TÁC GIẢ
Tác giả Nguyễn Văn Khỏa (1932-1988) từng nhiều năm công tác tại bộ môn Văn học phương Tây, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu văn học của mình, một trong những công trình mà ông đã dành nhiều tâm sức biên soạn là Thần thoại Hy Lạp. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu từng đánh giá: “Trong khoảng năm mươi năm nữa, sẽ không có ai viết được quyển Thần thoại Hy Lạp hay như cuốn của anh Nguyễn Văn Khỏa”. Ngoài Thần thoại Hy Lạp, nhà giáo Nguyễn Văn Khỏa còn có nhiều công trình uy tín đã xuất bản:
- Anh hùng ca của Hômerơ, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1978.
- Từ điển văn học I và II (cùng nhiều tác giả), NXB Khoa học Xã hội, 1983 & 1984.
- Iliát (bút danh Huyền Kỳ), NXB Kim Đồng, 1986.
LỜI GIỚI THIỆU
Thần thoại Hy Lạp, một di sản văn hóa của nhân dân Hy Lạp, từ lâu đã trở thành một giá trị phổ biến vô cùng quý báu của gia tài văn hóa nhân loại. Thật vậy, hiếm có thần thoại của dân tộc nào trên thế giới lại luôn luôn được tái sinh như thần thoại Hy Lạp, lại luôn luôn có mặt trong đời sống hàng ngày như thần thoại Hy Lạp. Ngay trong thời cổ đại, thần thoại Hy Lạp đã “hóa thân” thành thần thoại La Mã. Sự chế biến này của nền văn hóa La Mã gần với nguyên mẫu như sao chép đến nỗi khoa thần thoại học hầu như không có sự phân biệt giữa những vị thần Hy Lạp được đổi tên Latinh với những vị thần Hy Lạp chính cống. Người ta vẫn thường dùng Jupiter (Latinh) đề chỉ Zeus (Hy Lạp), Vénus để chỉ Aphrodite, Minerve để chỉ Athéna, Mars để chỉ Ares và ngược lại. Nói như thế không có nghĩa là thần thoại La Mã chỉ là sự chế biến lại thần thoại Hy Lạp. Thần thoại La Mã cũng có một số sự tích, truyền thuyết về vị thần này, thần khác mang tính chất riêng biệt của mình. Nhưng nhìn chung cái vốn thần thoại gọi là đích thực La Mã ấy không lấy gì làm phong phú, đáng được liệt hạng.
Trong nền văn hóa nhân loại, từ những bức vẽ, bức tượng của các nghệ sĩ thời cổ đại, thời Phục Hưng, thế kỷ thứ XVII, XVIII, XIX và cả thế kỷ XX của chúng ta cho đến một tập khảo luận, một vở kịch, một cuốn truyện... đều đã khai thác đề tài, cốt truyện, nhân vật, sự việc trong thần thoại Hy Lạp. Trong văn chương, trên báo chí, những thành ngữ, điển tích từ thần thoại Hy Lạp được sử dụng phổ biến như một thứ tín hiệu quen thuộc (đương nhiên chúng ta vẫn chưa quen lắm với thứ tín hiệu này), nào Con ngựa thành Troie, Quả táo bất hòa, Chiếc giường Procuste, rồi Tai vua Midas, Thói Narcisse, Gã Satyre... Ấy là chưa kể tên các vì sao, chòm sao, đường phố, rạp hát, công viên, quảng trường, lâu đài, dinh thự, tên hàng hóa, vũ khí, con tàu vũ trụ... cũng lấy từ thần thoại Hy Lạp.
Đọc những tác phẩm của K. Marx, F. Engels, V.I. Lénine, chúng ta thường gặp những ẩn dụ, tỉ dụ bằng thần thoại Hy Lạp. Như vậy thần thoại Hy Lạp không phải là lĩnh vực chuyên môn hẹp của những nhà folklore học, thần thoại học, văn học phương Tây, mà là lãnh vực kiến thức phổ thông trong thế giới hiện đại. Thiếu vốn kiến thức phổ thông này là thiếu một phương tiện để hiểu biết. Tiếp xúc, đối thoại với nền văn hóa phương Tây mà không có vốn kiến thức phổ thông này thì quả là gặp khó khăn không ít. Làm sao lúc nào cũng có, cũng mang theo bên người một cuốn từ điển để tra cứu điển tích này, điển tích khác? Hơn nữa trong việc diễn đạt tư tưởng, một cách viết, một cách nói, việc biết sử dụng những ám dụ, tỉ dụ từ điển tích thần thoại càng làm cho tư tưởng mềm mại hơn, uyển chuyển hơn, duyên dáng hơn, dễ tiếp nhận hơn, nhất là đối với thế giới phương Tây.
***
Thần thoại, tiếng Hy Lạp cổ là Mythologia có nghĩa là một tập hợp, một tổng thể những chuyện kể dân gian truyền miệng với những nội dung mà ngày nay chúng ta coi là hoang đường, kỳ ảo, huyền hoặc. Mythologia được cấu tạo bởi hai từ: mythos vàlogos. Mythos là truyền thuyết, truyện cổ tích, ngày nay chúng ta dịch là huyền thoại. Logos là ngôn từ chuyện kể. Thật ra lúc đầu mythos mang nghĩa là ngôn từ, sau dần mới chuyển thành truyền thuyết, truyện cổ tích hoặc truyện ngụ ngôn. Còn logos lúc đầu mang nghĩa là lời nói xấu xa, nịnh hót, lời nói tinh quái, sau dần mới chuyển thành ngôn từ, lời nói chân chính, và cuối cùng mang nghĩa là lời nói của văn xuôi1 hoặc là học thuyết, khoa học. Trong ý nghĩa này, logos đối lập với mythos. Mythos là lời nói của thơ ca, truyền thuyết, truyện cổ tích, nghĩa là lời nói của ảo tưởng, hoang đường, không duy lý, không đáng tin cậy, lời nói chưa có trật tự, ổn định, rõ ràng, minh xác. Còn logos là lời nói của lý trí và chân lý, lời nói của sự ổn định, trật tự, xác thực, đáng tin cậy, lời nói thông minh về bản chất hoặc bản chất sự vật2. Quá trình chuyển nghĩa trên đây của mythos và logos diễn ra trong hoàn cảnh xã hội Hy Lạp từ chế độ công xã thị tộc chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Với logos, nước Hy Lạp bước vào thời kỳ triết học.
Mythologia, ngoài nghĩa là một tổng thể những mythos, sau được mang thêm một nghĩa nữa là khoa thần thoại học. Sự ra đời thuật ngữ mythologia trên cơ sở kết hợp, gắn liền mythos với logos, biểu lộ một khuynh hướng muốn kéo mythos lại gần với lý trí, chân lý. Bởi vì bản thân huyền thoại cũng có những chuyện chứa đựng chân lý, phản ảnh chân lý, có sự tham gia phần nào của lý trí như là mầm mống của tư duy lý luận. Bởi vì nếu đối lập một cách tuyệt đối mythos với logos thì vô hình trung đi tới chỗ phủ nhận toàn bộ vốn liếng kiến thức của tổ tiên. Mythologia ra đời lãnh nhiệm vụ điều chỉnh lại mối quan hệ đó. Vấn đề là phải trật tự hóa cái vô trật tự, hỗn độn của huyền thoại, tạo ra một sự hài hòa giữa truyền thống huyền thoại vốn mơ hồ, trái ngược, mâu thuẫn, tổ chức chúng lại thành từng hệ, từng khối cho rõ ràng. Trong quá trình ứng tác - biểu diễn, những nghệ nhân dân gian aède và rhapsode, đã từng làm công việc đó. Và khi nước Hy Lạp bước vào nền văn minh của chế độ chiếm hữu nô lệ với sự phân công lao động trí óc và lao động chân tay thì công việc đó chuyển vào tay những người trí thức, những người ghi chép, biên tập lại những chuyện huyền thoại mà tiếng Hy Lạp gọi là: mythographe. Như vậy, với logos, người Hy Lạp không đi đến việc loại trừ, phủ nhận mythos. Họ cảm nhận thấy rằng trong huyền thoại, có chứa đựng, ẩn giấu một ý nghĩa nào đó. Huyền thoại muốn nói lên, nhắn nhủ, khuyên bảo, giáo dục, giải thích cho con người một điều gì đó. Nhà triết học Platon, người đã trục xuất các nhà thơ ra khỏi tác phẩm Nước Cộng Hòa lý tưởng của mình, - nghĩa là trước hết coi những nghệ nhân dân gian cùng với gia tài thơ ca huyền thoại mà họ lưu truyền là vô ích, vô nghĩa - lại cũng là người sử dụng huyền thoại với ý nghĩa ám dụ, tượng trưng để minh chứng cho quan điểm triết học của mình3. Thật rõ ràng, một xã hội muốn tiến bước vào văn minh không thể không khẳng định vai trò của logos, nói theo danh từ hiện đại là tư duy lý luận. Đảy là một xu thế tất yếu của tiến trình lịch sử. Nhưng cũng rõ ràng hơn, không phải nền văn minh nhân loại chỉ là tư duy lý luận, chỉ cần đến tư duy lý luận là đủ.
Căn cứ vào sự khảo chứng nói trên của những nhà Hy-Lạp-học, chúng ta có thể rút ra một kết luận: Mythologia trước hết là sự xác nhận giá trị và ý nghĩa của huyền thoại trong đời sống văn hóa của người Hy Lạp. Đương nhiên, giá trị của huyền thoại như thế nào, đến mức nào, vị trí của nó trong đời sống tinh thần tư tưởng ra sao, lại là một vấn đề khác, một vấn đề không phải chỉ đặt ra trong quá trình phát triển của xã hội cổ đại mà còn đặt ra cả với thời hiện đại của chúng ta, một vấn đề đã từng gây nên - và hiện nay vẫn đang gây nên - những cuộc tranh luận, bút chiến sôi nổi, và hiện vẫn đang thu hút tâm trí của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới.
***
Thần thoại, tư duy thần thoại là một hiện tượng mang tính lịch sử - cụ thể như nhiều hiện tượng khác trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Tư duy thần thoại là sản phẩm (đúng hơn, vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả) của một trình độ sản xuất hết mức thấp kém, một trình độ hiểu biết và khống chế những lực lượng tự nhiên hết sức thấp kém của xã hội công xã thị tộc. Những người nguyên thủy, trong khi giải thích, “khắc phục”, khống chế và tạo thành các lực lượng của tự nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng4, đã di chuyển chủ nghĩa tập thể thô thiển, chặt chẽ, không chia cắt được của mình vào tự nhiên. Chính sự nhận thức “thiên nhiên và toàn bộ thế giới” như là một cái gì đó để phổ biến của chủ nghĩa tập thể công xã thị tộc đã là nguồn gốc của thần thoại. Người nguyên thủy đã di chuyển những quan hệ công xã thị tộc vào tự nhiên, đồng hóa những quan hệ đó với tự nhiên trong một cách nhìn, một trí tưởng tượng, khái quát sinh động - nghĩa là không phải sự khái quát trừu tượng hóa bằng khái niệm mà bằng hình ảnh, hình tượng. Tự nhiên và toàn bộ thế giới được thần thoại hóa bằng những hình ảnh, hình tượng con người mang tính nết, tính cách của con người. Đó là quá trình mà chúng ta thường gọi là sinh động hóa tự nhiên bằng nhân hình hóa và nhân cách hóa. Quá trình này diễn biến rất phức tạp và lâu dài.
Thần thoại Hy Lạp hình thành trong quãng thời gian lịch sử khá dài. Đó là một quá trình lịch sử từ thời kỳ nền văn minh Mycènes (2000-1100 TCN) đến những buổi thi biểu diễn, đọc, kể anh hùng ca của Homère trong những ngày hội Dionysos... Trong quá trình lịch sử khá dài đó, thần thoại Hy Lạp đã trải qua nhiều giai đoạn. Không kể đến những dấu vết của thần thoại Ấn, Âu nguyên thủy và thần thoại Crète, thần thoại Hy Lạp cho chúng ta biết nhiều nhất về nền văn minh Mycènes. Đọc thần thoại Hy Lạp chúng ta ghi nhận được nhiều chi tiết phù hợp, tương ứng với những dữ kiện khoa học do khảo cổ học và sử học cung cấp. Những nơi diễn ra những sự kiện quan trọng trong thần thoại đều là những địa điểm danh tiếng trong nền văn minh Mycènes: thành Mycènes, quê hương của vị chủ tướng Agamemnon, thành Tirynthe, quê hương của người anh hùng Héraclès, thành Thèbes có bảy cổng, quê hương của người anh hùng Oedipe với chiến công thanh trừ con quái vật Sphinx... Trong anh hùng ca của Homère thường nhắc đến thành “Mycènes đầy vàng” thì trong thực tế khai quật khảo cổ học ở khu vực này chưa từng có nơi nào người ta đào được nhiều vàng như ở Mycènes (14 kg, tính đến trước năm 1952). Thần thoại Hy Lạp đã phát triển từ những cơ sở huyền thoại thời kỳ mẫu quyền ở vùng Thessalie (Bắc Hy Lạp) sang thời kỳ phụ quyền với sự quần tụ huyền thoại quanh ngọn núi Olympe, từ những huyền thoại cổ Titan-Cyclopes sang huyền thoại có tính nghệ thuật: huyền thoại nhân hình, nhân tính, anh hùng. Trong thời kỳ chế độ công xã thị tộc tan rã, thần thoại, với tư cách là niềm tin ngây thơ, kết thúc số phận của mình và chuyển dần sang loại thần thoại triết học tự nhiên. Bước sang chế độ chiếm hữu nô lệ, với tư cách là những hình thức nghệ thuật, thần thoại đóng vai trò khá quan trọng trong việc phục vụ hệ tư tưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ (thời kỳ cổ điển), và cuối cùng suy tàn và tiêu vong theo thời cổ đại (thời kỳ Hy Lạp hóa, đế chế La Mã suy tàn). Sự hình thành thần thoại và phát triển thần thoại qua các giai đoạn kể trên diễn ra rất phức tạp. Đó là một quá trình phức hợp, từ chỗ là một hình ảnh, một hạt nhân huyền thoại thô sơ được mở rộng ra, bồi đắp vào, thêm thắt vào5, đến chỗ huyền thoại quần tụ lại thành một hệ (cycle) gắn bó với nhau bằng một sự kiện trung tâm. Vì thế, chắc chắn rằng những gì mà chúng ta lưu giữ được hiện nay về thần thoại Hy Lạp chỉ là một phần nhỏ và không phải là thần thoại Hy Lạp ở dạng thái cổ nhất. Trong quá trình phát triển, những lớp thần thoại cũ nhiều khi chỉ đóng vai trò tấm áo ngụy trang, một chiếc mặt nạ, để phục vụ cho sức sống của lớp huyền thoại mới (lớp Pasiphaé, Minotaure trong truyện người anh hùng Thésée).
Mặc dù bị mai một đi khá nhiều, gia tài huyền thoại Hy Lạp còn lại với chúng ta ngày nay vẫn là một di sản phong phú của kho tàng văn học nhân loại. Công lao lưu giữ gia tài thần thoại trước hết thuộc về những nghệ nhân dân gian aède, rhapsode. Những nghệ nhân dân gian này đã đóng vai trò sưu tầm và “nhuận sắc”, thậm chí có thể nói tái tạo huyền thoại trong quá trình biểu diễn... ứng tác lưu động. Nhưng điều may mắn hơn nữa, khi nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời, với sự ra đời của chữ viết, thần thoại Hy Lạp đã được ghi chép lại. Thần thoại Hy Lạp được ghi chép lại, nhưng không phải trong những bản kinh và sự hành lễ thuần túy tôn giáo, điều sẽ làm mất đi tính chất thế tục, hồn nhiên của thần thoại. Thần thoại Hy Lạp được ghi chép lại bằng một con đường khác: con đường biểu diễn văn học nghệ thuật. Đây là một sự tái tạo thần thoại bằng văn học nghệ thuật mà chữ viết chỉ đóng vai trò đầu tiên là phương tiện cho những người nghệ sĩ diễn đạt cảm xúc của mình (đối với hoạt động ứng tác, biểu diễn; trong trường hợp không biểu diễn, chữ viết không cần thiết), và cuối cũng là phương tiện ghi chép, lưu giữ. Tác phẩm nghệ thuật, dù thuộc loại hình nào, muốn tác động đến công chúng cũng phải thông qua hoạt động biểu diễn. Công chúng Hy Lạp xưa kia không ngồi ở nhà đọc anh hùng ca, đọc kịch như chúng ta ngày nay. Ngay đến môn triết học khô khan, văn nghị luận (hùng biện) cứng rắn, đanh thép ở Hy Lạp xưa kia người ta cũng giảng và đọc ở quảng trường, ngã tư đường phố. Giấy và máy in chưa ra đời, việc phổ biến các tác phẩm văn hóa rất khó khăn. Chí một số ít người có điều kiện mới có thể đọc, “sách” được đọc trên những tấm da bò hoặc vỏ cây. Vì thế công chúng Hy Lạp xưa kia đi nghe các nghệ sĩ kể anh hùng ca, nghe đọc thơ, ngâm thơ, xem diễn kịch. Còn đối với nghệ thuật tạo hình thì chữ viết không có một ý nghĩa gì. Nó không phải là phương tiện diễn đạt cảm xúc của nhà điêu khắc. Thần thoại Hy Lạp được tái tạo bằng con đường văn học nghệ thuật, vì thế, như lời K. Marx nói, nó là “vật liệu của nghệ thuật Hy Lạp”, “kho tàng của nghệ thuật Hy Lạp”, “mảnh đất nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp”. Thần thoại Hy Lạp được văn học hóa, nghệ thuật hóa. Còn văn học nghệ thuật thì lại nảy sinh ra từ thần thoại, lại từ cái “mảnh đất nuôi dưỡng” mà cất tiếng ca, cất tiếng hát chào đời, mà lớn lên và trưởng thành. Văn học nghệ thuật cũng được thần thoại hóa, Nếu như trước kia trong thời kỳ công xã thị tộc, thần thoại Hy Lạp trong trạng thái truyền miệng đã là “tự nhiên và các hình thái xã hội được trí tưởng tượng dân gian chế biến đi một cách nghệ thuật - không tự giác”6, thì giờ đây lại được trí tưởng tượng của cá nhân người nghệ sĩ chế biến đi một cách nghệ thuật - tự giác. Đó là con đường của thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp: hay nói cách khác, nói ngược lại, xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp - xã hội chiếm hữu nô lệ với cơ chế thành bang (polis) - đã mở đường, trải thảm đỏ để mời thần thoại Hy Lạp từ thời đại dã man tiến bước vào nền văn minh cổ điển của mình. Tuy nhiên, nền văn minh cổ điển Hy Lạp sở dĩ được gọi là văn minh là do ở chỗ trước hết nó khẳng định vai trò của logos với thành tựu lớn nhất, tiêu biểu nhất của nó, là triết học; đánh dấu một bước tiến lớn về trình độ tư duy, về khả năng nhận thức khái quát, trừu tượng của con người bằng lý luận, bằng khái niệm.
Thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp bằng con đường văn học nghệ thuật. Những giá trị nhân văn vốn có của nó chẳng những không bị nhấn chìm trong những nguyên tắc chuẩn mẫu, những giáo điều của hệ tư tưởng tôn giáo, mà lại còn được con mắt của văn học nghệ thuật phát hiện ra và nâng cao lên. Điều đó giải thích cho chúng ta rõ vì sao thần thoại Hy Lạp được đánh giá là giàu tính nhân văn hơn một số thần thoại khác.
Thần thoại Hy Lạp đã đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp vào lúc tư tưởng triết học đã ra đời và phát triển. Ảnh hưởng của tư duy triết học đối với giới trí thức Hy Lạp là rất lớn. Đây là thời đại của logos. Chính vì lẽ đó chúng ta hiểu vì sao thần thoại Hy Lạp giàu tính duy lý, giàu tính triết học. Đọc những vở bi kịch Hy Lạp chúng ta thấy điều đó rất rõ. Những nhà viết bi kịch Hy Lạp mà chúng ta được biết qua tiểu sử đều là những người có học thức sâu rộng. Họ là những người có vốn hiểu biết ở trình độ cao nhất có thể có được ở xã hội Hy Lạp thời đó. Huyền thoại, qua sự tái tạo của họ, sinh động hẳn lên, giàu ý nghĩa hẳn lên. Kịch của họ viết chặt chẽ, hấp dẫn, cho đến ngày nay, từ bố cục đến đối thoại đối với chúng ta vẫn là những mẫu mực, những bài học quý báu. Điều đó cho phép chúng ta rút ra một kết luận: logos - tư duy lý luận, tư duy khái niệm, và mythos - tư duy cảm tính cụ thể, tư duy hình tượng, đã được kết hợp thống nhất, hài hòa để tạo nên những sản phẩm huy hoàng của thời cổ điển.
Trong nghệ thuật tạo hình, vấn đề lại càng rõ ràng hơn nữa. Một sự hiểu biết về xương cốt, cơ bắp con người để thể hiện được hình dáng, phong thái của thân thể con người mà quần áo che phủ bên ngoài chỉ để làm nổi bật lên vẻ đẹp, vẻ khỏe mạnh, uyển chuyển, duyên dáng, hấp dẫn của con người, một sự hiểu biết như thế chắc chắn không thể là một sự hiểu biết cảm tính - mythos. Một sự hiểu biết như thế chỉ có thể là kết quả của tư duy lý luận - logos. Tư duy này đã đúc kết, khái quát thành quy luật về sự cân xứng hài hòa, về tỷ lệ, sự chuyển động trong nghệ thuật tạo hình. Nhà Hy Lạp học André Bonnard đã có những nhận xét hết sức sâu sắc về nghệ thuật tạo hình thời kỳ cổ điển. Những nhận xét này cũng đồng thời soi sáng cho chúng ta về con đường đi độc đáo của thần thoại Hy Lạp.
“... Nghệ thuật Hy Lạp, từ những nguồn gốc của nó cho đến thời kỳ cổ điển thật ra là một quãng đường rất dài, đầy rẫy những trở ngại khác nhau. Những trở ngại khó khăn về kỹ thuật, đúng thế, là sự chuyển hóa (adaptation) của mắt và bàn tay, nhưng cũng còn những trở ngại khác; đó là những tín ngưỡng và những sự mê tín tin vào ma thuật của thời cổ đại còn chất đầy trong đầu óc người nghệ sĩ. Nhưng rồi, kết quả như lời Michelangelo7 nói:‘... Con người ta vẽ bằng óc chứ không vẽ bằng tay. Ai mà không có đầu óc tự do thì thật là xấu hổ...’ Chính là trong cuộc đấu tranh với những trở ngại đó mà nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm của mình. Mỗi lần anh ta vượt qua một trong những trở ngại đó là anh ta hoàn thành được một tác phẩm giá trị (...).
Thân hình người đàn ông và người đàn bà đương nhiên là sự thể hiện tốt nhất, đúng nhất hình ảnh các vị thần. Trong khi tạo ra các hình tượng như thế, người nghệ sĩ Hy Lạp đã ban cuộc sống cho những vị thần của nhân dân mình.
Những nhà điêu khắc tiến lên bằng quan điểm đó. Cũng với quan điểm đó, các nhà thơ đã tiến xa hơn họ, còn các vị học giả (savants) lại tiến chậm hơn. Các vị đang nghiên cứu tìm cách diễn đạt một số quy luật của tự nhiên. Những nhà điêu khắc cũng vậy, trong khi tạo ra các vị thần họ đã giải thích thế giới.
Vậy thì sự giải thích này là thế nào? Đó là sự giải thích thần thánh bằng con người. Không có một hình thức nào thể hiện đúng nhất sự thể hiện của thần thánh, sự hiện diện không trông thấy được và không bàn cãi được trong thế giới, bằng thân hình của người đàn ông và người đàn bà. Người Hy Lạp đã biết đến những bức tượng của nền văn minh Ai Cập và Assyrie8. Nhưng chưa bao giờ họ nghĩ tới việc diễn đạt thần linh bằng một người đàn bà đầu bò hay một người đàn ông đầu chó sói (chacal). Huyền thoại có thể vay mượn ở Ai Cập một số biện pháp ngôn ngữ nào đó, một số truyện kể và nhân vật nào đó (Thí dụ: Io, con bò cái bị con ruồi trâu châm đốt trong bi kịch Prométhée bị xiềng của Eschyle). Chiếc đục của nhà điêu khắc từ sớm đã lảng tránh những hình thù quái đản đó, ngoại trừ đối với những sinh vật rất gần với những sức mạnh tự nhiên như những Centaure trang trí dưới mái đền Parthénon thể hiện sự tiến công hung tợn của những người Dã Man. Thần, đấy là chàng trai này giản dị và trần truồng. Nữ thần, đó là người thiếu nữ kia ăn mặc đẹp đẽ và có khuôn mặt dễ thương (...).
Và đây là quy tắc (règle): Cái đẹp nhất thì ban cho các vị thần. Còn gì ở trên thế gian này đẹp hơn vẻ trần truồng của một chàng trai hay vẻ duyên dáng của một thiếu nữ ăn mặc lượt là? Đó là điều mà con người hiến dâng cho các vị thần, và đó cũng là cách con người nhìn thấy các vị thần...”9
Nhà nghệ thuật học Élie Faure gọi nền điêu khắc của thời kỳ cổ điển là nền điêu khắc triết lý (la sculpture philosophique)10. Và André Bonnard trong đoạn phân tích sau đây dường như đã giải thích cho chúng ta ý nghĩa triết lý đó:
“... Sự dũng cảm hiện lên trên vẻ bình thản của khuôn mặt. Sự bình thản này nhiều khi bị người ta coi như là một thiếu sót của kỹ thuật, lại là dấu hiệu của hiện tượng con người đã chế ngự được những dục vọng riêng tư của mình, là dấu hiệu của sức mạnh tâm hồn, của sự thanh thản hoàn toàn (la parfaite sérénité) mà xưa kia chỉ các vị thần mới có. Sự thanh thản cổ điển đáp lại nụ cười cổ xưa. Nụ cười này vốn thể hiện niềm vui ngây thơ được sống ở cõi đời này, ở một thời đại còn mang trong mình bao nhiêu gánh nặng của những cuộc đấu tranh và là một thời đại chiến đấu, còn vẻ thanh thản thể hiện sự chế ngự của lý trí đối với dục vọng, và nó như sự hiến dâng của con người cho cộng đồng công dân duy nhất của mình.
Nhưng cái thời đại mới này cũng rất giàu tính người. Nó không phải chỉ hoàn toàn thấm nhuần tính chất thần linh. Thần thánh được nó thể hiện dưới hình dạng người thì ít nhưng con người được nó tán dương tới tầm thước của thần thánh thì lại nhiều hơn.
Không một bức tượng cổ điển nào mà ở đó con người lại không toát lên một niềm tự hào cao cả là đã hoàn thành trung thực cái chức năng con người của nó hay chức năng thần linh của nó.
Chủ nghĩa cổ điển Hy Lạp được xây dựng thành chủ nghĩa hiện thực đã gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa nhân văn. Nó là biểu hiện của một giai cấp đang lên - giai cấp đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh Hy Lạp-Perse (Ba Tư) bằng tinh thần anh dũng của mình, là biểu hiện của một giai cấp vừa thâu tóm lại trong tay những lợi ích xứng đáng với giá trị của nó. Chủ nghĩa cổ điển là thành quả của một cuộc chiến đấu và nó vẫn sẵn sàng chiến đấu...”11.
Những gì là ý nghĩa triết lý của nghệ thuật tạo hình Hy Lạp thì trong một mức độ nhất định nào đấy cũng đồng thời là của văn học Hy Lạp. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu ví những vở bi kịch của Sophocle đẹp như những bức tượng cổ điển.
Thần thoại Hy Lạp bằng con đường văn học nghệ thuật đi vào thời kỳ cổ điển đến lượt mình được trả ơn xứng đáng: văn học nghệ thuật của thời kỳ cổ điển cũng đã nuôi dưỡng trở lại thần thoại Hy Lạp bằng tư tưởng nhân văn, bằng ý nghĩa triết lý, bằng tính chất duy lý, bằng hình thức biểu diễn.
Hầu hết những câu chuyện thần thoại còn lại với chúng ta ngày nay đều do những nhà thơ, nhà viết kịch kể lại, sau này là các mythographe. Quá trình kể lại cũng đồng thời là quá trình sắp xếp, biên soạn lại, tái tạo theo một khuynh hướng nào đó. Cùng một câu chuyện về thần Prométhée lấy cắp ngọn lửa trên thiên đình đem xuống cho loài người, nhưng trong thơ ca của Hésiode kể khác, trong bi kịch của Eschyle kể khác. Cùng một câu chuyện Oreste giết mẹ để trả thù cho bố, nhưng vởChoéphores12 của Eschyle khác với vở Électre của Sophocle, và cả hai đều khác vở Électre của Euripide13. Ở một số quốc gia phương Đông, thần thoại không phát triển theo con đường của thần thoại Hy Lạp, nghĩa là nó không được các nhà thơ như Homère, Hésiode, các nhà viết kịch như Eschyle, Sophocle, Euripide kể lại, tái tạo lại. Nó bị những nhà thần học và những người biên soạn nghi lễ tôn giáo (ritualiste) xây dựng lại và giải thích lại. Và khi thần thoại đã bị biến thành một yếu tố cấu thành của hệ tư tưởng tôn giáo thì nó phải tuân theo những quy tắc chuẩn mẫu, những khuôn phép của tôn giáo. Những yếu tố thế tục, hồn nhiên, cái chất người phàm tục và cao thượng, anh hùng và hèn nhát, dễ hiểu, đáng yêu, đáng giận, vốn gần gũi với cuộc sống, vốn là cuộc sống trong thần thoại, bị thanh lọc đi, bị “đưa ra ngoài biên chế” của tôn giáo. Tôn giáo chỉ giữ lại sự sợ hãi, sự khiếp nhược và sự cam chịu khuất phục của con người trước thần thánh. Nó chỉ cần ở con người lòng tin mù quáng, và sức mạnh vạn năng của thần thánh có thể ban phước, giáng họa, điều khiển thế gian và vận mệnh con người một cách tuyệt đối. Còn thần thánh trong tôn giáo thì cũng mất đi tính chất người và những cuộc can thiệp tự do, phóng túng vào cuộc sống của loài người; những cuộc can thiệp “sai nguyên tắc” của tôn giáo làm ảnh hưởng đến tính chất thiêng liêng, cao cả và tuyệt đối phải kính trọng đối với thần thánh. Huyền thoại bị tôn giáo đồng hóa, bị hòa vào tôn giáo. Huyền thoại Hy Lạp may mắn hơn, không bị rơi vào cái tai họa đó. Huyền thoại Hy Lạp được văn học nghệ thuật đồng hóa, được hòa vào trong văn học nghệ thuật.
Nhưng ở Hy Lạp cổ đại cũng có tôn giáo và trong một thời gian khá dài, tôn giáo của người Hy Lạp là đa thần giáo-thần thoại, vậy thì tôn giáo này có ảnh hưởng gì, tác động gì đến thần thoại? Tôn giáo Hy Lạp hình thành trong một hoàn cảnh khác biệt với các xã hội phương Đông cổ đại. Ở vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Ấn Độ, những công xã nông thôn không trải qua một quá trình tan rã phân hóa như ở xã hội Hy Lạp. Vì thế những quan hệ cộng đồng thị tộc, bộ lạc được duy trì, bảo tồn qua nhiều năm. Hình thái tôn giáo tôtem của thời kỳ công xã thị tộc do đó được lưu giữ dai dẳng. Những bức tượng của người đàn bà-sư tử, đàn ông-bò mộng, v.v. là thể hiện quan điểm tôtem giáo chuyển hóa, đồng hóa với những quan hệ thị tộc đối với thế giới bên ngoài (động vật, thực vật), nghĩa là tập thể thị tộc, bộ lạc được vật hình hóa bằng hình ảnh một con vật nào đó, còn con vật đó thì lại được nhân hình hóa, nhân tính hóa như một thành viên của tập thể thị tộc, bộ lạc. Những công xã nông thôn ở Hy Lạp trải qua một quá trình đổ vỡ từ bên trong. Ruộng đất bị tư hữu hóa. Quá trình tư hữu hóa ruộng đất cũng là quá trình giải phóng những quan hệ cộng đồng nguyên thủy, quá trình giải phóng những thành viên của thị tộc khỏi những ràng buộc của chủ nghĩa tập thể tự phát thô thiển của thời đại dã man - có nghĩa là con người được lịch sử cắt đứt cuống nhau nối liền với công xã thị tộc, bộ lạc. F. Engels đã nhận xét: “Chỉ nơi nào mà các công xã đó đã tan rã thì nhân dân mới tiến bộ, và sự tiến bộ đầu tiên của họ về kinh tế là ở chỗ tăng gia và phát triển sản xuất bằng lao động theo kiểu nô lệ...”14
Thần thoại Hy Lạp hình thành trong một bối cảnh xã hội như thế (Đúng hơn, chính xác hơn, ta phải nói tôn giáo này đã chuyển biến vì những nguyên nhân kinh tế, xã hội như thế). Vì lẽ đó, những tàn dư tôtem giáo còn lại không nhiều trong thần thoại và bị chế biến đi, trong khi đó chất người lại nhiều hơn, phong phú hơn thành một thứ tôn giáo giàu tính thế tục và thẩm mỹ, nếu có thể nói như thế được. Hơn nữa, và đây là điều đặc biệt, tôn giáo này chấp nhận tự do tư tưởng, không thù địch với tự do tư tưởng. Không có những giáo điều nghiêm ngặt, không có đẳng cấp tăng lữ với quyền hành thao túng tạo nên một thứ giáo hội như một nhà nước, một thứ chính quyền của chính quyền, đứng trên chính quyền, có tòa án xét xử những người vi phạm vào những điều ngăn cấm và đức tin tôn giáo15. Nhà triết học Xénophane (khoảng 385-473 TCN) có nói: “... Nếu loài vật cũng giống như con người thì ngựa đã quan niệm thần thánh như hình ảnh con ngựa, bò đã hình dung đấng bất tử như hình ảnh của bò”, cũng như Démocrite (thế kỷ V TCN) có thể truyền bá thuyết nguyên tử của mình mà không bị xử tử bằng hình phạt ném đá. Nói như thế không có nghĩa là trong thời kỳ đó không xảy ra một vụ án tự do tư tưởng nào, một vụ án tôn giáo nào, và tôn giáo-thần thoại không biểu hiện sự phẫn nộ đối với một số trường hợp nào đó. Tất nhiên là có, song rất ít, không phổ biến. Các nhà thơ, nghệ sĩ có thể khai thác, cải biên thần thoại một cách tự do mà không bị trừng phạt. Ở Hy Lạp xưa kia có một số trung tâm tôn giáo với những đền thờ lớn như Dodone, Olympe, Delphes, Délos... Những người Hy Lạp, kể cả những nhà cầm quyền tối cao, thường tới những nơi này để xin những lời chỉ dẫn cho hành động của mình, xin những lời tiên báo cho tương lai của đô thị mình, sự nghiệp mình. Nhưng điều rất thú vị là ngay những trung tâm tôn giáo ấy lại là nơi hội tụ không phải chỉ của những tín đồ ngoan đạo mà còn là nơi hội tụ của các lực sĩ Hy Lạp, nghệ sĩ Hy Lạp, văn võ anh tài. Ngày hội lễ tôn giáo cũng đồng thời là ngày thi đấu thể dục thể thao, thi biểu diễn nghệ thuật (Hội Olympiques: thi thể dục thể thao, Hội Đionysos: thi diễn kịch). Tôn giáo-thần thoại ở Hy Lạp gắn bó với những lễ nghi, lễ thờ cúng giàu tính chất thế tục, nhân văn và thẩm mỹ như vậy16.
Ở Hy Lạp từ thần thoại cho đến tôn giáo đều không có những chuẩn mực, quy phạm. Chính quyền và những người làm nghề tôn giáo không quy định, cố định hóa tôn giáo-thần thoại thành những văn bản chuẩn mẫu. Tôn giáo-thần thoại và văn học, nghệ thuật-thần thoại cùng “tồn tại hòa bình”. Những bức tượng các vị thần đặt ở đền miếu trang nghiêm để thờ cũng là do những nghệ sĩ sáng tạo, là kết quả của một cá tính sáng tạo tự do, của một cảm xúc chân thực, nồng nàn, phóng khoáng chứ không phải là kết quả của cảm xúc tiên định, siêu hình, phi cá thể của tôn giáo. Nó không bị quy định bởi những chuẩn mẫu, khuôn phép, công thức như phong cách của những bức tượng thờ của Thiên Chúa giáo hay Phật giáo sau này. Nó đa dạng, sinh động, tươi tắn, lạc quan chứ không rầu rĩ, đau khổ, ưu tư, siêu thoát17. Và cũng thật là thú vị khi ở đền Delphes, người ta vẫn thấy khắc câu châm ngôn đầy tính triết lý-đạo đức của nhà triết học Socrate ở đầu hồi: “... Hãy hiểu biết ngay bản thân mình...”18. Còn đền thờ ở khu vực Olympe thì đúng là một cung văn hóa. Ngoài tượng thờ còn có tượng của các lực sĩ đã đoạt giải vô địch trong các kỳ hội Olympiques.
Một đặc điểm nữa của tôn giáo-thần thoại Hy Lạp là ở mối quan hệ trực tiếp của nó với văn học nghệ thuật. Nó chứa đựng trong bản thân mình một thế giới folklore nhiều đến nỗi ta thật khó tách biệt rạch ròi đâu là folklore (văn hóa dân gian), đâu là tôn giáo. Đúng hơn ta phải nói rằng nó cũng là một hình thái folklore.
Tôn giáo-thần thoại không áp đặt đề tài cho văn học nghệ thuật, không ép buộc văn học nghệ thuật phải minh họa cho hệ tư tưởng của mình, có nghĩa văn học nghệ thuật không bị biến thành đầy tớ, nô lệ ngoan ngoãn của thần học mà mất đi tính độc lập của bản thân mình, điều mà chúng ta sẽ thấy diễn ra ngược lại sau này trong thời trung cổ Thiên Chúa giáo: thần học là thống soái, mọi khoa học đều là đầy tớ, là nô lệ của thần học. Như quả đất xoay quanh mặt trời nhưng đồng thời lại xoay quanh mình nó, văn học nghệ thuật Hy Lạp, trong khi phục vụ cho hệ tư tưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ, vẫn đảm bảo được sự phát triển của bản thân mình với tư cách một khoa học độc lập. Chính vì lẽ đó mà sân khấu Hy Lạp, nghệ thuật tạo hình Hy Lạp, cũng như nhiều ngành khác của gia tài văn hóa cổ đại, mới sáng tạo ra được những giá trị bất diệt và mãi mãi là tài sản vô giá của nhân loại. Tôn giáo-thần thoại không áp đặt đề tài cho văn học nghệ thuật, nhưng trong nhiều trường hợp, ở một chừng mực nào đó cấu thành chính ngay loại hình văn học. Thể thơ Hymno có nguồn gốc từ bài ca nghi lễ19. Bi kịch ra đời từ hội đồng ca thờ cúng thần Rượu Nho Dionysos với bài ca Dithyrambe. Hài kịch Hy Lạp ra đời từ đám rước thần Rượu Nho Dionysos với bài ca Phallique20. Giống như thể dục thể thao là một thành tố trong nghi thức thờ cúng ở hội Olympe, văn học nghệ thuật trong nhiều trường hợp cùng là thành tố trong nghi thức thờ cúng các vị thần. Như vậy đối với văn học nghệ thuật, tôn giáo-thần thoại Hy Lạp đóng vai trò tạo dựng cấu thành các loại hình văn học21.
***
Các nhà nghiên cứu chia gia tài tư liệu gốc về thần thoại Hy Lạp ra làm hai loại. Loại thứ nhất là nguồn tư liệu ở tác phẩm văn học (sources littéraires): các bản anh hùng ca, trường ca, thơ, kịch thơ. Loại thứ hai là nguồn tư liệu ở tác phẩm biên khảo (sources érudites) gồm các tác phẩm sưu tầm, biên soạn, bình luận, khảo chứng viết bằng văn xuôi.
Anh hùng ca Homère (Iliade và Odyssée) là tác phẩm văn học cổ nhất ra đời vào quãng thế kỷ IX - VIII TCN, tiếp đó là Thần Hệ (Théogonie) của Hésiode quãng thế kỷ VII TCN, những bài Hymne kiểu Homère (Les Hymnes Homériques) thế kỷ VII-VI TCN. Gia tài bi kịch Hy Lạp mặc dù mất đi khá nhiều nhưng hơn ba mươi vở kịch thơ còn lại cũng là một nguồn tư liệu khá phong phú trong quãng thế kỷ V-IV TCN. Thế kỷ II TCN còn để lại một bản trường ca toàn vẹn: Những người thủy thủ của con tàu Argo (Les Argonauteses) của Apollonios thành Rhodes. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác nữa mà chúng ta không thể liệt kê ra đây được.
Nền văn học La Mã cung cấp cho chúng ta hai tác phẩm quan trọng đều ở vào thế kỷ I TCN. Bản anh hùng ca Énéide của Virgile có một quyển (khúc ca) kể lại sự sụp đổ của thành Troie. Trường ca Biến hóa (Les Métamorphoses) của Ovide kể lại nhiều huyền thoại truyền thuyết. Đây là một tác phẩm được đánh giá rất cao về sự phong phú của nội dung, và đặc biệt là quan điểm tiến bộ của việc viết lại huyền thoại. Một tác phẩm quan trọng nữa của nền văn học La Mã nhưng ở vào thế kỷ II là tập Biến hóa của Apulée. Đó là những tác phẩm chính.
Về nguồn tư liệu biên khảo, những tác phẩm sớm nhất là của Hécatée, Acousilaos thành Argos, Phérécyde thành Athènes và Hérodote. Những tác phẩm này ra đời vào quãng thời gian từ cuối thế kỷ VI-V TCN, phần lớn chúng đều bị thất lạc, hiện nay chỉ còn lưu giữ được những đoạn rời rạc. Thế kỷ III TCN, Ératosthène thành Cyrène22 viết cuốn Biến thành các ngôi sao(tiếng Hy Lạp: Katasterimoi) ghi chép lại chuyện các anh hùng sau khi chết được thần thánh biến thành những ngôi sao. Cũng từ thế kỷ III TCN ra đời các bản sưu tầm, (collections), thực chất là các bản tóm tắt những huyền thoại mà cho đến nay chúng ta còn lưu giữ được chút ít. Đầu thế kỷ II TCN, Nicandre, một nhà văn La Mã, trong một tuyển tập văn xuôi mang tênBiến hóa (Métamorphoses) đã ghi lại nhiều chuyện thần thoại! Chính tác phẩm này đã là ngọn nguồn trực tiếp của tập trường ca Biến hóa của Ovide kể trên. Vào nửa sau thế kỷ II TCN ra đời cuốn Tủ sách (Bibliothèque) của Apollodore, một nhà ngữ văn học của thành Athènes. Cuốn Tủ sách biên tập lại các huyền thoại, truyền thuyết từ thủa khai thiên lập địa cho đến sau cuộc Chiến tranh Troie, chia các huyền thoại ra thành từng hệ lớn. Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm này không phải đích thực của Apollodore mà có lẽ của một tác giả nào đó ở vào thế kỷ I viết lại theo một bản tóm tắt nào đó. Thần thoại trong tác phẩm này chỉ còn là một xác ướp khô quắt, lạnh ngắt. Nhìn chung khuynh hướng của những người ghi chép, biên tập lại huyền thoại (mythographe) là muốn dựng lại huyền thoại theo một trật tự thống nhất, muốn cố định hóa huyền thoại và chuẩn mẫu hóa huyền thoại. Song công việc của họ không thành tác phẩm quý nhất đối với khoa thần thoại. Miêu tả nước Hy Lạp (Description de la Grèce) của Pausanias viết vào nửa đầu thế kỷ II TCN. Giá trị tư liệu của cuốn sách rất lớn. Nhiều truyền thuyết địa phương được ghi lại cho chúng ta một bức tranh trung thực về folklore về các biến thể của nó. Tuy còn nhiều địa phương ở Hy Lạp mà tác phẩm không nói đến, song nhờ vào những bản bình luận, chú giải (scholies) của các nhà học giả thuộc nền văn học Byzance23 mà khoa thần thoại học có thể bổ sung nhiều điều cần biết.
Những tài liệu biên khảo (scholies) của hai học giả Johannès và Issaac Tzétzès cung cấp cho khoa học rất nhiều sự kiện, trong đó có một số thuộc vào thời kỳ khá cổ, cho nên rất quý. Đó là tóm tắt và lược thuật những nguồn tư liệu gốc của thần thoại Hy Lạp.
Những cuốn thần thoại Hy Lạp và từ điển thần thoại Hy Lạp mà chúng ta sử dụng của các nhà Hy Lạp học Pháp hoặc Xôviết, Anh... trong vốn sách của chúng ta đều biên khảo biên tập, phóng tác lại dựa trên những nguồn tư liệu gốc này.
Lịch sử những lý thuyết về huyền thoại chỉ thực sự bắt đầu từ thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ III TCN). Những cách giải thích này, khác với trước đó, đã đóng vai trò đặt vấn đề, thể nghiệm cho những lý thuyết sau này được xây dựng một cách có lập luận và có phương pháp hơn. Những nhà triết học của thời kỳ Hy Lạp hóa trong khi đánh giá những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết là sự thể hiện những quá trình lịch sử hoặc tự nhiên đã đặt ra vấn đề mới về tương quan giữa huyền thoại với thực tại. Nhìn chung, có thể tóm tắt những lý thuyết về huyền thoại trong thời kỳ cổ đại thành ba loại:
1 - Loại thứ nhất cho rằng huyền thoại là sự phản ánh những hiện tượng tự nhiên hoặc tinh thần, đạo đức bằng hình thức tượng trưng và ám dụ.
2 - Loại thứ hai cho rằng huyền thoại chỉ là sự tưởng tượng dông dài, tùy tiện, vô tích sự của các nhà thơ, hoặc chỉ là sự lừa bịp có ý thức của những người làm nghề tôn giáo, những viên tư tế.
3 - Loại thứ ba cho rằng huyền thoại là lịch sử của những nhân vật kiệt xuất từ thời cổ xưa sau khi được thần thánh hóa (lý thuyết của Évhémère)24. Sau này khi Thiên Chúa giáo ra đời, lý thuyết của Évhémère đã được Giáo Hội sử dụng để chống lại những dị giáo - đa thần.
Đối với những nhà triết học cổ đại, nhìn chung huyền thoại không được thừa nhận; các nhà duy vật đã đành, nhưng ngay đến cả những nhà triết học duy tâm tin vào việc có một nguyên lý tinh thần tồn tại bên ngoài thế giới vật chất, cũng gạt bỏ huyền thoại.
Thời Trung Cổ, Thiên Chúa giáo là hệ tư tưởng thống trị, huyền thoại Hy Lạp bị kết án, các vị thần Hy Lạp bị coi như là quỹ dữ, đối lập với vị thần đích thực, chân chính, duy nhất là Chúa Cứu Thế.
Thời đại Phục Hưng, với phong trào khôi phục lại gia tài văn học cổ đại, huyền thoại Hy Lạp trở thành một lãnh vực trí thức cần thiết đối với con người có học vấn của thời đại. Huyền thoại Hy Lạp một lần nữa trở thành vật liệu của văn học nghệ thuật, cung cấp cho các nhà văn, thơ, nhà kiến trúc, điêu khắc, hội họa một nguồn đề tài và cảm hứng vô tận để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà cho đến nay nhiều tác phẩm đã trở thành giá trị vĩnh cửu của nền văn minh nhân loại.
Không riêng gì huyền thoại cổ đại, huyền thoại Thiên Chúa giáo cũng trở thành một kho tàng vật liệu cho sáng tác văn học nghệ thuật. Tuy nhiên điều khác nhau là ở chỗ: huyền thoại Thiên Chúa giáo nằm trong đức tin nghiêm ngặt của tôn giáo, còn huyền thoại cổ đại nằm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Và hai huyền thoại vốn đối lập nhau về cơ bản này, vì lẽ đó, có thể cùng tồn tại trong hòa bình. Công cuộc nghiên cứu huyền thoại cổ đại chỉ đến thời đại này mới bắt đầu.
Lịch sử của việc nghiên cứu huyền thoại cũng như lịch sử các lý thuyết về thần thoại ghi nhận thế kỷ XVIII như thế kỷ có công lao đưa việc nghiên cứu thần thoại tiến lên một bước thực sự khoa học. châu Âu từ trước chỉ biết có thần thoại Hy Lạp, cho đến thời kỳ này đã mở rộng tầm mắt nhìn sang thần thoại Ai Cập, thần thoại các dân tộc ở phương Đông, ở châu Mỹ... và từ đó dẫn đến việc nghiên cứu so sánh thần thoại. Nhà triết học người Ý Giambattista Vico (1668-1744) là người đầu tiên đã có những kiến giải về huyền thoại theo quan điểm lịch sử. Ông chỉ ra rằng huyền thoại được hình thành trong sự cảm thụ trực giác của người nguyên thủy. Thần thánh chẳng qua chỉ là sự sợ hãi và ngu dốt của con người không giải thích được các hiện tượng của tự nhiên.
Chủ nghĩa duy lý trong thời đại Ánh sáng ở Pháp, từ kết luận của Vico, đã đi tới chỗ coi thần thoại như sản phẩm của sự ngu dốt và lừa dối, một thứ mê tín dị đoan lạc hậu và phản động [Bernard Le Bovier de Fontenelle (1657-1757), Francois Maria Arouet tức Voltaire (1694-1778), Denis Diderot (1713-1784), Charles-Louis de Secondat, tức Nam tước xứ La Brède và xứ Montesquieu (1689-1755),...], nhưng ngược lại, nhà thơ Anh James Macpherson (1736-1796), nhà văn và nhà triết học Đức Johann Gottfried de Herder (1744-1803) và khá nhiều nhà nghiên cứu khác coi thần thoại như là sự thể hiện tài năng sáng tạo và trí tuệ tuyệt vời của nhân dân. Ta không thể không nhắc đến vai trò của chủ nghĩa lãng mạn Đức đối với huyền thoại mà đặc điểm nổi bật là sự trân trọng đến mức lý tưởng hóa đối với những sáng tác dân gian. Chính ở Đức trong giai đoạn này đã tiến hành sưu tầm và xuất bản nhiều truyện cổ tích, truyền thuyết... Một trong những người cầm đầu chủ nghĩa lãng mạn Đức là Clemens Bretano (1778-1842) cùng với anh em Grimm [Wilhelm Garl Grimm (1786-1859) và Jacob Ludwig Garl Grimm (1785-1863)]... hình thành một tổ chức nghiên cứu lấy tên là “Trường phái thần thoại”. Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu của thế kỷ XVIII, đặc biệt là của trường phái thần thoại Đức, bước sang thế kỷ XIX nhiều lý thuyết thần thoại ra đời, biểu hiện những cố gắng của những nhà khoa học muốn đem ánh sáng của trí tuệ rọi chiếu vào lãnh vực phức tạp và huyền bí này.
Lý thuyết thần thoại khí tượng-mặt trời với những đại biểu là hai nhà thần thoại học người Đức: Adalbert Kuhn (1812-1881), Max Müller (1823-1900)... giải thích huyền thoại như là sự phản ánh ám dụ tượng trưng những hiện tượng thiên văn và khí tượng. Lý thuyết “thần thoại hạ cấp” mà đại biểu là W. Schwartz và W. Mannhardt... coi huyền thoại như là sự phản ánh bản thân những hiện tượng thông thường trong cuộc sống. Lý thuyết thần thoại-vật linh giáo coi thần thoại là biểu tượng của tâm hồn con người đối với thế giới tự nhiên. Đại biểu của lý thuyết này là nhà thần thoại học người Anh Edward Tylor (1832-1917), nhà triết học tiến hóa luận người Anh Herbert Spencer (1820-1903), Friedrich Lenger... Một lý thuyết được phát triển hết sức rộng rãi và thu hút được khá nhiều sự đồng tình của giới nghiên cứu là lý thuyết ngữ văn-lịch sử. Các nhà nghiên cứu theo trường phái này như Udơnơ, Mônlendơrphơ, V. Belinsky, Giebelep, L. Tolstoy... đã vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ văn học vào việc nghiên cứu huyền thoại. Nhìn chung những lý thuyết thần thoại nói trên xét về chi tiết và cục bộ có những điểm có thể chấp nhận được, nhưng xét về toàn bộ, về cơ bản thì những lý thuyết đó không đủ sức thuyết phục khoa học. Về lập trường, quan điểm, phương pháp nghiên cứu của những nhà khoa học thuộc các trường phái lý thuyết nói trên tuy có khác nhau nhưng lại có một quan điểm chung nhất giống nhau là tất cả đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của trào lưu triết học thực chứng hoặc xã hội học-thực chứng luận.
Một nhà nghiên cứu thần thoại trong thế kỷ XIX mà chúng ta không thể không nhắc đến là Bachofen, người Thụy Sĩ. Mặc dù ông chưa thoát khỏi quan điểm duy tâm thần bí coi tôn giáo như động lực quyết định tiến trình lịch sử thế giới như những kiến giải của ông về huyền thoại Oreste giết mẹ để trả thù cho cha và được xử trắng án như là một huyền thoại phản ánh cuộc đấu tranh thắng lợi của chế độ mẫu quyền là hoàn toàn xác đáng. Cách giải thích của ông đã gắn huyền thoại vào một bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể, một trình độ phát triển nào đó của lịch sử-xã hội nhân loại25.
Cống hiến có ý nghĩa lớn lao đối với lý thuyết huyền thoại là những ý kiến của K. Marx và F. Engels. Những ý kiến của Engels viết trong lời tựa cuốn Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước đã giải thích huyền thoại bằng quan điểm duy vật lịch sử và biện chứng. Những ý kiến của Marx trong cuốn Góp phần phê phán chính trị-kinh tế học đã nêu cho chúng ta thấy ý nghĩa lịch sử của huyền thoại: huyền thoại như một hình thái ý thức xã hội đã phản ánh thực tại (tự nhiên và xã hội) với tất cả bản chất năng động của ý thức con người. Marx chỉ ra rằng cái hay, cái đẹp, cái kỳ lạ, huyền diệu của thần thoại là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội trong đó có những điều kiện tất yếu đẻ ra huyền thoại. Đó là trình độ hết sức thấp kém của sản xuất, tri thức khiến cho con người sống gần như phụ thuộc vào tự nhiên, không giải thích được những hiện tượng tự nhiên và xã hội diễn ra trong đời sống hàng ngày. Và khi con người không có khả năng giải thích, khống chế những sức mạnh tự phát của tự nhiên và xã hội bằng năng lực thực tế, khoa học kỹ thuật, thì nó giải thích và khống chế những sức mạnh đó bằng những ảo tưởng thần thoại. Như vậy, Marx đã coi huyền thoại như “một hình thức chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh bằng trí tưởng tượng dân gian, bằng sự chế biến đi một cách nghệ thuật-không tự giác”. Những ý kiến đó của Marx là sự tiếp thu những thành tựu của những nhà nghiên cứu tiền bối hoặc cùng thời, từ anh em Grimm đến Morris, Schelling [Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775-1854): nhà triết học duy tâm người Đức], và nâng cao lên trên những quan điểm triết học của mình. Đương nhiên những ý kiến của Marx và Engels chỉ giải quyết một mặt nào đó rất cơ bản của huyền thoại chứ không phải là toàn diện và hệ thống, bởi vì, như chúng ta đã biết, hai ông không phải là những nhà folklore học hoặc dân tộc học.
Thế kỷ XX với những thành tựu lớn lao của những ngành khảo cổ học, dân tộc học, folklore học... đã tạo dựng nên một bức tranh hết sức phong phú và cực kỳ phức tạp của lý thuyết thần thoại. Những công trình nghiên cứu khổng lồ của nhiều nhà bác học trên thế giới đặt ra nhiều vấn đề mới. Trong số những nhà nghiên cứu nửa đầu thế kỷ XX, trước hết ta phải kể đến nhà folklore học người Anh James George Frazer (1854-1941). Ông viết một bộ sách gồm 12 tập mang tên Nhành lá vàng (Le Rameau d’or). Với công phu điều tra, sưu tầm tỉ mỉ, miêu tả cụ thể, bộ sách của ông trước hết là một kho tư liệu khổng lồ. Ông cho rằng ma thuật, tôn giáo và khoa học là ba giai đoạn kế tiếp nhau đóng vai trò làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển của thế giới quan con người. Huyền thoại, theo ông, cũng nằm trong hành động ma thuật. Thiếu sót lớn nhất của tác giả là đã nhìn nhận mọi hiện tượng không trên quan điểm lịch sử. Sự khảo sát của tác giả đã không phân biệt được các kiểu loại huyền thoại hình thành trong những xã hội khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Tiếp đến là những công trình nghiên cứu của Wilhelm Wundt, một nhà bác học Thụy Sĩ26. Ông tự đặt cho mình nhiệm vụ xây dựng một khoa học về “tâm lý các dân tộc”. Cống hiến của ông là đã nghiên cứu Hy Lạp với quan điểm tâm lý-xã hội học, chỉ ra sự liên hệ, gắn bó của huyền thoại với những xúc cảm trong đời sống, với những sự “kích động mạnh”. Ông coi huyền thoại như sự thể hiện những ảo tưởng vô thức của con người nguyên thủy. Đối lập với lý thuyết của Wundt là lý thuyết tư duy nguyên thủy của nhà dân tộc học người Pháp Lévy-Bruhl (1857-1939). Ông là môn đệ của trường phái xã hội học-thực chứng của nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim (1858-1917). Tiếp tục phát triển những kiến giải của Frazer và Wundt, Lévy-Bruhl nêu lên luận điểm: tư duy nguyên thủy là nguồn gốc của huyền thoại. Tư duy này có một quy luật đặc biệt là sự “cùng tham dự” (hiện diện). Nó là tư duy tiền logic, tư duy của tập thể người nguyên thủy. Về cuối đời ông từ bỏ quan điểm cho rằng tư duy nguyên thủy tiền logic là một trình độ phát triển tất yếu của lịch sử. Và ông đã bổ sung đính chính lại rằng tư duy nguyên thủy và tư duy logic cũng tồn tại đồng thời với nhau. Ảnh hưởng của Lévy-Bruhl trong nửa đầu thế kỷ XX rất lớn.
Một lý thuyết giải thích huyền thoại khá kỳ khôi là lý thuyết phân tâm học của nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud (1856-1939) và những môn đệ của Freud. Lý thuyết này giải thích những hiện tượng huyền thoại từ cơ sở tâm lý tiềm thức và cá nhân, trong đó những đòi hỏi của bản năng nhục dục là chủ yếu (Mặc cảm Oedipe - Le complexe d’Oedipe). Thật ra thì lý thuyết của Freud hoàn toàn bất lực trong việc giải thích huyền thoại, bởi vì nó phiến diện, và rõ ràng qua thực tiễn khảo sát nó không giải thích được điều gì hết. Lý thuyết của Freud tuy không thu hút được sự đồng tình của giới nghiên cứu nhưng trong lãnh vực sáng tác văn học nghệ thuật nó đã chiếm lĩnh được một vị trí khá đặc biệt ở phương Tây. Dường như lý thuyết này đã cung cấp một “cơ sở khoa học khách quan” cho những hành động dâm bạo, loạn luân và đủ thứ chuyện trong cái chuyện “làm tình” cũng như những hành động bạo lực, tàn nhẫn trong loại truyện tiểu thuyết và điện ảnh suy đồi ở phương Tây.
Nửa sau thế kỷ XX nổi lên lý thuyết cấu trúc-loại hình học thần thoại và người đề xướng là nhà bác học người Pháp Claude Lévi-Strauss (1908-2009). Ông coi huyền thoại như một trường hoạt động của những thao tác logic vô ý thức. Chúng ta cũng không thể không nhắc đến lý thuyết văn hóa-lịch sử mà người mở đầu là Bronisław Malinowski (1884-1942) và những người kế tục hiện nay là nhà nghiên cứu người Pháp Georges Dumézil (1898-1986).
Nhìn chung, những lý thuyết huyền thoại của nền khoa học tư sản đã có những cống hiến lớn lao về nhiều mặt27 song vẫn chưa có một lý thuyết nào giải thích và làm sáng tỏ được bản chất xã hội của huyền thoại.
Khoa thần thoại học, folklore, dân tộc học Xôviết vận dụng quan điểm và phương pháp duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của triết học Marxisme-Léninisme, tiếp thu những thành tựu của nền khoa học tư sản, đã cố gắng nghiên cứu, giải thích huyền thoại theo quan điểm lịch sử văn hóa bằng cách gắn liền sự nghiên cứu, giải thích đó với việc nghiên cứu, so sánh, phân tích theo quan điểm lịch sử thể loại tự sự trong nền văn hóa thế giới. Những công trình nghiên cứu của các nhà bác học Xôviết như A.F. Lossev, S.A. Tokarev, Iu.P. Frantsev, V.Ia. Propp, E.M. Meletinsky... đã có những cống hiến đúng đắn tích cực vào nền khoa học thế giới. Đối với khoa học folklore, thần thoại học còn non trẻ của chúng ta, những thành tựu của nền khoa học Xôviết là một chỗ dựa vững chắc để chúng ta có thể tiếp xúc với các đại dương mênh mông của các loại lý thuyết thần thoại28.
Thật ra vấn đề huvền thoại là gì? Đặc điểm và bản chất của tư duy huyền thoại cũng như ý nghĩa, nội dung phản ánh giải thích thế giới của huyền thoại vẫn đang là vấn đề lớn và hóc búa đối với các nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu M.I. Shakhnovich (Liên Xô cũ) tổng kết hiện có hơn 500 định nghĩa về huyền thoại29.
Còn nhà bác học Tenase, một chuyên gia lỗi lạc về lịch sử văn hóa, Viện trưởng Viện Triết học của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Rumani cho chúng ta biết: “... Huyền thoại là một hiện tượng văn hóa hết sức phức tạp, chính vì vậy rất khó có một nghĩa sao cho bao quát được mọi kiểu mẫu (type) và chức năng của huyền thoại trong tất cả các xã hội thượng cổ (công xã nguyên thủy) và xã hội truyền thống (phương thức sản xuất châu Á...)”30.
Chính vì lẽ đó nên ngày nay khái niệm huyền thoại cũng được sử dụng với tính đa nghĩa của nó. Khi thì huyền thoại được hiểu là một câu chuyện hoang đường, phi lý, không đúng với sự thật (huyền thoại về sức mạnh vô địch của không lực Hoa Kỳ), khi thì được hiểu là một chiến công kỳ diệu, một năng lực sáng tạo phi thường, phong phú, bay bổng, đa nghĩa, giàu sức tưởng tượng-biểu hiện (Hãy sáng tạo những huyền thoại mới trên đất nước chúng ta, thơ ca-huyền thoại, tiểu thuyết-huyền thoại, huyền thoại mới ở sông Đà...)
Vấn đề huyền thoại trong nửa đầu thế kỷ XX chỉ là vấn đề của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận folklore học, thần thoại học, dân tộc học nhưng bước sang nửa sau thế kỷ XX đã trở thành vấn đề lý luận mỹ học, lý luận sáng tác. Người đầu tiên đưa vấn đề huyền thoại vào lý luận sáng tác, mỹ học một cách ồn ào, nhiệt liệt là Garaudy, một nhà triết học người Pháp. Trong cuốn Chủ Nghĩa Marx Thế Kỷ XX31, Garaudy đề cao huyền thoại tới mức dường như là đỉnh cao, là thành quả tuyệt vời nhất của năng lực sáng tạo của nhân loại... Ông chỉ nhìn thấy ở huyền thoại, trong huyền thoại, chứa đựng những gì tốt đẹp nhất, tích cực nhất của trí tuệ loài người. Từ đó, ông kêu gọi phải sáng tạo huyền thoại, vì huyền thoại chẳng những phản ánh cái đã qua, cái hiện tại, mà còn tiên báo tương lai... Những ý kiến cúa Garaudy như vậy là đã thoát ly khỏi quan điểm lịch sử và xem xét vấn đề huyền thoại một cách phiến diện. Chúng ta có thể tiếp thu, học tập những gì gọi là tích cực, những biện pháp kỹ thuật có hiệu quả gây xúc động thẩm mỹ mạnh mẽ của huyền thoại, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta phải quay trở lại với tư duy huyền thoại và nền văn học của thế kỷ XX chỉ có thể đạt được những thành tựu vĩ đại khi nó đặt cho bản thân mình nhiệm vụ sáng tạo huyền thoại. Hơn nữa, trong thực tế không phải bất cứ câu chuyện huyền thoại nào cũng có giá trị tích cực và một sức khái quát, tượng trưng-biểu hiện như nhau...
Trong cuộc hội thảo quốc, tế tổ chức hai năm một lần, lần thứ năm về chủ đề thơ ca và huyền thoại tổ chức ở Knokke32, Vương quốc Bỉ 1961, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra tính chất mơ hồ, tính chất song nghĩa đối lập nhau của huyền thoại là một mảnh đất đặc biệt thuận lợi cho thơ ca. Nhưng đồng thời cũng có những nhà nghiên cứu đề cao huyền thoại quá mức như Garaudy, thậm chí còn hơn cả Garaudy33. Có một loại ý kiến coi huyền thoại như “người phát hiện ra những sức mạnh của nhân loại đã từng bị chèn ép”, và ngày nay “... đứng trước mối đe dọa của khoa học và kỹ thuật, những sự thất bại của nền văn minh đang bị giằng xé bởi lo âu và mâu thuẫn; (tất cả những điều đó) cho phép con người ta nghĩ rằng cái lý trí hay suy luận (la raison raisonnante) có thể cũng là một thói quen điên rồ khác và cũng là sự tha hóa nguy hiểm. Vì thế, con người đã bị hạ thấp xuống quá nhiều. Giờ đây cần phải để cho bản thân mình lắng nghe tiếng hát toát lên từ những cõi sâu thẳm, tiếng niệm thần chú (l’incantation) của những sức mạnh ẩn tàng khi bớt bận rộn và không lý thuyết dông dài nữa (verbiage...)”.
Thế là văn minh và khoa học kỹ thuật bị kết án như là một tai họa của loài người, đã tha hóa con người, hạ thấp con người. Và cách giải trừ tai họa ấy là quay về với huyền thoại, vì “tác phẩm của nhà thơ có thể xem như một sự chiêu hồn (évocation), một sự kiếm tìm lại cái mythos đã mất...”34
Một quan điểm như thế rõ ràng đối với chúng ta thật xa lạ, khó thu hút được sự đồng tình. Chúng ta tin ở nền văn minh nhân loại, chúng ta tin ở khoa học kỹ thuật và tương lai của nhân loại. Nếu như có một nền văn minh làm tha hóa con người, hạ thấp con người, một nền khoa học kỹ thuật đe dọa con người thì cách sửa chữa những tệ nạn, khuyết tật ấy của nó hẳn rằng phải nhắm ngay vào những quan hệ xã hội-kinh tế, quan hệ quyền lực-chính trị vốn là cơ sở của nền văn minh đó và nền khoa học kỹ thuật đó vốn đang điều hành nền văn minh đó và nền khoa học kỹ thuật đó... Kết tội cái lý trí hay suy luận của con người thật là oan uổng cho lý trí của con người. Con người đã là một động vật có lý trí thì làm sao nó lại không dùng lý trí của mình để tư duy, để suy luận! Còn nếu thơ ca quay về với huyền thoại, nghĩa là quay về với quá khứ để chiêu hồn, để tìm kiếm lại cái mythos đã mất thì chẳng những không chống lại được sự tha hóa con người, hạ thấp con người; không cứu vãn được nền văn minh, không ngăn ngừa được mối đe dọa của khoa học kỹ thuật... mà rút cục cũng không kiếm tìm lại được cái mythos đã mất, đúng hơn lại biến mình thành một thứ mythos!
Tai họa không phải ở ngọn lửa mà thần Prométhée đã ban cho loài người, ngọn lửa là ngọn nguồn của văn minh và khoa học kỹ thuật, ngọn lửa của tư duy và lý trí, ngọn lửa sinh ra niềm hy vọng luôn bập bùng cháy trong trái tim con người. Tai họa là ở những vị thần trong cõi trần điều hành nền văn minh ấy, nền khoa học ấy để chống lại loài người.
***
Ngày nay thời đại của niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại đã lùi vào quá khứ. Cung điện Olympe của thế giới thần thánh chắc hẳn đã phải dời đến một hành tinh xa xăm nào đó vì lẽ không chịu đựng nổi tiếng động cơ máy bay phản lực siêu âm. Nhưng chúng ta vẫn lưu giữ trân trọng tài sản thần thoại như lưu giữ một chiến công hiển hách của loài người trong tiến trình lịch sử. Chúng ta vẫn lưu giữ trân trọng gia tài thần thoại như lưu giữ một kỷ niệm sâu sắc và hào hùng, cao quý và đẹp đẽ của đời người cũng như một kỷ niệm vất vả, đắng cay, đau xót của đời người. Và chúng ta, nhân loại, vẫn tiếp bước tới tương lai ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta vẫn mang theo quá khứ của mình để tiến tới tương lai chứ không phải quay về quá khứ, quay về niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại để chinh phục tương lai, tương lai của thời đại tư duy khoa học và cách mạng. Nhiều ước mơ của con người xưa kia đã trở thành hiện thực. Biết bao chàng Dédale và Icare của thế kỷ XX đã đi đi, về về trong không gian bao la của vũ trụ khiến cho thần Zeus dù có nổi trận lôi đình, dồn mây mù sấm sét cũng không ngăn cản được. Nhân loại sống đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên trong đời sống của nhân loại lại nảy sinh ra những mối đe dọa khủng khiếp của một thứ “số mệnh mới” cùng với các vị thần mới, ma quỷ mới, bạo chúa mới tiêu diệt loài người, muốn xóa bỏ những thành tựu văn hóa, văn minh mà loài người phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ mới có được. Nhân loại vẫn đang đứng trước một câu hỏi, một lời thách đố của một con Sphinx, con Sphinx-Lịch sử. Chính vì lẽ đó nhân loại còn cần đến những Prométhée, Héraclès, Thésée, Oedipe... bởi vì nhân loại phải sống đấu tranh với Số mệnh để chiến thắng Số mệnh. Và để sống, chiến thắng thì không thể để mất Lòng tin và Hy vọng, không thể thiếu Mơ ước, hơn nữa lại càng phải biết yêu cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ thật sâu sắc để biết cái Ác, cái Dối trá, cái Ti tiện, cái Hèn nhát thật sâu sắc. Có thế mới chiến thắng được Số mệnh, Định mệnh. Chính vì lẽ đó thần thoại Hy Lạp vẫn rất đáng quý đối với chúng ta. Dường như nó vẫn đang hàng ngày hàng giờ nhắn nhủ loài người chúng ta; “Hãy sống nhân ái và cao thượng hơn nữa! Hãy sống tốt hơn nữa, đẹp hơn nữa, yêu công lý và trọng danh dự hơn nữa! Hãy lập chiến công vì dân vì nước nhiều hơn nữa! Hãy sống trung thực dũng cảm và hiểu biết hơn nữa!” Bởi vì thần thoại là nhân loại của tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng, ngây thơ vụng dại song tràn đầy tin yêu; hiểu biết chưa nhiều, giản đơn song thông minh một cách ngộ nghĩnh và tràn đầy ước mơ đẹp đẽ, tràn đầy khát vọng táo bạo.
Còn chúng ta ngày nay với ngọn lửa và niềm tin, niềm hy vọng bất diệt của Prométhée, với dũng khí và tài năng của Persée, Héraclès, Dédale, Thésée, và hơn nữa với trí tuệ của Oedipe, chúng ta sẽ tiếp tục sáng tạo ra những thành quả văn minh với một sức mạnh hiện thực phi thường. Chúng ta sẽ làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, không bằng trí tưởng tượng thần thoại mà bằng sức mạnh xã hội của Cách mạng Khoa học kỹ thuật. Chúng ta sẽ giải đáp và phải giải đáp đúng, giải đáp chiến thắng bất kỳ một câu hỏi nào, lời thách đố nào của con Sphinx-Lịch sử. Bởi vì lịch sử của nhân loại là một quá trình giải đáp liên tục những câu hỏi, những lời thách đố, những bài toán của lịch sử.
Ngày 19 tháng 4 năm 1982
NGUYỄN VĂN KHỎA
Toàn bộ danh từ phiên âm ở bản gốc của Nguyễn Văn Khỏa được thay thế bằng danh từ gốc trong tiếng Pháp.
Có tham khảo nội dung từ sách tái bản năm 2014 của NXB Văn Học liên kết xuất bản với Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, cùng nhiều nguồn tham khảo khác.
Ebook này không giống hệt với bất cứ bản sách in nào.
[1] Tiếng Hy Lạp logographe: người viết văn xuôi, cấu tạo từlogos và graphe: viết; khác với aède: ca sĩ.
[2] Félix Gaffiot, Dictionnaire illustré Latin-Français. Hachette Paris, cho biết logos đã từng được sử dụng với những ý nghĩa sau đây: 1) Ngôn từ, lời nói ba hoa, diễn văn vô ích, bài hát, lời nói tế nhị, thông minh, truyện ngụ ngôn; 2) Lý trí (raison).
[3] Theo P. Frutiger, sự phân biệt logos và mythos trong Platon không thật rạch ròi. Ở các tác phẩm Timée, luật pháp, ông sử dụng mythos với ý nghĩa: trình bày (exposé), lý thuyết (théorie), mệnh lệnh (prescription), cổ vũ (exhortation). Nhìn chung huyền thoại thấm đượm tính duy lý (rationalité) tới mức con người ta có thể lầm lẫn với tính biện chứng, nếu có thể nói như thế được... (P. Frutiger, Les Mythes de Platon. Aican, 130, p. 4, chuyển dẫn từ Pierre Brunei, Le Mythe de la métamorphose. Paris, 1974, p. 24).
[4] K. Marx, Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 312.
[5] A.F. Losev, Antichnaja mijologija vee istoricheskom razvtii.Uchpedgisz, Moskva, 1957, tr. 17-23. Losev chỉ ra hai quan hệ phức hợp: phức hợp thêm thắt (complexe d’interpolation) và phức hợp góp nhặt (complexe de compilation). Phức hợp góp nhặt dẫn tới phức hợp nguyên khối nghệ thuật (complexe de monolithe artistique).
[6] K. Marx, Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 312-314.
[7] Michelangelo Buonarroti (1475-1564), nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư danh tiếng người Ý, thời Phục hưng.
[8] Assyrie là một vương quốc thuộc nền văn minh Lưỡng Hà (Mésopotamie).
[9] André Bonnard, La civilisation grecque (D’Antigone à Socrate) 10/18, Chap II: Sculpter la pierre - Fondre le bronze. Paris, 1963. Có tham khảo thêm: P. Devambez, Le style grec (l’Esprit grec). Larousse, Paris p. 9-11.
[10] E. Faure, Histoire de l’Art Antique. Livre de poche, Paris. 1964, p. 205.
[11] André Bonnard, La civilisation grecque.
[12] Choéphores: những người thiếu nữ viếng mộ.
[13] Jacqueline de Romilly, L’évolution Pathétique d’Eschyle à Euripide. P.U.F. Paris.
[14] F. Engels - Chống Dühring, Chương IV: Lý luận về bạo lực. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1959, tr. 304.
[15] “Một tôn giáo tự nhiên rất mờ nhạt trong những tín ngưỡng dân gian, có thể lại còn khá thô thiển nữa, nhưng lại được những ca sĩ cũng như những nhà triết học khai thác ở những ngọn nguồn rất đỗi trong trẻo và rất đỗi thơ mộng. Khi những nhà thơ và nhà triết học tin rằng họ đấu tranh chống lại tôn giáo thì họ chỉ làm toát lên từ tôn giáo cái quan niệm duy lý về thế giới bị những biểu tượng tôn giáo bao phủ. Đúng là con người sợ thần thánh. Nhưng vì các vị thần giống con người nên các vị thần không đảo lộn được cuộc sống của những quan hệ bình thường và tự nhiên vốn gắn bó với cuộc sống của con người. Vị trí của nghề tư tế chẳng quan trọng là bao. Nước Hy Lạp có thể là nước duy nhất trong số những xứ sở cổ xưa mà ở đó đẳng cấp tăng lữ không sống tách biệt với nhân dân để thay mặt cho nhân dân trong nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère) như một lãnh vực dành riêng cho họ...” (Elie Faure, L’Art antique. p. 185).
[16] Ở Việt Nam chúng ta dường như cũng có hiện tượng tương tự. Nhiều khi ngày hội, ngày giỗ thường kèm theo những trò vui như đánh vật, bơi chải, thổi cơm thi, diễn chèo tuồng... Hội đền Hùng Giỗ Tổ, hội đền Kiếp Bạc, hội Phủ Giày, hội giỗ thành hoàng làng đều có những trò vui như thế. Ngay đến hội có tính chất Phật giáo như hội chùa Keo (Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định) cũng có phần hấp dẫn nhất là bơi chải. Hội Lim là hội thi hát.
[17] Những bức tượng ở chùa Tây Phương của chúng ta có thể là một ví dụ gần gũi. Nghệ sĩ giữ lại một số quy phạm của tôn giáo như tai to và dài, ngón tay dài... song đó chỉ là hình thức. Cảm xúc siêu thoát và khô cứng - công thức của tôn giáo - bị phá vỡ. Cảm xúc thẩm mỹ, hiện thực, trần thế đã lấn át cảm xúc tôn giáo. Chính vì lẽ đó nên trong số rất nhiều tượng thờ chùa chiền của chúng ta thì chỉ có tượng thờ ở chùa Tây Phương và một đôi nơi khác được coi là di sản nghệ thuật.
[18] Socrate (468-400 TCN), “... connais-toi, toi-même”.
[19] Bài hát ca ngợi, suy tôn các vị thần; tiếng Hy Lạp: hymno; còn dịch là bài ca tán mỹ. Ngày nay hymno là một bài ca trang trọng.
[20] Tiếng Pháp chant phallique: bài ca dương v*t. Tiếng Hy Lạp phallos: dương v*t.
[21] O. Freidenberg, Mif i literatura drevnosti. Izd. Nauka, M. 1978, tr. 12.
[22] Ératosthène de Cyrène. Cyrène là một đô thị ở bờ biển Bắc Phi gần Ai Cập, thuộc địa của Hy Lạp.
[23] Một đô thành xưa là thuộc địa của người Hy Lạp, sau là thủ đô của Đế quốc Đông La Mã (Le Bas-Empire). Từ thế kỷ III, Byzance dường như thay thế vai trò của Rome. Thế kỷ IV, Hoàng đế Constantin lên cầm quyền đã đổi tên Byzane thành Constantinople. Sau này người Turc (Thổ) đổi tên thành Istanbul. Hiện nay là thủ đô nước Thổ Nhĩ Kỳ.
[24] Évhémère, cuối tk. IV - đầu tk. III TCN. Lý thuyết của ông trở thành một trường phái gọi là évhémèrisme.
[25] Xem F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, Lời tựa lần xuất bản thứ tư. NXB Sự Thật, Hà Nội. 1961, tr 11-15.
[26] Có lẽ tác giả nhầm; Wilhelm Maximilian Wundt (1832-1920) là người Đức (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).
[27] Trong bài Những vấn đề lý thuyết folklore, N.I. Kravtsov đã nhấn mạnh: “Không nên để những nhược điểm che lấp những gì có giá trị trong các công trình của các nhà bác học trước cách mạng”, “... cần chú ý nghiên cứu một cách có phê phán những thành tựu khoa học của nước ngoài, kể cả các nước tư bản. Viết về những điều mà nước ngoài đã làm được về lý luận folklore là một việc làm bổ ích...” (Problemy Folklora. Izd Nauka,Moskva, 1975).
[28] Trong Lịch sử văn học và huyền thoại của Robert Weimann, một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Cộng hòa Dân chủ Đức, tác giả phân chia các loại lý thuyết huyền thoại thành bốn khuynh hướng chính: Huyền thoại và tượng trưng - Huyền thoại và nghi lễ - Huyền thoại và nguyên mẫu cổ (archéttypea) - Huyền thoại và cấu trúc. (Robert Vejman, Istorija literatury i niologija. Izd Progress, Moskva, 1975).
[29] M.I. Shakhnovich, Pervobytnaya mifologiya i filosofiya (Stanovleniye grecheskoy filosofii). L. 1971, s. 19.
[30] A. Tenase, Kultura i religja (dịch từ tiếng Rumani). Izd Politizdat, M. 1975.
[31] Roger Garaudy, Le Marxisme du XXe siècle. Paris, 1966.
[32] Cinquième biennale internationale de poésie: La Poésie et le Mythe, Knokke. 7 au 11 Septembre 1961... imprécision, ambivalence, sorte histoire flottante dont la signifiration change avec le temps... (trích trong tham luận của Roger Caillois, đại biểu của UNESCO).
[33] Xem tham luận của Marie-Madeleine Machet.
[34] Xem tham luận: Mythe, Póesie của Georges Cusdorf.
Tác giả Nguyễn Văn Khỏa (1932-1988) từng nhiều năm công tác tại bộ môn Văn học phương Tây, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu văn học của mình, một trong những công trình mà ông đã dành nhiều tâm sức biên soạn là Thần thoại Hy Lạp. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu từng đánh giá: “Trong khoảng năm mươi năm nữa, sẽ không có ai viết được quyển Thần thoại Hy Lạp hay như cuốn của anh Nguyễn Văn Khỏa”. Ngoài Thần thoại Hy Lạp, nhà giáo Nguyễn Văn Khỏa còn có nhiều công trình uy tín đã xuất bản:
- Anh hùng ca của Hômerơ, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1978.
- Từ điển văn học I và II (cùng nhiều tác giả), NXB Khoa học Xã hội, 1983 & 1984.
- Iliát (bút danh Huyền Kỳ), NXB Kim Đồng, 1986.
LỜI GIỚI THIỆU
Thần thoại Hy Lạp, một di sản văn hóa của nhân dân Hy Lạp, từ lâu đã trở thành một giá trị phổ biến vô cùng quý báu của gia tài văn hóa nhân loại. Thật vậy, hiếm có thần thoại của dân tộc nào trên thế giới lại luôn luôn được tái sinh như thần thoại Hy Lạp, lại luôn luôn có mặt trong đời sống hàng ngày như thần thoại Hy Lạp. Ngay trong thời cổ đại, thần thoại Hy Lạp đã “hóa thân” thành thần thoại La Mã. Sự chế biến này của nền văn hóa La Mã gần với nguyên mẫu như sao chép đến nỗi khoa thần thoại học hầu như không có sự phân biệt giữa những vị thần Hy Lạp được đổi tên Latinh với những vị thần Hy Lạp chính cống. Người ta vẫn thường dùng Jupiter (Latinh) đề chỉ Zeus (Hy Lạp), Vénus để chỉ Aphrodite, Minerve để chỉ Athéna, Mars để chỉ Ares và ngược lại. Nói như thế không có nghĩa là thần thoại La Mã chỉ là sự chế biến lại thần thoại Hy Lạp. Thần thoại La Mã cũng có một số sự tích, truyền thuyết về vị thần này, thần khác mang tính chất riêng biệt của mình. Nhưng nhìn chung cái vốn thần thoại gọi là đích thực La Mã ấy không lấy gì làm phong phú, đáng được liệt hạng.
Trong nền văn hóa nhân loại, từ những bức vẽ, bức tượng của các nghệ sĩ thời cổ đại, thời Phục Hưng, thế kỷ thứ XVII, XVIII, XIX và cả thế kỷ XX của chúng ta cho đến một tập khảo luận, một vở kịch, một cuốn truyện... đều đã khai thác đề tài, cốt truyện, nhân vật, sự việc trong thần thoại Hy Lạp. Trong văn chương, trên báo chí, những thành ngữ, điển tích từ thần thoại Hy Lạp được sử dụng phổ biến như một thứ tín hiệu quen thuộc (đương nhiên chúng ta vẫn chưa quen lắm với thứ tín hiệu này), nào Con ngựa thành Troie, Quả táo bất hòa, Chiếc giường Procuste, rồi Tai vua Midas, Thói Narcisse, Gã Satyre... Ấy là chưa kể tên các vì sao, chòm sao, đường phố, rạp hát, công viên, quảng trường, lâu đài, dinh thự, tên hàng hóa, vũ khí, con tàu vũ trụ... cũng lấy từ thần thoại Hy Lạp.
Đọc những tác phẩm của K. Marx, F. Engels, V.I. Lénine, chúng ta thường gặp những ẩn dụ, tỉ dụ bằng thần thoại Hy Lạp. Như vậy thần thoại Hy Lạp không phải là lĩnh vực chuyên môn hẹp của những nhà folklore học, thần thoại học, văn học phương Tây, mà là lãnh vực kiến thức phổ thông trong thế giới hiện đại. Thiếu vốn kiến thức phổ thông này là thiếu một phương tiện để hiểu biết. Tiếp xúc, đối thoại với nền văn hóa phương Tây mà không có vốn kiến thức phổ thông này thì quả là gặp khó khăn không ít. Làm sao lúc nào cũng có, cũng mang theo bên người một cuốn từ điển để tra cứu điển tích này, điển tích khác? Hơn nữa trong việc diễn đạt tư tưởng, một cách viết, một cách nói, việc biết sử dụng những ám dụ, tỉ dụ từ điển tích thần thoại càng làm cho tư tưởng mềm mại hơn, uyển chuyển hơn, duyên dáng hơn, dễ tiếp nhận hơn, nhất là đối với thế giới phương Tây.
***
Thần thoại, tiếng Hy Lạp cổ là Mythologia có nghĩa là một tập hợp, một tổng thể những chuyện kể dân gian truyền miệng với những nội dung mà ngày nay chúng ta coi là hoang đường, kỳ ảo, huyền hoặc. Mythologia được cấu tạo bởi hai từ: mythos vàlogos. Mythos là truyền thuyết, truyện cổ tích, ngày nay chúng ta dịch là huyền thoại. Logos là ngôn từ chuyện kể. Thật ra lúc đầu mythos mang nghĩa là ngôn từ, sau dần mới chuyển thành truyền thuyết, truyện cổ tích hoặc truyện ngụ ngôn. Còn logos lúc đầu mang nghĩa là lời nói xấu xa, nịnh hót, lời nói tinh quái, sau dần mới chuyển thành ngôn từ, lời nói chân chính, và cuối cùng mang nghĩa là lời nói của văn xuôi1 hoặc là học thuyết, khoa học. Trong ý nghĩa này, logos đối lập với mythos. Mythos là lời nói của thơ ca, truyền thuyết, truyện cổ tích, nghĩa là lời nói của ảo tưởng, hoang đường, không duy lý, không đáng tin cậy, lời nói chưa có trật tự, ổn định, rõ ràng, minh xác. Còn logos là lời nói của lý trí và chân lý, lời nói của sự ổn định, trật tự, xác thực, đáng tin cậy, lời nói thông minh về bản chất hoặc bản chất sự vật2. Quá trình chuyển nghĩa trên đây của mythos và logos diễn ra trong hoàn cảnh xã hội Hy Lạp từ chế độ công xã thị tộc chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Với logos, nước Hy Lạp bước vào thời kỳ triết học.
Mythologia, ngoài nghĩa là một tổng thể những mythos, sau được mang thêm một nghĩa nữa là khoa thần thoại học. Sự ra đời thuật ngữ mythologia trên cơ sở kết hợp, gắn liền mythos với logos, biểu lộ một khuynh hướng muốn kéo mythos lại gần với lý trí, chân lý. Bởi vì bản thân huyền thoại cũng có những chuyện chứa đựng chân lý, phản ảnh chân lý, có sự tham gia phần nào của lý trí như là mầm mống của tư duy lý luận. Bởi vì nếu đối lập một cách tuyệt đối mythos với logos thì vô hình trung đi tới chỗ phủ nhận toàn bộ vốn liếng kiến thức của tổ tiên. Mythologia ra đời lãnh nhiệm vụ điều chỉnh lại mối quan hệ đó. Vấn đề là phải trật tự hóa cái vô trật tự, hỗn độn của huyền thoại, tạo ra một sự hài hòa giữa truyền thống huyền thoại vốn mơ hồ, trái ngược, mâu thuẫn, tổ chức chúng lại thành từng hệ, từng khối cho rõ ràng. Trong quá trình ứng tác - biểu diễn, những nghệ nhân dân gian aède và rhapsode, đã từng làm công việc đó. Và khi nước Hy Lạp bước vào nền văn minh của chế độ chiếm hữu nô lệ với sự phân công lao động trí óc và lao động chân tay thì công việc đó chuyển vào tay những người trí thức, những người ghi chép, biên tập lại những chuyện huyền thoại mà tiếng Hy Lạp gọi là: mythographe. Như vậy, với logos, người Hy Lạp không đi đến việc loại trừ, phủ nhận mythos. Họ cảm nhận thấy rằng trong huyền thoại, có chứa đựng, ẩn giấu một ý nghĩa nào đó. Huyền thoại muốn nói lên, nhắn nhủ, khuyên bảo, giáo dục, giải thích cho con người một điều gì đó. Nhà triết học Platon, người đã trục xuất các nhà thơ ra khỏi tác phẩm Nước Cộng Hòa lý tưởng của mình, - nghĩa là trước hết coi những nghệ nhân dân gian cùng với gia tài thơ ca huyền thoại mà họ lưu truyền là vô ích, vô nghĩa - lại cũng là người sử dụng huyền thoại với ý nghĩa ám dụ, tượng trưng để minh chứng cho quan điểm triết học của mình3. Thật rõ ràng, một xã hội muốn tiến bước vào văn minh không thể không khẳng định vai trò của logos, nói theo danh từ hiện đại là tư duy lý luận. Đảy là một xu thế tất yếu của tiến trình lịch sử. Nhưng cũng rõ ràng hơn, không phải nền văn minh nhân loại chỉ là tư duy lý luận, chỉ cần đến tư duy lý luận là đủ.
Căn cứ vào sự khảo chứng nói trên của những nhà Hy-Lạp-học, chúng ta có thể rút ra một kết luận: Mythologia trước hết là sự xác nhận giá trị và ý nghĩa của huyền thoại trong đời sống văn hóa của người Hy Lạp. Đương nhiên, giá trị của huyền thoại như thế nào, đến mức nào, vị trí của nó trong đời sống tinh thần tư tưởng ra sao, lại là một vấn đề khác, một vấn đề không phải chỉ đặt ra trong quá trình phát triển của xã hội cổ đại mà còn đặt ra cả với thời hiện đại của chúng ta, một vấn đề đã từng gây nên - và hiện nay vẫn đang gây nên - những cuộc tranh luận, bút chiến sôi nổi, và hiện vẫn đang thu hút tâm trí của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới.
***
Thần thoại, tư duy thần thoại là một hiện tượng mang tính lịch sử - cụ thể như nhiều hiện tượng khác trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Tư duy thần thoại là sản phẩm (đúng hơn, vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả) của một trình độ sản xuất hết mức thấp kém, một trình độ hiểu biết và khống chế những lực lượng tự nhiên hết sức thấp kém của xã hội công xã thị tộc. Những người nguyên thủy, trong khi giải thích, “khắc phục”, khống chế và tạo thành các lực lượng của tự nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng4, đã di chuyển chủ nghĩa tập thể thô thiển, chặt chẽ, không chia cắt được của mình vào tự nhiên. Chính sự nhận thức “thiên nhiên và toàn bộ thế giới” như là một cái gì đó để phổ biến của chủ nghĩa tập thể công xã thị tộc đã là nguồn gốc của thần thoại. Người nguyên thủy đã di chuyển những quan hệ công xã thị tộc vào tự nhiên, đồng hóa những quan hệ đó với tự nhiên trong một cách nhìn, một trí tưởng tượng, khái quát sinh động - nghĩa là không phải sự khái quát trừu tượng hóa bằng khái niệm mà bằng hình ảnh, hình tượng. Tự nhiên và toàn bộ thế giới được thần thoại hóa bằng những hình ảnh, hình tượng con người mang tính nết, tính cách của con người. Đó là quá trình mà chúng ta thường gọi là sinh động hóa tự nhiên bằng nhân hình hóa và nhân cách hóa. Quá trình này diễn biến rất phức tạp và lâu dài.
Thần thoại Hy Lạp hình thành trong quãng thời gian lịch sử khá dài. Đó là một quá trình lịch sử từ thời kỳ nền văn minh Mycènes (2000-1100 TCN) đến những buổi thi biểu diễn, đọc, kể anh hùng ca của Homère trong những ngày hội Dionysos... Trong quá trình lịch sử khá dài đó, thần thoại Hy Lạp đã trải qua nhiều giai đoạn. Không kể đến những dấu vết của thần thoại Ấn, Âu nguyên thủy và thần thoại Crète, thần thoại Hy Lạp cho chúng ta biết nhiều nhất về nền văn minh Mycènes. Đọc thần thoại Hy Lạp chúng ta ghi nhận được nhiều chi tiết phù hợp, tương ứng với những dữ kiện khoa học do khảo cổ học và sử học cung cấp. Những nơi diễn ra những sự kiện quan trọng trong thần thoại đều là những địa điểm danh tiếng trong nền văn minh Mycènes: thành Mycènes, quê hương của vị chủ tướng Agamemnon, thành Tirynthe, quê hương của người anh hùng Héraclès, thành Thèbes có bảy cổng, quê hương của người anh hùng Oedipe với chiến công thanh trừ con quái vật Sphinx... Trong anh hùng ca của Homère thường nhắc đến thành “Mycènes đầy vàng” thì trong thực tế khai quật khảo cổ học ở khu vực này chưa từng có nơi nào người ta đào được nhiều vàng như ở Mycènes (14 kg, tính đến trước năm 1952). Thần thoại Hy Lạp đã phát triển từ những cơ sở huyền thoại thời kỳ mẫu quyền ở vùng Thessalie (Bắc Hy Lạp) sang thời kỳ phụ quyền với sự quần tụ huyền thoại quanh ngọn núi Olympe, từ những huyền thoại cổ Titan-Cyclopes sang huyền thoại có tính nghệ thuật: huyền thoại nhân hình, nhân tính, anh hùng. Trong thời kỳ chế độ công xã thị tộc tan rã, thần thoại, với tư cách là niềm tin ngây thơ, kết thúc số phận của mình và chuyển dần sang loại thần thoại triết học tự nhiên. Bước sang chế độ chiếm hữu nô lệ, với tư cách là những hình thức nghệ thuật, thần thoại đóng vai trò khá quan trọng trong việc phục vụ hệ tư tưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ (thời kỳ cổ điển), và cuối cùng suy tàn và tiêu vong theo thời cổ đại (thời kỳ Hy Lạp hóa, đế chế La Mã suy tàn). Sự hình thành thần thoại và phát triển thần thoại qua các giai đoạn kể trên diễn ra rất phức tạp. Đó là một quá trình phức hợp, từ chỗ là một hình ảnh, một hạt nhân huyền thoại thô sơ được mở rộng ra, bồi đắp vào, thêm thắt vào5, đến chỗ huyền thoại quần tụ lại thành một hệ (cycle) gắn bó với nhau bằng một sự kiện trung tâm. Vì thế, chắc chắn rằng những gì mà chúng ta lưu giữ được hiện nay về thần thoại Hy Lạp chỉ là một phần nhỏ và không phải là thần thoại Hy Lạp ở dạng thái cổ nhất. Trong quá trình phát triển, những lớp thần thoại cũ nhiều khi chỉ đóng vai trò tấm áo ngụy trang, một chiếc mặt nạ, để phục vụ cho sức sống của lớp huyền thoại mới (lớp Pasiphaé, Minotaure trong truyện người anh hùng Thésée).
Mặc dù bị mai một đi khá nhiều, gia tài huyền thoại Hy Lạp còn lại với chúng ta ngày nay vẫn là một di sản phong phú của kho tàng văn học nhân loại. Công lao lưu giữ gia tài thần thoại trước hết thuộc về những nghệ nhân dân gian aède, rhapsode. Những nghệ nhân dân gian này đã đóng vai trò sưu tầm và “nhuận sắc”, thậm chí có thể nói tái tạo huyền thoại trong quá trình biểu diễn... ứng tác lưu động. Nhưng điều may mắn hơn nữa, khi nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời, với sự ra đời của chữ viết, thần thoại Hy Lạp đã được ghi chép lại. Thần thoại Hy Lạp được ghi chép lại, nhưng không phải trong những bản kinh và sự hành lễ thuần túy tôn giáo, điều sẽ làm mất đi tính chất thế tục, hồn nhiên của thần thoại. Thần thoại Hy Lạp được ghi chép lại bằng một con đường khác: con đường biểu diễn văn học nghệ thuật. Đây là một sự tái tạo thần thoại bằng văn học nghệ thuật mà chữ viết chỉ đóng vai trò đầu tiên là phương tiện cho những người nghệ sĩ diễn đạt cảm xúc của mình (đối với hoạt động ứng tác, biểu diễn; trong trường hợp không biểu diễn, chữ viết không cần thiết), và cuối cũng là phương tiện ghi chép, lưu giữ. Tác phẩm nghệ thuật, dù thuộc loại hình nào, muốn tác động đến công chúng cũng phải thông qua hoạt động biểu diễn. Công chúng Hy Lạp xưa kia không ngồi ở nhà đọc anh hùng ca, đọc kịch như chúng ta ngày nay. Ngay đến môn triết học khô khan, văn nghị luận (hùng biện) cứng rắn, đanh thép ở Hy Lạp xưa kia người ta cũng giảng và đọc ở quảng trường, ngã tư đường phố. Giấy và máy in chưa ra đời, việc phổ biến các tác phẩm văn hóa rất khó khăn. Chí một số ít người có điều kiện mới có thể đọc, “sách” được đọc trên những tấm da bò hoặc vỏ cây. Vì thế công chúng Hy Lạp xưa kia đi nghe các nghệ sĩ kể anh hùng ca, nghe đọc thơ, ngâm thơ, xem diễn kịch. Còn đối với nghệ thuật tạo hình thì chữ viết không có một ý nghĩa gì. Nó không phải là phương tiện diễn đạt cảm xúc của nhà điêu khắc. Thần thoại Hy Lạp được tái tạo bằng con đường văn học nghệ thuật, vì thế, như lời K. Marx nói, nó là “vật liệu của nghệ thuật Hy Lạp”, “kho tàng của nghệ thuật Hy Lạp”, “mảnh đất nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp”. Thần thoại Hy Lạp được văn học hóa, nghệ thuật hóa. Còn văn học nghệ thuật thì lại nảy sinh ra từ thần thoại, lại từ cái “mảnh đất nuôi dưỡng” mà cất tiếng ca, cất tiếng hát chào đời, mà lớn lên và trưởng thành. Văn học nghệ thuật cũng được thần thoại hóa, Nếu như trước kia trong thời kỳ công xã thị tộc, thần thoại Hy Lạp trong trạng thái truyền miệng đã là “tự nhiên và các hình thái xã hội được trí tưởng tượng dân gian chế biến đi một cách nghệ thuật - không tự giác”6, thì giờ đây lại được trí tưởng tượng của cá nhân người nghệ sĩ chế biến đi một cách nghệ thuật - tự giác. Đó là con đường của thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp: hay nói cách khác, nói ngược lại, xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp - xã hội chiếm hữu nô lệ với cơ chế thành bang (polis) - đã mở đường, trải thảm đỏ để mời thần thoại Hy Lạp từ thời đại dã man tiến bước vào nền văn minh cổ điển của mình. Tuy nhiên, nền văn minh cổ điển Hy Lạp sở dĩ được gọi là văn minh là do ở chỗ trước hết nó khẳng định vai trò của logos với thành tựu lớn nhất, tiêu biểu nhất của nó, là triết học; đánh dấu một bước tiến lớn về trình độ tư duy, về khả năng nhận thức khái quát, trừu tượng của con người bằng lý luận, bằng khái niệm.
Thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp bằng con đường văn học nghệ thuật. Những giá trị nhân văn vốn có của nó chẳng những không bị nhấn chìm trong những nguyên tắc chuẩn mẫu, những giáo điều của hệ tư tưởng tôn giáo, mà lại còn được con mắt của văn học nghệ thuật phát hiện ra và nâng cao lên. Điều đó giải thích cho chúng ta rõ vì sao thần thoại Hy Lạp được đánh giá là giàu tính nhân văn hơn một số thần thoại khác.
Thần thoại Hy Lạp đã đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp vào lúc tư tưởng triết học đã ra đời và phát triển. Ảnh hưởng của tư duy triết học đối với giới trí thức Hy Lạp là rất lớn. Đây là thời đại của logos. Chính vì lẽ đó chúng ta hiểu vì sao thần thoại Hy Lạp giàu tính duy lý, giàu tính triết học. Đọc những vở bi kịch Hy Lạp chúng ta thấy điều đó rất rõ. Những nhà viết bi kịch Hy Lạp mà chúng ta được biết qua tiểu sử đều là những người có học thức sâu rộng. Họ là những người có vốn hiểu biết ở trình độ cao nhất có thể có được ở xã hội Hy Lạp thời đó. Huyền thoại, qua sự tái tạo của họ, sinh động hẳn lên, giàu ý nghĩa hẳn lên. Kịch của họ viết chặt chẽ, hấp dẫn, cho đến ngày nay, từ bố cục đến đối thoại đối với chúng ta vẫn là những mẫu mực, những bài học quý báu. Điều đó cho phép chúng ta rút ra một kết luận: logos - tư duy lý luận, tư duy khái niệm, và mythos - tư duy cảm tính cụ thể, tư duy hình tượng, đã được kết hợp thống nhất, hài hòa để tạo nên những sản phẩm huy hoàng của thời cổ điển.
Trong nghệ thuật tạo hình, vấn đề lại càng rõ ràng hơn nữa. Một sự hiểu biết về xương cốt, cơ bắp con người để thể hiện được hình dáng, phong thái của thân thể con người mà quần áo che phủ bên ngoài chỉ để làm nổi bật lên vẻ đẹp, vẻ khỏe mạnh, uyển chuyển, duyên dáng, hấp dẫn của con người, một sự hiểu biết như thế chắc chắn không thể là một sự hiểu biết cảm tính - mythos. Một sự hiểu biết như thế chỉ có thể là kết quả của tư duy lý luận - logos. Tư duy này đã đúc kết, khái quát thành quy luật về sự cân xứng hài hòa, về tỷ lệ, sự chuyển động trong nghệ thuật tạo hình. Nhà Hy Lạp học André Bonnard đã có những nhận xét hết sức sâu sắc về nghệ thuật tạo hình thời kỳ cổ điển. Những nhận xét này cũng đồng thời soi sáng cho chúng ta về con đường đi độc đáo của thần thoại Hy Lạp.
“... Nghệ thuật Hy Lạp, từ những nguồn gốc của nó cho đến thời kỳ cổ điển thật ra là một quãng đường rất dài, đầy rẫy những trở ngại khác nhau. Những trở ngại khó khăn về kỹ thuật, đúng thế, là sự chuyển hóa (adaptation) của mắt và bàn tay, nhưng cũng còn những trở ngại khác; đó là những tín ngưỡng và những sự mê tín tin vào ma thuật của thời cổ đại còn chất đầy trong đầu óc người nghệ sĩ. Nhưng rồi, kết quả như lời Michelangelo7 nói:‘... Con người ta vẽ bằng óc chứ không vẽ bằng tay. Ai mà không có đầu óc tự do thì thật là xấu hổ...’ Chính là trong cuộc đấu tranh với những trở ngại đó mà nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm của mình. Mỗi lần anh ta vượt qua một trong những trở ngại đó là anh ta hoàn thành được một tác phẩm giá trị (...).
Thân hình người đàn ông và người đàn bà đương nhiên là sự thể hiện tốt nhất, đúng nhất hình ảnh các vị thần. Trong khi tạo ra các hình tượng như thế, người nghệ sĩ Hy Lạp đã ban cuộc sống cho những vị thần của nhân dân mình.
Những nhà điêu khắc tiến lên bằng quan điểm đó. Cũng với quan điểm đó, các nhà thơ đã tiến xa hơn họ, còn các vị học giả (savants) lại tiến chậm hơn. Các vị đang nghiên cứu tìm cách diễn đạt một số quy luật của tự nhiên. Những nhà điêu khắc cũng vậy, trong khi tạo ra các vị thần họ đã giải thích thế giới.
Vậy thì sự giải thích này là thế nào? Đó là sự giải thích thần thánh bằng con người. Không có một hình thức nào thể hiện đúng nhất sự thể hiện của thần thánh, sự hiện diện không trông thấy được và không bàn cãi được trong thế giới, bằng thân hình của người đàn ông và người đàn bà. Người Hy Lạp đã biết đến những bức tượng của nền văn minh Ai Cập và Assyrie8. Nhưng chưa bao giờ họ nghĩ tới việc diễn đạt thần linh bằng một người đàn bà đầu bò hay một người đàn ông đầu chó sói (chacal). Huyền thoại có thể vay mượn ở Ai Cập một số biện pháp ngôn ngữ nào đó, một số truyện kể và nhân vật nào đó (Thí dụ: Io, con bò cái bị con ruồi trâu châm đốt trong bi kịch Prométhée bị xiềng của Eschyle). Chiếc đục của nhà điêu khắc từ sớm đã lảng tránh những hình thù quái đản đó, ngoại trừ đối với những sinh vật rất gần với những sức mạnh tự nhiên như những Centaure trang trí dưới mái đền Parthénon thể hiện sự tiến công hung tợn của những người Dã Man. Thần, đấy là chàng trai này giản dị và trần truồng. Nữ thần, đó là người thiếu nữ kia ăn mặc đẹp đẽ và có khuôn mặt dễ thương (...).
Và đây là quy tắc (règle): Cái đẹp nhất thì ban cho các vị thần. Còn gì ở trên thế gian này đẹp hơn vẻ trần truồng của một chàng trai hay vẻ duyên dáng của một thiếu nữ ăn mặc lượt là? Đó là điều mà con người hiến dâng cho các vị thần, và đó cũng là cách con người nhìn thấy các vị thần...”9
Nhà nghệ thuật học Élie Faure gọi nền điêu khắc của thời kỳ cổ điển là nền điêu khắc triết lý (la sculpture philosophique)10. Và André Bonnard trong đoạn phân tích sau đây dường như đã giải thích cho chúng ta ý nghĩa triết lý đó:
“... Sự dũng cảm hiện lên trên vẻ bình thản của khuôn mặt. Sự bình thản này nhiều khi bị người ta coi như là một thiếu sót của kỹ thuật, lại là dấu hiệu của hiện tượng con người đã chế ngự được những dục vọng riêng tư của mình, là dấu hiệu của sức mạnh tâm hồn, của sự thanh thản hoàn toàn (la parfaite sérénité) mà xưa kia chỉ các vị thần mới có. Sự thanh thản cổ điển đáp lại nụ cười cổ xưa. Nụ cười này vốn thể hiện niềm vui ngây thơ được sống ở cõi đời này, ở một thời đại còn mang trong mình bao nhiêu gánh nặng của những cuộc đấu tranh và là một thời đại chiến đấu, còn vẻ thanh thản thể hiện sự chế ngự của lý trí đối với dục vọng, và nó như sự hiến dâng của con người cho cộng đồng công dân duy nhất của mình.
Nhưng cái thời đại mới này cũng rất giàu tính người. Nó không phải chỉ hoàn toàn thấm nhuần tính chất thần linh. Thần thánh được nó thể hiện dưới hình dạng người thì ít nhưng con người được nó tán dương tới tầm thước của thần thánh thì lại nhiều hơn.
Không một bức tượng cổ điển nào mà ở đó con người lại không toát lên một niềm tự hào cao cả là đã hoàn thành trung thực cái chức năng con người của nó hay chức năng thần linh của nó.
Chủ nghĩa cổ điển Hy Lạp được xây dựng thành chủ nghĩa hiện thực đã gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa nhân văn. Nó là biểu hiện của một giai cấp đang lên - giai cấp đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh Hy Lạp-Perse (Ba Tư) bằng tinh thần anh dũng của mình, là biểu hiện của một giai cấp vừa thâu tóm lại trong tay những lợi ích xứng đáng với giá trị của nó. Chủ nghĩa cổ điển là thành quả của một cuộc chiến đấu và nó vẫn sẵn sàng chiến đấu...”11.
Những gì là ý nghĩa triết lý của nghệ thuật tạo hình Hy Lạp thì trong một mức độ nhất định nào đấy cũng đồng thời là của văn học Hy Lạp. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu ví những vở bi kịch của Sophocle đẹp như những bức tượng cổ điển.
Thần thoại Hy Lạp bằng con đường văn học nghệ thuật đi vào thời kỳ cổ điển đến lượt mình được trả ơn xứng đáng: văn học nghệ thuật của thời kỳ cổ điển cũng đã nuôi dưỡng trở lại thần thoại Hy Lạp bằng tư tưởng nhân văn, bằng ý nghĩa triết lý, bằng tính chất duy lý, bằng hình thức biểu diễn.
Hầu hết những câu chuyện thần thoại còn lại với chúng ta ngày nay đều do những nhà thơ, nhà viết kịch kể lại, sau này là các mythographe. Quá trình kể lại cũng đồng thời là quá trình sắp xếp, biên soạn lại, tái tạo theo một khuynh hướng nào đó. Cùng một câu chuyện về thần Prométhée lấy cắp ngọn lửa trên thiên đình đem xuống cho loài người, nhưng trong thơ ca của Hésiode kể khác, trong bi kịch của Eschyle kể khác. Cùng một câu chuyện Oreste giết mẹ để trả thù cho bố, nhưng vởChoéphores12 của Eschyle khác với vở Électre của Sophocle, và cả hai đều khác vở Électre của Euripide13. Ở một số quốc gia phương Đông, thần thoại không phát triển theo con đường của thần thoại Hy Lạp, nghĩa là nó không được các nhà thơ như Homère, Hésiode, các nhà viết kịch như Eschyle, Sophocle, Euripide kể lại, tái tạo lại. Nó bị những nhà thần học và những người biên soạn nghi lễ tôn giáo (ritualiste) xây dựng lại và giải thích lại. Và khi thần thoại đã bị biến thành một yếu tố cấu thành của hệ tư tưởng tôn giáo thì nó phải tuân theo những quy tắc chuẩn mẫu, những khuôn phép của tôn giáo. Những yếu tố thế tục, hồn nhiên, cái chất người phàm tục và cao thượng, anh hùng và hèn nhát, dễ hiểu, đáng yêu, đáng giận, vốn gần gũi với cuộc sống, vốn là cuộc sống trong thần thoại, bị thanh lọc đi, bị “đưa ra ngoài biên chế” của tôn giáo. Tôn giáo chỉ giữ lại sự sợ hãi, sự khiếp nhược và sự cam chịu khuất phục của con người trước thần thánh. Nó chỉ cần ở con người lòng tin mù quáng, và sức mạnh vạn năng của thần thánh có thể ban phước, giáng họa, điều khiển thế gian và vận mệnh con người một cách tuyệt đối. Còn thần thánh trong tôn giáo thì cũng mất đi tính chất người và những cuộc can thiệp tự do, phóng túng vào cuộc sống của loài người; những cuộc can thiệp “sai nguyên tắc” của tôn giáo làm ảnh hưởng đến tính chất thiêng liêng, cao cả và tuyệt đối phải kính trọng đối với thần thánh. Huyền thoại bị tôn giáo đồng hóa, bị hòa vào tôn giáo. Huyền thoại Hy Lạp may mắn hơn, không bị rơi vào cái tai họa đó. Huyền thoại Hy Lạp được văn học nghệ thuật đồng hóa, được hòa vào trong văn học nghệ thuật.
Nhưng ở Hy Lạp cổ đại cũng có tôn giáo và trong một thời gian khá dài, tôn giáo của người Hy Lạp là đa thần giáo-thần thoại, vậy thì tôn giáo này có ảnh hưởng gì, tác động gì đến thần thoại? Tôn giáo Hy Lạp hình thành trong một hoàn cảnh khác biệt với các xã hội phương Đông cổ đại. Ở vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Ấn Độ, những công xã nông thôn không trải qua một quá trình tan rã phân hóa như ở xã hội Hy Lạp. Vì thế những quan hệ cộng đồng thị tộc, bộ lạc được duy trì, bảo tồn qua nhiều năm. Hình thái tôn giáo tôtem của thời kỳ công xã thị tộc do đó được lưu giữ dai dẳng. Những bức tượng của người đàn bà-sư tử, đàn ông-bò mộng, v.v. là thể hiện quan điểm tôtem giáo chuyển hóa, đồng hóa với những quan hệ thị tộc đối với thế giới bên ngoài (động vật, thực vật), nghĩa là tập thể thị tộc, bộ lạc được vật hình hóa bằng hình ảnh một con vật nào đó, còn con vật đó thì lại được nhân hình hóa, nhân tính hóa như một thành viên của tập thể thị tộc, bộ lạc. Những công xã nông thôn ở Hy Lạp trải qua một quá trình đổ vỡ từ bên trong. Ruộng đất bị tư hữu hóa. Quá trình tư hữu hóa ruộng đất cũng là quá trình giải phóng những quan hệ cộng đồng nguyên thủy, quá trình giải phóng những thành viên của thị tộc khỏi những ràng buộc của chủ nghĩa tập thể tự phát thô thiển của thời đại dã man - có nghĩa là con người được lịch sử cắt đứt cuống nhau nối liền với công xã thị tộc, bộ lạc. F. Engels đã nhận xét: “Chỉ nơi nào mà các công xã đó đã tan rã thì nhân dân mới tiến bộ, và sự tiến bộ đầu tiên của họ về kinh tế là ở chỗ tăng gia và phát triển sản xuất bằng lao động theo kiểu nô lệ...”14
Thần thoại Hy Lạp hình thành trong một bối cảnh xã hội như thế (Đúng hơn, chính xác hơn, ta phải nói tôn giáo này đã chuyển biến vì những nguyên nhân kinh tế, xã hội như thế). Vì lẽ đó, những tàn dư tôtem giáo còn lại không nhiều trong thần thoại và bị chế biến đi, trong khi đó chất người lại nhiều hơn, phong phú hơn thành một thứ tôn giáo giàu tính thế tục và thẩm mỹ, nếu có thể nói như thế được. Hơn nữa, và đây là điều đặc biệt, tôn giáo này chấp nhận tự do tư tưởng, không thù địch với tự do tư tưởng. Không có những giáo điều nghiêm ngặt, không có đẳng cấp tăng lữ với quyền hành thao túng tạo nên một thứ giáo hội như một nhà nước, một thứ chính quyền của chính quyền, đứng trên chính quyền, có tòa án xét xử những người vi phạm vào những điều ngăn cấm và đức tin tôn giáo15. Nhà triết học Xénophane (khoảng 385-473 TCN) có nói: “... Nếu loài vật cũng giống như con người thì ngựa đã quan niệm thần thánh như hình ảnh con ngựa, bò đã hình dung đấng bất tử như hình ảnh của bò”, cũng như Démocrite (thế kỷ V TCN) có thể truyền bá thuyết nguyên tử của mình mà không bị xử tử bằng hình phạt ném đá. Nói như thế không có nghĩa là trong thời kỳ đó không xảy ra một vụ án tự do tư tưởng nào, một vụ án tôn giáo nào, và tôn giáo-thần thoại không biểu hiện sự phẫn nộ đối với một số trường hợp nào đó. Tất nhiên là có, song rất ít, không phổ biến. Các nhà thơ, nghệ sĩ có thể khai thác, cải biên thần thoại một cách tự do mà không bị trừng phạt. Ở Hy Lạp xưa kia có một số trung tâm tôn giáo với những đền thờ lớn như Dodone, Olympe, Delphes, Délos... Những người Hy Lạp, kể cả những nhà cầm quyền tối cao, thường tới những nơi này để xin những lời chỉ dẫn cho hành động của mình, xin những lời tiên báo cho tương lai của đô thị mình, sự nghiệp mình. Nhưng điều rất thú vị là ngay những trung tâm tôn giáo ấy lại là nơi hội tụ không phải chỉ của những tín đồ ngoan đạo mà còn là nơi hội tụ của các lực sĩ Hy Lạp, nghệ sĩ Hy Lạp, văn võ anh tài. Ngày hội lễ tôn giáo cũng đồng thời là ngày thi đấu thể dục thể thao, thi biểu diễn nghệ thuật (Hội Olympiques: thi thể dục thể thao, Hội Đionysos: thi diễn kịch). Tôn giáo-thần thoại ở Hy Lạp gắn bó với những lễ nghi, lễ thờ cúng giàu tính chất thế tục, nhân văn và thẩm mỹ như vậy16.
Ở Hy Lạp từ thần thoại cho đến tôn giáo đều không có những chuẩn mực, quy phạm. Chính quyền và những người làm nghề tôn giáo không quy định, cố định hóa tôn giáo-thần thoại thành những văn bản chuẩn mẫu. Tôn giáo-thần thoại và văn học, nghệ thuật-thần thoại cùng “tồn tại hòa bình”. Những bức tượng các vị thần đặt ở đền miếu trang nghiêm để thờ cũng là do những nghệ sĩ sáng tạo, là kết quả của một cá tính sáng tạo tự do, của một cảm xúc chân thực, nồng nàn, phóng khoáng chứ không phải là kết quả của cảm xúc tiên định, siêu hình, phi cá thể của tôn giáo. Nó không bị quy định bởi những chuẩn mẫu, khuôn phép, công thức như phong cách của những bức tượng thờ của Thiên Chúa giáo hay Phật giáo sau này. Nó đa dạng, sinh động, tươi tắn, lạc quan chứ không rầu rĩ, đau khổ, ưu tư, siêu thoát17. Và cũng thật là thú vị khi ở đền Delphes, người ta vẫn thấy khắc câu châm ngôn đầy tính triết lý-đạo đức của nhà triết học Socrate ở đầu hồi: “... Hãy hiểu biết ngay bản thân mình...”18. Còn đền thờ ở khu vực Olympe thì đúng là một cung văn hóa. Ngoài tượng thờ còn có tượng của các lực sĩ đã đoạt giải vô địch trong các kỳ hội Olympiques.
Một đặc điểm nữa của tôn giáo-thần thoại Hy Lạp là ở mối quan hệ trực tiếp của nó với văn học nghệ thuật. Nó chứa đựng trong bản thân mình một thế giới folklore nhiều đến nỗi ta thật khó tách biệt rạch ròi đâu là folklore (văn hóa dân gian), đâu là tôn giáo. Đúng hơn ta phải nói rằng nó cũng là một hình thái folklore.
Tôn giáo-thần thoại không áp đặt đề tài cho văn học nghệ thuật, không ép buộc văn học nghệ thuật phải minh họa cho hệ tư tưởng của mình, có nghĩa văn học nghệ thuật không bị biến thành đầy tớ, nô lệ ngoan ngoãn của thần học mà mất đi tính độc lập của bản thân mình, điều mà chúng ta sẽ thấy diễn ra ngược lại sau này trong thời trung cổ Thiên Chúa giáo: thần học là thống soái, mọi khoa học đều là đầy tớ, là nô lệ của thần học. Như quả đất xoay quanh mặt trời nhưng đồng thời lại xoay quanh mình nó, văn học nghệ thuật Hy Lạp, trong khi phục vụ cho hệ tư tưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ, vẫn đảm bảo được sự phát triển của bản thân mình với tư cách một khoa học độc lập. Chính vì lẽ đó mà sân khấu Hy Lạp, nghệ thuật tạo hình Hy Lạp, cũng như nhiều ngành khác của gia tài văn hóa cổ đại, mới sáng tạo ra được những giá trị bất diệt và mãi mãi là tài sản vô giá của nhân loại. Tôn giáo-thần thoại không áp đặt đề tài cho văn học nghệ thuật, nhưng trong nhiều trường hợp, ở một chừng mực nào đó cấu thành chính ngay loại hình văn học. Thể thơ Hymno có nguồn gốc từ bài ca nghi lễ19. Bi kịch ra đời từ hội đồng ca thờ cúng thần Rượu Nho Dionysos với bài ca Dithyrambe. Hài kịch Hy Lạp ra đời từ đám rước thần Rượu Nho Dionysos với bài ca Phallique20. Giống như thể dục thể thao là một thành tố trong nghi thức thờ cúng ở hội Olympe, văn học nghệ thuật trong nhiều trường hợp cùng là thành tố trong nghi thức thờ cúng các vị thần. Như vậy đối với văn học nghệ thuật, tôn giáo-thần thoại Hy Lạp đóng vai trò tạo dựng cấu thành các loại hình văn học21.
***
Các nhà nghiên cứu chia gia tài tư liệu gốc về thần thoại Hy Lạp ra làm hai loại. Loại thứ nhất là nguồn tư liệu ở tác phẩm văn học (sources littéraires): các bản anh hùng ca, trường ca, thơ, kịch thơ. Loại thứ hai là nguồn tư liệu ở tác phẩm biên khảo (sources érudites) gồm các tác phẩm sưu tầm, biên soạn, bình luận, khảo chứng viết bằng văn xuôi.
Anh hùng ca Homère (Iliade và Odyssée) là tác phẩm văn học cổ nhất ra đời vào quãng thế kỷ IX - VIII TCN, tiếp đó là Thần Hệ (Théogonie) của Hésiode quãng thế kỷ VII TCN, những bài Hymne kiểu Homère (Les Hymnes Homériques) thế kỷ VII-VI TCN. Gia tài bi kịch Hy Lạp mặc dù mất đi khá nhiều nhưng hơn ba mươi vở kịch thơ còn lại cũng là một nguồn tư liệu khá phong phú trong quãng thế kỷ V-IV TCN. Thế kỷ II TCN còn để lại một bản trường ca toàn vẹn: Những người thủy thủ của con tàu Argo (Les Argonauteses) của Apollonios thành Rhodes. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác nữa mà chúng ta không thể liệt kê ra đây được.
Nền văn học La Mã cung cấp cho chúng ta hai tác phẩm quan trọng đều ở vào thế kỷ I TCN. Bản anh hùng ca Énéide của Virgile có một quyển (khúc ca) kể lại sự sụp đổ của thành Troie. Trường ca Biến hóa (Les Métamorphoses) của Ovide kể lại nhiều huyền thoại truyền thuyết. Đây là một tác phẩm được đánh giá rất cao về sự phong phú của nội dung, và đặc biệt là quan điểm tiến bộ của việc viết lại huyền thoại. Một tác phẩm quan trọng nữa của nền văn học La Mã nhưng ở vào thế kỷ II là tập Biến hóa của Apulée. Đó là những tác phẩm chính.
Về nguồn tư liệu biên khảo, những tác phẩm sớm nhất là của Hécatée, Acousilaos thành Argos, Phérécyde thành Athènes và Hérodote. Những tác phẩm này ra đời vào quãng thời gian từ cuối thế kỷ VI-V TCN, phần lớn chúng đều bị thất lạc, hiện nay chỉ còn lưu giữ được những đoạn rời rạc. Thế kỷ III TCN, Ératosthène thành Cyrène22 viết cuốn Biến thành các ngôi sao(tiếng Hy Lạp: Katasterimoi) ghi chép lại chuyện các anh hùng sau khi chết được thần thánh biến thành những ngôi sao. Cũng từ thế kỷ III TCN ra đời các bản sưu tầm, (collections), thực chất là các bản tóm tắt những huyền thoại mà cho đến nay chúng ta còn lưu giữ được chút ít. Đầu thế kỷ II TCN, Nicandre, một nhà văn La Mã, trong một tuyển tập văn xuôi mang tênBiến hóa (Métamorphoses) đã ghi lại nhiều chuyện thần thoại! Chính tác phẩm này đã là ngọn nguồn trực tiếp của tập trường ca Biến hóa của Ovide kể trên. Vào nửa sau thế kỷ II TCN ra đời cuốn Tủ sách (Bibliothèque) của Apollodore, một nhà ngữ văn học của thành Athènes. Cuốn Tủ sách biên tập lại các huyền thoại, truyền thuyết từ thủa khai thiên lập địa cho đến sau cuộc Chiến tranh Troie, chia các huyền thoại ra thành từng hệ lớn. Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm này không phải đích thực của Apollodore mà có lẽ của một tác giả nào đó ở vào thế kỷ I viết lại theo một bản tóm tắt nào đó. Thần thoại trong tác phẩm này chỉ còn là một xác ướp khô quắt, lạnh ngắt. Nhìn chung khuynh hướng của những người ghi chép, biên tập lại huyền thoại (mythographe) là muốn dựng lại huyền thoại theo một trật tự thống nhất, muốn cố định hóa huyền thoại và chuẩn mẫu hóa huyền thoại. Song công việc của họ không thành tác phẩm quý nhất đối với khoa thần thoại. Miêu tả nước Hy Lạp (Description de la Grèce) của Pausanias viết vào nửa đầu thế kỷ II TCN. Giá trị tư liệu của cuốn sách rất lớn. Nhiều truyền thuyết địa phương được ghi lại cho chúng ta một bức tranh trung thực về folklore về các biến thể của nó. Tuy còn nhiều địa phương ở Hy Lạp mà tác phẩm không nói đến, song nhờ vào những bản bình luận, chú giải (scholies) của các nhà học giả thuộc nền văn học Byzance23 mà khoa thần thoại học có thể bổ sung nhiều điều cần biết.
Những tài liệu biên khảo (scholies) của hai học giả Johannès và Issaac Tzétzès cung cấp cho khoa học rất nhiều sự kiện, trong đó có một số thuộc vào thời kỳ khá cổ, cho nên rất quý. Đó là tóm tắt và lược thuật những nguồn tư liệu gốc của thần thoại Hy Lạp.
Những cuốn thần thoại Hy Lạp và từ điển thần thoại Hy Lạp mà chúng ta sử dụng của các nhà Hy Lạp học Pháp hoặc Xôviết, Anh... trong vốn sách của chúng ta đều biên khảo biên tập, phóng tác lại dựa trên những nguồn tư liệu gốc này.
Lịch sử những lý thuyết về huyền thoại chỉ thực sự bắt đầu từ thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ III TCN). Những cách giải thích này, khác với trước đó, đã đóng vai trò đặt vấn đề, thể nghiệm cho những lý thuyết sau này được xây dựng một cách có lập luận và có phương pháp hơn. Những nhà triết học của thời kỳ Hy Lạp hóa trong khi đánh giá những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết là sự thể hiện những quá trình lịch sử hoặc tự nhiên đã đặt ra vấn đề mới về tương quan giữa huyền thoại với thực tại. Nhìn chung, có thể tóm tắt những lý thuyết về huyền thoại trong thời kỳ cổ đại thành ba loại:
1 - Loại thứ nhất cho rằng huyền thoại là sự phản ánh những hiện tượng tự nhiên hoặc tinh thần, đạo đức bằng hình thức tượng trưng và ám dụ.
2 - Loại thứ hai cho rằng huyền thoại chỉ là sự tưởng tượng dông dài, tùy tiện, vô tích sự của các nhà thơ, hoặc chỉ là sự lừa bịp có ý thức của những người làm nghề tôn giáo, những viên tư tế.
3 - Loại thứ ba cho rằng huyền thoại là lịch sử của những nhân vật kiệt xuất từ thời cổ xưa sau khi được thần thánh hóa (lý thuyết của Évhémère)24. Sau này khi Thiên Chúa giáo ra đời, lý thuyết của Évhémère đã được Giáo Hội sử dụng để chống lại những dị giáo - đa thần.
Đối với những nhà triết học cổ đại, nhìn chung huyền thoại không được thừa nhận; các nhà duy vật đã đành, nhưng ngay đến cả những nhà triết học duy tâm tin vào việc có một nguyên lý tinh thần tồn tại bên ngoài thế giới vật chất, cũng gạt bỏ huyền thoại.
Thời Trung Cổ, Thiên Chúa giáo là hệ tư tưởng thống trị, huyền thoại Hy Lạp bị kết án, các vị thần Hy Lạp bị coi như là quỹ dữ, đối lập với vị thần đích thực, chân chính, duy nhất là Chúa Cứu Thế.
Thời đại Phục Hưng, với phong trào khôi phục lại gia tài văn học cổ đại, huyền thoại Hy Lạp trở thành một lãnh vực trí thức cần thiết đối với con người có học vấn của thời đại. Huyền thoại Hy Lạp một lần nữa trở thành vật liệu của văn học nghệ thuật, cung cấp cho các nhà văn, thơ, nhà kiến trúc, điêu khắc, hội họa một nguồn đề tài và cảm hứng vô tận để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà cho đến nay nhiều tác phẩm đã trở thành giá trị vĩnh cửu của nền văn minh nhân loại.
Không riêng gì huyền thoại cổ đại, huyền thoại Thiên Chúa giáo cũng trở thành một kho tàng vật liệu cho sáng tác văn học nghệ thuật. Tuy nhiên điều khác nhau là ở chỗ: huyền thoại Thiên Chúa giáo nằm trong đức tin nghiêm ngặt của tôn giáo, còn huyền thoại cổ đại nằm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Và hai huyền thoại vốn đối lập nhau về cơ bản này, vì lẽ đó, có thể cùng tồn tại trong hòa bình. Công cuộc nghiên cứu huyền thoại cổ đại chỉ đến thời đại này mới bắt đầu.
Lịch sử của việc nghiên cứu huyền thoại cũng như lịch sử các lý thuyết về thần thoại ghi nhận thế kỷ XVIII như thế kỷ có công lao đưa việc nghiên cứu thần thoại tiến lên một bước thực sự khoa học. châu Âu từ trước chỉ biết có thần thoại Hy Lạp, cho đến thời kỳ này đã mở rộng tầm mắt nhìn sang thần thoại Ai Cập, thần thoại các dân tộc ở phương Đông, ở châu Mỹ... và từ đó dẫn đến việc nghiên cứu so sánh thần thoại. Nhà triết học người Ý Giambattista Vico (1668-1744) là người đầu tiên đã có những kiến giải về huyền thoại theo quan điểm lịch sử. Ông chỉ ra rằng huyền thoại được hình thành trong sự cảm thụ trực giác của người nguyên thủy. Thần thánh chẳng qua chỉ là sự sợ hãi và ngu dốt của con người không giải thích được các hiện tượng của tự nhiên.
Chủ nghĩa duy lý trong thời đại Ánh sáng ở Pháp, từ kết luận của Vico, đã đi tới chỗ coi thần thoại như sản phẩm của sự ngu dốt và lừa dối, một thứ mê tín dị đoan lạc hậu và phản động [Bernard Le Bovier de Fontenelle (1657-1757), Francois Maria Arouet tức Voltaire (1694-1778), Denis Diderot (1713-1784), Charles-Louis de Secondat, tức Nam tước xứ La Brède và xứ Montesquieu (1689-1755),...], nhưng ngược lại, nhà thơ Anh James Macpherson (1736-1796), nhà văn và nhà triết học Đức Johann Gottfried de Herder (1744-1803) và khá nhiều nhà nghiên cứu khác coi thần thoại như là sự thể hiện tài năng sáng tạo và trí tuệ tuyệt vời của nhân dân. Ta không thể không nhắc đến vai trò của chủ nghĩa lãng mạn Đức đối với huyền thoại mà đặc điểm nổi bật là sự trân trọng đến mức lý tưởng hóa đối với những sáng tác dân gian. Chính ở Đức trong giai đoạn này đã tiến hành sưu tầm và xuất bản nhiều truyện cổ tích, truyền thuyết... Một trong những người cầm đầu chủ nghĩa lãng mạn Đức là Clemens Bretano (1778-1842) cùng với anh em Grimm [Wilhelm Garl Grimm (1786-1859) và Jacob Ludwig Garl Grimm (1785-1863)]... hình thành một tổ chức nghiên cứu lấy tên là “Trường phái thần thoại”. Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu của thế kỷ XVIII, đặc biệt là của trường phái thần thoại Đức, bước sang thế kỷ XIX nhiều lý thuyết thần thoại ra đời, biểu hiện những cố gắng của những nhà khoa học muốn đem ánh sáng của trí tuệ rọi chiếu vào lãnh vực phức tạp và huyền bí này.
Lý thuyết thần thoại khí tượng-mặt trời với những đại biểu là hai nhà thần thoại học người Đức: Adalbert Kuhn (1812-1881), Max Müller (1823-1900)... giải thích huyền thoại như là sự phản ánh ám dụ tượng trưng những hiện tượng thiên văn và khí tượng. Lý thuyết “thần thoại hạ cấp” mà đại biểu là W. Schwartz và W. Mannhardt... coi huyền thoại như là sự phản ánh bản thân những hiện tượng thông thường trong cuộc sống. Lý thuyết thần thoại-vật linh giáo coi thần thoại là biểu tượng của tâm hồn con người đối với thế giới tự nhiên. Đại biểu của lý thuyết này là nhà thần thoại học người Anh Edward Tylor (1832-1917), nhà triết học tiến hóa luận người Anh Herbert Spencer (1820-1903), Friedrich Lenger... Một lý thuyết được phát triển hết sức rộng rãi và thu hút được khá nhiều sự đồng tình của giới nghiên cứu là lý thuyết ngữ văn-lịch sử. Các nhà nghiên cứu theo trường phái này như Udơnơ, Mônlendơrphơ, V. Belinsky, Giebelep, L. Tolstoy... đã vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ văn học vào việc nghiên cứu huyền thoại. Nhìn chung những lý thuyết thần thoại nói trên xét về chi tiết và cục bộ có những điểm có thể chấp nhận được, nhưng xét về toàn bộ, về cơ bản thì những lý thuyết đó không đủ sức thuyết phục khoa học. Về lập trường, quan điểm, phương pháp nghiên cứu của những nhà khoa học thuộc các trường phái lý thuyết nói trên tuy có khác nhau nhưng lại có một quan điểm chung nhất giống nhau là tất cả đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của trào lưu triết học thực chứng hoặc xã hội học-thực chứng luận.
Một nhà nghiên cứu thần thoại trong thế kỷ XIX mà chúng ta không thể không nhắc đến là Bachofen, người Thụy Sĩ. Mặc dù ông chưa thoát khỏi quan điểm duy tâm thần bí coi tôn giáo như động lực quyết định tiến trình lịch sử thế giới như những kiến giải của ông về huyền thoại Oreste giết mẹ để trả thù cho cha và được xử trắng án như là một huyền thoại phản ánh cuộc đấu tranh thắng lợi của chế độ mẫu quyền là hoàn toàn xác đáng. Cách giải thích của ông đã gắn huyền thoại vào một bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể, một trình độ phát triển nào đó của lịch sử-xã hội nhân loại25.
Cống hiến có ý nghĩa lớn lao đối với lý thuyết huyền thoại là những ý kiến của K. Marx và F. Engels. Những ý kiến của Engels viết trong lời tựa cuốn Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước đã giải thích huyền thoại bằng quan điểm duy vật lịch sử và biện chứng. Những ý kiến của Marx trong cuốn Góp phần phê phán chính trị-kinh tế học đã nêu cho chúng ta thấy ý nghĩa lịch sử của huyền thoại: huyền thoại như một hình thái ý thức xã hội đã phản ánh thực tại (tự nhiên và xã hội) với tất cả bản chất năng động của ý thức con người. Marx chỉ ra rằng cái hay, cái đẹp, cái kỳ lạ, huyền diệu của thần thoại là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội trong đó có những điều kiện tất yếu đẻ ra huyền thoại. Đó là trình độ hết sức thấp kém của sản xuất, tri thức khiến cho con người sống gần như phụ thuộc vào tự nhiên, không giải thích được những hiện tượng tự nhiên và xã hội diễn ra trong đời sống hàng ngày. Và khi con người không có khả năng giải thích, khống chế những sức mạnh tự phát của tự nhiên và xã hội bằng năng lực thực tế, khoa học kỹ thuật, thì nó giải thích và khống chế những sức mạnh đó bằng những ảo tưởng thần thoại. Như vậy, Marx đã coi huyền thoại như “một hình thức chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh bằng trí tưởng tượng dân gian, bằng sự chế biến đi một cách nghệ thuật-không tự giác”. Những ý kiến đó của Marx là sự tiếp thu những thành tựu của những nhà nghiên cứu tiền bối hoặc cùng thời, từ anh em Grimm đến Morris, Schelling [Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775-1854): nhà triết học duy tâm người Đức], và nâng cao lên trên những quan điểm triết học của mình. Đương nhiên những ý kiến của Marx và Engels chỉ giải quyết một mặt nào đó rất cơ bản của huyền thoại chứ không phải là toàn diện và hệ thống, bởi vì, như chúng ta đã biết, hai ông không phải là những nhà folklore học hoặc dân tộc học.
Thế kỷ XX với những thành tựu lớn lao của những ngành khảo cổ học, dân tộc học, folklore học... đã tạo dựng nên một bức tranh hết sức phong phú và cực kỳ phức tạp của lý thuyết thần thoại. Những công trình nghiên cứu khổng lồ của nhiều nhà bác học trên thế giới đặt ra nhiều vấn đề mới. Trong số những nhà nghiên cứu nửa đầu thế kỷ XX, trước hết ta phải kể đến nhà folklore học người Anh James George Frazer (1854-1941). Ông viết một bộ sách gồm 12 tập mang tên Nhành lá vàng (Le Rameau d’or). Với công phu điều tra, sưu tầm tỉ mỉ, miêu tả cụ thể, bộ sách của ông trước hết là một kho tư liệu khổng lồ. Ông cho rằng ma thuật, tôn giáo và khoa học là ba giai đoạn kế tiếp nhau đóng vai trò làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển của thế giới quan con người. Huyền thoại, theo ông, cũng nằm trong hành động ma thuật. Thiếu sót lớn nhất của tác giả là đã nhìn nhận mọi hiện tượng không trên quan điểm lịch sử. Sự khảo sát của tác giả đã không phân biệt được các kiểu loại huyền thoại hình thành trong những xã hội khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Tiếp đến là những công trình nghiên cứu của Wilhelm Wundt, một nhà bác học Thụy Sĩ26. Ông tự đặt cho mình nhiệm vụ xây dựng một khoa học về “tâm lý các dân tộc”. Cống hiến của ông là đã nghiên cứu Hy Lạp với quan điểm tâm lý-xã hội học, chỉ ra sự liên hệ, gắn bó của huyền thoại với những xúc cảm trong đời sống, với những sự “kích động mạnh”. Ông coi huyền thoại như sự thể hiện những ảo tưởng vô thức của con người nguyên thủy. Đối lập với lý thuyết của Wundt là lý thuyết tư duy nguyên thủy của nhà dân tộc học người Pháp Lévy-Bruhl (1857-1939). Ông là môn đệ của trường phái xã hội học-thực chứng của nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim (1858-1917). Tiếp tục phát triển những kiến giải của Frazer và Wundt, Lévy-Bruhl nêu lên luận điểm: tư duy nguyên thủy là nguồn gốc của huyền thoại. Tư duy này có một quy luật đặc biệt là sự “cùng tham dự” (hiện diện). Nó là tư duy tiền logic, tư duy của tập thể người nguyên thủy. Về cuối đời ông từ bỏ quan điểm cho rằng tư duy nguyên thủy tiền logic là một trình độ phát triển tất yếu của lịch sử. Và ông đã bổ sung đính chính lại rằng tư duy nguyên thủy và tư duy logic cũng tồn tại đồng thời với nhau. Ảnh hưởng của Lévy-Bruhl trong nửa đầu thế kỷ XX rất lớn.
Một lý thuyết giải thích huyền thoại khá kỳ khôi là lý thuyết phân tâm học của nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud (1856-1939) và những môn đệ của Freud. Lý thuyết này giải thích những hiện tượng huyền thoại từ cơ sở tâm lý tiềm thức và cá nhân, trong đó những đòi hỏi của bản năng nhục dục là chủ yếu (Mặc cảm Oedipe - Le complexe d’Oedipe). Thật ra thì lý thuyết của Freud hoàn toàn bất lực trong việc giải thích huyền thoại, bởi vì nó phiến diện, và rõ ràng qua thực tiễn khảo sát nó không giải thích được điều gì hết. Lý thuyết của Freud tuy không thu hút được sự đồng tình của giới nghiên cứu nhưng trong lãnh vực sáng tác văn học nghệ thuật nó đã chiếm lĩnh được một vị trí khá đặc biệt ở phương Tây. Dường như lý thuyết này đã cung cấp một “cơ sở khoa học khách quan” cho những hành động dâm bạo, loạn luân và đủ thứ chuyện trong cái chuyện “làm tình” cũng như những hành động bạo lực, tàn nhẫn trong loại truyện tiểu thuyết và điện ảnh suy đồi ở phương Tây.
Nửa sau thế kỷ XX nổi lên lý thuyết cấu trúc-loại hình học thần thoại và người đề xướng là nhà bác học người Pháp Claude Lévi-Strauss (1908-2009). Ông coi huyền thoại như một trường hoạt động của những thao tác logic vô ý thức. Chúng ta cũng không thể không nhắc đến lý thuyết văn hóa-lịch sử mà người mở đầu là Bronisław Malinowski (1884-1942) và những người kế tục hiện nay là nhà nghiên cứu người Pháp Georges Dumézil (1898-1986).
Nhìn chung, những lý thuyết huyền thoại của nền khoa học tư sản đã có những cống hiến lớn lao về nhiều mặt27 song vẫn chưa có một lý thuyết nào giải thích và làm sáng tỏ được bản chất xã hội của huyền thoại.
Khoa thần thoại học, folklore, dân tộc học Xôviết vận dụng quan điểm và phương pháp duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của triết học Marxisme-Léninisme, tiếp thu những thành tựu của nền khoa học tư sản, đã cố gắng nghiên cứu, giải thích huyền thoại theo quan điểm lịch sử văn hóa bằng cách gắn liền sự nghiên cứu, giải thích đó với việc nghiên cứu, so sánh, phân tích theo quan điểm lịch sử thể loại tự sự trong nền văn hóa thế giới. Những công trình nghiên cứu của các nhà bác học Xôviết như A.F. Lossev, S.A. Tokarev, Iu.P. Frantsev, V.Ia. Propp, E.M. Meletinsky... đã có những cống hiến đúng đắn tích cực vào nền khoa học thế giới. Đối với khoa học folklore, thần thoại học còn non trẻ của chúng ta, những thành tựu của nền khoa học Xôviết là một chỗ dựa vững chắc để chúng ta có thể tiếp xúc với các đại dương mênh mông của các loại lý thuyết thần thoại28.
Thật ra vấn đề huvền thoại là gì? Đặc điểm và bản chất của tư duy huyền thoại cũng như ý nghĩa, nội dung phản ánh giải thích thế giới của huyền thoại vẫn đang là vấn đề lớn và hóc búa đối với các nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu M.I. Shakhnovich (Liên Xô cũ) tổng kết hiện có hơn 500 định nghĩa về huyền thoại29.
Còn nhà bác học Tenase, một chuyên gia lỗi lạc về lịch sử văn hóa, Viện trưởng Viện Triết học của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Rumani cho chúng ta biết: “... Huyền thoại là một hiện tượng văn hóa hết sức phức tạp, chính vì vậy rất khó có một nghĩa sao cho bao quát được mọi kiểu mẫu (type) và chức năng của huyền thoại trong tất cả các xã hội thượng cổ (công xã nguyên thủy) và xã hội truyền thống (phương thức sản xuất châu Á...)”30.
Chính vì lẽ đó nên ngày nay khái niệm huyền thoại cũng được sử dụng với tính đa nghĩa của nó. Khi thì huyền thoại được hiểu là một câu chuyện hoang đường, phi lý, không đúng với sự thật (huyền thoại về sức mạnh vô địch của không lực Hoa Kỳ), khi thì được hiểu là một chiến công kỳ diệu, một năng lực sáng tạo phi thường, phong phú, bay bổng, đa nghĩa, giàu sức tưởng tượng-biểu hiện (Hãy sáng tạo những huyền thoại mới trên đất nước chúng ta, thơ ca-huyền thoại, tiểu thuyết-huyền thoại, huyền thoại mới ở sông Đà...)
Vấn đề huyền thoại trong nửa đầu thế kỷ XX chỉ là vấn đề của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận folklore học, thần thoại học, dân tộc học nhưng bước sang nửa sau thế kỷ XX đã trở thành vấn đề lý luận mỹ học, lý luận sáng tác. Người đầu tiên đưa vấn đề huyền thoại vào lý luận sáng tác, mỹ học một cách ồn ào, nhiệt liệt là Garaudy, một nhà triết học người Pháp. Trong cuốn Chủ Nghĩa Marx Thế Kỷ XX31, Garaudy đề cao huyền thoại tới mức dường như là đỉnh cao, là thành quả tuyệt vời nhất của năng lực sáng tạo của nhân loại... Ông chỉ nhìn thấy ở huyền thoại, trong huyền thoại, chứa đựng những gì tốt đẹp nhất, tích cực nhất của trí tuệ loài người. Từ đó, ông kêu gọi phải sáng tạo huyền thoại, vì huyền thoại chẳng những phản ánh cái đã qua, cái hiện tại, mà còn tiên báo tương lai... Những ý kiến cúa Garaudy như vậy là đã thoát ly khỏi quan điểm lịch sử và xem xét vấn đề huyền thoại một cách phiến diện. Chúng ta có thể tiếp thu, học tập những gì gọi là tích cực, những biện pháp kỹ thuật có hiệu quả gây xúc động thẩm mỹ mạnh mẽ của huyền thoại, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta phải quay trở lại với tư duy huyền thoại và nền văn học của thế kỷ XX chỉ có thể đạt được những thành tựu vĩ đại khi nó đặt cho bản thân mình nhiệm vụ sáng tạo huyền thoại. Hơn nữa, trong thực tế không phải bất cứ câu chuyện huyền thoại nào cũng có giá trị tích cực và một sức khái quát, tượng trưng-biểu hiện như nhau...
Trong cuộc hội thảo quốc, tế tổ chức hai năm một lần, lần thứ năm về chủ đề thơ ca và huyền thoại tổ chức ở Knokke32, Vương quốc Bỉ 1961, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra tính chất mơ hồ, tính chất song nghĩa đối lập nhau của huyền thoại là một mảnh đất đặc biệt thuận lợi cho thơ ca. Nhưng đồng thời cũng có những nhà nghiên cứu đề cao huyền thoại quá mức như Garaudy, thậm chí còn hơn cả Garaudy33. Có một loại ý kiến coi huyền thoại như “người phát hiện ra những sức mạnh của nhân loại đã từng bị chèn ép”, và ngày nay “... đứng trước mối đe dọa của khoa học và kỹ thuật, những sự thất bại của nền văn minh đang bị giằng xé bởi lo âu và mâu thuẫn; (tất cả những điều đó) cho phép con người ta nghĩ rằng cái lý trí hay suy luận (la raison raisonnante) có thể cũng là một thói quen điên rồ khác và cũng là sự tha hóa nguy hiểm. Vì thế, con người đã bị hạ thấp xuống quá nhiều. Giờ đây cần phải để cho bản thân mình lắng nghe tiếng hát toát lên từ những cõi sâu thẳm, tiếng niệm thần chú (l’incantation) của những sức mạnh ẩn tàng khi bớt bận rộn và không lý thuyết dông dài nữa (verbiage...)”.
Thế là văn minh và khoa học kỹ thuật bị kết án như là một tai họa của loài người, đã tha hóa con người, hạ thấp con người. Và cách giải trừ tai họa ấy là quay về với huyền thoại, vì “tác phẩm của nhà thơ có thể xem như một sự chiêu hồn (évocation), một sự kiếm tìm lại cái mythos đã mất...”34
Một quan điểm như thế rõ ràng đối với chúng ta thật xa lạ, khó thu hút được sự đồng tình. Chúng ta tin ở nền văn minh nhân loại, chúng ta tin ở khoa học kỹ thuật và tương lai của nhân loại. Nếu như có một nền văn minh làm tha hóa con người, hạ thấp con người, một nền khoa học kỹ thuật đe dọa con người thì cách sửa chữa những tệ nạn, khuyết tật ấy của nó hẳn rằng phải nhắm ngay vào những quan hệ xã hội-kinh tế, quan hệ quyền lực-chính trị vốn là cơ sở của nền văn minh đó và nền khoa học kỹ thuật đó vốn đang điều hành nền văn minh đó và nền khoa học kỹ thuật đó... Kết tội cái lý trí hay suy luận của con người thật là oan uổng cho lý trí của con người. Con người đã là một động vật có lý trí thì làm sao nó lại không dùng lý trí của mình để tư duy, để suy luận! Còn nếu thơ ca quay về với huyền thoại, nghĩa là quay về với quá khứ để chiêu hồn, để tìm kiếm lại cái mythos đã mất thì chẳng những không chống lại được sự tha hóa con người, hạ thấp con người; không cứu vãn được nền văn minh, không ngăn ngừa được mối đe dọa của khoa học kỹ thuật... mà rút cục cũng không kiếm tìm lại được cái mythos đã mất, đúng hơn lại biến mình thành một thứ mythos!
Tai họa không phải ở ngọn lửa mà thần Prométhée đã ban cho loài người, ngọn lửa là ngọn nguồn của văn minh và khoa học kỹ thuật, ngọn lửa của tư duy và lý trí, ngọn lửa sinh ra niềm hy vọng luôn bập bùng cháy trong trái tim con người. Tai họa là ở những vị thần trong cõi trần điều hành nền văn minh ấy, nền khoa học ấy để chống lại loài người.
***
Ngày nay thời đại của niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại đã lùi vào quá khứ. Cung điện Olympe của thế giới thần thánh chắc hẳn đã phải dời đến một hành tinh xa xăm nào đó vì lẽ không chịu đựng nổi tiếng động cơ máy bay phản lực siêu âm. Nhưng chúng ta vẫn lưu giữ trân trọng tài sản thần thoại như lưu giữ một chiến công hiển hách của loài người trong tiến trình lịch sử. Chúng ta vẫn lưu giữ trân trọng gia tài thần thoại như lưu giữ một kỷ niệm sâu sắc và hào hùng, cao quý và đẹp đẽ của đời người cũng như một kỷ niệm vất vả, đắng cay, đau xót của đời người. Và chúng ta, nhân loại, vẫn tiếp bước tới tương lai ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta vẫn mang theo quá khứ của mình để tiến tới tương lai chứ không phải quay về quá khứ, quay về niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại để chinh phục tương lai, tương lai của thời đại tư duy khoa học và cách mạng. Nhiều ước mơ của con người xưa kia đã trở thành hiện thực. Biết bao chàng Dédale và Icare của thế kỷ XX đã đi đi, về về trong không gian bao la của vũ trụ khiến cho thần Zeus dù có nổi trận lôi đình, dồn mây mù sấm sét cũng không ngăn cản được. Nhân loại sống đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên trong đời sống của nhân loại lại nảy sinh ra những mối đe dọa khủng khiếp của một thứ “số mệnh mới” cùng với các vị thần mới, ma quỷ mới, bạo chúa mới tiêu diệt loài người, muốn xóa bỏ những thành tựu văn hóa, văn minh mà loài người phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ mới có được. Nhân loại vẫn đang đứng trước một câu hỏi, một lời thách đố của một con Sphinx, con Sphinx-Lịch sử. Chính vì lẽ đó nhân loại còn cần đến những Prométhée, Héraclès, Thésée, Oedipe... bởi vì nhân loại phải sống đấu tranh với Số mệnh để chiến thắng Số mệnh. Và để sống, chiến thắng thì không thể để mất Lòng tin và Hy vọng, không thể thiếu Mơ ước, hơn nữa lại càng phải biết yêu cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ thật sâu sắc để biết cái Ác, cái Dối trá, cái Ti tiện, cái Hèn nhát thật sâu sắc. Có thế mới chiến thắng được Số mệnh, Định mệnh. Chính vì lẽ đó thần thoại Hy Lạp vẫn rất đáng quý đối với chúng ta. Dường như nó vẫn đang hàng ngày hàng giờ nhắn nhủ loài người chúng ta; “Hãy sống nhân ái và cao thượng hơn nữa! Hãy sống tốt hơn nữa, đẹp hơn nữa, yêu công lý và trọng danh dự hơn nữa! Hãy lập chiến công vì dân vì nước nhiều hơn nữa! Hãy sống trung thực dũng cảm và hiểu biết hơn nữa!” Bởi vì thần thoại là nhân loại của tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng, ngây thơ vụng dại song tràn đầy tin yêu; hiểu biết chưa nhiều, giản đơn song thông minh một cách ngộ nghĩnh và tràn đầy ước mơ đẹp đẽ, tràn đầy khát vọng táo bạo.
Còn chúng ta ngày nay với ngọn lửa và niềm tin, niềm hy vọng bất diệt của Prométhée, với dũng khí và tài năng của Persée, Héraclès, Dédale, Thésée, và hơn nữa với trí tuệ của Oedipe, chúng ta sẽ tiếp tục sáng tạo ra những thành quả văn minh với một sức mạnh hiện thực phi thường. Chúng ta sẽ làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, không bằng trí tưởng tượng thần thoại mà bằng sức mạnh xã hội của Cách mạng Khoa học kỹ thuật. Chúng ta sẽ giải đáp và phải giải đáp đúng, giải đáp chiến thắng bất kỳ một câu hỏi nào, lời thách đố nào của con Sphinx-Lịch sử. Bởi vì lịch sử của nhân loại là một quá trình giải đáp liên tục những câu hỏi, những lời thách đố, những bài toán của lịch sử.
Ngày 19 tháng 4 năm 1982
NGUYỄN VĂN KHỎA
Toàn bộ danh từ phiên âm ở bản gốc của Nguyễn Văn Khỏa được thay thế bằng danh từ gốc trong tiếng Pháp.
Có tham khảo nội dung từ sách tái bản năm 2014 của NXB Văn Học liên kết xuất bản với Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, cùng nhiều nguồn tham khảo khác.
Ebook này không giống hệt với bất cứ bản sách in nào.
[1] Tiếng Hy Lạp logographe: người viết văn xuôi, cấu tạo từlogos và graphe: viết; khác với aède: ca sĩ.
[2] Félix Gaffiot, Dictionnaire illustré Latin-Français. Hachette Paris, cho biết logos đã từng được sử dụng với những ý nghĩa sau đây: 1) Ngôn từ, lời nói ba hoa, diễn văn vô ích, bài hát, lời nói tế nhị, thông minh, truyện ngụ ngôn; 2) Lý trí (raison).
[3] Theo P. Frutiger, sự phân biệt logos và mythos trong Platon không thật rạch ròi. Ở các tác phẩm Timée, luật pháp, ông sử dụng mythos với ý nghĩa: trình bày (exposé), lý thuyết (théorie), mệnh lệnh (prescription), cổ vũ (exhortation). Nhìn chung huyền thoại thấm đượm tính duy lý (rationalité) tới mức con người ta có thể lầm lẫn với tính biện chứng, nếu có thể nói như thế được... (P. Frutiger, Les Mythes de Platon. Aican, 130, p. 4, chuyển dẫn từ Pierre Brunei, Le Mythe de la métamorphose. Paris, 1974, p. 24).
[4] K. Marx, Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 312.
[5] A.F. Losev, Antichnaja mijologija vee istoricheskom razvtii.Uchpedgisz, Moskva, 1957, tr. 17-23. Losev chỉ ra hai quan hệ phức hợp: phức hợp thêm thắt (complexe d’interpolation) và phức hợp góp nhặt (complexe de compilation). Phức hợp góp nhặt dẫn tới phức hợp nguyên khối nghệ thuật (complexe de monolithe artistique).
[6] K. Marx, Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 312-314.
[7] Michelangelo Buonarroti (1475-1564), nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư danh tiếng người Ý, thời Phục hưng.
[8] Assyrie là một vương quốc thuộc nền văn minh Lưỡng Hà (Mésopotamie).
[9] André Bonnard, La civilisation grecque (D’Antigone à Socrate) 10/18, Chap II: Sculpter la pierre - Fondre le bronze. Paris, 1963. Có tham khảo thêm: P. Devambez, Le style grec (l’Esprit grec). Larousse, Paris p. 9-11.
[10] E. Faure, Histoire de l’Art Antique. Livre de poche, Paris. 1964, p. 205.
[11] André Bonnard, La civilisation grecque.
[12] Choéphores: những người thiếu nữ viếng mộ.
[13] Jacqueline de Romilly, L’évolution Pathétique d’Eschyle à Euripide. P.U.F. Paris.
[14] F. Engels - Chống Dühring, Chương IV: Lý luận về bạo lực. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1959, tr. 304.
[15] “Một tôn giáo tự nhiên rất mờ nhạt trong những tín ngưỡng dân gian, có thể lại còn khá thô thiển nữa, nhưng lại được những ca sĩ cũng như những nhà triết học khai thác ở những ngọn nguồn rất đỗi trong trẻo và rất đỗi thơ mộng. Khi những nhà thơ và nhà triết học tin rằng họ đấu tranh chống lại tôn giáo thì họ chỉ làm toát lên từ tôn giáo cái quan niệm duy lý về thế giới bị những biểu tượng tôn giáo bao phủ. Đúng là con người sợ thần thánh. Nhưng vì các vị thần giống con người nên các vị thần không đảo lộn được cuộc sống của những quan hệ bình thường và tự nhiên vốn gắn bó với cuộc sống của con người. Vị trí của nghề tư tế chẳng quan trọng là bao. Nước Hy Lạp có thể là nước duy nhất trong số những xứ sở cổ xưa mà ở đó đẳng cấp tăng lữ không sống tách biệt với nhân dân để thay mặt cho nhân dân trong nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère) như một lãnh vực dành riêng cho họ...” (Elie Faure, L’Art antique. p. 185).
[16] Ở Việt Nam chúng ta dường như cũng có hiện tượng tương tự. Nhiều khi ngày hội, ngày giỗ thường kèm theo những trò vui như đánh vật, bơi chải, thổi cơm thi, diễn chèo tuồng... Hội đền Hùng Giỗ Tổ, hội đền Kiếp Bạc, hội Phủ Giày, hội giỗ thành hoàng làng đều có những trò vui như thế. Ngay đến hội có tính chất Phật giáo như hội chùa Keo (Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định) cũng có phần hấp dẫn nhất là bơi chải. Hội Lim là hội thi hát.
[17] Những bức tượng ở chùa Tây Phương của chúng ta có thể là một ví dụ gần gũi. Nghệ sĩ giữ lại một số quy phạm của tôn giáo như tai to và dài, ngón tay dài... song đó chỉ là hình thức. Cảm xúc siêu thoát và khô cứng - công thức của tôn giáo - bị phá vỡ. Cảm xúc thẩm mỹ, hiện thực, trần thế đã lấn át cảm xúc tôn giáo. Chính vì lẽ đó nên trong số rất nhiều tượng thờ chùa chiền của chúng ta thì chỉ có tượng thờ ở chùa Tây Phương và một đôi nơi khác được coi là di sản nghệ thuật.
[18] Socrate (468-400 TCN), “... connais-toi, toi-même”.
[19] Bài hát ca ngợi, suy tôn các vị thần; tiếng Hy Lạp: hymno; còn dịch là bài ca tán mỹ. Ngày nay hymno là một bài ca trang trọng.
[20] Tiếng Pháp chant phallique: bài ca dương v*t. Tiếng Hy Lạp phallos: dương v*t.
[21] O. Freidenberg, Mif i literatura drevnosti. Izd. Nauka, M. 1978, tr. 12.
[22] Ératosthène de Cyrène. Cyrène là một đô thị ở bờ biển Bắc Phi gần Ai Cập, thuộc địa của Hy Lạp.
[23] Một đô thành xưa là thuộc địa của người Hy Lạp, sau là thủ đô của Đế quốc Đông La Mã (Le Bas-Empire). Từ thế kỷ III, Byzance dường như thay thế vai trò của Rome. Thế kỷ IV, Hoàng đế Constantin lên cầm quyền đã đổi tên Byzane thành Constantinople. Sau này người Turc (Thổ) đổi tên thành Istanbul. Hiện nay là thủ đô nước Thổ Nhĩ Kỳ.
[24] Évhémère, cuối tk. IV - đầu tk. III TCN. Lý thuyết của ông trở thành một trường phái gọi là évhémèrisme.
[25] Xem F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, Lời tựa lần xuất bản thứ tư. NXB Sự Thật, Hà Nội. 1961, tr 11-15.
[26] Có lẽ tác giả nhầm; Wilhelm Maximilian Wundt (1832-1920) là người Đức (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).
[27] Trong bài Những vấn đề lý thuyết folklore, N.I. Kravtsov đã nhấn mạnh: “Không nên để những nhược điểm che lấp những gì có giá trị trong các công trình của các nhà bác học trước cách mạng”, “... cần chú ý nghiên cứu một cách có phê phán những thành tựu khoa học của nước ngoài, kể cả các nước tư bản. Viết về những điều mà nước ngoài đã làm được về lý luận folklore là một việc làm bổ ích...” (Problemy Folklora. Izd Nauka,Moskva, 1975).
[28] Trong Lịch sử văn học và huyền thoại của Robert Weimann, một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Cộng hòa Dân chủ Đức, tác giả phân chia các loại lý thuyết huyền thoại thành bốn khuynh hướng chính: Huyền thoại và tượng trưng - Huyền thoại và nghi lễ - Huyền thoại và nguyên mẫu cổ (archéttypea) - Huyền thoại và cấu trúc. (Robert Vejman, Istorija literatury i niologija. Izd Progress, Moskva, 1975).
[29] M.I. Shakhnovich, Pervobytnaya mifologiya i filosofiya (Stanovleniye grecheskoy filosofii). L. 1971, s. 19.
[30] A. Tenase, Kultura i religja (dịch từ tiếng Rumani). Izd Politizdat, M. 1975.
[31] Roger Garaudy, Le Marxisme du XXe siècle. Paris, 1966.
[32] Cinquième biennale internationale de poésie: La Poésie et le Mythe, Knokke. 7 au 11 Septembre 1961... imprécision, ambivalence, sorte histoire flottante dont la signifiration change avec le temps... (trích trong tham luận của Roger Caillois, đại biểu của UNESCO).
[33] Xem tham luận của Marie-Madeleine Machet.
[34] Xem tham luận: Mythe, Póesie của Georges Cusdorf.
Danh sách chương