Quỳnh Nương lười nhìn cái đức hạnh nhà nghèo chợt giàu này của ả ta, chỉ xem như không nhìn thấy trò hề náo nhiệt này, vào phòng bếp nấu cơm tối.
Năm đó gả vào Thượng gia, bà bà khắc nghiệt cứng nhắc, cực kỳ coi trọng sự hiếu kính giữa mẹ chồng nàng dâu, lại còn biết được nội tình trong thân thế của Quỳnh Nương, vì vậy bà ta sai bảo nàng không hề khách khí, bắt tân nương mới gả vào bếp nấu cơm, không cho Quỳnh Nương nhờ người khác.
Một năm rèn luyện đó, từ một quý nữ được nuông chiều từ nhỏ, nàng đã thông thạo nấu cơm, thi thoảng còn có thể biểu diễn tài nghệ trong yến tiệc của các quý phu nhân.
Chỉ là trước đây những việc châm củi đốt lò đều có nha hoàn làm hộ, bây giờ một mình bận rộn nồi trên lò dưới, khó tránh chuyện lúng túng vụng về, chỉ trong chốc lát, khuôn mặt trái xoan trắng nõn đã phủ ít tro bụi.
Nha hoàn Thuý Ngọc đứng phía sau Liễu Bình Xuyên vốn là thị nữ hầu cận bên người Quỳnh Nương. Hôm nay nhìn thấy chủ cũ áo thô trâm mận đang bận rộn ngồi xổm trước bếp lò mà nội tâm chua chát, định bước qua giúp. Đáng tiếc vừa động đậy đã bị Liễu Bình Xuyên bất động thanh sắc liếc ngang một cái, chỉ có thể dừng chân lại, rưng rưng dời ánh mắt sang chỗ khác.
Quỳnh Nương đứng dậy rót nước, nhìn thấy hành động của Thuý Ngọc, tim nàng nóng lên... nha đầu này luôn trung thành hộ chủ.
Lúc nàng xuất giá, dù Liễu gia giữ thể hiện đưa đủ của hồi môn nhưng hạ nhân Liễu phủ đều biết thân phận thật sự của nàng, thêm nữa nàng gả cho một tên nhà nghèo, một khi thân thế tiểu thư bị nói toạc ra thì tương lai không đoán trước được.
Thế là toàn bộ những nha hoàn trẻ tinh mắt đó dùng hết thủ đoạn để lấy lòng bà tử hầu hạ bên cạnh Nghiêu thị, hi vọng có thể truyền vài lời đến phu nhân, đừng để họ làm nha hoàn hồi môn.
Chỉ có Thuý Ngọc không biết tính toán cho tương lai của mình, chủ động xin đi theo Quỳnh Nương vào Thượng gia nghèo khó. Sau khi vào Thượng phủ, nàng ấy tuân thủ nghiêm ngặt bổn phận của mình, dù sau đó Thượng Vân Thiên đỗ bảng vàng cũng không hề có tâm tư muốn bò lên giường làm thông phòng. Thôi Bình Nhi ra vào Thượng phủ nhiều lần, Thuý Ngọc cũng cảnh giác nhắc nhở nàng phải cẩn thận nhiều lần...
Quỳnh Nương nhẹ nhàng khuấy canh trong nồi, lại thở dài vì kiếp trước nàng có mắt như mù, không biết kiếp trước nàng chết rồi nha đầu này thế nào. Rồi nàng lại đổ mồ hôi thay Thuý Ngọc, nếu Liễu Bình Xuyên thật sự sống lại, theo tính ả ta, chắc là sẽ mang thù tra tấn nha đầu Thuý Ngọc này... Còn hai đứa con của nàng sau này sẽ thế nào?
Quỳnh Nương không muốn nghĩ tiếp, nhưng rốt cục mắt vẫn đỏ lên. Làm Liễu Bình Xuyên trong sân nhìn qua lại tưởng nàng không chịu nổi việc bếp núc nặng nhọc mà khóc.
Ả ta lại cảm thấy sáng khoái.
Qua thời gian một chén trà, ngoài cửa truyền đến giọng nói của phu phụ Thôi gia và Thôi Truyền Bảo.
Hôm nay họ về sớm, mặt trời vừa ngả về tây đã về nhà, từ xa đã nhìn thấy xe ngựa ở đầu cầu, lờ mờ đoán là người Liễu gia lại đến, nhớ ra Quỳnh Nương ở nhà một mình bèn bước nhanh vào nhà.
Quỳnh Nương đứng dậy khỏi bếp lò, còn chưa kịp dịch chân thì Liễu Bình Xuyên đã uyển chuyển bước tới cửa như chim yến, đích thân mở cửa ra, rưng rưng nhìn phu phụ Thôi gia.
Thôi Trung và Lưu thị đều kinh ngạc, không ngờ Bình Nương lại về nhà. Dù sao cũng là nữ nhi đã nuôi dưỡng mười ba năm, lúc nhỏ nhẹ nhàng ôm trong lòng cho bú sữa mà lớn lên, dù biết rõ không phải con ruột, nhưng một chiều rời khỏi nhà, nửa đêm cũng không nén được nước mắt nhớ nhung.
Bây giờ gặp lại, nhìn nhau qua làn nước mắt, Lưu thị ôm Liễu Bình Xuyên vào lòng.
Liễu Bình Xuyên mượn thời cơ nghiêng người, nhanh chóng liếc mắt nhìn Quỳnh Nương đang đứng trước ở bếp, thấy Quỳnh Nương đứng trước thềm cửa vô cảm nhìn ả ta và Lưu thị ôm nhau, ả ta cực kỳ vui sướng.
Ả ta muốn để cho Quỳnh Nương thanh cao này biết, rời khỏi Liễu gia rồi, cái gọi là tài nữ một đồng cũng chẳng đáng! Dù về Thôi gia rồi cũng chẳng có chỗ đứng như ả ta!
Lưu thị được gặp Bình Nương nên nhất thời xúc động, không nhịn được phải vội vàng ôm ấp nữ nhi rời nhà đã nhiều ngày. Nhưng Thôi Truyền Bảo ở bên cạnh nhìn thấy vẻ mặt ngơ ngẩn của Quỳnh Nương bèn kéo tay áo mẫu thân, hướng ánh mắt về phía bà.
Lúc này Lưu thị mới phát hiện bản thân thất thố, không chú ý đến cảm nhận của Quỳnh Nương. Bà nhìn theo ánh mắt của nhi tử, thấy gương mặt Quỳnh Nương sáng sớm còn trắng nõn giờ đã nhuốm khói bếp, đôi mắt chứa giọt sương, nửa cắn môi nhìn mình, nhìn thế nào cũng lộ ra vẻ tủi thân vô tận vì không có người yêu thương. Bà lập tức buông tay ra, xoay người nói với Quỳnh Nương: “Không phải đã nói là đợi nương về rồi nấu cơm sao, phòng bếp lắm dầu, cẩn thận hun hỏng mắt con, mau đi tắm đi.”
Liễu Bình Xuyên nghe xong vừa lau nước mắt vừa nói: “Nương nói đúng, trước đây Quỳnh tỷ tỷ chưa từng làm việc này, lúc nãy còn vừa làm vừa khóc, vẫn nên nhanh ra ngoài nghỉ ngơi đi thì hơn... Mẫu thân Liễu gia nghe nói dạo này tỷ ăn không ngon, lại còn nghe bà tử đưa đồ nói tỷ muốn về nên mẫu thân vô cùng buồn khổ, mấy ngày nay bệnh nặng không dậy nổi, không thể đi thăm tỷ nên bảo ta mang chút tổ yến đến cho tỷ bồi bổ thân thể.”
Nói xong ra lệnh cho bà tử gỡ tấm gấm lụa dùng để che hộp gỗ xuống, bưng đến trước mặt Quỳnh Nương.
Quỳnh Nương liếc qua hộp gỗ mở một nửa, là chút tổ yến nhỏ vụn, lại còn làm khó người khác gom thành một cái hộp!
Liễu Bình Xuyên làm như mới thấy, trừng mắt răn dạy quở mắng bà tử bên cạnh: “Là ai làm, sao chỉ lấy toàn mảnh vụn thế này?”
Bà tử bị răn dạy đã sớm thuộc lòng lời kịch, lập tức trả lời: “Tổ yến được ban tặng chỉ có hộp này. Phu nhân nói tiểu thư thân thể yếu ớt, miếng hoàn chỉnh phải để người ăn trước, còn sót lại thì cho vào hộp mang đến cho... tiểu thư Thôi gia.”
Quỳnh Nương thầm nghĩ: nếu nàng thực sự là tiểu nương mười ba tuổi, theo như tâm trạng lúc đó, e là nàng sẽ gào khóc chạy về Liễu gia, chất vấn Nghiêu thị vì sao lại lạnh nhạt như vậy, cho chút tổ yến vụn, thực sự xem nàng như ăn xin mà xua đuổi sao?
Nếu nàng thực sự làm vậy, chắc chắn người Thôi gia sẽ khó xử.
Nghĩ đến đây, nàng giơ tay nhận hộp gấm, khoé mắt liếc qua thấy Thôi Trung và Lưu thị hơi biến sắc. Quỳnh Nương đưa mắt nhìn Liễu Bình Xuyên đang ra vẻ mỉm cười xin lỗi nàng, dịu dàng nói: “Trước đây ta không hiểu chuyện, khiến cha nương lo lắng. Mấy ngày trước bệnh nặng một trận, nương chăm sóc ta mà tiều tuỵ, chút tổ yến nhỏ vụn này vẫn có chất bổ dưỡng, để nương bồi bổ thân thể.”
Liễu Bình Xuyên nghe xong mặt hơi đờ ra, chắc là không ngờ Quỳnh Nương lại nhịn được, nhưng nhớ đến cái đức hạnh sống dày vò, chết cũng cần mặt mũi của Quỳnh Nương kiếp trước, ả ta cảm thấy nàng chỉ đang cậy mạnh, cố nhịn trước mặt mình thôi. Ả ta thầm cười lạnh.
Nghe được câu này, Lưu thị nở nụ cười, bà thấy tuy Quỳnh Nương có bướng bỉnh nhưng nàng là một đứa trẻ biết quan tâm đến người khác. Về điểm này, so với Bình Nhi luôn định đoạt tranh giành của mọi người thì Quỳnh Nương tốt hơn nhiều.
Đúng lúc này, Truyền Bảo kiệm lời thờ ơ bên cạnh móc một bao giấy trong ngực ra đưa cho Quỳnh Nương: “Người giàu bọn họ quả thực quá tiết kiệm, ngay cả cặn bã cũng có thể thu gom lại tặng người lấy thể diện. Tổ yến tổ chim cái gì chứ, nghe đã mang theo mùi phân chim. Đây là mạch nha ta mua ở góc đường, lát nữa muội pha nước mà uống.”
Lời sỉ nhục này khiến gương mặt Liễu Bình Xuyên nhất thời biến hoá, trước đây ả ta và Thôi Truyền Bảo cãi nhau ồn ào thành quen, nếu là trước đây, ả ta nhất định sẽ chạy phía sau mắng hắn.
Nhưng bây giờ ả ta đã không còn lập trường, chỉ là lòng không dễ chịu, thầm hận Truyền Bảo không có mắt.
Lưu thị nghe nhi tử nói mà xấu hổ, bèn ngắt lời: “Vừa nãy lúc về nương mua một cân thịt ba chỉ, nếu Bình Nhi đã về rồi thì nương hầm thịt cho các con ăn được không?” Lưu thị nhớ Bình Nhi thích ăn thịt hầm nhất.
Đáng tiếc bà đã quên mất, Bình Nhi từng là của bà nay đã trở thành thiên kim Liễu gia, ngày nào cũng ăn đồ tinh xảo, nào còn nhìn lọt mắt thịt ba chỉ bà mua trên phố chứ.
Đã thấy cảnh đáng thương khi Quỳnh Nương ngã từ trên mây xuống rồi, Liễu gia đại tiểu thư cũng không muốn ở lại lâu, tránh cho thời gian quá dài khiến Nghiêu thị nghi ngờ, làm mẫu thân không vui. Ả ta nghĩ là lần này mình đến đây đã khiến cho Quỳnh Nương ngột ngạt thêm nhiều rồi. Bây giờ nàng ta đứng trước mặt mình dửng dưng cậy mạnh, nhưng đến lúc mình đi rồi nhất định sẽ cảm thấy uất ức, làm loạn với phu phụ Thôi gia. Đến lúc đó xem Thôi Truyền Bảo có hối hận vì đã nói thay con nhỏ đanh đá kia không!
Mục đích đã đạt được, ả ta liền đứng dậy cáo từ, nói sau này tiện thì sẽ đến thăm cha nương.
Lúc ra ngoài, ả ta bảo Lưu thị lấy cho mình một ít dưa muối mà ả ta hay ăn. Nhân lúc không ai để ý, ả ta nhỏ giọng nói với Quỳnh Nương: “Bây giờ ngươi đã về Thôi gia rồi, dù mẫu thân Liễu gia có lòng giúp đỡ ngươi thì cũng ngại cha nương Thôi gia phiền muộn, cho nên không thể làm quá trực tiếp. Hơn nữa nhân duyên của nữ nhi rất quan trọng. Mẫu thân Liễu gia nghe nói qua mấy ngày nữa sẽ có một vị quý nhân ở lại bên khe suối sạch dưới chân núi ngoài trấn... Người kia dung mạo không tầm thường, thân phận hiển quý, quan trọng nhất là vẫn chưa có chính thê...”
Nói đến đây, ả ta cố ý dừng lại, vuốt ve vòng ngọc bích trong suốt trên cổ tay, thương hại đánh giá váy vải thô của Quỳnh Nương, lại nói tiếp: “Tỷ tỷ xinh đẹp, phải kịp thời nắm bắt, không thì cha nương Thôi gia sẽ tìm cho ngươi một tên nhà nông làm phu quân, đời này sẽ không thể trở mình đâu...”
Quỳnh Nương chỉ chớp mắt, kinh ngạc nhìn Liễu Bình Xuyên, giống như mới bừng tỉnh từ trong mộng.
Nhưng trong lòng hận không thể cho Liễu tiểu thư này một bạt tai.
Nhìn xem, ả ta nói lời này rất trôi chảy chặt chẽ, nghe như Nghiêu thị hao tổn tâm huyết mưu toan cho tương lai của nàng vậy.
Thanh niên tài tuấn, quý nhân trăm năm khó gặp cái gì chứ? Không phải là Lang Vương Sở Tà mà kiếp trước tư thông với Liễu Bình Xuyên sao? Liễu tiểu thư đang xúi giục nàng bỏ nhà theo nam nhân sau lưng cha nương, bán thân cầu vinh như ả ta kiếp trước à? Nhưng nếu thật sự là vậy, có thể sau này Nghiêu thị sẽ không dùng nghìn bạc để chuộc lại sự tự do cho nàng, vậy chẳng phải là còn thê thảm hơn Thôi Bình Nhi kiếp trước sao?
Nói về Sở Tà, kiếp trước nàng từng gặp rồi, không nghe về chuyện của hắn thì hắn đích thực là một nam tử tuấn tú khôi ngô hiếm gặp. Đáng tiếc hắn lại có kết cục xấu, làm gì hợp với hai chữ “quý nhân”? Tính ra thì kiếp trước nàng gặp hắn nhiều nhất là lúc hắn mưu phản bại lộ, chưa kịp làm đã bị hoàng đế giam lỏng trong chùa miếu ở núi Hoàng Sơn ngoại ô kinh thành.
Sau này cứ vào mùng một mười lăm, vị hổ sói hung bạo dám nhổ răng rồng này cũng sẽ nhận được thánh ân, lộ diện trong các yến tiệc.
Nói cũng lạ, mỗi lần xuất phủ dự tiệc, nàng luôn nhìn thấy hắn trên yến hội. Một tặc tử mưu phản thất bại, đi đến đâu cũng không nhận được tiếp đãi, vì vậy mỗi lần nàng nhìn thấy hắn lẻ loi không có người hỏi han trên yến hội đều sẽ xấu hổ thay hắn.
Nhưng hắn lại luôn mang dáng vẻ kiêu ngạo càn quấy mà thong thả an nhàn...