Mạnh Tiểu Bắc sinh tại thung lũng phía Tây núi Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây. Lúc cậu sinh, trời đã nhá nhem tối, ráng chiều nhuốm đỏ cả sườn núi phủ dày những lớp đất sét vàng được bồi đắp nên từ vạn năm qua, những em bé vội vàng lùa dê trở về, tiếng dân ca (1) thê lương văng vẳng vang vọng khắp triền núi hòa cùng tiếng động cơ ầm ầm rền rĩ không dứt, phía xa chân trời lóe lên từng dải lụa ánh sáng chói đỏ rực rỡ.

1. Nguyên gốc là 秦腔 – Qinqiang hay Luantan là một vở opera dân gian Trung Quốc đại diện của tỉnh Tây An Thiểm Tây, Trung Quốc, nơi nó được gọi là Tần cách đây hàng ngàn năm. Những giai điệu của nó có nguồn gốc từ các vùng nông thôn cổ Thiểm Tây và Cam Túc (Theo Wiki)

Chiều tối ấy, mẹ cậu vẫn đang trực ca, ở trong phòng trực máy ngay tại cửa nhà xưởng nghe nốt cuộc điện thoại cuối cùng, bàn tay cầm máy nặng nề, bụng đau nhói, thì thào nói: “Chết mất thôi, chẳng lẽ sắp sinh rồi sao.”

Người đang điện phía đầu kia là người thị trấn, cao giọng quát: “Hả, cô bảo gì cơ? Cô có phải người phụ trách không?… Đây là chỉ thị của cấp trên, ngay lập tức sẽ có người được cử đến xưởng kiểm tra tình hình công việc, liên quan tới chỉ tiêu sinh viên của bên trên. Tìm người phụ trách lại đây ngay cho tôi!…”

“Vâng, ông chờ cho một chút ạ.”

Mã Bảo Thuần chuyển cuộc gọi sang máy nội bộ rồi buông điện thoại xuống, gắng gượng đứng dậy, tự đỡ lấy người, cố nhích vài bước đến sân, vịn vào cây đại thụ, cố sức kêu lên: “Trưởng ban, cấp trên vừa điện đến, bảo tìm phó ban, e rằng có việc gấp, ông xem xem giùm tôi với.”

Nói xong, cô lại tiếp tục kêu lên:

“Ai đỡ tôi với!”

“Tôi phải vào phòng y tế.”

“Có lẽ… tôi sắp sinh rồi!”

Mã Bảo Thuần nhờ vài đồng nghiệp đỡ, không có xe, bọn họ đành nâng cô lên một cái cáng đơn sơ, đắp tạm tấm chăn, cuồng cuồng như lửa đốt đưa cô đến bệnh viện. Một nhóm người khiêng cáng chạy như điên lao đi trên con đường rợp bóng cây làm vô số người quay ra nhìn. Ai cũng hô hào chạy nhanh đi, còn lần chần nữa là đứa trẻ sẽ bị ngạt thở.

Cha Mạnh Tiểu Bắc tên là Mạnh Kiến Dân. Buổi tối hôm đó, ông vẫn chưa được tan làm, đang trong nhà xưởng thì có người chạy đến thét gọi ra, báo nhà ông sắp sinh đến nơi rồi!

Mạnh Kiến Dân chẳng kịp thay quần áo làm việc, tháo vội găng tay dính đầy dầu nhớt xuống, chạy một mạch đuổi theo nhóm người đằng trước.

May mà hôm đó còn có Trung đội trưởng bộ đội gần đấy dẫn theo vài người đến nhà máy làm việc, đang định quay về thì gặp bọn họ, cũng tham gia vào đội khiêng cáng luôn.

Trên cáng cứu thương, máu bắt đầu chảy ra.

“Toi rồi, con tôi sắp ra rồi!”

“Ây da, cô Mã, cô cố gắng chịu đựng một chút nữa thôi, vẫn còn chưa đến nơi!”

“Đứa… Đứa trẻ!…”

Suốt cả đời này, Mạnh Kiến Dân vĩnh viễn chẳng thể quên nổi khoảnh khắc đầu tiên khi ông nhìn thấy con mình. Đồng nghiệp vừa kêu loạn vài tiếng “đứa trẻ, đứa trẻ” thì một cục thịt tròn tròn chẳng rõ hình dáng từ trên cáng đã rơi thẳng xuống dưới. Mạnh Kiến Dân nhìn thấy, chẳng ngờ con ông, đứa trẻ vừa mới sinh còn chưa cất tiếng khóc, lặng im bất động cứ thế rơi phịch xuống đất.

“Anh Mạnh! Đứa, đứa trẻ!”

“Con nhà anh sinh rồi này!”

Mùa hè, Mã Bảo Thuần mặc váy bà bầu cỡ lớn, bên dưới rộng mở, rất dễ chui lọt qua. Nào đâu ngờ, trơn tuột đến mức đứa trẻ rơi thẳng luôn xuống dưới. Các cô các bác xúm lại, tay chân vụng về rối rít kêu loạn lên. Từ trước tới giờ bọn họ chưa từng thấy cảnh tượng này nên bị dọa làm sợ hết cả hồn. Trung đội trưởng mặc quân trang không sợ máu, nghiêm nghị chỉ huy: “Đồng chí này, con anh… anh mau ôm con anh lên!!!”

Mạnh Kiến Dân như bừng tỉnh, vội vàng ôm con mình từ dưới đất lên, nâng niu như thể đang ôm vật báu trong tay.

“Vẫn còn, cẩn thận một chút!”

“Còn, hình như vẫn còn một đứa nữa?”

“Mau bắt lấy nó, giữ chặt lấy nó, đừng để rơi nữa!”

Mọi người hoảng sợ nhìn thấy, thấp thoáng có một cái đầu nhỏ đang chui ra ngoài. Vài người khiêng cáng chạy như bay vào trong viện, Mạnh Kiến Dân rượt ngay đằng sau, tay vẫn đang cầm dây rốn nối liền với một đứa trẻ khác. Ông chạy điên cuồng, quả tim trong lồng ngực như thể sắp bung ra, đau thấu tim gan nhưng cõi lòng lại vui mừng tột cùng. Cảnh tượng này, suốt đời ông cũng chẳng thể quên…

Vào chạng vạng một ngày mùa hè, hai đứa trẻ sinh đôi đã ra đời như thế, đều là con trai.

Mã Bảo Thuần còn trẻ, lần đầu sinh con, cơ thể khỏe mạnh vững vàng, cả ba mẹ con đều bình an vô sự. Mạnh Kiến Dân cũng lần đầu làm cha, chẳng biết phải chuẩn bị gì, mọi thứ đều phải nhờ vào y tá cùng các cô các bác trong công đoàn giúp đỡ từ việc quấn tã lót cho đến lấy quần áo hay tìm đồ ăn.

Hồi ấy nhà họ chỉ có hai người, nào có lấy kẻ thứ ba, cả hai đều là công nhân viên chức, người nào cũng phấn đấu trên cương vị của mình tới tận giây cuối cùng trước khi đứa trẻ ra đời. Sau này, mỗi khi đồng nghiệp nhắc tới chuyện này, đều cười trêu, nhà Mạnh Kiến Dân thật là có phúc, số đỏ, chẳng chịu thua kém ai, đã vậy còn sinh được hai thằng con béo tốt. Mạnh Kiến Dân, hai vợ chồng ông đích thực là chiến sĩ thi đua, cuối năm xứng đáng được bình chọn danh hiệu tiên tiến, bọn tôi đều bỏ phiếu cho nhà ông. Chẳng may nhà xưởng mà không cho vợ chồng ông tiên tiến thì thật có lỗi với thằng con cả mới lọt lòng đã bị rơi xuống đất, dập đầu một cái quá!

Tất nhiên, đứa trẻ bị rơi đập đầu ấy, lúc đó vẫn chưa có ký ức gì, chẳng hay chẳng biết cảnh tượng hãi hồn khiếp vía này.

Cha mẹ và họ hàng vợ chồng Mạnh Kiến Dân đều tận Bắc Kinh xa xôi. Họ không đến đây được, chỉ có đôi vợ chồng cùng hai đứa trẻ sống nương tựa vào nhau.

Mạnh Kiến Dân với Mã Bảo Thuần đều là học sinh “Lão tam giới” (2). Năm đó, một bộ phận học sinh trung học, phổ thông tham gia vào phong trào Cách mạng văn hóa (3), nhằm đả đảo toàn bộ bè lũ phản động đi theo chủ nghĩa tư bản. Quốc gia kêu gọi học sinh bạo động, tham gia cách mạng, lên núi xuống thôn, toàn quốc trường kỳ kháng chiến. Những học sinh còn tồn đọng lại từ những năm 1966 – 1968 đều bị quá trình Cách mạng văn hóa làm chậm trễ việc học. Họ đã gần tốt nghiệp nhưng lại không thể học tiếp, chẳng nghề ngỗng gì, chìm trong xã hội loạn lạc, suốt ngày bạo động biểu tình. Về sau, nhà nước chịu trách nhiệm phân công bộ phận “trí thức trẻ” này về nông thôn, đến Đông Bắc, Tân Cương, xây dựng binh đoàn, cử một bộ phận khác đi vùng Tây Bắc, Tây Nam, hỗ trợ “Tam tuyến kiến thiết” (4). Dạo đó, Mạnh Kiến Dân mới tốt nghiệp trung học, không có cơ hội học tiếp lên phổ thông. Lúc ông 18 tuổi, cùng với rất nhiều bạn bè nam nữ đồng trang lứa, vác hành lý ngồi xe lửa, rời xa quê hương, đến nhà máy sản xuất khí tài quân sự ở thung lũng núi Kỳ Sơn.

2. Lão tam giới: Học sinh tốt nghiệp cấp II, cấp III những năm 1966-1968.

3. Cách mạng văn hóa:Đại Cách mạng Văn hóa, gọi tắt là Văn Cách(文革, wéngé) là một phong trào chính trị xã hội tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa diễn ra trong 10 năm từ tháng 5/1966 tới tháng 10/1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nên cũng được gọi là “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm họa”. Ngoài ra, cuộc cách mạng này đã làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức của quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện. (Theo wiki)

4. Tam tuyến kiến thiết: Là chiến dịch bắt đầu từ năm 1964, bao gồm các hoạt động mở rộng, xây dựng phát triển các công trình khoa học, kỹ thuật, công nghiệp, điện lực với mục đích phòng tránh mất mùa, chuẩn bị chiến tranh. Tam tuyến là khu quân sự, bao gồm vùng Trung Bộ, Tây Bộ và 13 tỉnh, khu tự trị.

Những năm ấy, trong nước chính trị rối loạn, ngoài nước quan hệ Trung – Xô có nguy cơ rạn nứt vì vũ khí hạt nhân. Dựa trên tinh thần của trung ương, tại khe núi Tần Lĩnh, Tây Bắc, tiến hành xây dựng 3 nhà máy sản xuất khí tài quân sự. Một nhà máy chuyên sản xuất bánh răng quân sự, một nhà máy xe quân đội, một nhà máy sản xuất súng ống. Ba nhà máy xây dựng theo bố cục dây leo, dàn ven con sông lớn, trông như ba quả mướp nằm trên một giàn giăng giữa khe núi. Mạnh Kiến Dân làm công nhân tại xưởng chế tạo xe quân đội. Chỉ vì những khẩu hiệu “Người tốt đi ngay Tam tuyến”, “Vì nhân dân đề phòng mất mùa, chuẩn bị chiến tranh” mà những nam thanh nữ tú mơn mởn tuổi xuân, mới có 18, 19 tuổi, hẵng còn chưa bước qua tuổi 20, cơ thể gầy gò yếu ớt, trên khuôn mặt vẫn còn nét ngây thơ khờ khạo, đã phải đến đây, giam mình tại nơi núi đồi heo hút này.

Vốn dĩ, những nhà máy này không có trên bản đồ, bị bí mật che giấu hơn 10 năm, với mục đích khi nổ ra chiến tranh xâm lược, quân đội không tiến vào được, vũ khí hạt nhân cũng không thể tấn công tới.

Tất nhiên tại nơi chim chẳng thèm ị đạn bắn chẳng tới này, một khi đã đi vào thì khỏi cần nghĩ tới việc trở ra, cứ xác định chôn mình tại đây. Một nhà máy cùng hàng ngàn thanh niên từ khắp thành phố lớn ùn ùn đổ về, cộng thêm khu tập thể, bệnh viện, hợp tác xã, hết thảy chẳng khác nào một xã hội khép kín thu nhỏ.

Sinh dẫu chẳng tại, chết rời chẳng đặng.

Thời Mạnh Kiến Dân còn trẻ, đẹp trai ngời ngời, mày rậm mắt to, được mọi người ở đây đặt biệt danh là “Triệu Đan” gầy. (5)

5. Triệu Đan: Là một diễn viên Trung Quốc nổi tiếng trong thời hoàng kim của điện ảnh Trung Quốc. (Theo Wiki)

Triệu Đan

Lúc tới đây, Mạnh Kiến Dân chỉ mới chớm 19 tuổi. Ông rời xa người thân suốt 8 năm trời, giờ đây cũng đã có con của chính mình. Là một thanh niên trí thức, dẫu cho ăn đất uống gió Tây Bắc, cũng vẫn phải lớn khôn trưởng thành, chẳng chóng thì chầy cũng đến tuổi lập gia đình. Nhưng bởi mắc kẹt tại nơi đây không đi đâu được, mọi người buộc phải làm quen phát triển tình cảm với nhau, xây dựng mái ấm, sinh con đẻ cái. Mạnh Kiến Dân cũng tìm bạn đời ở trong chính nhà máy này, đối phương là bạn cùng đường cũng từ Bắc Kinh đến, nữ thanh niên Mã Bảo Thuần.

Vẻ ngoài Mã Bảo Thuần rất đỗi bình thường. Lúc hai người đi với nhau, đằng nam thì rõ đẹp trai mà đằng nữ thì tầm tầm không có gì nổi bật, trông chẳng xứng đôi vừa lứa chút nào.

Quanh đây thỉnh thoảng vẫn có lời bàn ra tán vào, nói nhà nhà họ Mã đều là người Hồi, người Hồi với người Hán sao cưới gả được, ấy mà Mạnh Kiến Dân nhà anh cứ dứt khoát phải lấy về một cô người Hồi cơ!

Thế nhưng cả một đám thanh niên, rồi cũng đến tuổi dựng vợ gả chồng, còn có thể đi đâu tìm đối tượng? Thời ấy, ở một nơi chó ăn đá gà ăn sỏi như này, ai rảnh quan tâm người Hán người Hồi có lấy nhau được hay không, chỉ cần là nữ thì xong chuyện. Điều kiện sống trên núi hết sức nghèo nàn, lương thực thực phẩm và những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống có được đều từ xe tải ở ngoài chở đến hàng tháng. Thanh niên trai tráng đói đến độ mặt hóp vào, mắt lồi cả ra, cởi áo cái là chỉ có thấy xương sườn dao găm. Thời buổi thịt thà khan hiếm, ai buồn bận tâm thịt bò hay thịt lợn, chỉ cần không phải thịt người thì giành giật nhau mà ăn, giành không lại thì thó của người khác, ai không giành thì người ấy chết đói.

Mạnh Kiến Dân suy tính chán chê, ông nghĩ cả hai đều từ Bắc Kinh tới, là đồng hương, có thể tìm được tiếng nói chung với nhau.

Ngày cưới, tại khu nhà trong hợp tác xã, hai vợ chồng nhờ người chụp cho tấm ảnh đen trắng nhỏ. Công đoàn tặng cho họ chậu rửa mặt với phích nước nóng cùng ga giường có thêu hình hoa mẫu đơn. Nghi lễ thủ tục đơn giản, thanh niên tiên tiến, thành phần nòng cốt Mạnh Kiến Dân đưa cho vợ mình một quyển sách màu đỏ “Trích dẫn lời Mao Chủ Tịch” (6), bảo: “Chúc mình đi đến cùng với cách mạng”. Mã Bảo Thuần nhận lấy, theo thói quen đáp lại: “Mao Chủ Tịch muôn năm.”

6. Nguyên gốc là红宝书, dịch tạm là Sách quý đỏ, ở đây là sách của Mao Trạch Đông trong thời kỳ Cách mạnh văn hóa. Sách nhỏ gọn, dễ dàng bỏ túi, hình thức đơn giản được biên soạn từ các tác phẩm của Mao Trạch Đông.

Mao chủ tịch lục ngữ

sổ đỏ

Lúc mẹ con họ chưa xuất viện, Mã Bảo Thuần cho hai con bú không xuể, cho được đứa này bú thì đứa kia khóc quấy, cho đứa này ăn xong thì lại đến lượt đứa kia đói, sữa cũng chẳng đủ ăn.

Thời gian mang thai do mẹ không ăn uống đủ chất, lại là thai đôi nên hai đứa trẻ sinh ra còm nhom ốm yếu. Thậm chí, thằng anh còn gầy hơn thằng em.

Đứa lớn vì đầu bị đập xuống đất, vừa mới chui ra đã dập đầu với thổ công, trán lưu lại sẹo. Trong viện không có lồng kính, cơ sở vật chất thiếu thốn, lãnh đạo xưởng đến tận nơi nói giúp, cho hai đứa trẻ ăn sữa bột cao cấp cùng thuốc bổ, cuối cùng họ mới được xuất viện.

Lúc đặt tên cho con, mỗi tay Mạnh Kiến Dân ôm một đứa, ấp hai con vào trong ngực, nghĩ chán nghĩ chê, nói: “Đứa này chân dài hơn một chút, là em, đặt tên là Mạnh Tiểu Kinh.”

“Đứa này giữa đường rơi tọt ra ngoài, chân tay linh hoạt, nhanh nhẹn hoạt bát, trên trán còn có sẹo, số lớn mạng lớn!… Đặt tên là Mạnh Tiểu Bắc nhé!”

Ông nâng Mạnh Tiểu Bắc ở tay trái lên, hôn mải miết lên vầng trán đỏ hỏn của con…

Mạnh Kiến Dân là con trai độc nhất của nhà họ Mạnh.

Hồi học ở trường trung học số 80 (7), Mạnh Kiến Dân là học sinh xuất sắc, cũng là lớp trưởng. Ở Triều Dương có 2 trường điểm, trường nam là “80”, trường nữ là “Triều Dương”. Đây cũng là 2 trường đặc biệt nổi tiếng thời ấy. Nếu như không có “10 năm thảm họa”, sau khi tốt nghiệp trung học ông chắc chắn sẽ vẫn ở lại trường, suôn sẻ học hết phổ thông, có thể thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng ở thủ đô.

7. Trường Trung học số 80 Bắc Kinh, được thành lập vào năm 1956, là một trường trung học ở quận Triều Dương, Bắc Kinh và trường trung học của quận. Trường có hơn 3000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. (Theo Wiki)

Tám năm xa quê, bị ngăn cách với thế giới bên ngoài, đến tận lúc này, Mạnh Kiến Dân vẫn chưa từng thôi nguôi ngoai khao khát, rằng đến một ngày nào đó, mình còn có thể quay trở về, sống nốt nửa đời còn lại với vợ con ở quê hương.

Năm đó người chủ trương Tây Bắc “Tam tuyến kiến thiết” là Lâm Bưu (8). Giờ đây, Lâm Bưu đã thành quân phản động, bị chết do rơi từ máy bay xuống, đến nỗi tan xương nát thịt, về với cát bụi từ lâu lắm rồi. Thế nhưng, những nhà máy ở thung lũng này vẫn còn, sừng sững giữa đồi núi hoang vu, như đống di tích bị các triều đại nối tiếp nhau chôn vùi quên lãng, chỉ còn nhân chứng là một đoạn lịch sử ngắn ngủi. Nhà máy sản xuất ngày ngày đêm đêm, tiếng máy móc ầm ầm không dứt, khiến trái tim con người bồn chồn nôn nóng, sống một ngày mà ngỡ như đã cả năm. Những người bọn họ, bao giờ mới có thể trở về nơi chôn nhau cắt rốn, bao giờ mới có thể học tiếp? Đời này, liệu còn có cơ hội được “sống lại” một lần nữa? 8. Lâm Bưu: nhà hoạt động chính trị và quân sự Trung Quốc, nguyên soái của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. (Theo Wiki)

Ngay cả trong giấc mơ, Mạnh Kiến Dân cũng muốn được quay về quê hương, chính bởi vậy, ông đặt tên cho hai đứa con trai quý báu của mình là “Bắc Kinh”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện