Đầu tháng mười một, Nam Cung Giao đến Tô Châu. Mục tiêu của chàng chính là Tri phủ Giang Tô Mạc Tôn Long.

Chàng đã lén gặp Nguyễn Tuấn, trao cho lão số ngân phiếu vạn lượng, nhờ phân phát cho những người Giao Châu muốn trở về xứ sở, hay đang gặp khó khăn!

Nguyễn Tuấn bảo rằng Tô Châu cũng có khá nhiều người đồng hương, và đã dạy chàng phương thức liên lạc.

Sau hai mươi mấy năm, số lượng người Giao Chỉ ở những phủ phía Nam Trung Quốc đã tăng lên gấp bội. Có một số đã thoát đời nô lệ, ra ngoài mưu sinh, xây dựng được sự nghiệp.

Cùng dân tộc, cùng chịu cảnh ly hương, ngươi Giao Chỉ ở mỗi địa phương âm thầm liên kết lại thành bang để tương trợ lẫn nhau.

Trưởng Bang ở Nam Kinh là Nguyễn Tuấn, còn Trưởng bang ở Tô Châu là Đặng Kiệm! Họ Đặng tuổi năm mươi ba, là thầy thuốc trong nghĩa quân Hậu Trần, dưới trướng biểu thúc Đặng Dung, khi bị bắt về Trung Quốc trở thành nô lệ cho Mạc Tôn Long!

Họ Mạc nhờ công lao chinh phạt An Nam, được phong làm Tri phủ Giang Tô. Lúc mới về nhiệm sở, chưa dám trổ ngón tham quan ngay nên Tôn Long rất túng thiếu. Lão bèn bán bớt một số nô tỳ để có tiền xây nhà mới. Trong đó có Đặng Kiệm!

Đặng Kiệm may mắn lọt, vào một nhà đại phú nhân đức họ Hoàng. Khi Hoàng viên ngoại lâm bệnh trầm kha, các danh y trong thành Tô Châu đều bó tay, thì Đặng Kiệm trổ tài Biển Thước.

Hoàng viên ngoại thoát chết, liền giải phóng ân nhân khỏi kiếp nô lệ và gả con gái cho!

Giờ đây, Đặng Kiệm thừa kế cơ nghiệp họ Hoàng, trở thành một người có thế lực đất Tô Châu.

Về vai vế, Đặng Kiệm là biểu ca của Nam Cung Giao. Nhưng chàng không thể nhận bà con vì sợ lộ thân phận và có thể di hại đến Đặng Kiệm.

Chàng sẽ đến với lão bằng cách khác! Nguyễn Tuấn từng kể rằng Đặng Kiệm có thói quen chiều chiều uống rượu trong Cô Tô đại tửu lâu, cạnh bờ Thái Hồ. Lão được dành riêng một bàn, dù bất cứ ai cũng chẳng được ngồi vào vị trí ấy!

Hoàng gia trang vốn kinh doanh ngành tơ lụa, nhưng sau này, Đặng Kiệm đã trao nghề cũ cho vợ, còn mình mở tiền trang.

Vùng duyên hải phía Đông Nam Trung Hoa có nhiều hải cảng buôn bán với ngoại bang, nên thương lái bất cần vốn liếng. Với bốn tiền trang ở các phủ Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông. Đặng Kiệm đã trở thành Đại tài thần.

Không chỉ đám lái buôn cần tiền, mà cả các quan lớn nhỏ cũng là con nợ của họ Đặng. Tiền bạc đi đôi với quyền lực chẳng ai còn dám nhắc đến cái gốc gác An Nam man mọi của Đại thần tài nữa!

Người Trung Hoa luôn tự hào về nền văn minh rực rỡ mấy ngàn năm của mình, nên xem nhân dân tộc xung quanh là man di mọi rợ. Thực ra, vào thời bấy giờ, tuy sử dụng Hán tự, dân Giao Chỉ đã có một nền văn hóa đặc sắc riêng, không thể sánh với Trung Hoa nhưng hơn hẳn những nước trong khu vục như Cao Ly, Phù Tang, Xiêm La, Miến Điện.

Chính vì vậy Minh Thành Tổ đã ra lệnh cho Tân Thành Hầu Trương Phụ tịch thu tất cả sách vở của Giao Châu, phá hủy văn bia, chỉ để lại những gì của Trung Hoa.

Đấy là chuyện nhiều năm trước, giờ chúng ta sẽ cùng Nam Cung Giao lên lầu hai của Cô Tô đại tửu lâu.

Cô Tô là một ngọn núi có phong cảnh rất đẹp ở ngoại thành và nó là xuất xứ của hai chữ Tô Châu.

Thành Tô Châu xưa kia là kinh đô của nước Ngô cổ đại, do Mã Hạp Lư xây dựng lên. Thời Tần, Tô Châu được gọi là Ngô Huyện, thời Đông Hán đổi là Ngô Quận. Đến năm Bính Tý (1276) tức năm Cảnh Viên thứ nhất, đời vua Tống Đoan Tông, vùng đất lẫy lừng này mới có tên Tô Châu!

Cái tên Cô Tô đại tửu lâu hàm ý rằng khách có thể vừa uống rượu, vừa ngắm ngọn núi Cô Tô ở xa xa. Còn gần trước mắt chính là mặt nước Thái Hồ mênh mông, được điểm xuyết bằng rất nhiều núi đá có hình thù diễm lệ và kỳ ảo!

Nam Cung Giao lên lầu, bước đến lan can phía Tây, nhận ra Đặng Kiệm chưa có mặt. Chàng bèn ngồi xuống bàn gần đấy, gọi rượu thịt.

Tửu lâu mỗi lúc một đông người, đa số là hào kiệt võ lâm.

Nam Cung Giao không lấy làm lạ, vì lúc còn ở Kim Lăng đã nghe Mã Kim Khu kể về việc Tổng Trấn Quân Vụ Tích Giang hiệu triệu khách giang hồ đến giúp mình đương cự bọn hải tặc Phù Tang (Nhật Bản).

Mấy trăm năm qua, bọn giặc lùn luôn là mối hiểm họa của miền duyên hải phía Đông Trung Hoa. Thỉnh thoảng, chúng từ biển khơi tập kích vào đến tận Nam Kinh, quân triều đình phải tốn hao xương máu mới đuổi ra được.

Nhưng vài năm nay, hải tặc Phù Tang liên tiếp bị thất bại bởi lực lượng kiêu dũng, thiện chiến của Tổng trấn quân vụ Tích Giang Vương Trọng Hưng (Tích Giang gồm hai phủ Giang Tô và Chiết Giang).

Vương Tổng Trấn chính là đương kim Minh chủ, quê ở Thượng Hải, được Minh Đế đặc cách phong quan tước giao nhiệm vụ đối phó với giặc Phù Tang!

Tuy ông đã từ nhiệm nhưng vẫn được võ lâm kính trọng. Cả hai phe Hắc Bạch đều lũ lượt kéo đến giúp đỡ.

Trong vòng ba năm, nhờ những cao thủ này mà Vương Tổng Trấn đã sáu lần tiêu diệt quân thù, bảo vệ được sinh mạng và tài sản của lê thứ.

Bọn hải tặc Phù Tang có rất nhiều tay kiếm giỏi, nhưng gặp phải cao thủ Trung Nguyên đành chịu thất bại.

Sáu tháng nay, tình hình ven biển đã yên bình, các hào kiệt dưới trướng họ Vương được phép giải ngũ. Họ về Tô Châu nghỉ ngơi, hưởng lạc. Khi còn trong quân ngũ thì bị ràng buộc bởi quân pháp, ai cũng một lòng chống giặc. Nhưng giờ đây, bản chất anh hùng cá nhân của đám hào khách có dịp biểu lộ. Chính tà lưỡng lập, tuy không đến nỗi chém giết nhau nhưng mỗi nhóm đều ngồi riêng!

Nam Cung Giao thích thú ngắm nhìn các võ sĩ Trung Hoa. Họ rất đa dạng gồm nhiều thành phần, xuất thân từ các địa phương, các môn phái khác nhau. Hầu hết đều ở lứa tuổi từ hai mươi lăm đến bốn mươi, vẻ cao ngạo, đắc ý hiện rõ trên dung mạo của những bậc anh hùng này. Họ tự hào vì đã có công lao với xã tắc nên nói cười sang sảng, kể lể những chiến công oanh liệt!

Bàn của Đặng Kiệm không có ghế nên chẳng xâm phạm. Do vậy, người khách vừa lên ngơ ngác nhìn quanh rồi tiến đến những bàn có ít người, xin được ngồi chung. Nhưng có lẽ do bộ dạng của hắn không gây được thiện cảm nên bị những bậc anh hùng kia lạnh lùng từ chối!

Vị khách này là một chàng trai tuổi đôi mười, võ phục bằng vải thô màu đen cũ kỹ, có đôi chỗ vá, lại rộng thùng thình cứ như là đi mượn hay trộm cắp của ai. Hắn lại thọt chân, bước đi khập khiễng, đầu tóc thì chẳng gọn gàng, vài trăm sợi ngắn dài phủ lòa xòa trên gương mặt rám nắng. Đôi môi hắn gọn gàng, nhưng lại lệch một bên, và trên cặp mắt to đen linh lợi kia là cặp chân mày cao thấp chẳng đều.

Chàng trai áo đen tội nghiệp ấy vẫn mỉm cười dù bị khinh rẻ. Hắn đã đến bàn của Nam Cung Giao, không mở lời hỏi xin chỉ nhìn chàng bằng ánh mắt vui vẻ!

Nam Cung Giao đưa tay:

- Mời huynh đài ngồi chung với tại hạ cho vui? Chàng áo đen cười rạng rỡ:

- Huynh đài có lời mời dùng bữa, tiểu đệ vô vàn cảm kích!

Nam Cung Giao phát hiện đối phương có hàm răng trắng đều rất đẹp, và chàng cũng hiểu ẩn ý của gã. Chàng chỉ cho phép ngồi cùng bàn nhưng gã lại gài chàng phải đãi ăn.

Nam Cung Giao tủm tỉm cười:

- Các hạ quả là người nhanh nhẩu? Xin cứ tùy tiện gọi thức ăn, tại hạ sẽ chiêu đãi!

Hán tử hớn hở an tọa, mở thực đơn ra gọi liền một lúc sáu món thượng hạng và một, vò rượu Thiệu Hưng năm mươi năm. Gã nheo mắt bảo khổ chủ:

- Tiểu đệ là người biết lễ nên chỉ gọi bấy nhiêu thôi!

Nam Cung Giao vẫn điềm nhiên:

- Nếu thích, các hạ có thể chọn thêm vài món nữa!

Chàng trai áo đen hơi ngỡ ngàng, liếc nhìn rõ bộ võ phục vải thô trên người nạn nhân băn khoăn nói:

- Huynh đài không bỡn tiểu đệ đấy chứ? Trông lại huynh đâu hơn gì tiểu đệ?

Nam Cung Giao gật gù:

- Đúng thế! Nhưng cùng lắm thì ta và các hạ ở lại đây làm công cho tửu lâu mà trừ nợ!

Nhìn ánh mắt hoài nghi, tinh minh của chàng, hán tử áo đen biết ngay chàng nói đùa. Hắn phì cười:

- Té ra huynh đài cũng biết bỡn cợt người?

Hắn yên tâm cao giọng ra lệnh cho tiểu nhị:

- Ngoài sáu món vừa rồi, ngươi nhớ bưng thêm món tráng miệng nữa nhé!

Rồi hắn quay lại tự giới thiệu:

- Tiểu đệ là Mộc Kính Thanh hai mươi tuổi quê ở Chiết Giang, dám hỏi đại danh của huynh đài?

Nam Cung Giao xưng tên tuổi, quê quán, Mộc Kính Thanh nhăn nhó nói:

- Tiểu đệ nhỏ hơn hai tuổi xin nhận phận em! Để mừng buổi tương phùng, tiểu đệ xin kính đại ca một chung!

Nam Cung Giao tính tình phóng khoáng, đại lượng, dù bị ai chơi gác cũng chẳng hề giận. Chàng vui vẻ cùng Kính Thanh ăn uống lại còn khen gã khéo chọn thực đơn! Thái độ của chàng đã khiến Kính Thanh lấy làm lạ và rất khâm phục.

Gã cảm động nói:

- Tiểu đệ quả may mắn khi được làm em của Nam Cung đại ca!

Chàng cười khà khà:

- Ngươi đừng tưởng bở, nếu sau này ngươi phạm lỗi thì đại ca sẽ phát vào mông đấy!

Kính Thanh thoáng giật mình, chụp chung rượu ngửa cổ uống cạn!

Vài khắc sau bọn tiểu nhị tíu tít mang ghế ra sắp quanh bàn của Đặng Kiệm, chứng tỏ lão đã tới.

Họ Đặng đi cùng với một lão già áo gấm béo phệ, mặt vênh váo ra vẻ quan quyền. Theo sau là hai gã vệ sĩ to như hộ pháp sắc điệu dữ dằng. Hai gã này không được phép ngồi, đứng hầu như pho tượng.

Nam Cung Giao nhận ra Đặng Kiệm nhờ nốt ruồi son trên sóng mũi.

Chàng chăm chú quan sát vị biểu huynh của mình, lòng thoáng ái ngại.

Đặng Kiệm khá anh tuấn, người dong dỏng cao, râu thưa, tóc đen nhánh, mắt sáng, thường liếc nhanh.

Nam Cung Giao không thích cái cảnh Đặng Kiệm đi đâu cũng mang theo hộ vệ một cách trưởng giả như vậy!

Nhưng Mộc Kính Thanh đã hạ giọng nhận xét:

- Đại ca! Lão già cao gầy kia có tướng mạo của một kẻ gian tham, phản trắc!

Nam Cung Giao giật mình:

- Sao hiền đệ lại dám khẳng định như vậy?

Kính Thanh mỉm cười tự hào:

- Tiểu đệ được chân truyền khoa Ma y thần tướng của gia phụ, chưa hề nhìn lầm người!

Nam Cung Giao bán tín bán nghi, tự nhủ sẽ dò hỏi cho kỹ rồi mới tiếp xúc với Đặng Kiệm! Chàng giễu cợt Kính Thành:

- Sao ngươi không trổ tài xem tướng rồi hãy tìm chỗ ngồi mà cứ phải đi lòng vòng như ăn mày vậy?

Kính Thanh gượng cười:

- Thiện ác thì dễ phân biệt nhưng tật bủn xin thì tiểu đệ chẳng thể nhìn ra!

Hai người thù tạc thêm nửa canh giờ thì bọn Đặng Kiệm rời quán. Có lẽ họ đến đây để bàn bạc chuyện gì đó chứ chẳng phải là uống rượu ngắm cảnh.

Nam Cung Giao cũng muốn trở về khách điếm, định từ giã Kính Thanh thì phát hiện gã đang nhìn về phía thang lầu với ánh mắt sợ hãi.

Chàng nhìn theo, thấy một lão già to béo, râu tóc hoa râm, mặt vàng võ và võ phục cũng toàn một màu vàng rực rỡ!

Sau lưng lão còn có hai hán tứ áo trắng tuổi tam tuần, sắc diện cũng vàng vàng trông rất giả tạo và quái dị.

Mộc Kính Thanh thớ dài nói nhỏ:

- Đại ca! Kẻ thù của tiểu đệ đã tìm đến, cái mạng thỏ bé này e khó bảo toàn! Xin cảm tạ thịnh tình của đại ca, kiếp sau sẽ báo đền!

Nam Cung Giao nhíu mày:

- Họ là cao nhân phương nào vậy? Và vì sao ngươi lại kết oán thù với họ?

Mộc Kính Thanh rầu rĩ đáp:

- Kim Diện cung ở Từ Châu quen thói ỷ thế hiếp người. Bảy tháng trước tiểu đệ vì cứu một dân nữ nên va chạm với gã Thiếu cung chủ Tiền Thanh Giám. Tiểu đệ đâm thủng bụng dưới của gã dâm tặc nên bị Kim Diện cung truy sát.

Nam Cung Giao mỉm cười:

- Sao ngươi không hạ thủ thấp xuống nửa gang để gã đổi tên thành Tiền Thái giám cho xong?

Mộc Kính Thanh có nước da rám nắng nên không biểu hiện được sự hổ thẹn, nhưng đôi mắt to đen của gã thì chẳng giấu nổi ai. Gã nhăn nhó:

- Tiểu đệ đang gặp nguy mà đại ca còn bỡn cợt được ư?

Lúc này, Hoàng Y lão Giả đã phát hiện ra Mộc Kính Thanh, liền bước đến.

Nam Cung Giao nói nhanh:

- Ta sẽ giúp Thanh đệ một tay. Nhưng nếu địch không lại thì phải bỏ chạy ngay!

Kính Thanh không ngờ Nam Cung Giao lại dám vì mối tình sơ ngộ mà động chạm đến một đối thủ đáng sợ như Kim Diện cung!

Gã bật cười:

- Đại ca đã chí tình như vậy thì tiểu đệ chẳng thèm chết nữa!

Lúc này, lão áo vàng đã đứng cách bàn một trượng, cất giọng âm trầm:

- Mộc tiểu tử! Người của Kim Diện cung đã vây chặt nơi này, ngươi đừng mong tẩu thoát! Hãy khôn hồn mà bó tay chịu trói!

Mộc Kính Thanh phá lên cười hăng hắc:

- Kim Diện cung dung dưỡng cho đệ tử ức hiếp lương dân, bị bổn thiếu hiệp trừng trị là thích đáng lắm rồi, sao còn đến đây diệu võ dương oai? Ta là tùy tướng của Tổng trấn Quân vụ Tích Giang, cùng các bậc anh hùng hảo hán đây dầy công hạng mã tiêu diệt giặc Phù Tang, ai dám đụng vào là có ý làm phản đấy!

Các hào khách võ lâm nghe họ Mộc tán tụng mình là anh hùng, khoan khoái ưỡn ngực, nhìn bọn Kim Diện cung với ánh mắt đe dọa.

Dù họ không ưa gì Mộc Kính Thanh nhưng dẫu sao mấy tháng qua cũng từng cùng tham chiến đấu!

Lão già áo vàng chính là Hộ cung Đệ tam Kiếm sứ, tên gọi Tưởng Phi Diên. Thấy Mộc Kính Thanh được sự đồng tình của nhiều người, họ Tưởng hơi chột dạ.

Lão nham hiểm nói:

- Đã làm thì phải có gan chịu, sao lại kéo người khác vào đỡ đòn? Nay ngươi đã giải ngũ, lão phu sợ gì mà không dám hỏi tội? Còn ai muốn kết oán với Kim Diện cung thì lão phu chẳng dám ngăn cản!

Thanh danh Kim Diện cung lừng lẫy võ lâm hơn chục năm nay nên quả là ít có ai muốn chuốc họa vào thân! Hơn nữa, Tưởng Phi Diên còn vòng tay nói với quần hào:

- Kính cáo chư vị anh hùng! Rằm tháng này, bổn cung sẽ mở lôi đài tuyển lựa người tài đức để sánh duyên với Thần nữ Kim Diện cung là Tiểu thư Tiền Vân Mị Lão phu thay mặt bổn cung, mời chư vị thiếu hiệp đến tham dự!

Tiền Vân Mi là tuyệt thế mỹ nhân, tuổi đôi mươi được đám hào kiệt võ lâm tôn thờ khao khát. Nay nghe tin nàng kén chồng, ai nấy hớn hở nói cười quay sang ủng hộ Kim Diện cung, cứ như mình đã thành rể đông sàng vậy!

Một hán tử cao to lên tiếng:

- Này tiểu tử họ Mộc! Ngươi mau bó giáp qui hàng để Tưởng tiền bối còn phải về cung chuẩn bị lôi đài nữa!

Mộc Kính Thanh không ngờ gậy ông đập lưng ông, hậm bực đáp:

- Hạng tôm tép như Hồ Nhị ngươi mà cũng mơ tưởng làm chồng Tiền Vân Mi hay sao mà lại vuốt mông Kim Diện cung? Trong phòng the thì cái lỗ mũi to tướng, xấu xí của ngươi sẽ dùng được vào việc gì?

Hán tử họ Hồ kia quả đúng là có cái mũi to quá khổ, đỏ như chu sa, đầy những gân máu vì rượu chè. Miệng lưỡi của Mộc Kính Thanh sắc bén và độc ác luôn đánh thẳng vào nhược điểm của kẻ khác.

Quần hào phá lên cười, và có người bật thốt:

- Để ngửi trung tiện của mỹ nhân chớ để làm gì!

Hồ Nhị thẹn chín người, bị nhấn chìm trong trận bão cười làm cung chuyển tửu lâu!

Hộ Cung Kiếm Sứ Tưởng Phi Diên bực bội nói:

- Mộc Kính Thanh! Mau đứng lên theo lão phu về Kim Diện cung chịu tội!

Lão và hai thủ hạ rút kiếm thị uy!

Bỗng Nam Cung Giao cao giọng gọi:

- Tiểu nhị đâu?

Gã hầu sáng vội chạy đến.

Chàng chỉ Tưởng Phi Diên và nói:

- Ta ăn chưa xong mà bị phá đám, vậy người hãy tính tiền bàn này cho lão!

Gã tiểu nhị bói rối nhìn họ Tưởng, chẳng biết làm sao. Trong đám quần hào cũng có những người không ưa gì Kim Diện cung, hoặc biết chắc mình chẳng thể trở thành phu quân của Thần Nữ, nên chẳng đứng về phe nào cả! Họ vui vẻ đưa Tưởng Phi Diên vào thế kẹt!

- Đúng vậy! Trời đánh còn tránh bữa ăn, Kim Diện cung phải

thanh toán tiền cho tửu lâu, chẳng lẽ vài lượng bạc cũng chẳng có?

Tưởng Phi Diên giận run người, sắc mặt càng vàng thêm. Lão hậm hực hỏi tiểu nhị:

- Bao nhiêu?

Gã nhẩm tính rồi cung kính đáp:

- Bẩm lão gia năm mươi sáu lượng!

Họ Tưởng giẫy nẩy:

- Làm quái gì mà nhiều thế?

Gã tiểu nhị gãi đầu, mỉm cười cầu tài:

- Bẩm lão gia! Họ gọi toàn món đắt tiền nhất của bổn điếm! Riêng vò rượu Thiệu Hưng năm chục năm này cũng đã trị giá đến mười hai lượng!

Có ai đó khích bác:

- Chưa đến sáu chục lượng mà đã sợ xem ra Kim Diện cung cũng chẳng giàu có gì!

Tưởng lão hậm hực móc hầu bao trả đủ số, rồi nhìn Nam Cung Giao bằng cặp mắt oán hận:

- Ngươi dám hí lộng lão phu là không còn muốn sống nữa rồi!

Nam Cung Giao tủm tỉm nói:

- Cảm tạ lão trượng đã chiêu đãi anh em tại hạ xin cáo từ!

Vừa dứt lời, chàng và Mộc Kính Thanh tung mình qua lan can, rơi thẳng xuống vườn hoa.

Có đến mười gã môn đồ của Kim Diện cung chờ sẵn, vung kiếm tấn công hai kẻ đào tẩu.

Mộc Kính Thanh đã rút cây nhuyễn tiên dài nửa trượng quanh lưng ra, mũi roi như đầu độc xà mổ nhanh vào ngực, bụng hai gã áo trắng trước mặt. Bọn này đều thuộc đội Bạch Y, cận vệ của Kim Diện cung, kiếm thuật rất cao cường, tính tình tàn độc nổi tiếng giang hồ. Đấu pháp của họ lại cực kỳ hung hãn và liều lĩnh nên đã vô hiệu hóa đước đường roi của Mộc Kính Thanh. Nếu gã đả thương đối phương thì bản thân cũng khó mà lành lặn.

Nhưng Nam Cung Giao không có cái tâm mềm yếu như họ Mộc, chàng múa kiếm tấn công như vũ bão, đánh bạt vũ khí đối phương, trong chớp mắt đã phá thủng vòng vây, mở đường cùng Kính Thanh chạy đến cuối vườn, nhảy qua tường vây, hòa với dòng người trên đường.

Tưởng Phi Diên đã xuống đến, đuổi theo và thất vọng quay lại mắng mỏ thủ hạ:

- Bọn ngươi quả là vô tích sự, mười người mà không ngăn nổi hai gã nhãi ranh kia!

Một gã nhăn mặt biện bạch:

- Bẩm Hộ Cung! Tên Họ Mộc thì không đáng kể nhưng gã áo lam kia có chiến thuật cao siêu và công lực vô cùng thâm hậu. Bọn thuộc hạ chạm vào kiếm của gã đều bị rách hổ khẩu. May mà gã chẳng có ý giết người, nếu không thì!

Tưởng Phi Diên giật mình:

- Lạ thực! Tuổi gã ấy chỉ độ đôi mươi, sao lại có bản lãnh đáng sợ như vậy? Lão phu phải về cung bẩm báo và xin thêm cao thủ mới được.

Kim Diện cung rút quân, còn quần hào trở lại chỗ ngồi, xôn xao bàn tán về chàng trai lạ mặt.

Họ không biết tên, nên Nam Cung Giao vẫn chẳng thể nổi tiếng được!

Lúc này, Mộc Kính Thanh và Nam Cung Giao đang giã từ nhau trước cửa khách điếm.

Họ Mộc cười hì hì:

- May mà đại ca thần dũng tuyệt luân nên anh em ta mới thoát chết! Ơn này tiểu đệ chẳng dám quên, giờ xin cáo biệt! Sáng mai, tiểu đệ sẽ đến dây cùng đại ca dùng điểm tâm!

Nam Cung Giao quyết định hạ thủ Mạc Tôn Long trong đêm nay nên không giữ Kính Thanh ở lại. Chàng gật đầu, móc hầu bao đưa cho gã ba tờ tiền giấy Đại Minh Thông Hành Bảo Sao, trị giá ba trăm lượng bạch ngân và nói:

- Làm huynh trưởng, ta chẳng thể để ngươi thiếu thốn được. Hãy cầm lấy số bạc này mà tiêu xài!

Kính Thanh cảm động nhận lấy rồi nhấp nháy đôi mắt tinh ranh:

- Phải chăng đại ca đưa bạc ra để dũ bỏ đứa em xấu xí, tội nghiệp này?

Quả thực, Nam Cung Giao có ý ấy! Chàng không muốn Kính Thanh đi theo mình và bị liên lụy. Tội giết mệnh quan của triều đình không phải là nhỏ.

Bị nói trúng tim đen chàng hết lòng khâm phục cơ trí của Kính Thanh, cao hứng phát mạnh vào mông:

- Tiểu quỷ ngươi quả là thông tuệ! Ta đã chán ngán ngươi lắm rồi!

Kính Thanh nhăn nhó xoa mông, ấp úng trách móc:

- Đại ca kỳ quá!

Nam Cung Giao cười khà khà bỏ đi vào lữ quán của mình.

Mộc Kính Thanh đứng tần ngần một lúc, chợt mỉm cười rồi đi về hướng khác.

* * * * *

Đầu canh ba, Nam Cung Giao đã có mặt trên mái ngói dinh Tri phủ Giang Tô Mạc Tôn Long.

Tư gia của họ Mạc chỉ cách phủ đường và doanh trại quân triều đình chừng nửa dặm. Do đó, việc hạ sát Mạc tri phủ là cực kỳ mạo hiểm, nếu bị lộ, quan quân mà đến bao vây, chàng khó mà thoát nổi.

Đông đã về, tuy tuyết chưa rơi nhưng tiết trời lạnh giá.

Nam Cung Giao đã khoác thêm áo lông cừu đen, vừa chống lạnh, vừa ngụy trang cho cơ thể to lớn thêm ra. Tất nhiên, chàng đã chụp túi vải đen trên đầu, để che giấu dung mạo lẫn tuổi tác. Đối phương không nhận thấy tóc sẽ khó mà đoán được!

Theo Vương pháp thì mệnh quan mỗi địa phương phải cư trú ngay trong huyện đường, hay phủ đường, để kịp thời đối phó với những biến cố dù ngày hoặc đêm. Nhưng thực ra, bọn tham quan đều có cơ ngơi riêng đầy đủ tiện nghi, khi phải chuyển nhiệm sở họ dễ dàng bán lãi với giá cao.

Mạc Tôn Long cũng là một tên tham quan, lại may mắn trị nhậm vùng đất thịnh vượng giàu có là Giang Tô nên bòn mót được một tài sản rất lớn. Nhà riêng của lão chẳng phải chỉ một căn năm ba gian, mà là cả một trang viện đồ sộ, có đến mấy chục phòng, chưa kể những tòa nhà tiểu viện nằm giữa vườn hoa rộng.

Nam Cung Giao bối rối, không biết kẻ thù cư ngụ ở đâu mà tìm đến, đành phải giở hạ sách là bắt một người mà tra hỏi.

Nhưng có lẽ cái chết của Nam Kinh Binh bộ Thượng thư Quách Tường An đã khiến bọn tham quan chột dạ, nên Mạc gia trang được canh phòng rất nghiêm mật. Bọn vệ binh đi tuần tra liên tục và họp thành nhóm chứ không đi lẻ.

Nam Cung Giao chuyển nhanh trên mái ngói, cố tìm một con mồi.

Trời lạnh, ai cũng đóng chặt cửa phòng, quấn mền ngủ say như chết, dẫu có tiêu tiểu cũng xả vào bô chứ chẳng ra ngoài.

Nam Cung Giao lần mò một lúc lâu, chán nản định quay về khách điếm thì phát hiện căn nhà kho ở cạnh vườn hoa phía sau bốc cháy ngùn ngụt.

Đấy là nơi chứa dụng cụ làm vườn, mái lợp ngói nhưng vách bằng gỗ, nhà kho còn tiếp giáp với bếp và vài công trình nữa.

Lửa cháy rất mạnh, dường như có người tưới dầu rồi phóng hỏa.

Tiếng báo cháy vang dội đêm trường tĩnh mịch, người trong Mạc gia trang kéo đến dập lửa.

Ánh sáng từ đám cháy đã giúp Nam Cung Giao nhận ra một bóng đen đã vượt tường phía sau đào tẩu.

Chàng thở dài rủa thầm trong bụng rằng mình xui xẻo, đến đây đúng lúc Mạc Tôn Long bị trộm viếng nhà, không chừng còn mang họa thay cho tên đạo chích!

Nhưng chàng cũng tự hỏi vì sao gã kia lại phải phóng hỏa rồi mới thoát ra? Gã vác một bọc lớn trên vai tức là đã đắc thủ, đâu cần đánh động khổ chủ làm gì?

Mạc Tôn Long đã xuất hiện, y phục xốc xếch, cao giọng đốc thúc bọn vệ binh và gia đinh chữa cháy.

Tuy lão đã già hơn xưa hai mươi mấy tuổi nhưng Nam Cung Giao vẫn nhận ra những nét quen thuộc. Mẫu thân chàng là bậc tài hoa, đã vẽ lại dung mạo lẫn thần khí của từng kẻ thù. Hơn nữa, qua những lời xưng hô, đối thoại của lão già râu ba chòm đạo mạo kia với bọn thủ hạ, chàng có thể đoán chắc được lai lịch!

Nam Cung Giao hiểu ngay rằng đây là cơ hội hiếm có để chàng hạ sát lão họ Mạc, liền nhảy xuống đất, tìm chỗ thuận tiện mà ẩn thân, rồi bất ngờ điểm ngã một tên vệ binh. Chàng chụp lấy chiếc nón lá dứa của gã lên đầu mình xách thùng nước chạy đến đám cháy.

Trong cảnh hỗn loạn, ánh sáng nhá nhem chập chờn này, chẳng ai để ý đến việc có gã vệ binh lại mặc áo lông cừu đen, tay cầm kiếm chứ chẳng phải đao.

Nam Cung Giao nhẹ nhàng tiến đến sau lưng Mạc tri phủ, vung cước đá thẳng vào hậu tâm kẻ thù.

Tuy xuất thân võ tướng nhưng sau nhiều năm cai trị chỉ lo hưởng lạc, bỏ bê việc rèn luyện, nên Mạc Tôn Long không thể phát hiện được tai họa.

Thân hình lão văng xa hai trượng rơi xuống mảnh sân gạch của căn nhà kho đang cháy.

Tiếng rú thảm khốc của lão đã khiến bọn gia đinh choáng váng, lao đến cứu ra khỏi vùng lửa nóng hừng hực. Do tư thế lúc văng đi, có người còn tưởng quan Tri phủ dũng cảm phi phàm, đã vận thành công nhảy vào tận hỏa trường để làm gương cho thủ hạ, không may trượt chân té ngã!

Nam Cung Giao đã nhanh chân lẩn mất, an toàn thoát ra. Chàng tin chắc Mạc Tôn Long không thể sống sót được!

Pho quyền pháp tổ truyền của họ Nam Cung rất chú trọng đến những đòn chân, và chàng đã luyện đến mức có thể đá gãy thân cây đường kính một gang!

Sáng ra, Nam Cung Giao vừa vệ sinh xong thì có tiếng gọi cửa:

- Nam Cung đại ca! Tiểu đệ đến dùng điểm tâm với đại ca đây!

Biết khách là tiểu tử thọt chân, miệng méo Mộc Kính Thanh, chàng mỉm cười bước ra mở cửa!

Kính Thanh vào phòng ngồi phịch xuống chiếc đôn sứ cạnh bàn, vui vẻ nói:

- Đêm qua cường đạo đột nhập Mạc gia trang, giết chết quan Tri phủ, vét sạch tủ vàng bạc và còn phóng hỏa đốt nhà. Sáng nay, quan quân đã phong tỏa cửa thành, cho lục soát khắp nơi để tìm hung thủ. Không sớm thì muộn, chúng cũng mò đến đây!

Nam Cung Giao chau mày:

- Ngươi có biết cửa thành sẽ bị phong tỏa mấy ngày không? Ta đang muốn rời khỏi chốn này!

Mộc Kính Thanh đáp:

- Ngoài vô thì được nhưng ở trong ra sẽ bị khám xét gắt gao!

Nam Cung Giao thở phào:

- Thế thì không sao! Ta đâu có mang theo tang vật!

Kính Thanh mỉm cười bí ẩn:

- Vậy đại ca cứ soạn sẵn hành lý, lát nữa ăn uống xong chúng ta sẽ cùng đi.

Nam Cung Giao mở tủ gỗ thu xếp y phục, chợt phát hiện một bọc vải khá lớn. Chàng kinh hãi mở ra xem, chết điếng người khi thấy toàn là vàng ngọc, số lượng nhiều gấp bốn năm lần số của cải mà chàng đã lấy của Binh bộ Thượng thư Quách Tường An!

Nhớ đến vóc dáng nhỏ nhắn của tên đạo chích đêm qua, chàng thức ngộ ngay vai trò của Mộc Kính Thanh.

Nam Cung Giao hít một hơi dài trấn tĩnh, cầm kiếm quay trở ra. Chàng quắc mắt nhìn gã thọt, lạnh lùng hỏi:

- Vì sao ngươi lại muốn giá họa cho ta?

Kính Thanh chẳng hề sợ hãi cười hì hì:

- Đại ca giết người còn tiểu đệ thì cướp của, chẳng xứng đôi lắm sao?

Đôi mắt Nam Cung Giao bắn ra những tia sát khí, chàng nghiến răng nói:

- Ngươi đã cố tình khám phá bí ẩn của ta, có chết cũng đừng oán hận!

Kính Thanh rùng mình khiếp vía, xua tay nói liến thoắng:

- Đại ca đừng hiểu lầm! Tiểu đệ thấy đại ca chẳng có chút kinh nghiệm giang hồ mà dám làm chuyện tày trời nên theo để giúp đỡ, chuyện trộm của chỉ là tiện tay mà làm đấy thôi! Đêm qua, nếu tiểu đệ không đốt nhà kho thì liệu đại ca có giết được kẻ thù hay không? Tiểu đệ còn phóng hỏa cả kho lương thảo trong doanh trại quân triều đình, nhờ vậy họ mới chậm chân, không đến Mạc gia trang hỗ trợ!

Nam Cung Giao thầm công nhận Kính Thanh có lý! Chàng đã nhìn thấy ngọn lửa trong khu doanh trại của quân sĩ trấn thủ Tô Châu! Chàng dịu giọng:

- Đúng là ngươi đã giúp ta! Nhưng từ nay đường ai nấy bước. Ta không sát nhân diệt khẩu cũng vì câu huynh đệ, ngươi hãy đi đi!

Kính Thanh thản nhiên bấm tay:

- Nam Kinh Binh bộ Thượng thư là một, Tri phủ Giang Tô là hai, dám hỏi đại ca còn định giết bao nhiêu vị quan lớn nữa?

Nam Cung Giao biến sắc, không ngờ Kính Thanh lại suy ra cả việc chàng là hung thủ giết Quách Tường An! Gã còn sống là bí mật tày đình kia sẽ khó bảo toàn.

Chàng lẩm bẩm:

- Kính Thanh! Cái đầu thông minh kia đã hại ngươi rồi đấy!

Kinh Thanh đứng phắt dậy, bước đến rầu rĩ nói:

- Đại ca không tin tiểu đệ thì cứ xuất thủ! Thanh này thực lòng yêu mến, muốn giúp đại ca báo phục thù sâu để đền ơn tri ngộ! Tiểu đệ tuy yếu đuối nhưng lão luyện giang hồ, dẫu đầm rồng hang hổ cũng coi thường!

Ánh mắt thành thực, thiết tha của gã khiến chàng rúng động, thở dài hỏi lại:

- Ngươi theo ta giết hại mệnh quan của triều đình, không sợ tội tru di hay sao?

Kính Thanh biết chàng đã mềm lòng, liền cười hăng hắc:

- Tiểu đệ đầu đầy mưu ma chước quỷ hành sự lại chu đáo, thận mật đến mức quỷ thần không hay biết thì còn sợ gì nữa!

Và gã quì ngay xuống lạy chàng tám lạy cất tiếng thề thốt:

- Mộc Kính Thanh tôi xin Hoàng thiên Hậu thổ chứng giám cho tấm lòng thành đối với nghĩa huynh Nam Cung Giao. Tuy chẳng đồng sinh nhưng thề đồng tử, nếu sinh lòng phản trắc sẽ chết chẳng toàn thây!

Nam Cung Giao biết chẳng thể chối từ việc kết nghĩa, cũng quì xuống đáp lễ! Chàng thấy mắt đối phương ướt rượt vì cảm động, cũng nghe nao nao trong dạ, liền ôm đứa em xấu xí, tinh quái và nói:

- Cảm tạ hiền đệ!

Chàng chợt phát hiện đối phương mềm mại như nữ nhân, bèn trách móc:

- Chắc ngươi lười biếng luyện công, suốt ngày lăn lóc chốn kỹ viện nên thân thể mềm nhão, chẳng xứng đáng là bậc trượng phu!

Kính Thanh giãy giụa thoát khỏi vòng tay chàng, cười đáp:

- Đúng là tiểu đệ hơi háo sắc, nhưng việc cơ bắp thiếu rắn chắc, là do Nhuyễn Cốt tâm pháp gia truyền. Nếu cứng cáp như đại ca thì làm sao chui lọt qua song cửa nhà người ta được?

Nam Cung Giao phì cười:

- Công phu đạo chích của ngươi xem ra cũng cao cường, cớ sao lại rỗng túi như vậy?

Kính Thanh nhơn nhơn đắc ý:

- Tiểu đệ là hiệp đạo, lấy của người giàu cứu tế người nghèo, không nghĩ đến bản thân nên mới túng thiếu!

Nam Cung Giao cau mày:

- Nếu đem tang vật phân phát cho họ chẳng khác gì vu oan giá họa ư?

Kính Thanh cười nắc nẻ:

- Đại ca quả là khờ khạo! Đương nhiên là tiểu đệ có chỗ tiêu thụ vàng ngọc, biến nó thành tiền bạc chứ! Ngay trong thành Tô Châu này cũng có kẻ chuyên tiêu thụ của gian, người thứ nhất là lão Đặng Kiệm, người thứ hai là Hà Tam Nương. Tiểu đệ không tin họ Đặng nên chưa bao giờ giao dịch với lão ta!

Nam Cung Giao giật mình dò hỏi:

- Tư cách họ Đặng thế nào?

Kính Thanh ra vẻ quan trọng, trợn mắt nói:

- Đặng Kiệm gian xảo như hồ ly, liên kết với bọn quan lại Giang Tô mà làm giàu. Lão vốn là Bang trưởng của người An Nam, song lại bóc lột đồng hương chẳng chút xót thương. Lão trả lương họ rẻ mạt và còn cắt xén ngân quỹ của bang!

Nam Cung Giao nghe lửa giận bừng lên, cười nhạt hỏi:

- Vì sao ngươi lại biết rõ như vậy?

Kính Thanh bực bội vì bị nghi ngờ:

- Trong thành này có một xóm nghèo gồm rất nhiều người Giao Châu. Tiểu đệ quen với một phụ nhân bán cháo lòng được bà ta kể cho nghe! Bà ta rất tốt bụng, mỗi lúc không tiền, tiều đệ thường đến ấy ăn chịu? Một người như thế thì nói xấu Đặng Kiệm làm gì?

Nam Cung Giao gật gù:

- Hay lắm! Ta nghe nói người An Nam nấu cháo lòng heo rất ngon, anh em ta sẽ điểm tâm bằng món ấy!

Kính Thanh tán thành:

- Sẵn dịp, tiểu đệ sẽ mang số châu báu này đi đổi thành ngân phiếu cho tiện!

Nam Cung Giao liền lấy cả số bảo ngọc của mình đưa cho gã.

Kính Thanh cười khanh khách:

- Phải chăng đây là tài sản của lão Quách thượng thư?

Nam Cung Giao tủm tỉm đáp:

- Ta cũng là một hiệp đạo như ngươi vậy!
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện