Tiết Thể dục mau chóng kết thúc, sau khi giải tán, tôi chạy theo Chu Gia Dã để đưa nước cho cậu ấy.

Cậu ấy nhận lấy, nhìn thoáng qua nhưng không nói gì, vẫn tiếp tục trò chuyện với cậu trai kế bên. Việc tôi chờ mong phản ứng của cậu ấy bỗng trở nên vô nghĩa, có lẽ khi ấy cậu ấy chỉ chọn mua đại một chai nước, lâu rồi nên cũng chẳng nhớ nữa.

Tôi và nhóm Trương Nam Nam về lớp trước, tôi ngó thời khóa biểu trên bảng rồi tìm sách giáo khoa cho tiết tiếp theo.

Cán sự môn kêu mọi người lấy bài kiểm tra lần trước ra, tiết này giáo viên sẽ giải đề.

Dạo này làm kiểm tra khá nhiều, cứ hết bài này lại tới bài kia, tôi nhất thời không nhớ ra là cái nào nên đành cúi xuống tìm trong hộc bàn. Tôi mở từng bài kiểm tra ra nhưng vẫn không có bất kỳ ấn tượng nào nó cả.

Khi các bạn đã trở về lớp gần hết thì Chu Gia Dã mới từ từ bước vào chỗ.

Cậu ấy đi vào từ cửa sau, vươn tay ấn nhẹ đầu tôi.

Tôi ngỡ ngàng quay đầu lại, cậu ấy đã đi tới chỗ của mình, kéo ghế ra rồi ngồi xuống.

Lúc cậu ấy quay sang thì bắt gặp đôi mắt ngơ ngác của tôi, cậu ấy mỉm cười: “Nhìn tôi làm gì?”

Tôi tự sờ đầu mình, tự nhiên không chắc ban nãy có phải là cậu ấy không.

Có lẽ do mặt tôi ngờ nghệch quá nên cậu ấy không nhìn nổi nữa, bất đắc dĩ thở dài: “Chọc cậu chơi thôi, cậu đang tìm gì vậy?”

“Bài kiểm tra đó, tiết này giáo viên giải đề.”

“Ồ.”

Mãi mà tôi vẫn chưa tìm thấy, tôi bèn quay sang nhìn bạn cùng bàn thì phát hiện trong xấp bài kiểm tra của tôi không có bài này. Tôi lấy xấp bài kiểm tra ra kiếm lại từng tờ một.

Bỗng nhiên Chu Gia Dã lách người đi xuống, đặt một bài kiểm tra xuống trước mặt tôi.

Tôi nhìn tiêu đề bài kiểm tra, là bài tôi mới thấy của bạn cùng bàn. Tôi thở phào, ngạc nhiên quay sang: “Sao cậu có bài kiểm tra của tớ?”

“Lần trước cậu cho tôi mượn đó.”

Cậu ấy cất giọng biếng nhác, còn tôi lại chẳng có ấn tượng gì.

Tôi cho cậu ấy mượn đồ hoài, nhưng vì lần nào cậu ấy cũng trả lại đàng hoàng nên dần dà tôi cũng không nhớ mình đã cho cậu ấy mượn cái gì.

Lúc cậu ấy trả bài kiểm tra lại cho tôi, tôi bỗng nhận ra rằng chẳng biết từ lúc nào tôi đã tin tưởng cậu ấy như thế.

Sau khi giáo viên vào lớp thì bắt đầu giảng bài kiểm tra, tôi tìm bút đỏ để đánh dấu lỗi sai mà lục trong hộp bút mãi không thấy.

Tôi đoán là tôi đã cho Chu Gia Dã mượn nó rồi.

Vì đã vào tiết nên tôi không dám gọi thẳng cậu ấy, đành phải âm thầm hắng giọng.

Cũng may tai Chu Gia Dã thính, với tình nghĩa mượn đồ năm lần bảy lượt, cậu ấy vừa nghe là hiểu tín hiệu này ngay.

Cậu ấy quay sang chớp mắt, hỏi tôi có chuyện gì.

Tôi chỉ vào cây bút, khẽ bảo bút đỏ bằng khẩu hình miệng.

Song dường như cậu ấy không hiểu, cậu ấy cầm cây bút bi nước lên hỏi tôi cần cái này hả.

Tôi cố tình nói lớn hơn một chút để cậu ấy nghe thấy.

Vừa mới nói dứt chữ “bút đỏ”, thầy giáo đứng trên bục liền nói: “Bạn bên dưới đừng nói chuyện nữa, muốn nói gì thì ra ngoài nói.”

Tôi chẳng có gan đó nên im bặt.

Thôi, cứ xài bút đen tạm vậy, nhưng mà không sửa câu sai bằng bút đỏ tôi thấy không quen lắm.

Giáo viên tiếp tục giải đề, lát sau, Chu Gia Dã ném qua cho tôi một cây bút.

Cây bút rơi xuống trước mặt tôi, cậu ấy ném chuẩn quá, nhưng không phải là cây bút đỏ tôi cần. Tôi định trả lại cho cậu ấy, lối đi không rộng nên tôi cũng ném qua.

Chỉ là tuy tôi có cân nhắc lực ném nhưng lại đánh giá cao độ chính xác của bản thân, cây bút được ném thẳng vào tay cậu ấy.

Nó lướt qua rất nguy hiểm, suýt nữa quẹt qua mặt cậu ấy.

Bản thân tôi cũng giật mình, khi cậu ấy quay đầu lại, tôi cuống quýt chắp tay trước ngực xin lỗi.

Bấy giờ, giáo viên đứng trên bục đã bực mình, lạnh giọng bảo: “Thầy đứng trên bục giảng bài, mà có bạn ngồi bên dưới cứ rủ rỉ rù rì với nhau, nếu em thích nói như vậy thì lên đây giảng hết mấy câu còn lại đi.”

Tay chân tôi bỗng lạnh toát, cả người cứng đờ không dám nhúc nhích, thở cũng chẳng dám luôn, vì sợ nên tim đập bình bịch.

Song lần này, thầy giáo thật sự tức giận, không cảnh cáo vài câu như thường lệ nữa mà đặt đề kiểm tra xuống bàn, không giải đề nữa mà bắt đầu phê bình không khí trong lớp một cách nghiêm khắc.

Tôi cúi thấp đầu, tay run lên vì sợ, lại vừa đợi vừa lo không biết giáo viên có làm khó dễ gì không.

Thầy giáo nổi cáu xong vẫn chưa thấy hả giận, khi không khí im lặng đến cùng cực, thầy mới nói: “Bạn vừa nãy nói chuyện tự mình đứng dậy đi.”

Lòng tôi như chùng xuống đáy, chưa bao giờ tôi cảm thấy một nỗi sợ như sợ trời sập xuống thế này.

Lớp học lặng như tờ, không có ai đứng lên cả.

Thầy giáo lại cất lời: “Muốn thầy gọi thẳng tên luôn à?”

Tôi nhắm chặt mắt, tay chân run rẩy.

Đang định nhận tội thì thầy giáo đã mất kiên nhẫn, gọi tên của hai bạn khác, tôi ngẩn người một hồi mới nhận ra người thầy giận không phải mình.

Tôi nhìn hai bạn nam mới đứng dậy, sau đó thầy còn nói thêm vài câu nhưng tôi chẳng còn tâm trạng để nghe, tất cả chỉ là những giọt mồ hôi lạnh toát sau khi sống sót qua cơn đại nạn.

Cuối cùng tiết học cũng kết thúc, cả người tôi mệt nhừ nên chỉ ngồi yên tại chỗ, không nhúc nhích.

Chu Gia Dã ló người sang hỏi tôi: “Nãy trong tiết cậu tìm tôi có chuyện gì?”

“Hả?” Tôi mỏi mệt quay sang, trả lời cũng yếu xìu: “Bút đỏ.”

Tôi thấy tôi chẳng khác gì bình thường cả, mặc dù ban nãy có sợ bóng sợ gió một lúc nhưng chẳng phải ngày nào tôi cũng nói chuyện bằng âm lượng này hay sao. Thế mà Chu Gia Dã vừa nhìn đã phát hiện ra ngay, cậu ấy khựng lại một chút rồi khẽ bật cười: “Cậu sao thế?”

Tôi lắc đầu: “Tớ có sao đâu.”

“Sợ thầy thế cơ à?!” Cậu ấy vẫn nhếch môi cười, dễ dàng nhìn thấu điều mà tôi phủ nhận.

“...”

Thật ra tôi muốn hỏi cậu ấy vì sao lại không sợ giáo viên.

Những người mà tôi quen biết từ nhỏ, kể cả những đứa từng bắt nạt tôi cũng sợ bị mách giáo viên vì thầy cô sẽ mời phụ huynh, đó là điều họ sợ nhất. Dường như học sinh ai cũng có một nỗi sợ vô thức với thầy cô.

Tôi nhớ tới những lời Trương Nam Nam và Tưởng Ninh bàn tán về Chu Gia Dã, bỗng muốn tận mắt xem quá khứ của cậu ấy.

Sau khi bình tâm lại, tôi mới cất bài kiểm tra vào hộc bàn.

Lúc cúi đầu, tôi lại tìm thấy “đầu sỏ” bút đỏ trong hộc, tôi chẳng thể diễn tả nổi tâm trạng của mình khi ấy, vừa buồn cười mà vừa muốn khóc.

Đến một ngày nọ, sau tiết tự học buổi tối, giáo viên chủ nhiệm mở phim kháng Nhật theo yêu cầu của cả lớp. Để có không khí phim nên trong phòng tắt đèn tối thui, trên màn chiếu là bộ phim kháng Nhật mà mọi học sinh cấp 3 nên xem.

Chiến tranh rất tàn khốc, đúng là khoảng thời gian nguy hiểm.

Lớp học đột nhiên bị cúp điện.

Bỗng dưng tầm nhìn đen sì, trong chớp mắt, bao nhiêu nỗi hoảng loạn bùng phát trong tòa dạy học. Khi giáo viên đang vội vàng giữ kỉ luật, những người nhát gan vẫn hoảng hốt liên hồi, mọi sắp xếp của giáo viên đều vô ích, chẳng hạn như tôi đây.

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

Bạn cùng bàn của tôi cũng là cô gái nhát gan, trong bóng tối, chúng tôi cuống quýt chụm lại một chỗ, khẽ khàng bảo nhau rằng không sao, không sao, chỉ là cúp điện thôi.

May là giáo viên nhanh chóng bật đèn pin điện thoại, vậy mới có một luồng sáng trong bóng tối, khiến người ta an tâm hơn nhiều, ít nhất thì xung quanh không chỉ toàn là bóng tối.

Tuy nhiên lớp học vừa to vừa rộng, phạm vi chiếu sáng của đèn pin điện thoại khá hạn chế, tôi ngồi ở hàng cuối nên nỗi sợ vẫn bủa vây.

Mãi đến khi có một âm thanh vang lên bên cạnh tôi.

Không phải là âm thanh kinh khủng mà là tiếng phát ra từ đồ chơi trẻ con, quạc quạc liên hồi như tiếng vịt kêu.

Cả lớp đều quay đầu lại.

Chu Gia Dã cầm con vịt nhựa trong tay, cả người tỏa ra ánh sáng ấm áp, kèm theo đó là tiếng vịt kêu quác quác.

Dưới ánh đèn, gương mặt cậu ấy cũng sáng bừng, vẫn là nụ cười cà lơ phất phơ đó, dáng vẻ lười biếng lại kiêu ngạo, không sợ trời không sợ đất.

Đúng thật là cậu ấy chẳng sợ gì, bóng tối cũng không làm cậu ấy hoảng, thậm chí cậu ấy còn có tâm trạng để nghịch con vịt nhựa kia, còn an ủi cả lớp đang hoảng sợ: “Mấy bạn đằng sau đừng sợ, tụi mình ở đằng sau mà cũng có đèn nè.”

Có bạn thân thiết với cậu ấy dở khóc dở cười hỏi: “Cậu kiếm đâu ra cái món này vậy?”

Cậu ấy trả lời bừa: “Mua đó.”

“Thiệt luôn hả Chu Gia Dã, cậu vẫn mua cái này cơ à?”

Cậu ấy nhướng mày, thản nhiên cười: “Cậu không thích thì bỏ tay ra, đừng có cầm nó.”

“Đệch, tôi cứ thích đụng vào đấy!”

Con vịt nhựa được nhóm học sinh đằng sau chuyền tay nhau, tuy miệng chê là trẻ trâu nhưng khi cầm được nó, ai cũng phải chạm vào hai lần, tiếng vịt quạc quạc vang hoài trong lớp, vui vẻ như thể chưa hề có việc mất điện.

Không khí lớp đáng ra phải rất hoảng loạn khi cúp điện giờ đã dần dịu xuống. Tôi cũng không còn sợ như thế nữa, nhìn chú vịt được chuyền từ bạn này sang bạn kia, tôi cũng bật cười theo mọi người.

Giáo viên thấy cảm xúc của cả lớp đã ổn định mới ra ngoài lấy đèn pin.

Con vịt kia được chuyền hết một vòng rồi lại về tay Chu Gia Dã, cậu ấy đụng nó hai cái sau đó xoay người, duỗi tay đưa con vịt cho tôi.

Tôi giật thót, nhìn cậu ấy trân trân, vừa lo vừa mừng.

Cậu ấy có mối quan hệ tốt với mọi người, trong lớp nhiều bạn như thế, không ngờ sẽ đến lượt tôi nên tôi chỉ yên lặng nhìn.

Thế mà Chu Gia Dã lại chủ động đưa cho tôi.

Thấy tôi không nhận, cậu ấy lách người bước xuống, đặt nó trên bàn tôi.

Nguồn sáng cách xa cậu ấy nên đường nét gương mặt cũng mờ đi nhưng khuôn mặt vẫn rõ, khóe môi cong lên một nụ cười sâu, ánh đèn hắt lên đôi mắt cậu ấy như ngọn lửa giữa ban ngày.

Trong một khắc nào đó, nỗi phấn khích trong lòng tôi lại khó lòng kiểm soát, tôi háo hức dõi theo con vịt được chuyền qua lại, chỉ là tôi chẳng trông mong sẽ đến lượt mình nên chỉ âm thầm quan sát.

Bây giờ chú vịt này đã thật sự đến tay tôi rồi.

Tôi không dám tạo ra âm thanh lớn, sợ mấy bạn phát hiện vịt trong tay tôi sẽ lấy đi mất. Ngược lại, cô bạn cùng bàn của tôi lại hấp tấp chạm vào nó trước.

Tiếng quạc quạc lại vang lên giòn giã khiến tôi hết hồn.

Mấy bạn khác cũng giật mình.

Các bạn ngoái lại nhìn, có một bạn nam hay chơi chung với Chu Gia Dã muốn đi tới chạm vào con vịt.

Cậu ấy vừa đứng dậy, vươn tay ra định lấy nó, tôi không nghĩ mình có quyền từ chối. Người ta vốn là bạn của Chu Gia Dã, con vịt này cũng chẳng phải của tôi.

Khi tôi đau lòng vì chuẩn bị mất chú vịt, Chu Gia Dã vươn tay cản cậu ấy lại.

Cậu ấy đích thân lấy con vịt về, để trên bàn rồi thản nhiên cười: “Đủ rồi, lúc nãy cậu là người ghét tiếng này nhất đấy!”

“Em sai rồi, chẳng phải đó chỉ là một phút lỡ lầm sao, anh hai, anh Gia Dã, xin anh đó.”

Cậu ấy làm màu khiến người ta nổi hết da gà.

Chu Gia Dã chậc một tiếng: “Bớt học theo kiểu này đi.”

“Chẳng phải chiều nay Lưu Thần Nghệ cũng gọi cậu vậy à?” Bạn nam lại cố tình diễn tiếp: “Anh Gia Dã…”

Chu Gia Dã chưa kịp ra tay thì cậu bạn kia đã bị bạn cùng bàn cáu: “Cậu uống nhầm thuốc hả?!”

Rõ ràng là giữa hai người họ đã có chút khúc mắc.

Chu Gia Dã hóng hớt không sợ lớn chuyện, cậu ấy đổ thêm dầu vào lửa: “Đúng đó, không biết uống lộn cái gì nữa, cậu dạy dỗ cậu ấy dùm đi.”

Cậu bạn bị bàn cùng bàn trừng mắt nhìn bèn miễn cưỡng nhận sai: “Bà cô ơi, cậu đá ghế tôi nhẹ chút được không?”

Lớp học dần ồn lên vì tiếng cãi cọ, giáo viên chủ nhiệm nhanh chóng quay lại sau khi mượn được đèn pin.

Cuối cùng phòng học cũng sáng hơn hồi nãy một chút, chỉ là tiết tự học buổi tối không thể nào tiếp tục được nữa. Giáo viên chủ nhiệm ra ngoài nhận thông báo rằng tạm thời chưa có điện ngay được, vậy nên tiết tự học buổi tối nay sẽ kết thúc sớm.

Nương theo ánh đèn pin của chủ nhiệm, các bạn thu dọn tập sách vào cặp.

Các thầy cô dùng đèn điện thoại để soi sáng ở cửa, hướng dẫn cho học sinh tan học một cách trật tự. Phòng khi xảy ra sự cố trong lúc hỗn loạn, các lớp được hướng dẫn theo theo trình tự đã định.

Đây là lần đầu tiên tôi và Chu Gia Dã tan học cùng nhau.

Học sinh nội trú về ký túc xá, học sinh ngoại trú thì xếp thành hai hàng nam nữ, tôi và Chu Gia Dã tình cờ đứng song song.

Vì được tan học sớm nên mọi người đều rất hào hứng, lại được xếp hàng tan học chung, tụ tập thoải mái hơn trong lớp nhiều. Ai nấy đều cười đùa chuyện trò to nhỏ, tuy không hẳn là làm ồn nhưng lúc nào bên tai cũng có tiếng xì xào. Tất nhiên Chu Gia Dã không phải ngoại lệ, dù ở trong bất kỳ thời điểm nào thì cậu ấy đều dễ dàng trở thành trung tâm.

Bây giờ giáo viên cũng chẳng màng đến kỷ luật, chỉ cần đừng làm quá lố thì vẫn mắt nhắm mắt mở cho qua. Các lớp lần lượt xuống cầu thang và ra về theo thứ tự, lớp tôi ở phía trong hành lang nên phải đợi một lúc mới đến lượt.

Vì cúp điện nên cả sân trường chìm trong bóng tối, ánh trăng mờ nhạt, gió dường như cũng lạnh hơn khiến tôi rụt cổ lại.

Mãi mới tới lượt chúng tôi xuống lầu, vì phạm vi chiếu sáng của đèn pin có hạn, cầu thang lại hẹp, tôi không quen với không gian vừa tối vừa hẹp này nên mỗi bước đi đều rất run. Tôi vô cùng sợ mình sẽ bước hụt nên tay phải vịn vào cầu thang, nhích từng bước thật cẩn trọng.

Bỗng nhiên giữa cầu thang chật hẹp và đông đúc, trong dòng người náo nhiệt, tôi nghe tiếng cười khẽ của Chu Gia Dã.

Một tiếng cười rất khẽ nhưng tôi lại cảm giác như cậu ấy đang cười tôi.

Tôi ngửa cổ nhìn cậu ấy, quả nhiên nụ cười của cậu ấy vẫn rõ như ban ngày: “Lâm Ý, sợ đến thế cơ à?”

Ánh sáng mờ ảo, cậu ấy cười đẹp vô cùng.

Dường như cậu ấy đang cười nhạo tôi, cũng có thể là không phải, bởi vì lúc này tim tôi đập quá nhanh, tôi tránh không nhìn thẳng và không quan tâm cậu ấy, tay nắm tay vịn cầu thang siết chặt hơn.

Cậu ấy lại túm lấy cánh tay tôi, cậu ấy cao lớn, chân dài nên nắm lấy tay tôi như xách con vịt, tôi chẳng khác nào chú vịt nhựa phát sáng khi nãy cả.

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

Tôi sửng sốt nhìn cậu ấy.

Ánh đèn lập lòe mờ ảo, cậu ấy cười rạng rỡ, đôi mắt sáng ngời, cậu ấy hất cằm về đằng trước: “Cậu bước tiếp đi, không ngã được đâu.”

Cả người tôi cứng đờ, len lén nhìn xung quanh xem mọi người phản ứng ra sao, nhưng xung quanh tối đen, đèn pin chỉ chiếu sáng được đường đi nên tôi không nhìn thấy gì.

Tôi cảm ơn lòng tốt của cậu ấy: “Không sao đâu, tớ đi từ từ sẽ không ngã được.”

“Thế tôi buông tay nhé?”

“Ừ ừ.”

Cậu ấy vừa buông tay ra là tôi lại quay lại cảm giác vô định ban nãy, mặc dù chỉ việc đi theo hàng nhưng không gian tối tăm, chật hẹp này vẫn khiến tôi thật sự không thấy an toàn.

Tôi nắm chặt tay vịn cầu thang, tiếp tục bước đi theo mọi người trong nỗi sợ ngay ngáy.

Sau đó, Chu Gia Dã lại túm lấy tay tôi.

Sức cậu ấy rất khỏe, tôi không biết cậu ấy dùng lực thế nào nhưng cậu ấy mang đến một cảm giác tồn tại mạnh mẽ.

Lần này cậu ấy chẳng nói chẳng rằng, tôi cũng không phản kháng, dường như đã chấp nhận sự giúp đỡ của cậu ấy.

Cũng may phòng của lớp 10 không quá cao, chủ yếu tập trung ở lầu 1, lầu 2, tuy phải đi xuống cầu thang chầm chậm để an toàn nhưng cũng không quá lâu.

Sau khi ra khỏi tòa dạy học, đến bên ngoài tầng trệt bằng phẳng, ánh trăng chiếu rọi xuống khiến cảm giác sợ hãi sự chật hẹp, tối tăm cũng biến mất.

Tôi quay lại cảm ơn Chu Gia Dã, sau khi ra khỏi tòa dạy học lập tức có những các bạn khác tìm và đi kề sát bên cậu ấy, cậu ấy chỉ kịp bớt chút thời gian để đáp lại lời cảm ơn của tôi.

Tưởng Ninh và Trương Nam Nam cũng tìm được tôi, chúng tôi cùng nhau đi ra ngoài cổng trường.

Tôi loáng thoáng nghe thấy ở phía sau có bạn nam hỏi Chu Gia Dã tôi cảm ơn cậu ấy vì chuyện gì, dù khi đó tôi đã đi được một quãng nhưng tai lại căng ra, tôi rất muốn nghe xem cậu ấy đáp lại thế nào.

Tuy nhiên tôi không nghe rõ, câu trả lời của cậu ấy bị gió đêm thổi bay giữa đám người đang háo hức khi được tan học sớm.

Ngày hôm sau tôi vẫn đến trường như thường lệ, đọc bài buổi sáng, học bài và làm bài trong giờ chuyển tiết, tất cả mọi thứ đều diễn ra như bình thường.

Trong giờ chuyển tiết ồn ào, cậu ấy sẽ chơi đùa con vịt, cậu ấy chạm rất nhẹ nên âm thanh không lớn, hòa trong tiếng ồn của giờ chuyển tiết nên chỉ có mấy người ngồi xung quanh như chúng tôi nghe thấy.

Sau đó cậu ấy sẽ cười biếng nhác như thể đang cười chê tôi.

Cậu ấy không nói lời nào, nhưng tôi lại nhớ tới câu nói khi cậu ấy vừa cười vừa túm tay tôi tối qua: “Lâm Ý, sợ đến thế cơ à.”

Thi thoảng cậu ấy sẽ quay sang phía tôi để nghịch con vịt.

Giống như đang chọc tức tôi vậy.

Tôi vốn không thấy bực, bởi vì tôi đã quen với kiểu cười nhạo báng và coi thường từ lâu rồi, cũng đã bị tê liệt đến độ không thèm nóng giận, huống hồ chi nụ cười của Chu Gia Dã hoàn toàn không có ý xấu. Nếu tôi thật sự cáu lên với cậu ấy, e là cậu ấy sẽ xin lỗi ngay rồi sẽ mua thật nhiều vở mà tôi chẳng thể viết xuể như lần trước. Cậu ấy sẽ xin lỗi bằng những cách vô cùng chân thành nhưng cũng khiến người ta dở khóc dở cười.

Cậu ấy thật sự cực kỳ trẻ con.

Trẻ con đến mức tôi bỗng quên mất những cơn giận đang đè nén, rồi trở nên vô tư theo cậu ấy. Tôi cướp lấy chú vịt, liên tục nghịch cho nó kêu quạc quạc bên tai cậu ấy.

Nhìn cậu ấy luôn miệng nói sai rồi, trước giờ tôi chưa từng vui đến thế nên không khỏi bật cười.

Tôi dừng tay thì lại đến lượt cậu ấy không chịu buông tha.

Cậu ấy kiêu ngạo duỗi chân, khoanh tay trước ngực, hơi nhướng mày rồi bình thản cong môi, gương mặt rạng ngời lộ ra chút tà khí kiêu căng. Cậu ấy chậm rãi cất lời: “Lâm Ý, cậu to gan quá ha?”

Tư thế này khiến cậu ấy trông cực kỳ du côn, là kiểu đàn anh xã hội đen hay chặn đường mấy em học sinh trong hẻm để bắt nạt.

Nhưng cậu ấy là Chu Gia Dã nên tôi thật sự không sợ.

Song dường như do bị tra tấn lâu ngày nên nỗi sợ đã trở thành bản năng, trong chớp mắt, tôi căng cứng người vì sợ hãi. Chỉ một khắc như vậy thôi nhưng Chu Gia Dã vẫn có thể nhận ra.

Cậu ấy ghé đầu lại gần tôi, quan sát đôi mắt nhìn xuống của tôi. Chú vịt vẫn nằm trong tay cậu ấy, cậu ấy nhấn mạnh nó trước mặt tôi để tôi hoàn hồn: “Này, Lâm Ý.”

Bản năng tan biến, tôi ngước mắt lên, nở nụ cười với cậu ấy rồi cất giọng hỏi bằng ngữ điệu bình thường: “Sao thế?”

“Tôi cứ ngỡ cậu sắp khóc.” Chút cà lơ phất phơ trong giọng nói của cậu ấy cũng không còn, cậu ấy giải thích: “Tôi chọc cậu chơi thôi.”

Còn tôi lại ngạc nhiên với vế đầu trong câu nói của cậu ấy: “Tớ khóc hồi nào?”

“Lần trước đó.”

“Lần trước nào vậy?”

Tôi sốt ruột muốn xác minh.

Cậu ấy thong dong đáp: “Cả lần trước nữa luôn.”

Tôi trợn tròn mắt: “Lần trước nữa ở đâu ra vậy?”

Cậu ấy không hề có ý định giải thích, vẫn thản nhiên cười, cậu ấy đặt con vịt lên bàn rồi nói chuyện nghiêm túc: “Lâm Ý.”

“Ừm.”

Tôi thể hiện sự bất mãn với việc hỏi một đằng mà cậu ấy trả lời một nẻo.

Tuy nhiên sự bất mãn này chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến cậu ấy, cậu ấy vẫn giữ nguyên dáng vẻ lười biếng, thậm chí còn đưa tay lên chống cằm: “Cậu không sợ cái gì?”

“...”

Tôi muốn làm lơ sự chế giễu của cậu ấy, tự nhiên cũng thấy hơi tủi thân. Tôi cực kỳ hâm mộ cậu ấy: “Tớ mới là người phải hỏi cậu đấy, cậu có sợ cái gì không, giáo viên không sợ, gọi phụ huynh cũng không, giống như là cậu chẳng biết sợ là gì.”

“Có chứ.”

Giọng điệu bình thản của cậu ấy khiến người ta chẳng thể biết cậu ấy sợ đến cỡ nào.

“Cậu đoán xem, tại sao bây giờ tôi không chơi bóng rổ nữa mà ngày ngày đến đây học?”

“Tại sao?”

Trong giây phút ấy, tôi thật sự rất muốn biết.

Lúc Chu Gia Dã mới đổi tính, ai ai cũng tò mò, tôi không dám hỏi cậu ấy nhưng mấy bạn thân thiết với cậu ấy đều hỏi hết rồi, lần nào tôi cũng âm thầm để ý.

Song mỗi lần cậu ấy đều giải thích khác nhau, chẳng có lần nào là đáng tin cả. Dần dà mọi người cũng quen, không ai cố chấp muốn biết lý do nữa. Dù sao việc một học sinh chăm chỉ học tập cũng không phải chuyện gì lạ thường.

Tuy tôi không hỏi nhưng vẫn luôn thắc mắc trong lòng, tôi muốn biết nhưng lại sợ đi quá giới hạn.

Đột nhiên cậu ấy chủ động hỏi đến khát vọng không thể mở lời của tôi.

Nhưng khi cậu ấy thôi cười thì lại trở về dáng vẻ cà lơ phất phơ kia: “Lần sau tôi nói cho cậu biết.”

“Lần sau là bao giờ?”

Hỏi xong, tôi mới nhận ra mình quá vội vàng.

Tôi chưa từng hỏi đến cùng bất kỳ ai, lại càng không dám truy hỏi Chu Gia Dã.

Dường như cậu ấy không để ý, vẫn có tâm trạng chọc tôi: “Lần sau là lần sau.”

Tôi thấy hụt hẫng, bởi vì trong nhận thức của tôi, hẹn lần sau tương đương với không bao giờ xảy ra.

Khi ấy tôi không biết, Chu Gia Dã nói lần sau là có lần sau thật. Cậu ấy thường xuyên không nghiêm túc, nhưng cậu ấy không lừa tôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện