Không gì bi thảm hơn gặp một người đã kiệt sức, đang lạc lối trong mê trận cuộc đời.

Martin LUTHER KING

Thứ Hai 13 tháng Chín

Quận 15, Paris

9 giờ sáng

Chúng tôi xuống ở bến Balard, ga cuối cùng của chuyến tàu điện ngầm số 8. Vào một ngày đầu thu tại Paris, nhiệt độ vừa phải và trời lất phất mưa như thoảng hương vị của ngày tựu trường.

Bệnh viện Marie-Curie là một tòa nhà lớn nằm bên bờ sông Seine, ngoài rìa công viên André-Citroên. Mặt chính của tòa nhà phủ toàn kính uốn lượn theo độ cong của con phố và tạo ra hiệu ứng tấm gương phản chiếu hình ảnh cây cối xung quanh.

Theo những gì tôi đọc được trong sách hướng dẫn thì bệnh viện Marie-Curie tập hợp các khoa của các bệnh viện cũ tại Paris và giờ đây đã trở thành một trong những viện hàng đầu châu Âu, đặc biệt là khoa tim mạch nơi giáo sư Clouseau làm trưởng khoa.

Sau khi nhầm cổng ba lần và lạc giữa những lối đi quanh co ở khoảnh sân trong rộng lớn, chúng tôi được một nhân viên chỉ đường tới thang máy dẫn lên tầng áp chót.

Dù đã hẹn trước, chúng tôi vẫn phải đợi vị bác sĩ bốn mươi lăm phút. Theo cô thư ký tên Corinne, giáo sư Clouseau - sống ngay trong cùng tòa nhà với bệnh nhân - vừa mới từ New York về sáng nay. Mỗi tháng ông sang đó hai lần để giảng dạy tại ngôi trường Harvard Medical School danh tiếng.

Dưới sự giám sát của Corinne, chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi trong một phòng làm việc tuyệt đẹp được trang hoàng bằng những đồ gỗ xen lẫn kim loại. Từ căn phòng có thể phóng tầm mắt nhìn ra sông Seine và các mái nhà của Paris, thật mê li. Đứng trước tấm vách kính, có thể nhìn thấy rõ những chiếc phà đang uể oải trôi trên sông, cây cầu Mirabeau và bản sao của bức tượng Nữ thần Tự do ở đầu kia đảo Thiên Nga.

Người đàn ông lao vào phòng trông giống nhà thám hiểm Columbo hơn là một vị bác sĩ tài năng. Đầu tóc rối bù, gương mặt mệt mỏi, râu ria xồm xoàm, ông khoác một chiếc áo gió trên vai, nhìn như áo choàng. Áo sơ mi bằng vải Scotland thò ra khỏi áo pull xanh nhạt và buông ngoài quần nhung tăm với những vết bẩn đáng ngờ. Nếu gặp người đàn ông này trên phố, có lẽ tôi sẽ muốn bố thí cho ông ta vài xu. Lại càng khó tin hơn, là từ hơn chục năm nay, tại khoa tim mạch của bệnh viện, ông chỉ đạo một nhóm các bác sĩ và kỹ sư tiến hành nghiên cứu tạo ra một trái tim nhân tạo hoạt động độc lập.

Ông lẩm bẩm một tràng nghe không rõ để biện minh cho sự chậm trễ của mình, thay áo gió bằng một chiếc áo blouse vàng nhạt, và hẳn là mệt mỏi do lệch múi giờ, ông ngồi xệp xuống ghế bành.

Tôi đã đọc được ở đâu đó nói rằng trong lần đầu gặp gỡ với một người lạ, não của chúng ta chỉ mất một phần mười giây để nhận ra người đó có đáng tin hay không. Một quá trình diễn ra nhanh tới mức khả năng lý trí của chúng ta hoàn toàn không có thời gian tác động đến phản ứng “bản năng” đầu tiên ấy.

Và buổi sáng hôm ấy, trong tâm trí tôi vẫn khắc ghi cảm giác tin tưởng nơi giáo sư Clouseau bất chấp vẻ ngoài ăn mặc cẩu thả của ông.

Cả Billie cũng không để vẻ ngoài của vị bác sĩ gây bối rối, cô trình bày chi tiết các triệu chứng của mình cho ông nghe: bất tỉnh, mệt mỏi, xanh xao, khó thở, buồn nôn, sốt, sụt cân và cảm giác bỏng rát ở dạ dày.

Trong lúc ông chăm chú tiếp nhận thông tin và lẩm bẩm “ừm, ừm” rất khẽ, hầu như không nghe thấy gì thì tôi đưa cho ông tập bệnh án tôi tự làm nhờ các phân tích của Mortimer Philipson. Ông đeo cặp kính hai tròng như thời những năm 1970 vào rồi đọc tập tài liệu, vừa đọc vừa bĩu môi đầy hoài nghi, nhưng ánh mắt sáng quắc đằng sau mắt kính tròn để lộ một trí tuệ sắc sảo và lanh lợi.

- Cô hãy làm lại các xét nghiệm ở chỗ tôi, vị bác sĩ nói dứt khoát rồi lẳng tập tài liệu đóng bìa các tông vào sọt rác. Các xét nghiệm làm tại trung tâm y tế của một khách sạn ở nước ngoài và cái câu chuyện về “cô gái bằng giấy”, mực và xeluloza này hoàn toàn không chấp nhận được.

- Thế còn chuyện tôi bị ngất đi thì sao? Billie bực dọc hỏi. Thế còn tó...

Ông ta cắt ngang lời cô, không kiêng nể gì:

- Theo tôi, việc cô hay bị ngất là do lượng máu lên não giảm đột ngột. Tất nhiên nguyên nhân sâu xa của chứng này là một bất thường về tim mạch. Và quả là đúng lúc đúng chỗ: đó chính là chuyên môn của tôi và của khoa tôi đang quản lý.

Ông ta nguệch ngoạc lên một đơn thuốc danh sách các xét nghiệm cần làm trong ngày rồi hẹn gặp chúng tôi vào buổi tối.

o O o

Rome

Sân bay Fiumicino

Chiếc Boeing 767 đến từ San Francisco đỗ trên phần sân dành cho mình. Hành khách đã xuống từ cách đây hơn nửa tiếng và các nhân viên bảo dưỡng đang tích cực quét dọn bên trong máy bay.

Mike Portoy, phi công của đường bay này đặt dấu chấm hết cho bản báo cáo sau chuyến bay và đóng máy tính xách tay lại.

Quá nhiều thủ tục giấy tờ! anh vừa ngáp vừa nghĩ.

Anh đã làm qua quýt cho xong báo cáo bởi chuyến bay mười lăm tiếng liên tục khiến anh thấy mệt. Anh nhìn màn hình điện thoại. Vợ anh đã để lại một tin nhắn đầy quan tâm và thắm thiết. Để không phải gọi cho vợ, anh gửi lại cho vợ một tin nhắn soạn sẵn lưu trong máy. Hôm nay, anh có việc thú vị hơn là chuyện phiếm với vợ. Tối nay anh dứt khoát phải gặp Francesca. Mỗi lần tới Rome, anh đều cố gắng sắp xếp thời gian thử vận may với nữ tiếp viên xinh đẹp làm việc ở bộ phận tìm đồ thất lạc. Hai mươi tuổi, tươi tắn, sexy, khêu gợi với thân hình bốc lửa, Francesca làm anh như phát điên. Cho đến tận giờ, cô nàng vẫn luôn từ chối anh, nhưng rồi mọi chuyện sẽ thay đổi, anh cảm thấy như vậy.

Mike rời buồng lái. Anh đội lại mũ rồi cài khuy áo vest.

Không bao giờ được đánh giá thấp uy thế của bộ đồng phục.

Nhưng trước khi rời máy bay, anh phải tìm một cái cớ để tới gặp cô gái người Ý.

Anh thấy đội quét dọn đã nhanh chóng phân công công việc một cách hiệu quả. Trên chiếc xe chở đồ đầu tiên, giữa đám tạp chí và khăn giấy đã dùng, anh phát hiện ra một quyển sách bìa da màu xanh đậm rất đẹp. Anh tiến lại gần, cầm cuốn sách lên, nhìn bìa sách được trang trí hình các ngôi sao, tên tác giả và tên tiểu thuyết được mạ vàng nổi bật: Tom Boyd - Bộ ba Thiên thần - Tập 2.

Chưa bao giờ nghe nói tới, nhưng đúng là thứ mình đang cần. Mồi câu của mình đây rồi!

- Ông không thể lấy quyển sách đó được, thưa ông.

Anh quay lại, bị bắt quả tang. Ai mà lại dám nói với anh như thế? Đó là một người thuộc đội quét dọn. Một phụ nữ da đen, khá đẹp. Tấm phù hiệu bắt buộc đeo trước ngực cho thấy tên cô ta - Kaela - và tấm khăn nhỏ đội đầu có in hình ngôi sao trắng trên nền xanh như là cờ Somali.

Anh nhìn cô ta khinh bỉ:

- Tôi sẽ lo vụ này! anh vừa nói dứt khoát vừa giơ cuốn sách ra. Tôi sẽ mang nó tới bộ phận tìm đồ lạc.

- Tôi buộc phải báo cáo với nhóm trưởng, thưa ông.

- Cứ đi mà báo cáo với cả Chúa nếu cô muốn, anh nhún vai chế nhạo.

Anh cầm quyển sách trên tay rồi rời máy bay.

Đêm nay, Francesca sẽ ngủ trên giường anh!

o O o

Via Mario de Bernardi

Trên taxi tới khách sạn, Bonnie chợt nghĩ tới việc mở điện thoại di động. Đầy tin nhắn! Đầu tiên là bố cô lo lắng nên nhắn tin, rồi tới tin nhắn kỳ cục của Yu Chan báo cho biết rằng cảnh sát đang theo dõi cô và đặc biệt là một loạt cuộc gọi nhỡ của một anh Milo nào đó nói muốn mua lại cuốn tiểu thuyết của Tom Boyd mà cô đã mua qua mạng.

Thật điên rồ!

Linh cảm xấu, cô lục tìm trong túi xách tay và phát hiện ra cuốn sách không có đó.

Mình để quên trên máy bay rồi!

Chiếc taxi sắp rẽ vào đường cao tốc thì Bonnie hét lên:

- Làm ơn dừng lại! Ông có thể quay lại sân bay không?

o O o

Bệnh viện Marie-Curie

Kè sông Seine, Paris

- Cô cứ thoải mái đi. Kiểm tra không hề đau đâu.

Billie nằm xuống, cởi trần, nằm nghiêng sang trái. Phía bên phải cô, vị bác sĩ chuyên khoa tim gắn ba điện cực lên ngực cô rồi bôi một loại gel lên phía thân trên.

- Chúng tôi sẽ chụp tim cho cô để xem có khối u không và nếu có thì nó nằm ở đâu.

Vừa nói vừa làm, vị bác sĩ áp máy dò vào nhiều chỗ trên người cô ấy, dọc theo mạng sườn và gần xương ức Billie, mỗi lần áp anh ta lại chụp mấy bức ảnh. Trên màn hình, tôi thấy rõ nhịp tim của cô ấy đang đập nhanh hơn vì sợ hãi. Tôi cũng thấy cả vẻ lo lắng của vị bác sĩ, cuộc kiểm tra càng kéo dài, khuôn mặt anh ta lại càng căng thẳng.

- Có nghiêm trọng không? tôi không kìm được nên cất tiếng hỏi.

- Giáo sư Clouseau sẽ giải thích kết quả cho các vị, anh ta trả lời tôi có phần lạnh lùng.

Nhưng rồi cũng thêm vào chính ý kiến của mình:

- Tôi nghĩ chúng ta sẽ cần điện tâm đồ bằng cách chụp cộng hưởng từ nữa.

o O o

Rome

Sân bay Fiumicino

- Francesca không có đây à? Mike Portoy vừa đẩy cửa văn phòng bộ phận tìm đồ thất lạc vừa hỏi.

Chàng phi công chuyên bay chuyến San Francisco-Rome khó mà giấu nổi vẻ thất vọng. Đằng sau quầy, cô nhân viên “thay thế” ngẩng lên khỏi tờ tạp chí cho anh vài tia hy vọng:

- Cô ấy đang nghỉ ca tại Da Vinci’s.

Mike bỏ đi mà không nói lời cảm ơn cũng không mất công để lại quyển sách đã lấy trên máy bay.

Nằm mãi tít ở cuối bến 1, Da Vinci’s là một khu nghỉ ngơi ngay giữa sân bay. Giữa những hàng cột trang trí bằng cẩm thạch hồng, khu nghỉ mang dáng vẻ của một quán cà phê phá cách với những cột trụ và mái vòm phủ đầy dây thường xuân leo. Dọc theo một quầy lớn hình chữ U, hành khách chen nhau uống espresso mạnh và thưởng thức những loại bánh ngọt hảo hạng.

- Này! Francesca! anh cất tiếng gọi khi thấy cô.

Mỗi lần gặp anh lại thấy cô như xinh đẹp hơn. Cô đang chuyện phiếm với một nhân viên trẻ: một gã giỏi pha trò mặc tạp dề của lò rang, người ta thuê anh ta để pha chế loại cà phê truyền thống, bao trọn từ lúc cà phê nguyên hạt cho đến khi sản phẩm được pha vào tách.

Mike tiến lại gần, đặt cuốn sách lên mặt quầy và cố chen ngang câu chuyện, áp đặt lối nói của mình - kiểu Mỹ - và chủ đề của mình - nói về bản thân anh. Nhưng cô nàng xinh đẹp người Ý đang ngất ngây trước chàng đồng nghiệp trẻ, uống lấy từng lời anh ta, đôi mắt chớp chớp: anh ta có nụ cười như tán tỉnh, cặp mắt tươi vui và những lọn tóc màu nâu. Phô bày hết vẻ nam tính của mình, Mike nhìn thiên thần La Mã đầy thách thức, rồi mời Francesca đi ăn tối. Anh biết một quán ăn bình dân nhỏ gần Campo de Fiori có khai vị thập cẩm tuyệt vời và...

- Tối nay em hẹn đi với Gianluca rồi, cô vừa đáp vừa lắc đầu.

- Ờ... vậy thì mai nhé? Anh ở lại Rome hai ngày.

- Cám ơn anh nhưng... thôi! cô khước từ rồi cùng phá lên cười với chàng trai kia.

Mike tái mặt. Có thứ gì đó đã vuột khỏi anh. Làm thế nào mà cô nàng lẳng lơ kia lại thích cái gã khốn khổ đó được? Anh đã mất tám năm học hành mới được làm cái nghề danh giá khiến mọi người phải ngưỡng mộ này. Còn gã kia thì chỉ có một công việc mạt hạng và bấp bênh. Anh chinh phục bầu trời còn gã kia được trả bảy trăm chín mươi euro một tháng với công việc bán thời gian...

Để không mất hết thể diện, Mike đành cố gọi thứ gì đó. Cặp tình nhân đã xoay sang tiếp tục cuộc chuyện trò bằng tiếng Ý từ lâu. Mùi cà phê quyến rũ bốc lên tận đầu anh. Anh uống một hơi hết tách cà phê lungo cháy bỏng lưỡi.

Mặc xác, mình sẽ chơi một ả điếm ở bờ San Lorenzo, anh bực bội nghĩ dù biết rõ rằng điều ấy sẽ chẳng khiến Francesca ngừng cười.

Anh tụt xuống khỏi ghế đẩu rồi tiu nghỉu rời quán cà phê, quên bẵng luôn cuốn sách bìa da kiểu gô tíc trên quầy...

o O o

Sân bay Fiumicino

Bộ phận tìm đồ thất lạc

Năm phút sau

- Rất tiếc, thưa cô, không thấy ai mang cuốn tiểu thuyết của cô tới chỗ chúng tôi cả, Francesca thông báo với Bonnie.

- Cô chắc chứ? cô sinh viên hỏi. Đó là một quyển sách rất quan trọng với tôi. Trong đó có cả ảnh và...

- Nghe này, cô hãy điền vào phiếu này, mô tả món đồ thất lạc của mình càng cụ thể càng tốt và cả số hiệu chuyến bay của cô nữa, nếu có ai mang nó tới, chúng tôi sẽ gọi cho cô ngay.

- Đành vậy, Bonnie buồn bã đáp.

Cô chăm chú điền vào tờ phiếu nhưng có một giọng nói khẽ khàng trong sâu thẳm lòng cô bảo với cô rằng cô sẽ không được thấy lại cuốn sách dở dang kỳ lạ của Tom Boyd nữa và rằng cô sẽ chẳng bao giờ được thưởng thức món bánh phồng sô cô la của bà Kaufman...

o O o

Bệnh viện Marie-Curie

Kè sông Seine, Paris

19 giờ 15 phút

- Corinne, kết quả của cô Donelly! Jean-Baptiste Clouseau mở cửa phòng làm việc rồi hét lên.

Ông bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của tôi đang nhìn vào chiếc điện thoại nội bộ để trên bàn làm việc.

- Không tài nào mà hiểu nổi mấy cái thứ máy móc này hoạt động thế nào: quá nhiều nút bấm! ông vừa lẩm bẩm vừa gãi gãi đầu.

Nhìn bề ngoài thì dường như với chiếc BlackBerry đời mới nhất của ông cũng vậy. Cứ hai phút chiếc điện thoại lại nháy sáng và rung lên nhưng ông không hề để ý.

Vị bác sĩ phải mổ cả ngày và có vẻ không được “tươi tỉnh” như ban sáng. Gương mặt mệt mỏi của ông hõm sâu và bộ râu rậm rì khiến người ta tưởng như chúng đã dài ra nửa xăngtimét chỉ trong vài giờ.

Màn đêm đã buông xuống Paris, nhấn chìm căn phòng trong cảnh tranh tối tranh sáng. Nhưng Clouseau không mất công bật đèn. Ông chỉ bấm vào nút giữa trên một chiếc điều khiển từ xa là một màn hình phẳng lớn gắn trên tường bật lên, trên đó trình chiếu báo cáo kết quả xét nghiệm của Billie.

Vị bác sĩ tiến lại gần màn hình để bình luận tài liệu đầu tiên:

- Xét nghiệm máu đã khẳng định lượng tiểu cầu giảm, điều này giải thích tại sao cô lại bị thiếu máu, ông vừa giải thích vừa nhìn cô gái qua tròng cặp kính kỳ lạ đang đeo.

Ông nhấn nút chuyển sang hình ảnh tiếp sau:

- Còn điện tâm đồ cho thấy rõ có nhiều u nhầy ở tim.

- U nhầy là thế nào? Billie lo lắng hỏi.

- Là những khối u nằm trong tim, Clouseau giải thích gọn lỏn.

Ông lại tiến gần màn hình và dùng điều khiển từ xa chỉ một chi tiết trên bức hình y học chụp một khối sẫm màu như những quả bóng nhỏ.

- Khối u đầu tiên của cô nằm trong tâm nhĩ phải. Nó có dạng thường gặp, với cuống ngắn dính chắc như keo. Nhìn qua thì có vẻ như là u lành...

Ông để vài giây rồi mới chuyển sang tấm ảnh khác:

- Khối u thứ hai đáng lo ngại hơn, ông thừa nhận. Nó có kích thước bất thường, khoảng mười xăng ti mét và dạng như có thớ lằng nhằng, rắn chắc. Nó đã lọt vào miệng van hai lá và cản trở máu giàu oxy đi tới phần trái của tim. Điều đó giải thích tại sao cô bị khó thở, xanh xao và hay ngất, đó là vì cơ thể không được cung cấp đầy đủ máu.

Tôi cũng tiến lại gần màn hình. Khối u có hình dạng như một chùm nho, dính vào khoang tim bằng các thớ. Tôi không thể không liên tưởng tới rễ cây và các thớ gỗ vận chuyển nhựa cây, như thể có một cái cây đang mọc trong tim Billie.

- Tôi... tôi sẽ chết, phải không? cô run rẩy hỏi vị bác sĩ.

- Căn cứ vào kích thước của khối u, nếu không lấy nó ra nhanh thì thực sự là cô có nguy cơ cao sẽ bị nghẽn động mạch và đột tử, bác sĩ Clouseau chẩn đoán.

Ông tắt màn hình, bật lại đèn rồi quay lại chỗ ghế bành của mình.

- Đó sẽ là một ca phẫu thuật tim mở. Dĩ nhiên là có nhiều nguy cơ, nhưng trong tình trạng hiện nay thì không làm gì mới là điều nguy hiểm nhất.

- Lúc nào ông có thể mổ cho tôi? cô hỏi.

Vị bác sĩ cất giọng to vang gọi cô thư ký Corinne mang lịch làm việc đến. Lịch đã kín đầy những buổi phẫu thuật và làm việc hẹn trước hàng tháng liền. Tôi đã sợ rằng ông ta sẽ giới thiệu cho chúng tôi một trong những đồng nghiệp của mình nhưng nể tình tôi là bạn Aurore, ông đồng ý lùi một cuộc hẹn khác để hai tuần sau sẽ mổ cho Billie.

Thực sự là tôi thấy mến người đàn ông này.

o O o

Người gửi: bonnie.delamico@berkeley.edu

Chủ đề: Bộ ba Thiên thần - Tập 2

Thời gian: 13 tháng Chín 2009 22:57

Người nhận: milo.lombardo@gmail.com

Ông Lombardo,

Tôi đã nhận được loạt tin nhắn của ông bày tỏ mong muốn mua lại cuốn sách của Tom Boyd mà ông khẳng định vừa là người đại diện vừa là bạn của ông ấy.

Tôi không định bán cuốn sách này nhưng cũng thông báo cho ông hay rằng tôi đã chẳng may để quên nó trên chuyến bay từ San Francisco tới Rome và tới giờ người ta vẫn chưa thấy nó được mang tới bộ phận tìm đồ thất lạc ở sân bay Fiumicino.

Mong ông nhận được lá thư này và gửi tới ông những lời thăm hỏi chân thành nhất của tôi.

Bonnie Del Amico

o O o

Rome

Sân bay Fiumicino

Quán cà phê Da Vinci’s

Những hành khách đầu tiên trên chuyến bay của hãng hàng không FlyItalia từ Berlin tới bắt đầu xuống máy bay. Trong số họ, họa sĩ và nhà thiết kế nổi tiếng Luca Bartoletti trở về từ một chuyến công tác ngắn tới thủ đô nước Đức. Ba ngày vừa qua ông phải trả lời các cuộc phỏng vấn nhân dịp một triển lãm điểm lại các tác phẩm của ông được tổ chức tại Hamburger Bahnhof, bảo tàng nghệ thuật đương đại của thành phố. Được thấy các bức họa của mình treo cạnh tranh của Andy Warhol và Richard Long chính là một hình thức tôn vinh. Sự ghi nhận công sức lao động cả một đời người.

Luca không phải mất thời gian chờ đợi lấy va li ở chỗ băng chuyền chạy vòng tròn. Ông ghét sự cồng kềnh nên luôn đi du lịch không có hành lý. Trên máy bay, ông không động đến suất ăn gồm món xa lát dai như cao su, món trứng tráng bột bọc trong nilon nhìn không bắt mắt và một chiếc bánh mứt lê cứng như thạch cao.

Trước khi ra xe, ông dừng lại ăn chút ít ở quán Da Vinci’s. Quán cà phê sắp đóng cửa nhưng ông chủ đồng ý phục vụ thêm vị khách cuối cùng này. Luca gọi một cốc cappuccino cùng bánh mì kẹp pho mát, cà chua và giăm bông Ý. Ông ra quầy ngồi đọc nốt bài báo trên tờ La Repubblica đang đọc dở trên máy bay. Khi đặt tờ báo xuống để uống một ngụm cà phê, ông nhận thấy cuốn sách có bìa da màu lam chàng phi công vừa bỏ quên lại. Luca là tín đồ của trào lưu bookcrossing[1]. Ông mua rất nhiều sách, nhưng không giữ quyển nào mà thích để lại tại những nơi công cộng để người khác cũng có thể đọc. Ban đầu ông tưởng rằng cuốn tiểu thuyết được cố tình để lại đây nhưng chẳng có mẩu giấy nhắn nào đính trên bìa để khẳng định điều đó.

Luca vừa nhai bánh mì vừa giở cuốn tiểu thuyết. Ít quan tâm đến dòng sách đại chúng, ông chưa bao giờ nghe nói đến Tom Boyd, nhưng cũng chưng hửng khi phát hiện ra cuốn sách bị in thiếu và một trong những người đọc nó đã dùng những trang trắng làm album ảnh.

Ông kết thúc bữa ăn rồi rời quán cà phê với cuốn sách tìm được trên tay. Tại bãi đỗ xe ngầm, ông đi tới chỗ chiếc DS cũ màu bóoc đô ông đã mua trong một buổi đấu giá mới đây. Ông đặt cuốn sách lên ghế hành khách và nhắm thẳng hướng Tây-Nam thành phố.

Luca sống tại tầng trên cùng của một tòa nhà màu đất son, trong khu phố đẹp như tranh vẽ và sặc sỡ của Trastevere, phía sau quảng trường Santa Maria. Đó là một căn hộ lớn được ông cải tạo thành nhà thông tầng và đặt xưởng vẽ. Ngay khi ông bước vào nhà, một thứ ánh sáng chói lòa - mà ông cần để thực hiện các bức vẽ - tràn ngập khắp phòng. Luca tới chỗ công tắc để giảm bớt ánh sáng. Nơi này không tạo cảm giác là một chỗ ở bởi nó quá tối giản. Ông bố trí mọi thứ xung quanh một lò sưởi trung tâm lớn có kính vây quanh. Chỗ nào cũng thấy giá vẽ, cọ vẽ đủ các cỡ, trục lăn để vẽ trên tường, cái nạo của thợ thuộc da, dao của người nuôi ong và màu vẽ chục lọ một. Nhưng không hề có giường cho trẻ con, tủ sách, tràng kỷ, ti vi cũng không.

Luca xem xét những bức vẽ mới nhất. Tất cả đều là tranh một màu: những biến thể của màu trắng với những vết khắc, vệt dài, hình nổi và nhát chổi tạo ra những hiệu ứng ánh sáng đặc biệt. Những tác phẩm được những người thích sưu tập định giá rất cao. Nhưng Luca không dễ bị lừa. Ông biết thành công và sự công nhận của giới phê bình không phản ánh đúng tài năng. Thời buổi bão hòa tiêu dùng, ô nhiễm tiếng ồn, tốc độ và vật dụng khiến mọi người có cảm giác được tẩy uế khi mua tranh của ông.

Họa sĩ cởi áo vest và bắt đầu mở các trang sách có dán những bức ảnh chụp các mốc quan trọng trong đời Ethel Kaufman mà lòng đầy xúc động.

Từ lâu lắm rồi trong ông không còn bất kỳ sở thích ngông cuồng nào nữa. Vậy nhưng, tối hôm nay, ông lại có ham muốn mãnh liệt được ăn món bánh phồng sô cô la...
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện