Trong quá trình viết tác phẩm này, tôi thường rơi lệ. Tuy rằng tình tiết không quá giày vò, khắc khoải nhưng tôi vẫn thường hòa mình vào tác phẩm, cảm nhận tình yêu gian truân dưới áp lực thực tế của Tống Diệm và Hứa Thấm, vô thức mắt sẽ ươn ướt.

Ai cũng bảo tác phẩm này quá hiện thực. Tình yêu và cơm áo: Cái nào chân quý cái nào hèn mọn? Nếu là bạn, người đang đọc cuốn truyện này, bạn sẽ chọn phía nào? Bạn có dám cởi giày, đi chân đất theo đuổi tình yêu không? Tác phẩm này viết đến cuối cũng không có một câu trả lời cụ thể.

Sở dĩ Tống Diệm và Hứa Thấm có thể ở bên nhau chỉ vì họ quá phù hợp với nhau. Dù ai rời xa ai, cuộc đời mỗi người đều sẽ không trọn vẹn. Trước sự ăn ý và trọn vẹn như vậy, những thứ khác dường như đã không còn ý nghĩa gì nữa.

Đến cuối tác phẩm, tôi đã trao cho tình yêu của họ một chút tươi đẹp của cổ tích, để giảm đi chút đau thương của thực tế. Có lẽ, đây là thói quen của tôi. Viết văn nhiều năm như vậy, nhân vật chính của tôi luôn phải trải qua đau khổ để đạt đến cảnh giới tâm linh tương thông, không có bất cứ hiểu lầm hay khó khăn gì có thể chia cách họ. Họ sẽ dìu dắt, bầu bạn với nhau đi qua tất cả chông gai. Điều này nghe giống như truyện cổ tích xiết bao!

Tựa như khi Tống Diệm đứng trước ngưỡng cánh cửa thăng chức khép lại, cho dù Hứa Thấm tự thấy mình ích kỷ, hèn yếu, nhưng cuối cùng lại không hề kinh hoảng, không hề rối rắm, không còn rơi vào cảnh sợ hãi trước tương lai mịt mờ nữa mà đã toàn tâm toàn ý ủng hộ Tống Diệm làm những việc anh muốn làm. Khoảnh khắc đó, đối với cô, vỗ về đau khổ và áy náy trong nội tâm Tống Diệm quan trọng hơn là cơm áo gạo tiền rất nhiều.

Đây chính là tình yêu trong suy nghĩ của tôi: Một kiểu tình yêu tựa cổ tích.

Về phần tại sao lại viết nên tác phẩm này, bởi tôi thấy trong cuộc sống hiện nay, tình yêu và hôn nhân đã dần dần trở thành một kiểu tính toán và so đo. So sánh tiền lương, so sánh gia thế, so sánh tiền tài và tình cảm bỏ ra nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, như thể là đang đàm phán góp gạo thổi cơm chung mà quên đi mất tình yêu ban sơ thế nào. Nhưng nghĩ cho cùng, họ cũng có đạo lý của riêng họ. Quả thật, chỉ tình yêu thôi không thể nào cho người ta cơm no áo ấm, không tài nào biến thành nhà, thành xe. Tình yêu không dựa trên cơ sở kinh tế thì đã định trước sẽ bị thực tế bào mòn từng chút từng chút một. Đây là cuộc tranh luận không có hồi kết.

Giống như một độc giả ban đầu đọc tác phẩm đã từng nói: "Đừng vì kết cục câu chuyện này đau buồn mà không tin tưởng vào tình yêu. Cũng không nên vì kết cục quá đẹp đẽ mà quên mất thực tế."

Nhưng bất kể lựa chọn thế nào, yêu hay không yêu, các bạn đều phải không ngừng cố gắng: Cố gắng tự lập để được tự do giống như Hứa Thấm, cố gắng vươn lên vì tình yêu giống như Tống Diệm. Cuộc sống như thế mới không uổng phí.

Thời điểm tôi bắt đầu viết tác phẩm này là mùa đông, đến khi viết xong đã là cảnh xuân rực rỡ, hệt như tình yêu của họ sau khi gặp lại trải qua mùa đông giá rét, cuối cùng xuân về, hoa nở.

Các bạn độc giả đều nói tôi viết văn đến đoạn cuối sẽ ngược tơi tả, sẽ bới móc thêm sự tình, ai cũng sợ tôi để nam chính chết. Thật ra tác phẩm này viết theo hướng bi kịch cũng rất hợp lý. Nhưng ngay từ khi bắt đầu, tôi đã không nghĩ đến chuyện lựa chọn cho nó một kết cục buồn. Bởi vì từng thấy qua nhiều gương mặt chiến sĩ trẻ tuổi hi sinh nên không tài nào đặt bút nổi.

Tôi hy vọng mỗi một người trong số họ, dù là ở thế giới này hay thế giới khác, cũng có thể giống như Tống Diệm, trải qua khổ nạn, cuối cùng được hạnh phúc.

Xin nguyện người tốt được bình an!

HẾT

P/s: Cảm ơn tất cả các bạn độc giả đã luôn theo dõi và ủng hộ bộ truyện này. Trải qua chờ đợi, cuối cùng cũng hạnh phúc (Mượn lời tác giả). Mều cảm ơn, cảm ơn các bạn rất rất nhiều ^^
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện