Type: Bún Lèo

“Cháy rồi! Cháy rồi!” Tiếng thét vọng đến từ bên ngoài nhà hàng.

Tống Diệm lao ra ngoài, Hứa Thấm và nhân viên phục vụ cũng chạy theo sau.

Mọi người khi nãy còn đang thong long di chuyển, giờ đây đã ào ào tụ về một phía như bị nam châm hút. Phụ nữ và trẻ em dắt díu nhau, la hét bỏ chạy, người ở các tầng khác thi nhau tìm vị trí quan sát, hóng hớt tình hình, có người còn lân la đi đến phía thang cuốn. Không ít người giơ di động lên quay, hoặc gọi cứu hỏa.

Nơi bốc cháy là studio nghệ thuật giấy ở góc Tây Bắc tầng năm, thời điểm bắt cháy đúng vào giờ học.

Người chạy thoát kể lại, có học viên lén lút hút thuốc lá phía sau phòng học, không ngờ lửa bén vào một tác phẩm, trong lúc bối rối lại cầm một chồng giấy đi dập lửa, kết quả là cháy càng lớn hơn, ngọn lửa lan ra khắp nơi, thiêu trụi hàng loạt tác phẩm xung quanh.

Phòng học toàn là giấy nên tốc độ  cháy lan cực nhanh. Mấy học viên nữ hoảng loạn, chạy ra ngoài la hét ầm ĩ, lao vào đám người đông đúc vây xem.

Tống Diệm gạt đống người ra, chạy đến cửa kính studio, thấy còn một cô gái lẻ loi bị vây trong đám cháy. Anh vỗ mạnh vào vách kính, cô gái kia hoảng hốt quay đầu lại, Tống Diệm ra dấu tay với cô ấy.

Cô gái hiểu ngay lập tức, vội vàng đẩy hết đống giấy kế bên mình ra xa.

Tống Diệm quay người chạy đi. 

Hứa Thấm hỏi nhân viên phục vụ: “Hộp thiết bị chữa cháy của trung tâm thương mại đặt ở đâu?”

Nhân viên ngơ ngác: “Hộp thiết bị chữa cháy á? Tôi không biết.”

Ánh mắt Hứa Thấm đảo quanh đám người, thấy Tống Diệm ở ngay phía đối diện ban công lộ thiên. 

Ngay từ lúc bước vào trung tâm thương mại, anh đã xem xét vị trí hộp thiết bị chữa cháy, đây là thói quen của anh. Giờ phút này, anh đã mở được hộp thiết bị chữa cháy ra, lấy vòi phun nước và tháo chốt phòng cháy, kế đó gắn ống vào van nước rồi trải tới nơi xảy ra hỏa hoạn. Mọi động tác gói gọn trong bốn mươi giây.

Tống Diệm: “Tất cả tránh ra!”

Người vây trước studio thấy Tống Diệm lăn đường ống đến đều nhanh chóng nhường đường, ai cũng thắc mắc người đàn ông này không biết từ đâu xuất hiện.

Tuy chỉ mới bắt lửa nhưng do đặc thù của studio nên giấy dán tường đã cháy rụi, tạo thành ngọn lửa hung tợn trong khung kính ngột ngạt. Tình cảnh quá đáng sợ, cô gái bị kẹt bên trong không cầm được nước mắt.

Mọi người vừa quay phim vừa gọi cứu hỏa, vây kín mít bên ngoài.

Khi đường ống đã được trải hết, Tống Diệm gắn vòi phun vào ống nước, quay đầu lại nhìn về phía hộp thiết bị chữa cháy, đang định hô người bên kia mở van Hứa Thấm đứng đó hét to: “Bên nào?”

“Thuận chiều kim đồng hồ.”

Hứa Thấm dốc hết sức vặn van nước, nguồn nước ào ạt tuôn vào đường ống. Anh kéo ống nước, phun thẳng vào bên trong.

Thấy người đàn ông cao lớn cầm vòi chữa cháy với tư thế hiên ngang, đám nam nữ đều trợn tròn mắt, rối rít cầm điện thoại quay lại.

Tống Diệm đi vào cửa tiệm, thấy đám người còn đang vây xem liền tức tối quát lên: “Cút hết ra ngoài cho tôi.

Đám con gái bị mắng đỏ mặt xấu hổ, ngoan ngoãn lui về sau, nhưng vẫn tiếp tục ôm điện thoại di động.

Cô gái bị vây trong đám cháy núp trong góc không dám nhúc nhích, Tống Diệm sải bước đến bắt lấy tay cô ấy kéo ra. Cô gái thét lớn nhào vào lòng anh, ôm chầm lấy anh.

Một tay Tống Diệm cầm vòi phun nước, một tay kéo cô gái như xách gà con lôi đến cạnh cửa, đẩy ra ngoài.

Bạn bè cô vội lao tới đến đón.

Anh cứu người xong lại dấn thân vào sâu trong đám cháy, cả đám con gái không khỏi hô hoán: “Đừng đi vào!”, “Nguy hiểm lắm!”

Tống Diệm xông vào không hề chùn bước, bên trong thế lửa rất mạnh, mà studio này được ngăn ra từ một cửa hàng lớn, nếu không dập lửa sớm, gian kế bên cũng sẽ gặp tai ương.

Lúc Hứa Thấm chạy đến đã nhìn thấy vách kính chảy nước ròng ròng. Phía bên kia, ngọn lửa màu cam đỏ vẫn cháy bừng bừng. Giấy màu, tro đen đều bị vòi phun nước thổi tung, bay múa đầy trời.

Tống Diệm đứng trong thế giới nước và lửa, giữa giấy vụn và bụi đen, để lại cho mọi người một bóng lưng kiên cường.

Không biết tự lúc nào, đám đông bên ngoài vách kính đã yên lặng như tờ.

Người đàn ông trong kia mặc áo trắng quần dài mặc áo xám quần dài, rõ ràng không khác biệt với những con người nghỉ phép, đang dạo phố, đang dùng cơm ngoài kia. Anh cũng là một con người bình thường, không phải bộ máy đúc bằng sắt thép, nhiệt độ sẽ gây tổn thương hệ hô hấp của anh, ngọn lửa sẽ đốt bỏng làn da anh.

Một cô gái khẽ đẩy Hứa Thấm: “Hai người đi cùng nhau à?”

Hứa Thấm hoàn hồn lại, chưa kịp trả lời đã thấy vẻ mặt sùng bái của đối phương: “Giống như anh hùng vậy.”

Một cô gái khác bắt bẻ: “Sao lại chỉ giống thôi? Chính là anh hùng còn gì.”

“Đúng vậy, là anh hùng đấy!”

Hứa Thấm đi về phía cô gái được cứu: “Cô có bị thương không?”

Đối phương mặt mũi ướt rượt, mascara đã trôi sạch, lắc đầu: “Chỉ bị bỏng thôi, không nặng lắm.”

Hứa Thấm kiểm tra tay cô gái: “Không nặng, ra tiệm mua thuốc là được.”

Trong khi trò chuyện, lửa đã nhanh chóng được dập tắt. Tống Diệm cất giọng khàn khàn: “Tắt nước!”

Nhận được mệnh lệnh, người này vội truyền lời cho người kia: “Tắt nước!”, “Tắt nước!”.

Sau một hồi truyền lời, người đàn ông đứng gần hộp chữa cháy nhất khóa van lại.

Giờ đây, studio chỉ còn là một đống hỗn độn, nước đen lênh láng dưới nền đất. Từ đầu đến chân, Tống Diệm lấm lem bụi bẩn. Anh tháo vòi ra, cầm đường ống nước rửa mặt qua loa rồi thu ống lại.

Hứa Thấm lập tức đi qua, nhìn anh từ trên xuống dưới: “Anh có bị thương không!”

Tống Diệm cứ thế đi lướt qua cô, đôi mắt hướng thẳng về phía trước. Hứa Thấm đứng thừ ra đấy, trước mặt là khung cảnh xám đen, bề bộn và nhớp nhúa.

Cuối cùng, cô vẫn quay đầu lại, trông theo hình bóng Tống Diệm đang được mọi người ca ngợi, cảm kích. Nhưng hiển nhiên, hôm nay, tâm trạng anh rất tệ. Anh hoàn toàn xem họ như không khí, chỉ lo thu đường ống nước. Có mấy cô gái lần lượt đưa khăn giấy cho anh lau nước trên mặt và bụi bẩn trên quần áo, trái lại, anh không từ chối ý tốt, nhận lấy khăn giấy của người qua đường.

Tống Diệm nhanh nhẹn trả đường ống và vòi phun nước về nguyên trạng, cuộn xong bỏ vào hộp thiết bị chữa cháy. Nhân viên quản lý trung tâm thương mại cũng chạy đến, luôn miệng nói cảm ơn.

Tống Diệm lạnh lùng hỏi ngược lại một câu: “Chuông báo cháy của trung tâm thương mại các anh có vấn đề à?”

Quản lý nghẹn lời, muốn kéo anh sang một bên nói chuyện riêng, nhưng người vây xem quá đông, mà đội cứu hỏa của Tứ Khê Địa cũng đã đến. Tống Diệm cấp tốc bàn giao cho đồng nghiệp rồi bỏ đi, không nói một câu dư thừa.

Mọi người vẫn vây bên lan can mỗi tầng của trung tâm thương mại, dõi mắt theo bóng lưng anh.

Hứa Thấm lặng thinh bước vào thang máy ngắm cảnh. Nhìn Tống Diệm đứng trên thang cuốn dần dần đi xuống. Anh vẫn mang tư thái nghiêm nghị như trước, nhưng lần này, ánh mắt thoáng chùng xuống, không biết đang nghĩ gì.

Tốc độ thang máy rất nhanh, Hứa Thấm còn chưa kịp chuẩn bị tinh thần thì bóng dáng Tống Diệm đã biến mất khỏi tầm mắt.

***

Tống Diệm đi xuống tầng một, ra khoảnh sân lộ thiên, gọi điện thoại cho chỉ huy bên Đại đội thẩm định kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy Tứ Khê Địa, nói thẳng vào vấn đề: “Lúc nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy của Soho Tứ Khê Địa, có người nhận hối lộ à?”

Bên kia ngập ngừng: “Sao nói vậy?”

“Mau kiểm tra lại chuông báo cháy trong trung tâm thương mại đi.” Tống Diệm gắt. “Về phần mấy chuyện không ngay thẳng của các người thì nên có ý tứ và chú ý một chút, xảy ra chuyện lớn, cả đội đều đi tong đấy.”

Đầu bên kia im lặng chốc lát mới nhỏ giọng: “Để qua một thời gian ngắn sẽ đi kiểm…”

“Nhanh đi. Mẹ nó, đừng có xem mạng lính tráng không ra gì.” Tống Diệm cúp máy.

Kiểm tra công tác phòng cháy và chữa cháy đều do cấp trên chịu trách nhiệm. Công việc nhẹ nhàng, lại nhiều đường ngang ngõ tắt. Đám lính quèn thì phải xông pha vào biển lửa, không được chia một xu tiền đút, nhưng lại vì việc đó mà có thể mất mạng. Mẹ kiếp, đúng là nực cười!

Anh đi ra cửa xoay trung tâm thương mại, nhìn thấy sắc mặt khó coi như muốn ăn thịt người của mình trên cửa kính. Điện thoại lại đổ chuông, là Lý Manh. Tống Diệm còn tưởng đội Tứ Khê Địa cáo trạng trạm Thập Lý, cơn thịnh nộ chưa tiêu đang định kiếm chỗ trút, nào ngờ là về truyện thăng chức, điều chuyển của anh.

Hai năm trước, Chi đội, Đại đội từng đề cử Tống Diệm, anh đều mượn cớ lính của mình còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm chữa cháy nên xin thêm hai năm để từ chối.

Phàm là người có chút quan hệ đều không muốn dấn thân vào đội phòng cháy chữa cháy này. Một khi thiếu nhân viên, tân binh vừa mới mười tám, mười chín tuổi cũng có thể bị đưa đi làm lính cứu hỏa. Lòng Tống Diệm không đủ cứng rắn, không bỏ được đám trẻ ranh chưa đủ lông đủ cánh, vẫn lần lữa đến giờ. Thế nhưng năm nay anh lại chủ động đệ đơn xin chuyển.

“Đã thông qua tư cách chính trị rồi. Tuy chức vụ đã được phê duyệt, nhưng phải chờ sang năm mới công bố, trước mắt vẫn giữ nguyên công tác.” Lý Manh dò hỏi: “Trước kia có cơ hội thì anh không chịu, nhất quyết đòi ở lại, nói bọn em quan liêu. Sao bây giờ đột nhiên lại nghĩ thông suốt vậy?”

Tống Diệm chỉ nói: “Đến tuổi rồi.”

Lý Manh suy nghĩ giây lát mới hỏi tiếp: “Không phải vì cô ấy chứ?” Mấy tháng trước, không phải anh đã gặp lại Hứa Thấm sao? Tống Diệm bỗng thấy phiền muộn, mày cau chặt: “Không liên quan đến cô ấy.”

Lý Manh những thấy anh nổi cáu thì sợ hết hồn, lập tức chuyển đề tài: “Anh chuẩn bị thi cử đi. Ủy viên chính trị là một vị trí tốt, qua vài năm không chừng có thể lên Cục số Bảy.”

“Cảm ơn.” Tống Diệm không có tâm trạng tán ngẫu, cứ thế cúp máy.

***

Mấy ngày nay, toàn thể Trung đội Phòng cháy Chữa cháy trạm Thập Lý đều sống trong cảnh giá rét. Từ khi Đội trưởng Tống của họ hết ngày nghỉ phép quay về đội, anh như biến thành con người khác. Mặt lạnh như tiền, bầu không khí xung quanh cũng rét lạnh. Mỗi lần nhìn ai đó, ánh mắt anh như muốn khoét lỗ trên người đối phương. Khóa huấn luyện cũng tăng cường độ, nào là thể năng, kỹ năng cơ bản… như thể dây cót vặn căng đét không biết mệt.

Mọi người không ngừng kêu khổ nhưng không dám lề mề, đâu ai bị chập mạch đi vuốt ngược lông sư tử chứ!

Khéo sao mấy y tá trong khoa Cấp cứu Bệnh viện Quân y số Ba cũng có cùng thể nghiệm tâm trạng nơm nớp lo sợ này. Bác sĩ Hứa của mấy cô bình thường tuy không thích nói chuyện, vẻ mặt vô cảm đến mức khiến người ta nghi ngờ phải chăng dây thần kinh trên mặt cô ấy có vấn đề nhưng mọi người vẫn phân biệt được hai khái niệm cơ bản là “lạnh nhạt” và “lạnh lùng” mà.

Hôm đó, lúc làm tiểu phẫu, Hứa Thấm đã nói: “Kim thâu.”

Tiểu Tây và Tiểu Bắc đều đinh ninh người kia sẽ đưa nên phản ứng chạm hai giây. Khi Hứa Thấm ngước đôi mắt lạnh lẽo còn sắc bén hơn cả lưỡi dao số mươi một kia lên. Tiểu Tây sợ đến mức lạnh thấu xương.

Quan hệ của mấy y tá với Hứa Thấm chỉ là trên công việc, nên không ai đoán được tâm sự của cô. Còn bản thân Hứa Thấm không hề cho rằng mình có tâm sự, chỉ nghĩ trời càng lúc càng lạnh, khiến người ta quen với việc trầm mặc, an tĩnh mà thôi.

Cuộc sống không có Tống Diệm cũng không có gì khác biệt, công việc vẫn khiến cô bận rộn luôn tay luôn chân, làm sao còn thời gian nghĩ đến mấy chuyện dư thừa kia. Khi ấy nông nổi chạy đi tìm anh là do nghỉ phép rảnh rỗi quá, không có chuyện gì làm thôi.

Mấy ngày đầu, đoạn phim Tống Diệm dập lửa ở trung tâm thương mại được người ta đăng lên mạng, khiến cả thành phố bàn tán xôn xao, được vô số dân mạng bấm yêu thích, khen ngợi. Thời điểm nhàn nhã, Tiểu Nam và Tiểu Bắc cũng nhắc đến. Hứa Thấm cố ý không xem đoạn phim ấy, cũng cố ý tránh né không nghe cuộc trò chuyện của mọi người. Cô không để mình nghĩ về anh nữa.

Một đêm nọ, tan ca về nhà, Hứa Thấm đun nước không cẩn thận làm nước trào ra. Cô nhấc chếc ấm lên, định cầm giẻ lau vũng nước đọng nhưng vừa thấy nó, cô bỗng thất thần hồi lâu. Đầu óc cô trống rỗng, không nghĩ ra được gì cả. Mãi mới hoàn hồn lại, cô quay người nhìn phòng khách trống trải, bất chợt hình ảnh Tống Diệm đẩy cây lau nhà buổi chiều thu hôm ấy lại hiện ra trước mắt.

Ngày đó, ánh nắng ấm áp rực rỡ, cô vẫn còn nhớ bóng anh và ánh dương cùng nhau in xuống sàn nhà. Thế mà hôm nay đã là đêm đông giá lạnh.

Từ lúc gặp lại nhau đến giờ đã nửa năm, số lần gặp gỡ không tính là nhiều nhưng bất ngờ chạm mặt cũng chẳng ít. Tuy nhiên, kể từ lúc chia tay ở Tứ Khê Địa, đã gần một tháng trôi qua, hai người chưa từng gặp lại.

Khoa Cấp cứu vẫn có ca bị bỏng, bị tai nạn giao thông, nhưng chưa lần nào cô gặp được Tống Diệm.

Khuya hôm đó, Hứa Thấm đứng dưới ánh đèn trắng lóa trong căn hộ im ắng, cảm giác đau khổ muộn màng lan khắp toàn thân. Có lẽ duyên phận của họ đã hết thật rồi. Nhận thức này như ngọn lửa hừng hực thiêu rụi thần kinh Hứa Thấm. Cô bắt đầu hình thành thói quen đi đến đâu cũng chú ý đến hộp thiết bị chữa cháy và chuông báo cháy, đi trên đường cũng tìm kiếm bóng dáng xe cứu hỏa, ở bệnh viện cũng hết sức chú ý đến xe cấp cứu.

Song vẫn vô dụng, cô không trông thấy Tống Diệm dù chỉ một lần. Thậm chí có lần cùng xe cấp cứu đến hiện trường hoả hoạn, gặp được cả đội phòng cháy chữa cháy, nhưng không hề thấy bóng dáng anh.

Nhiều lần, cô vô thức lấy điện thoại di động ra, khi hoàn hồn mới phát giác mình đang ngây dại nhìn vào số của anh. Nhưng ngoại trừ nhìn chằm chằm như thế, cô không thể làm gì hơn nữa.

***

Một ngày cuối tháng, Hứa Thấm chuẩn bị tan ca thì có người gõ cửa.

“Có chuyện gì không?” Cô ngẩng đầu.

Là một cô gái trang điểm xinh đẹp, tuổi tác xấp xỉ cô, trông vui tươi hớn hở, không hề giống bệnh nhân ló đầu vào: “Chắc cô tan việc rồi, không quấy rầy cô chứ?”

“Vâng, cô là…”

“Cô không nhớ tôi à?” Cô ấy đi vào trong, ngồi xuống, tiện tay đặt chiếc túi Hermes bạch kim xuống đất. “Lần đó, studio nghệ thuật giấy ở Tứ Khê Địa bốc cháy, cô đã hỏi tôi có bị thương không đấy!”

Hứa Thấm có ấn tượng với cô nàng này. Cô nhìn thấy Tống Diệm cứu cô ấy ra khỏi đám cháy, anh kéo tay cô ấy, cô ấy còn lao vào lòng anh, ôm chặt không buông.

Hứa Thấm nhìn cô gái chằm chằm: “Nhớ mang máng.”

“Tôi tên Chiêm Tiểu Nhiêu.”

“Cô là Hứa Thấm đúng không, tôi rất thân với anh cô và Tiêu Diệc Kiêu.” Chiêm Tiểu Nhiêu cười cong cong khóe mắt, hết sức ưa nhìn. “Cô quen anh lính cứu hỏa kia đúng không? Anh ấy tên gì?”

“Tống Diệm.”

“Tống, Diệm.” Chiêm Tiểu Nhiêu khẽ ngân nga. “Tên rất hay, giống như con người anh ấy vậy. Cô có số điện thoại của anh ấy không?”

“Sao thế?”

“Tôi tìm anh ấy lâu rồi, may mà hôm đó có một nhân viên văn phòng ở hiện trường nhận ra cô, nói cô là bác sĩ Bệnh viện Quân y số Ba, còn nói cô quen anh ấy. Thế nên tôi mới tìm đến tận đây.” Chiêm Tiểu Nhiêu mắt sáng lên. “Anh ấy đã cứu mạng tôi. Tôi tìm anh ấy mãi, muốn mời anh ấy ăn cơm để cảm ơn.”

Hứa Thấm nhìn cô ấy, đột nhiên nghĩ: Khi mình mời Tống Diệm ăn cơm, tình cảm trong mắt phải chăng cũng rõ món một như cô gái này? Hẳn là không, cô chôn giấu rất sâu, ánh mắt cô luôn tùng tú u buồn, không tỏa sáng lấp lánh, tràn ngập dục vọng một cách gan dạ và bộc trực như cô ấy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện