biết chừng mực.
Trong mắt Ngụy Khiêm, Tiểu Bảo và Tiểu Viễn không bao giờ giống nhau.
Tống Tiểu Bảo dẫu sao cũng là con gái, bảo Ngụy Khiêm hiểu cho thì thật sự hơi khó. Vẻ ngoài của cô bé trông quá nhỏ, tính cách cũng chẳng lớn lắm, đôi khi Ngụy Khiêm cũng biết là cô bé có thể miễn cưỡng xem như người lớn, dù tốt dù xấu đều đã biết giữ thể diện rồi, không thể tùy tiện mắng chửi như hồi nhỏ nữa, nhưng lại luôn không nhịn được coi cô bé là con nít.
Nhưng với Ngụy Chi Viễn lại không tồn tại vấn đề này.
Thỉnh thoảng nhìn thấy cậu nhóc, Ngụy Khiêm sẽ nhớ tới lúc mình bằng tuổi này, rất kỳ lạ là gã chỉ cảm thấy Ngụy Chi Viễn “trẻ tuổi”, nhưng càng lúc càng không cảm thấy cậu là một đứa trẻ.
Nếu đã không phải là trẻ con thì gã cũng chẳng muốn tỏ ra quá lắm mồm.
Thế nên Ngụy Khiêm đuổi cổ Tống Tiểu Bảo, đóng cửa phòng Ngụy Chi Viễn rồi đi luôn.
Buổi tối Ngụy Chi Viễn trở về nghiệm thu công lao vĩ đại của thiếu nữ ngốc Tống Tiểu Bảo, kết quả là vừa đẩy cửa đã biết ngay chẳng có ai vào phòng.
Cậu để lại vài cái bẫy nhỏ hòng phán đoán lúc mình vắng nhà đã xảy ra chuyện gì. Bên trong nữa thì không cần nói, gian phòng khá sáng sủa có hai thứ – hôm nay lúc đi cậu cố ý để lệch cái ghế trước bàn học, chân ghế vuông vừa vặn nằm ngay kẽ sàn nhà, nếu có ai muốn lục giá sách thì phải dịch hoặc bỏ cái ghế làm kiểu gì cũng vướng víu đó ra.
Trên tay nắm cửa phía trong phòng còn bị cậu dán một lớp màng plastic cực mỏng, màng plastic giống như màn hình di động, bình thường dính bụi bặm li ti không nhìn thấy, cho nên cầm vào sẽ để lại vân tay mà mắt thường thấy được, có người vào phòng cậu quay ra, đương nhiên phải kéo tay nắm, để lại dấu vết.
Mà ghế chưa hề dịch chuyển, tay nắm bên trong cũng sạch nguyên như lúc đi.
Chỉ có sợi tóc buộc ở kẽ cửa bị kéo đứt, nếu đẩy nhẹ cửa thì tóc sẽ rơi xuống, đứt làm đôi thì cho thấy có người dùng sức mạnh đẩy cửa, không nhiều khả năng là anh hai, chắc hẳn do tên quỷ lanh chanh Tống Tiểu Bảo kia làm.
Mà anh hai… ảnh đại khái là nhìn lướt qua, đuổi Tiểu Bảo đi, rồi đóng cửa lại.
Đến đây thì Ngụy Chi Viễn đã đoán được tám chín phần mười chuyện xảy ra sáng nay.
Trong chớp mắt, tâm trạng Ngụy Chi Viễn trở nên rất phức tạp – cậu không phải là loại người dốc hết tim gan ra đối đãi, xét trên mặt nào đó thì cậu thậm chí hơi ích kỷ, giao du với người ta phần lớn là vì cần thiết chứ rất ít khi thật lòng thật dạ.
Dù rằng có phần do cậu cố ý dẫn dắt, nhưng dù sao cũng là cậu thiếu niên trên chuyện tình cảm chỉ như một tờ giấy trắng, khi đem một phần của mình bày ra cho anh hai xem, thủy chung không thể tránh khỏi sợ hãi, ngượng ngùng thậm chí hơi sầu lo.
Nhưng Ngụy Khiêm lại không thèm xem!
Sự tò mò của anh hai bị chó tha mất rồi sao? Ngụy Chi Viễn có cảm giác như tình cảm bị lãng phí, hoàn toàn bất lực, đồng thời tâm trạng cũng không khỏi hơi kỳ lạ.
Nếu là Tiểu Bảo trở nên bất thường, anh hai cũng sẽ dừng bước ngay cửa sao? Đương nhiên, Tiểu Bảo là con gái, chắc chắn không tiện lắm, mà nếu như… cô bé là con trai?
Ngụy Chi Viễn chậm rãi kê ghế ngay ngắn lại, ngồi xuống trước bàn học.
Ngụy Chi Viễn và Tiểu Bảo, một đứa đỡ lo một đứa đáng lo, cả về tình lẫn về lý chắc chắn anh hai phải để ý đứa đáng lo kia hơn, mà điều này sẽ khiến cả hai đều khó chịu, Tiểu Bảo cho rằng anh hai cả ngày gây sự nhằm vào mình, không tự do chút nào, mà Ngụy Chi Viễn…
Cậu cảm thấy mình cực kỳ mâu thuẫn, khi cậu vì anh mà cố hết sức để mình hoàn hảo, anh ngược lại chẳng thèm quan tâm đến cậu.
Ngụy Chi Viễn biết cách nghĩ của mình là cố tình gây sự, cậu cũng biết lòng mình rối bời, nhưng cậu không cách nào bình tĩnh nổi.
Nếu cậu có thể bình tĩnh lại, nếu cậu có thể không để việc này giày vò mình như hóc xương, thì chỉ sợ đó cũng chẳng phải là tình cảm gì không dứt bỏ được.
Chỉ cần còn một chút lý trí, cậu sẽ không mạo hiểm đi rước lấy sự giận dữ này.
Nhưng Ngụy Chi Viễn dù sao cũng là người theo chủ nghĩa hành động, con đường này không thông, cậu lại nhanh chóng tìm được cơ hội thứ hai.
Ngụy Khiêm đang đọc một tờ báo, Ngụy Chi Viễn đi ngang qua, giống như vô ý chỉ vào một mục đề cử trên tờ báo văn nghệ nào đó: “Quyển này hay lắm, em có đấy, anh đọc không?”
Ngụy Khiêm ru rú trong nhà chán muốn chết, liền vui vẻ nhận luôn.
Ngụy Chi Viễn lấy sách cho gã, kiên nhẫn đợi một lúc.
Ngụy Khiêm không có bất cứ khái niệm gì về việc tôn trọng sách vở, trước giờ xem xong là tiện tay ném luôn, lúc muốn xem lại phải tìm khắp nơi, tìm thấy là gãy góc tùm lum… Thái độ đối đãi chẳng khác lắm với tất của mình.
Với Ngụy Chi Viễn mà nói, tiến độ của gã rất dễ quan sát và đánh giá.
Chờ Ngụy Khiêm đọc xong một quyển, Ngụy Chi Viễn lại đúng lúc đưa thêm quyển thứ hai.
Ngụy Khiêm hiếm khi được rỗi rãi ngồi ở nhà yên tĩnh đọc sách, khiến gã nhớ đến khoảng thời gian mài mông trong lớp của hai năm cấp ba… Đó gần như là những tháng ngày thoải mái nhất đời gã.
Mà Ngụy Chi Viễn biết, có một có hai không có ba, lần sau Ngụy Khiêm xem xong sẽ tự đến phòng cậu lấy chứ chẳng cần hỏi nữa.
… Qua hai hôm, Ngụy Khiêm quả nhiên tự giúp mình như cậu mong muốn.
Ban đầu là nhét sách lại rồi rút đại một quyển, sau một tuần như vậy, Ngụy Khiêm dần coi phòng Ngụy Chi Viễn thành phòng đọc sách – phòng Ngụy Chi Viễn sạch sẽ hơn phòng gã.
Ngụy Khiêm phát hiện sách cậu em sưu tầm vô cùng lạ lùng, một số bản dịch ngoại văn khó hiểu, dịch thuật tối nghĩa và phong cách kể chuyện như muốn lọt vào sương mù, đều gây khó khăn cho việc đọc của gã, có vẻ cực kỳ nhàm chán. Nhưng sở dĩ kinh điển trở thành kinh điển, tuyệt đối không phải bởi vì khó hiểu, mà nhất định có lý do của nó.
Khi một người trải nghiệm đủ rồi, khi anh ta có thể hiểu thấu thứ gì đó, không cần biết đối phương đang diễn đạt bằng cách nào, anh ta đều có thể nhận được sự đồng cảm hoặc là bất đồng với mức độ nào đó, và căn bản hai điều này là đủ để tiếp tục đọc.
Nhưng Ngụy Khiêm bị bệnh suốt một mùa đông, lại không được nghỉ ngơi bình thường, cho dù cậy trẻ tuổi hồi phục nhanh, bây giờ ít nhiều cũng hơi yếu, lúc trước trong lòng vẫn căng một dây đàn thì còn có thể chịu đựng, trước mắt vừa thả lỏng thì tinh thần giống như đều suy nhược theo.
Ngồi lâu là gã sẽ cảm thấy hơi mệt, cho nên nhiều khi dứt khoát nằm luôn trên giường Ngụy Chi Viễn, tìm một tư thế thoải mái nghỉ ngơi một lúc, không chừng còn ngủ thiếp đi.
Ngụy Chi Viễn quá thông minh, đương nhiên, thông minh là tốt, không hề đáng sợ, điều đáng sợ là cậu sẽ giống như chẳng có gì dư thừa, chỉ dựa được vào đây, mê mẩn và ỷ lại sự thông minh của mình đến quá đáng. Cậu cho rằng mọi chuyện đều có thể thông qua giải thích hợp lý để nhận được một kết cục tất nhiên, giống như cậu khống chế trò chơi bằng một tay vậy.
Nhưng chẳng lẽ chỉ cần cậu đủ thông minh và cẩn thận là có thể khiến trái đất quay ngược quỹ đạo?
Cậu còn chưa hiểu “cố hết sức mình và nghe theo ông trời” là gì.
Cậu cũng không biết, khi cậu tự cho là đã lôi anh hai vào thế giới tinh thần của mình với tiết tấu chính xác, đồng thời chuẩn bị dệt tấm lưới nhện, thì vận mệnh… không, hoặc nên nói là chuyện xác suất thấp thần kỳ mà chỗ nào cũng có này đã nhảy ra, cười nhạo cậu không biết lượng sức.
Một ngày nọ, Ngụy Khiêm ngủ trưa trên giường Ngụy Chi Viễn, bỗng nhiên chuột rút làm gã phải tỉnh giấc vì đau.
Để dứt cơn chuột rút, Ngụy Khiêm dùng cái chân đã co quắp lại đẩy bức tường cạnh giường, gắng sức kéo chân thẳng ra, chân đẩy lên tường, liền đạp giường và tường vốn sát vào nhau ra một khoảng bằng bàn tay.
Ngụy Khiêm vốn định dậy đẩy giường lại, ai ngờ vô ý cúi đầu nhìn thấy một quyển tạp chí khá đẹp bị phủ bụi trong khe hở bằng bàn tay đó.
Ngụy Khiêm không biết là thứ gì bị rơi xuống đây, bèn thò tay nhặt quyển tạp chí làm bụi xộc lên.
Trên trang bìa là một anh chàng chỉ mặc mỗi quần lót, một tay luồn vào cái quần dài bằng bàn tay, nét mặt khiêu khích, tư thế gợi dục, dù rằng là đàn ông nên mới đầu Ngụy Khiêm hơi sửng sốt, nhưng trang bìa lộ liễu này nhanh chóng để gã hiểu được, đây là một quyển tạp chí sex bản hạn chế.
Đều là đàn ông, đều từng trải qua tuổi tác như nhau, Ngụy Khiêm khi đó tuy mệt như một con chó chết chẳng có thời gian chú ý, nhưng cũng biết sự xao động do biến hóa nhanh mạnh trên sinh lý mang đến cảm xúc gì.
Với lứa tuổi Ngụy Chi Viễn mà lại đi sưu tầm mấy thứ này, tuy Ngụy Khiêm là người giám hộ ít nhiều cảm thấy không quen lắm, nhưng là anh trai, gã cơ bản cũng có thể hiểu được, chỉ hơi xấu hổ mà thôi.
Ôm tâm tình xấu hổ như vậy, Ngụy Khiêm tiện tay lật thử, khi hình ảnh rõ nét kia thậm chí chẳng thèm làm mờ, đập thẳng vào mắt gây chấn động mạnh, vẻ xấu hổ trên mặt gã khựng lại.
Ngụy Khiêm thoạt đầu kinh ngạc, rồi nhanh chóng chuyển thành ngỡ ngàng và khó tin, cuối cùng trên mặt quả thật chẳng còn cảm xúc gì nữa.
Một phút sau Ngụy Khiêm bật dậy khỏi giường, không chỉ là tức giận hay là thế nào, khuôn mặt vốn nhợt nhạt đã đỏ lựng đến mang tai.
Gã ném quyển tạp chí, nổi giận đùng đùng mắng: “Quân khốn nạn!”
Lúc này đang là buổi chiều, Tiểu Bảo và Tiểu Viễn đương nhiên đều đi học rồi, bà Tống ngủ trưa ở phòng bên, bà lão đã cao tuổi, mấy năm nay càng nặng tai, ngủ say như chết, Ngụy Khiêm làm ồn như vậy cũng không quấy rầy tới.
Ngụy Khiêm tịch thu quyển tạp chí này, đi lòng vòng như con thú bị nhốt, lửa giận phừng phừng trong lòng khiến họng bốc khói, muốn ho vài tiếng, lại nhớ bác sĩ nói ho sẽ làm tổn thương phổi, bảo gã nếu có thể nhịn thì cố hết sức mà nhịn, vì thế gã nén xuống, ném một cái ly sứ trên bàn.
Tóm lại, từ ngọn tóc đến móng chân, mỗi một tế bào toàn thân Ngụy Khiêm đều nhảy ra đòi làm cách mạng, lúc lửa giận trong lòng rực nhất, Ngụy Khiêm lao về phòng chọn sợi thắt lưng cứng và nặng nhất, chuẩn bị lát nữa Ngụy Chi Viễn tan học về nhà phải thẩm tra trước, chỉ cần có gan nhận thì gã sẽ quất thằng ôn dịch này thành con quay luôn.
Từ nhỏ đến lớn chưa từng đánh, tích lại rồi nó ngồi lên đầu mình luôn!
Ngụy Khiêm vốn cho rằng Tống Tiểu Bảo đã lì lợm hết mức rồi, nào ngờ đứa trẻ ngoan Ngụy Chi Viễn “chưa từng đi quá giới hạn” này đang chờ gã, Ngụy Khiêm lại cúi đầu nhìn quyển tạp chí để mở trên bàn một cái, đám đàn ông không mặc quần áo trên đó đang trơ trẽn quấn lấy nhau, còn nháy mắt khiêu khích gã, càng khiến gã tức đến sôi gan.
Ngụy Chi Viễn để anh mình tự trải nghiệm cảm giác của người bệnh tim, trong mạch máu của Ngụy Khiêm giống như có hàng chục cây súng máy đồng thời bắn đùng đùng, gã hít sâu mấy hơi, cảm thấy ngực đau nhói từng cơn.
Quả thật là… đồi phong bại tục!
Ngụy Khiêm ngồi phịch bên cạnh, hận không thể bẻ đầu Ngụy Chi Viễn ra xem thằng nhóc đó rốt cuộc nghĩ thế nào, hoặc là thứ gì đã chiếm giữ thân thể thằng em gã, mục đích đến trái đất này là gì?
Những cảm xúc bởi phẫn nộ mà hội tụ một cách lộn xộn này, cuối cùng thông qua sự kết hợp không hề có logic, như sông đổ ra biển, thành một ý nghĩ – gã quyết định phải đánh chết thằng ôn Ngụy Chi Viễn kia.
Vụ việc này bại lộ vào buổi chiều, thường thì Ngụy Chi Viễn tự học đến hơn chín giờ, cậu bắt đầu có thói quen chạy bộ buổi tối từ lúc mới mười hai mười ba, thông thường tự học xong tiện thể chạy vài vòng hoạt động gân cốt, phải gần mười giờ mới về đến nhà.
Bảy tám tiếng này đủ để Ngụy Khiêm bình tĩnh lại.
Bữa tối bà Tống vẫn rất cố gắng, nhưng Ngụy Khiêm chẳng có tâm trạng ăn uống, nuốt qua loa vài miếng rồi thôi.
Gã về bàn nhìn quyển tạp chí sex buổi chiều đã khiến gã nổi giận đùng đùng, rốt cuộc bắt đầu dùng bộ não của loài người – mà không phải là như súng máy để suy xét vấn đề này.
Ngụy Khiêm không biết rốt cuộc là Ngụy Chi Viễn nhất thời tò mò, hay bản thân thằng bé thật sự có khuynh hướng này.
Gã không nghĩ ra bất cứ nguyên nhân hay lý do gì.
Trong các bậc hiền triết, giữa người cùng giới cũng có tình cảm vượt qua tình bạn, nhưng bình thường Ngụy Khiêm vẫn cho rằng, đó đều là biểu hiện khác của bệnh thần kinh khi nghiên cứu tri thức đến ngu đần.
Gã chưa từng tiếp xúc với đồng tính luyến ái trong hiện thực, dĩ nhiên cũng không hiểu rõ lắm. Gã không hề có ấn tượng về họ, đành phải dựa theo tưởng tượng chủ yếu để phỏng đoán thêm, và như một lẽ đương nhiên, gã cho rằng những người đàn ông thích đàn ông này, phần lớn ẻo lả như đàn bà vậy.
Ngụy Khiêm dựa ghế ngả phịch ra sau, cổ rũ xuống.
“Tiểu Viễn nhà mình,” Gã hoang mang nghĩ, “Đánh nhau ổn chuẩn ác, chưa từng õng ẹo, chưa từng lắc mông, cũng chưa từng thấy có bất cứ hứng thú gì khác thường với đồ chơi của con gái… Sao nó lại là kiểu người đó nhỉ? Không thể nào!”
Thật sự chỉ là tò mò, không có khả năng… nhỉ?
Ngụy Khiêm bưng mặt nghĩ bụng: “Rầu muốn chết rồi.”
Mãi đến lúc này, gã mới hơi hiểu câu “anh ba sắp tự kỷ rồi” của Tống Tiểu Bảo, tuy Tiểu Bảo thiếu thường thức và diễn đạt không chính xác, nhưng chắc chắn là Ngụy Chi Viễn trầm lặng bất thường và có cảm xúc không tốt mới khiến con bé liên tưởng như vậy, chứ không đang yên đang lành nó đặt chuyện làm gì?
Rồi còn cả tủ sách kia… Hoàn cảnh trong phòng sạch sẽ đến mức gần như nghiêm khắc, bức tranh lạ lùng của Van Gogh dán sau cửa, đều làm bật lên sự kìm nén và giãy giụa không thuộc về một cậu thiếu niên.
Ngụy Khiêm chợt phát hiện sự chậm tiêu của mình, con trai tuổi này chẳng lẽ không nên thích ngôi sao thể thao nào ư? Có cá tính một chút thì chẳng qua sùng bái một số nhà khoa học hoặc là tỷ phú nổi tiếng thôi, ai lại biến phòng mình thành thư viện xã hội học bao giờ?
Thế mà gã còn không coi là gì!
Ngụy Khiêm thực sự hoài nghi mình vô tâm vô tư y như đồng chí Tống Tiểu Bảo vậy.
Buổi tối Ngụy Chi Viễn một tay xách cặp một tay xách áo khoác vào nhà, thấy anh hai đang ngồi trên sofa phòng khách, dường như là chờ mình.
Ngụy Khiêm: “Tiểu Viễn, mày qua đây.”
Ngụy Chi Viễn đáp một tiếng, cảm thấy thái độ của anh hai hơi khác thường, trong lòng nhanh chóng lướt qua một lần những việc làm của mình gần đây, nhất thời không rõ rốt cuộc là có chuyện gì xảy ra.
Ngụy Khiêm cũng không biết rốt cuộc mình gọi cậu em đến để làm gì, gã muốn hỏi chuyện tạp chí, nhưng không mở miệng được, ánh mắt cậu thiếu niên trong veo mà chăm chú, khi nhìn mình từ trên cao, lộ rõ vẻ dịu dàng đáng yêu.
Sợi thắt lưng chuẩn bị sẵn sàng lặng lẽ treo ở phòng mình, mảnh vỡ của cái ly bị Ngụy Khiêm lỡ tay đập nát trong cơn thịnh nộ còn bọc kỹ nằm trong thùng rác, mà gã thì chẳng nói được lời nào.
Ngụy Khiêm bỗng đứng dậy, quàng vai kéo Ngụy Chi Viễn tới.
Ngụy Chi Viễn hơi giật mình cứng đờ người, sau đó lại giãy nhẹ, dường như vừa hơi bất an vừa không nỡ vùng ra, ngượng ngùng giải thích lí nhí: “Anh, người em toàn mồ hôi, em…”
Ngụy Khiêm vỗ mạnh lưng cậu em, lòng rất xót xa, miễn cưỡng nở một nụ cười, buông Ngụy Chi Viễn ra: “Đừng để mệt quá, có chuyện gì không vừa lòng thì cứ nói với tao, nhé?”
Nội tâm Ngụy Chi Viễn hết sức nghi hoặc, không rõ anh hai đang diễn vở gì, nhưng bản năng bảo rằng tốt nhất là đừng hỏi, vì thế chỉ ngoan ngoãn gật đầu vâng một tiếng.
Ngụy Khiêm nhìn cậu em quay về phòng, thở dài nặng nề, buồn bã chạy lên ban công hút thuốc.
Gã có cảm giác rằng mình trên có già dưới có trẻ, rõ ràng là một thanh niên trẻ trung, ấy thế mà nhọc lòng toàn mấy việc của người trung niên, chợt nhớ hai hôm trước Lão Hùng đùa giỡn bảo giới thiệu đối tượng cho, Ngụy Khiêm phẫn nộ nghĩ bụng: “Bản thân mình còn chưa có đối tượng đây mà đã bắt đầu nhọc lòng đến chuyện đối tượng của đám ranh con, sao sống méo mó dữ vậy?”
Ngụy Khiêm không nhịn được tìm Tam Béo đang đóng giữ chiến trường ở vùng khác để trút bầu tâm sự.
Tam Béo chẳng dễ gì được yên tĩnh một buổi tối, đã ngủ không biết trời trăng từ lâu rồi, bị cú điện thoại dã man lôi khỏi giấc mơ, chỉ hận không thể cắt áo bào đoạn nghĩa với thằng ranh này.
Ngụy Khiêm thở dài nặng nề, gã thở ngắn than dài như vậy khiến Tam Béo rất không quen, Tam Béo vỗ đầu cho tỉnh ngủ, hỏi: “Sao vậy chú Khiêm? Viêm phổi trở nặng hả?”
Ngụy Khiêm vô cùng băn khoăn: “Ông Tam, tôi nói này, thằng nhóc Tiểu Viễn… thằng nhóc này… ôi, chắc nó phải khác người rồi.”
Tam Béo còn tưởng việc gì to tát, nghe vậy lập tức thở phào, cười sặc sụa: “Khác người? Ha ha ha ha, đêm hôm khuya khoắt đừng chọc anh Tam, trên đời này có mấy ai khác người hơn chú mày hả? Ôi trời, chú Khiêm, chú làm anh cười nôn cả ruột, tỉnh ngủ luôn – chú có biết khi nghe chuyện này anh có cảm giác gì không? Y chang hảo hán Lý Quỳ của Lương Sơn chạy đến trước mặt ông anh Tống Giang khóc hu hu nói ‘Dưới chân núi có thổ phỉ cướp đường người ta sợ lắm không dám đi’ vậy đó!”
Ngụy Khiêm: “…”
Lát sau gã mới quát vào điện thoại: “Bố tiên sư cái thằng ống nhổ chết tiệt!” (Ống nhổ tức Đàm Vu, tên của Tam Béo)
Rồi không thèm giải thích gì cúp máy luôn, sau đó một mình ôm nỗi phiền muộn.
Hôm sau tan buổi tự học muộn, Ngụy Chi Viễn như thường lệ đến sân thể dục trong trường, ném cặp khởi động giây lát định chạy vài vòng, đang xoay cổ chân thì vô ý ngẩng đầu lên, suýt nữa trẹo giò – Ngụy Khiêm đang ở trên khán đài im lặng nhìn mình y như âm hồn vậy.
Ngụy Chi Viễn: “… Anh?”
Ngụy Khiêm hắng giọng: “À, tao… khụ, tao đến rèn luyện cơ thể.”
Ngụy Chi Viễn khó tin nhìn gã giây lát, chần chừ nói: “Thế… thế được rồi, anh chậm thôi đừng để ho, chẳng phải bác sĩ không cho anh vận động mạnh à?”
Cuối cùng quả nhiên không hoạt động mạnh, Ngụy Chi Viễn chạy chậm gấp đôi bình thường, hai anh em chạy vòng quanh sân thể dục như đi bộ, thỉnh thoảng bị học sinh tan học về nhà đi bộ qua sân thể dục băng ngang, cuối cùng Ngụy Khiêm hết chịu nổi, đứng lui sang bên: “Mày đi đi, tao chờ ở đây.”
Chạy xong thì Ngụy Chi Viễn đẩy xe đạp cùng Ngụy Khiêm thong thả quay về, tán dóc câu được câu mất, chẳng biết bao lâu sau, Ngụy Chi Viễn đột nhiên nghe Ngụy Khiêm nói: “Tiểu Viễn, với anh, mày cũng giống Tiểu Bảo vậy.”
Ngụy Chi Viễn ngẩng đầu nhìn gã, Ngụy Khiêm ngó sang nơi khác, hình như không quen với vai chuyện trò chân thành kiểu này, gã cố gắng nhớ lại xem thầy cô hay làm thế nào, nói chậm lại, dù đã cố hết sức nhưng giọng điệu vẫn hơi gượng gạo: “Tiểu Bảo… con nhỏ luôn gây chuyện, tao bất đắc dĩ quản nó nhiều hơn, mày thì hiểu biết hơn… Ừm, tao cũng chẳng biết phải nói thế nào nữa, dù sao thì trong lòng tao không thiên vị nó, mày giống em ruột của tao vậy… Ôi, mày hiểu ý tao chứ?”
Thật ra Ngụy Chi Viễn không hiểu, nhưng cũng chẳng ảnh hưởng đến việc cậu hưởng thụ sự dịu dàng khó gặp của anh hai.
Cậu đột nhiên dừng lại: “Anh, em có thể ôm anh một cái không?”
Ngụy Khiêm: “…”
Gã cảm thấy hơi buồn nôn, nhưng sợ làm tổn thương trái tim “nhạy cảm” của cậu thiếu niên trong đầu mình, bèn dằn sự khó chịu xuống mà đồng ý.
Ngụy Chi Viễn ôm gã vào lòng, ghì cực chặt, nhắm mắt vùi mặt vào cổ Ngụy Khiêm, môi như cố ý như vô tình lướt qua cổ Ngụy Khiêm, đặt xuống một nụ hôn tựa có tựa không.
Ngụy Khiêm giật mình theo bản năng, song gã cho rằng đây chỉ là điều bất ngờ, không muốn phản ứng mạnh quá, đành phải im lặng nhẫn nhịn.
Hai anh em quay về nhà, vừa mở cửa thì tiếng bà Tống quát nạt Tiểu Bảo đã đập thẳng tới: “Con làm gì mỗi ngày hả? Làm gì hả? Trên đây viết những gì? Đừng nói nhảm! Bà không tin!”
Cặp của Tiểu Bảo lăn lóc dưới đất, mấy tờ giấy bay khắp nơi, cô bé ngẩng đầu liếc thấy Ngụy Khiêm về, thì ngay lập tức run rẩy.
Ngụy Khiêm mệt mỏi dựa cửa: “Ôi các vị tổ tông, vở kịch gì nữa đây?”