Chưa đến bảy giờ, Yến Vũ đã thức dậy. Anh dụi đôi mắt nhức xót, sờ bên cạnh giường. Không có ai, bà cụ đã dậy rồi. Anh rời khỏi phòng, thì nghe được âm thanh rì rầm lao thao, không ngờ là tiếng của nội và Văn Diên. Anh thoáng giật mình đi về hướng âm thanh, lại chứng kiến một cảnh tượng như thế này. Bà cụ đang dạy Văn Diên nhồi bột.

Đàn ông có sức khỏe, nhưng kỹ thuật thì chưa đến đâu, khối bột chưa ra hình dạng, còn khô ngói đầy kẽ nứt, chẳng khác gì đang nhào một cục hóa thạch. Yến Vũ có chút hoảng hốt, nhưng không lỗ mãng đi qua đó. Anh nghe bà cụ vừa chỉ vừa răn Văn Diên, bảo còn trẻ đừng hút nhiều thuốc lá như thế, không tốt cho sức khỏe.

Yến Vũ đứng ở góc quanh, nhìn Văn Diên cười gật đầu, tóc lòa xòa trên mặt dính toàn bột mì trắng, trông vừa ngốc nghếch lại nghiêm túc. Anh ngẫm nghĩ, rồi lại trở về phòng, leo lên giường nằm. Lần này không còn trằn trọc như hôm qua, anh ngủ một giấc vô cùng thoải mái. Lần kế tiếp thức dậy, là bà cụ gọi anh.

Bà cụ đeo một miếng ngọc bội lên cổ anh, giục anh mau dậy đi. Yến Vũ nhìn miếng ngọc bội, lập tức hiểu ra tại sao bà cụ phải dậy sớm đến vậy, tại sao lại bảo Văn Diên nhào bột. Anh rờ miếng ngọc, cảm giác lành lạnh, cũng chỉ có thời điểm đặc biệt thế này anh mới đeo nó. Bánh nhân thịt đã được sắp gọn ghẽ trong làn giỏ, phủ một tấm vải bố màu lam khói.

Yến Vũ thay bộ đồ tối màu, tìm thấy Văn Diên đang rửa tay trong nhà bếp. Yến Vũ im lặng rút tờ khăn giấy, đưa cho Văn Diên lau tay. Đầu ngón tay vừa chạm liền rời đi, anh nhìn Văn Diên lau tay, lại lau mặt, nhưng lại lau không đàng hoàng, vài giọt trượt xuống cằm. Yến Vũ thở dài, lại rút thêm vài tờ, giúp Văn Diên lau mặt, rồi sửa sang lại tóc tai dính bột mì của gã.

Văn Diên hơi cúi đầu, xuyên qua cặp mi dài, cánh mũi thẳng tắp, không hiểu sao Yến Vũ lại thấy được vài phần ngoan ngoãn. Tay anh dùng sức, ấn xuống rõ mạnh, vò tóc trong tay, áp lên xoáy tóc của Văn Diên, xoa nhẹ mấy cái. Không đợi Văn Diên nhấc mi lên nhìn anh, Yến Vũ lập tức lùi ra sau mấy bước, rời khỏi bếp.

Trong phòng khách, bà cụ đang ngồi chồm hổm trước tủ, lấy một cái túi nhựa màu đỏ, đựng tiền giấy vàng mã. Yến Vũ lấy một bình rượu Ngũ Lương trên đầu tủ, để chung vào giỏ đựng bánh. Văn Diên đeo balo từ trên lầu đi xuống, đã thay lại bộ đồ leo núi hôm qua. Văn Diên cung kính chào tạm biệt bà cụ, rồi khom người xuống ôm bà cụ một thoáng.

Không ngờ, bà cụ lại nói lời sét đánh, “Sao lại đi rồi, cháu nội, dẫn bạn cháu đi thay đồ đi.” Văn Diên và Yến Vũ ngơ ngác nhìn nhau, liếc nhau một cái. Yến Vũ thoáng do dự, mở lời, “Nội…” còn chưa kịp nói được gì, đã bị bà cụ cắt ngang, “Nhanh đi nhanh đi, đừng để lỡ giờ.”

Yến Vũ tìm trong tủ áo một hồi, chỉ có thể kiếm được một bộ áo sơ mi quần tây tương đối nghiêm trang, lưng quần tây đã giãn ra, Văn Diên mặc vào được. Thay đồ xong xuôi xuống lầu, bà cụ tiến đến, sửa sang lại quần áo cho Văn Diên, cười bảo đẹp lắm, Yến Vũ nhìn bà nội cầm cái vòng hạt gỗ, đeo lên tay Văn Diên. Anh ở bên cạnh, không can ngăn tiếng nào. Tấm lòng của bà cụ, cho dù chỉ là hiểu lầm mối quan hệ giữa anh và Văn Diên, anh cũng không đành lòng nói trắng ra.

Không khí buổi sớm rất thanh tân, nắng sáng tươi tắn, Yến Vũ một tay đỡ bà cụ, một tay xách đồ. Đi một hồi, bà cụ không khỏi đuối sức. Yến Vũ ngồi xổm xuống định cõng bà, thì lại bị bà cụ vỗ nhẹ lưng, đuổi anh qua một bên. Rồi bà cụ vẫy vẫy tay với Văn Diên, “Tiểu Văn, cháu đến đây, phiền cháu cõng bà lão này nhé.”

Văn Diên nãy giờ phụ xách đồ giật mình, phản ứng được rồi liền đi đến mấy bước, ngồi xổm trước mặt bà cụ, Yến Vũ kêu bà nội, toan nói vậy không ổn đâu, nào ngờ hai người kia chẳng ai ngó ngàng đến anh, một người muốn được cõng, một người nguyện ý cõng, hòa hòa thuận thuận, đi xa tít tắp, bỏ lại một mình anh sau lưng, vẻ mặt bất đắc dĩ.

Đích đến khá xa, cộng thêm đường núi gập ghềnh, Yến Vũ lo lắng thể lực Văn Diên không trụ vững, hai tay xách đồ, đi vội mấy bước đuổi theo, nhưng nhìn thấy hai người nọ rồi, anh bất giác đi chậm lại. Đó là một hình ảnh thế nào nhỉ, cơ thể Văn Diên như cây cao thẳng tắp, bà nội bé nhỏ nép lên người gã.

Bọn họ còn đang nhỏ to thầm thì, bà cụ cười, rút cái khăn nhỏ ra, lau màng tang Văn Diên. Yến Vũ đằng sau nhìn hai người họ, lòng thấy ấm áp dễ chịu, anh bỏ đồ xuống, làm một chuyện. Anh cũng chụp lén, chụp lại bóng lưng Văn Diên và bà nội, trên đường núi hẹp, dưới bóng cây xanh. Dưới đất là một chuỗi dấu chân, dẫn về hướng người anh trân trọng nhất.

Điểm đến có rất nhiều bia mộ, có lớn có nhỏ, nhưng vì không phải là tiết Thanh Minh, vắng bóng người, chỉ có từng tấm bia mộ cô tịch lặng lẽ đứng giữa những khoảnh đất khác nhau. Gió dường như thổi mạnh hơn, thốc qua những nhang nến vàng mã, tro đen cuốn theo chiều gió, bay lả tả trong không khí.

Bà cụ sai Yến Vũ đi ngắt hai nhành cây non, đến lúc anh hái xong quay lại, thì thấy bà cụ bảo Văn Diên rót rượu, sắp ra trước một ngôi mộ. Đó là mộ ông nội. Yến Vũ đi qua, thở dài quỳ bái, cắm một nhánh non trên mộ, rồi lấy một ít tiền giấy đè lên. Anh thấy Văn Diên đứng ở đó, bà cụ đang ngồi xổm trước ngôi mộ, bèn đi qua kéo Văn Diên, nói với bà cụ, “Con đi qua thăm ba.”

Bà cụ vuốt tấm bia đá, gật đầu. Hàng năm vào dịp này, bà cụ sẽ có rất nhiều lời, muốn tâm tình với ông nội. Yến Vũ muốn để bà cụ ở một mình với ông. Anh mang những thứ còn lại, cùng Văn Diên vòng qua một chỗ khác. Ngôi mộ này tương đối nhỏ, Yến Vũ bày đồ ăn ra từng món một, anh lui ra sau mấy bước, nhắm mắt chắp tay một lúc lâu, rồi mới chậm rãi khom vái ba lần.

Đến khi anh mở mắt ra, thì Văn Diên bên cạnh đang khom lưng, vẫn chưa đứng dậy. Yến Vũ lạy xong đứng dậy, đi lên rót rượu cho ba, Văn Diên bên cạnh lẳng lặng châm thuốc lá, thấy Yến Vũ nhìn gã, bèn nói khẽ, “Thầy thích hút thuốc.” Yến Vũ giật mình, rồi mới cười gượng lắc đầu, “Vậy à?” anh chưa từng biết điều đó.

Cha lúc nào cũng bộn bề công việc, bồi dưỡng nhân tài, vì học sinh cúc cung tận tụy, hiếm khi về nhà. Tuy Yến Vũ chẳng mấy lúc nhìn thấy ông, nhưng anh biết ông rất thương con mình, anh chưa từng ngửi thấy mùi thuốc lá, có lẽ lúc ba về nhà thì sẽ không hút, muốn làm một tấm gương tốt cho anh, không để anh hút thuốc lá thụ động. Anh nhớ dáng hình ba, nhưng lại không còn nhớ nổi giọng ông, càng không biết rằng, hóa ra ba cũng hút thuốc.

Sự hiểu biết của anh về ông, rất ít ỏi, có nhẽ… còn không nhiều bằng một học sinh như Văn Diên. Nghĩ vậy, nỗi day dứt trong lòng lại ứ đọng, Yến Vũ nặng nề thở hắt ra, anh lấy tiền giấy, rũ mắt châm lửa. Văn Diên ngồi xổm bên cạnh, chuyền tiền giấy qua cho anh. Yến Vũ trầm giọng cảm ơn, anh nên cảm ơn Văn Diên rất nhiều chuyện, cảm ơn Văn Diên đến tìm anh, cảm ơn Văn Diên thay anh cõng bà nội, thậm chí nên cảm ơn Văn Diên, vì đã châm cho ba anh một điếu thuốc.

Nhưng anh lại càng cảm thấy rằng, chuyện đáng lẽ không nên như vậy, Văn Diên không nên đến tìm anh. Hệt như hết thảy mọi bí mật yếu đuối của anh, đều bị người này biết cả. Với mối quan hệ của họ, vốn dĩ không nên biết nhau nhiều đến thế. Bạn tình vào đến nhà, là đã băng qua một lớp phòng ngự, huống hồ, còn là trong tình huống bất ngờ không kịp đề phòng, Văn Diên vượt qua hết tầng giới hạn này đến tầng giới hạn khác, băng thẳng đến trước mặt anh.

Ngay cả cơ hội để anh lùi ra sau cũng chẳng có, thế nhưng càng đáng buồn hơn khi phát hiện ra rằng, ngay cả mối quan hệ đôi bên, anh cũng không thể định nghĩa được. Nghĩ đến đây, Yến Vũ lại thở dài, mặt u ám. Anh thảy một tờ tiền giấy vào, lên tiếng, “Anh đừng hiểu nhầm.”

Văn Diên đang tập trung thả vàng mã vào trong chậu, nghe vậy thoáng nghi hoặc ngẩng lên. Vẻ mặt Yến Vũ có chút lạnh lùng, lãnh đạm nói, “Bà nội cho là chúng ta đang quen nhau, nên mới dẫn anh đến đây cúng bái. Anh đừng thấy khó chịu, coi như dỗ dành bà, diễn kịch với tôi. Bao giờ về, tôi đãi anh một bữa, bù đắp công khổ cực của anh.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện