Chịu ơn mỹ nhân

Khước Hoàn Độ giật mình, nhớ lại lần trước đã trốn dưới gầm xe của Hạ Cơ để vào Hạ Phố, toan dùng cái mẹo ấy một lần nữa, nhưng vừa nhìn ra, gã đã lắc đầu ngán ngẩm. Gầm xe chế tạo theo kiểu khác, cách mặt đất chỉ độ vài tấc, trừ phi gã biến thành cuộn vải, bằng không chẳng có cách nào lòn vào dưới đó cho được. Cỗ xe ngựa hình dáng như vậy, hiển nhiên không thích hợp với những chuyến hành trình dài, tuy đẹp nhưng kém thực dụng, có lẽ là tọa giá của hoàng cung. Nghĩ đến đây, gã quyết định mạo hiểm.

Cỗ xe từ từ lăn bánh trên con đường hẹp hai bên trồng đầy những cây tùng.

Khước Hoàn Độ đề khí nhảy lên ngọn cây, cúi nhìn cỗ xe ngựa đang chậm rãi lại gần.

Đợi nó đến đúng dưới tàn cây, Khước Hoàn Độ tiện tay bẻ một cành tùng, vận kình bắn sang bên kia đường.

Cành tùng gãy ⬘phắp⬙ một tiếng, đâm thục vào hàng cây đối diện, phát ra âm thanh khô khốc.

Tám tên thị vệ hộ tống trước sau bị đánh động, nhất tề ngoảnh đầu nhìn sang.

Thời cơ không thể bỏ lỡ. Nhẹ nhàng như một con chim, Khước Hoàn Độ từ tán cây lá rậm rạp đan xen thả mình xuống, tiếng lá xô khẽ như có cơn gió lùa qua, gã mở cửa rồi khép cửa, lắc mình vào trong cỗ xe.

Ngần ấy động tác phức tạp chỉ diễn ra trong nháy mắt, trong vòng một hơi thở. Khước Hoàn Độ thân thủ phi phàm, nắm bắt chính xác thời điểm, làm chuyện đổi kèo thay cột ngay trước mắt quân Tống. Quan trọng hơn cả là tinh thần mạo hiểm gan dạ của Khước Hoàn Độ. Trong nhiều lần chạy trốn lúc trước, gã luôn bộc lộ một khí độ đảm lược, và cũng rất nhiều lần, khí độ đó đã giúp gã chuyển nguy thành an.

Lọt vào trong xe rồi, Khước Hoàn Độ và người ngồi đấy cùng nhìn nhau thất kinh.

Người ta thất kinh vì tự dưng lại có kẻ đột nhập được vào trong một hoàn cảnh không thể tin nổi như thế này.

Khước Hoàn Độ thất kinh vì không ngờ người ta là một nữ tử. Mà lại là một nữ tử kiều lệ thanh tú, rung động lòng người.

Dường như là sự an bài của số mệnh, vì hai lần, trong hai cỗ xe đều là giai nhân.

Lần trước là Hạ Cơ, lần này là một nữ tử trang phục hoa lệ, xem ra cũng thuộc vào hàng phi tần của Tống vương.

Nữ tử còn chưa kịp hét lên kinh hãi, bàn tay to lớn của Khước Hoàn Độ đã bịt chặt lấy cái miệng nhỏ của nàng.

Dung mạo thật đẹp, không mặn mà như Hạ Cơ, nhưng thanh tú thoát tục, tao nhã xuất trần.

Khước Hoàn Độ cảm thấy rất bất an, vì một tên tục tử như mình lại mạo phạm đến giai nhân. Có điều hiện tại đã cưỡi trên lưng hổ mất rồi.

Khuôn mặt đẹp của nàng, nửa dưới bị Khước Hoàn Độ bịt chặt lấy, chỉ còn chừa ra đôi mắt rỡ ràng bên trên.

Đôi mắt loang loáng, Khước Hoàn Độ đột nhiên kinh ngạc, nhận thấy chúng truyền đạt một thứ cảm tình rất lạ. Trong đó, nỗi hoảng hốt ban đầu đã bị sự hiếu kỳ thay thế, dần dần biến thành một biểu hiện tâm lý phức tạp, pha trộn giữa mến tiếc, đồng tình và tựa hồ có chút gì như là ngưỡng mộ.

Phản ứng của nàng vượt quá dự liệu của Khước Hoàn Độ, khiến gã không hiểu ra làm sao cả.

Xe chầm chậm lăn bánh, binh sĩ Tống hộ vệ bên ngoài vẫn cứ an nhiên, không hay không biết bên trong lại xảy ra sự thay đổi kinh khủng như vậy.

Khước Hoàn Độ đang đau đầu với một vấn đề khác.

Dưới bàn tay, gã rõ ràng nhận thấy đôi môi ướt mềm mỏng mảnh của nàng. Sự rung động nhẹ nhàng của đôi môi ấy khiến tim gã căng lên.

Ban đầu Khước Hoàn Độ dự định, đột nhập vào là sẽ lập tức điểm huyệt đối phương, nhưng hiện tại gã không tài nào hạ thủ được. Phương pháp cứng rắn để phong bế kinh huyệt đó, có thể tạo nên những di chứng lâu dài đối với một thể chất yếu đuối như thế này, gã làm sao không thương hoa tiếc ngọc chứ?

Xe đột nhiên dừng lại.

Khước Hoàn Độ mắt loé lên nghiêm khắc, cột sống hơi cong xuống, tinh thần cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với bất kỳ đột biến nào.

Nữ tử đó nhìn tướng mạo uy võ của gã, mắt lộ niềm hứng thú vô cùng. Bên dưới vẻ yếu đuối của nàng, không ngờ lại là một trái tim can đảm.

Ngoài xe có tiếng gọi vang lên: "Tả vệ Phạm Kiệt Sinh, xin được hỏi thăm phu nhân!".

Khước Hoàn Độ than thầm, đang định liều chết xông ra, đột nhiên phát hiện tình hình có chuyển biến, nữ tử xinh đẹp đang gật đầu ra hiệu, ánh mắt lộ vẻ tự nguyện hợp tác.

Một là thời gian không thể chậm trễ được nữa, hai là cho dù làm ầm lên, cũng không thể thay đổi được gì nhiều. Khước Hoàn Độ quyết định mạo hiểm, mau chóng thu tay về.

Nữ tử khe khẽ thở.

Bên ngoài một lần nữa vang lên tiếng gọi: "Phu nhân! Người không sao chứ?" Ngữ khí so với lúc trước có phần khẩn trương.

Nữ tử dịu dàng hỏi: "Chuyện gì thế?"

"Đã đến cửa cung rồi!" Phạm Kiệt Sinh đáp.

"Ừ!".

Nữ tử ra hiệu cho Khước Hoàn Độ ở lại trong xe. Tướng mạo anh tuấn, phong độ tiêu sái của gã từ đầu đã khiến nàng rung động và ngưỡng mộ, nhưng không dám cùng gã nói chuyện. Lúc này, nàng nhìn thẳng vào Khước Hoàn Độ, nết mặt lộ vẻ cao hứng vô cùng.

Cỗ xe ngựa từ từ tiến vào cửa cung.

Họ lặng lẽ nhìn nhau. Cặp mắt biết nói của nữ tử lộ vẻ bịn rịn quyến luyến. Hai người bình thủy tương phùng, vừa tụ lại tan.

Cỗ xe dừng lại.

Nữ tử nhỏm dậy ghé vào tai Khước Hoàn Độ nói rất nhanh: "Ta biết người là Tôn tiên sinh! Nước ta đối xử với người như vậy chỉ vì khiếp sợ uy thế của Tề quốc, cũng may ta đã có sắp xếp mua chuộc. Bảo trọng nhé, nhớ này, ta họ Trịnh, khuê tự là Nhu Nhiên". Nói đoạn nàng đẩy cửa xe bước xuống.

Rồi giọng nàng vang lên bên ngoài: "Ngựa thì dắt đi cũng được, nhưng cỗ xe cứ để lại đây, ta có khi còn phải dùng nữa!" Tùy tòng vội vàng ứng tiếng.

Thân phận của Trịnh Nhu Nhiên thực kỳ quái. Nhưng sự thực là thế nào, xem ra Khước Hoàn Độ không có cơ hội biết được nữa rồi.

Tiếng người xa dần.

Ngựa cũng đã được dẫn đi.

Khước Hoàn Độ toan dò xét xem tình hình xung quanh, bỗng nghe có tiếng bước chân từ xa thoắt lại gần. Rồi một thanh âm khẽ khàng cất lên: "Tôn Vũ! Ngươi có thể qua mắt phường giá áo túi cơm của Tống quốc, nhưng làm sao thoát nổi Lữ Chấn ta. Huống hồ ngươi đã trúng của ta một kiếm, kéo được chút hơi tàn đến giờ cũng khá lắm rồi. Hãy lập tức đưa binh thư ra đây, ta sẽ để ngươi chết một cách ít dằn vặt nhất!".

Khước Hoàn Độ tâm niệm xoay chuyển như chớp, Lữ Chấn chính là cao thủ nước Tề lúc nãy đâm bị thương Tôn Vũ, sau đó đi qua mặt gã trước cửa khu lăng của Tống vương. Gã giật mình, vội giả giọng như bị thương nặng, yếu ớt hỏi: "Ngươi làm sao biết ta nấp trong xe?".

Lữ Chấn cười khẽ: "Ta nhìn dấu bánh xe, so với độ nông sâu ban đầu là biết tải trọng đã tăng lên, đương nhiên luận ra do có người ẩn vào. Ta cũng đánh giá ngươi quá thấp, trúng kiếm rồi mà vẫn giở trò đổi kèo hoán cột, thần không hay quỷ không biết mà lẩn vào đây".

Khước Hoàn Độ thấy Lữ Chấn một mực thấp giọng, đoán ra hắn ngại có người phát giác sự hiện diện của hắn. Gã cũng cảm thấy kỳ quái, xe đi rất chậm, bất cứ lúc nào Lữ Chấn cũng có thể ngăn xe lại, vì sao tới bây giờ mới ra tay?

Khước Hoàn Độ nói: "Vụ giao dịch này ta chấp nhận, nhưng có một điều kiện. Ngươi hãy nói cho ta biết, vì sao ngươi đợi đến lúc này mới xuất hiện?".

Lữ Chấn hiển nhiên rất phấn khích: "Nói cho ngươi biết cũng được! Ta sở dĩ đợi đến lúc này, một là sợ ngươi cao chạy xa bay, hai là muốn chứng thực Trịnh phi che giấu cho ngươi. Lâu nay từng nghe Trịnh phi diễm lệ vô song, ta muốn nhân chuyện này thử hoa vờn liễu một phen". Nói đoạn hắn cười hắc hắc rất là dâm tục.

Khước Hoàn Độ nộ khí tràn lồng ngực, lòng vụt nổi sát cơ.

Lữ Chấn đã xuất hiện trước cửa xe, tay nâng trường kiếm, miệng thét: "Còn không mau đưa ra đây!".

Khước Hoàn Độ vận công bức cho trán lấm chấm mồ hôi, nhìn qua tưởng như trọng thương sắp nguy đến nơi, lấy binh thư từ trong bọc ra, đưa cho Lữ Chấn.

Lữ Chấn mặt lộ nét mừng, nhưng không tiếp lấy cuốn sách, mà nhích trường kiếm, đâm thẳng vào ngực Khước Hoàn Độ, ác hiểm cùng cực.

Khước Hoàn Độ vừa né tránh vừa lao tới, đã kẹp được trường kiếm của Lữ Chấn dưới nách, vung quyền đấm thẳng vào ngực hắn, nghe rõ tiếng xương ngực gãy khục, Lữ Chấn bắn vụt về sau ba trượng, Khước Hoàn Độ ra quyền rất có tính toán, xung lực tuy lớn, nhưng không đẩy thân thể Lữ Chấn đi quá xa. Lữ Chấn võ công dưới cơ Khước Hoàn Độ, lại chủ quan nhầm tưởng đối thủ trọng thương, lẽ tất nhiên là táng mạng đương trường.

Khước Hoàn Độ thầm nghĩ rốt cục đã trả được thù cho mũi kiếm của Tôn Vũ. Tiếp đó gã nhảy ra khỏi xe ngựa, bốn bề lặng ngắt không một bóng người, gã vội vàng kẹp lấy Lữ Chấn, nhảy qua tường cung mà đi. Lữ Chấn là do nước Tề phái tới, xử lý không cẩn thận, thì sẽ gây họa diệt quốc cho người ta.

o0o

Năm 512 trước công nguyên, Chu Kính Vương năm thứ 8.

Nhìn chung tình thế thiên hạ lúc bấy giờ, tôn thất nhà Chu dần dần suy yếu, thế lực chư quốc ngày một bành trướng, sức mạnh quân sự ngày một tăng cường. Trong các nước lớn, thì có Sở và Tấn thực lực hùng hậu hơn hẳn các nước khác.

Tấn quốc nằm ở trung nguyên, xưng bá lưu vực Hoàng Hà. Sở quốc hùng cứ vùng đất phì nhiêu ở lưỡng ngạn Trường Giang, tuy lệch về phương Nam, nhưng vẫn rắp tâm tiến vào trung thổ. Nhất thời lưỡng hùng khiên chế lẫn nhau. Sở bị Tấn ngăn cản, chưa thể làm chúa tể trung nguyên; Tấn bị Sở gây rối, cũng không thể độc bá thiên hạ.

Nói thêm về tình hình của hai nước mạnh là Tấn và Sở. Tấn từ sau trận chiến Hào Sơn1, trở thành tử địch với Tần, bất hòa với Tề, nên tuy mang danh vị bá chủ, nhưng kỳ thực quẫn bách về nhiều mặt. Lại thêm vương tộc tôn thất của Tấn quốc mỗi ngày một suy yếu, quyền lực chuyển dần sang tay công khanh và tiểu quần thần có đất phong, hình thành nên Lục Khanstrong, uy quyền nghiêng thiên hạ, ai cũng mang lòng riêng, nội loạn sắp đến hồi bùng nổ. Hôm trước Khước Hoàn Độ từ chối gợi ý của Vu Thần, không cùng y sang nương tựa nước Tấn, lý do chính là ở chỗ đó. Lúc này nước Tấn quả thực không còn hơi sức đâu để quan tâm đến tình hình bên ngoài nữa.

Còn Sở quốc - bá chủ phương Nam, Sở Chiêu Vương tục vị khi còn nhỏ tuổi, lập tức trọng dụng Lệnh doãn Nang Ngõa. Nang Ngõa vừa nắm được quyền lực, đã ráo riết loại trừ những kẻ không cùng phe cánh với mình, gây nên cái họa hủy gia diệt tộc của Khước Hoàn Độ, khiến trời giận người oán, vô hình trung đã trồng xuống cho nước Sở một cái mầm tai ương.

Giữa bối cảnh ấy, Ngô quốc, nằm ở phía hạ du Trường Giang nơi miền đông xa xôi, dưới sự lãnh đạo của Hạp Lư vốn nuôi mộng tranh hùng, đã thừa cơ để dự phần vào đại nghiệp trung nguyên. Hạp Lư rất trọng dụng Ngũ Tử Tư, một người hiểu rõ tình hình chính sự nước Sở, nguyên lai gia tộc y bị hại trong tay Sở vương, nên nuôi chí phò trợ Ngô quốc để báo niềm đại hận. Nguyên tắc kiến tạo quốc phú binh cường của Ngô là ⬘Tu pháp chế, hạ hiền lương, tuyển luyện sĩ, tập chiến đấu⬙, qua thời gian dài đã tỏ ra rất có hiệu quả.

Đương nhiên, lúc này thực lực của Ngô quốc vẫn còn kém rất xa hai nước Tấn, Sở, nhưng đã hình thành nên một thế lực mới nổi, rục rịch phát động chiến tranh.

Ngày hôm đó, dưới sự chủ trì của Ngô vương Hạp Lư, các tướng sĩ chủ chốt đến tụ tập trong nghị sự sảnh.

Ngô vương Hạp Lư mở lời: "Nếu Ngô quốc của ta muốn tranh bá thiên hạ, nên bắt đầu hành động từ đâu?" Nói đoạn cặp mắt lấp lánh tinh mang nhìn một vòng khắp lượt thuộc hạ. Hạp Lư thân hình khôi vĩ hùng tráng, mặt vuông tai lớn, sắc diện tươi sáng, không giận mà có uy, kiên quyết quả đoán, khí phách áp đảo người khác.

Chúng tướng thảy đều trầm ngâm, câu hỏi thực khó đáp, trả lời mà không đưa được lý lẽ đầy đủ để củng cố, tất sẽ bị Ngô vương khinh thị.

Công khanh Tử Sơn là người đầu tiên phá vỡ không khí trầm mặc, cất giọng nói: "Nước ta nằm lệch về phương đông hẻo lánh, là lân bang với Việt quốc, hai phương bắc và tây cường địch luôn dòm ngó, về lý là nên giao hảo với bên ngoài, chuyên tâm vào chính sự bên trong, đợi tới ngày quốc thế phú cường, thu hẹp sự cách biệt với các nước lớn như Tấn, Sở, Tề, Tần..., mới có thể thong dong định kế, tuyệt không nên nhằm lúc thời cơ chưa chín muồi mà khinh cử vọng động". Tử Sơn tính người trầm ổn, xưa nay chủ trương tiến chậm nhưng chắc, nên mới trình bày ý kiến như vậy.

Hạp Lư mỉm cười, cũng không bình phẩm gì, lại đưa mắt nhìn sang những người khác. Phu Khái Vương, thân đệ của Hạp Lư, người nổi tiếng anh dũng ở Ngô quốc, cười vang mà rằng: "Tử Sơn nói vậy, không tránh khỏi có chỗ sơ suất. Nên biết thời đại hiện nay cá lớn nuốt cá bé, mình tuy không có bụng hại hổ, nhưng hổ lại có ý hại mình, thêm vào đó bản đồ nước Ngô không lớn, nếu chúng ta rụt đầu rút cổ, chỉ dựa vào mảnh đất mấy trăm dặm này, cuối cùng cũng khó thành đại sự. Vì vậy việc cần kíp trước mắt, là nên nhìn xa hơn vùng đất hẻo lánh. Thế nước mỗi ngày một mạnh, bắt đầu có hi vọng tranh cường rồi đó". Phu Khái Vương vóc dạc uy mãnh như hùng sư, hai mắt tàng thần bất lộ, vừa có mưu lược lại đầy dã tâm, là dũng tướng nổi danh nhất ở Ngô quốc, trên tay một cây trường mâu xưa nay chưa từng gặp ai đấu lại nổi mười hiệp, được xưng tụng là đệ nhất cao thủ của Ngô - Việt. Tính tình hắn hung tàn hiếu chiến, dưới tay huyết tanh vô số, người người đều khiếp kinh.

Hạp Lư thần sắc bất động: "Phu Khái Vương tâm hùng chí cao, chỉ không biết con đường tranh bá này, có thế bắt đầu như thế nào đây?" Câu hỏi đưa ra trong giờ phút quan trọng, mỗi một quốc sách, đều là một lý tưởng và mục tiêu, nhưng lựa chọn và thi hành ra sao, mới là điều cốt yếu quyết định thắng bại.

Phu Khái Vương dứt khoát nói: "Để chiến thắng, đương nhiên phải tránh nước mạnh đánh nước yếu, mấy tiểu quốc như Đàm, Từ, Trần, Thái... có thể dần dần thôn tính. Cứ tích luỹ như vậy rồi tiến lên, Ngô quốc của chúng ta tất có một ngày tranh bá với Tấn, Sở.

Một viên đại tướng khác là Bạch Hỉ phụ hoạ: "Phu Khái Vương quả nhiên nhìn xa trông rộng, bản tướng nguyện theo phò dưới cờ, vì Ngô quốc mà tranh đấu!".

Bạch Hỉ và Phu Khái Vương xưa nay đứng chung một trận tuyến, cùng tiến cùng lui.

Ngũ Tử Tư nãy giờ cứ cười nhạt, Hạp Lư mãi không thấy y lên tiếng, hơi giật mình, bèn hỏi: "Ngũ tướng quân ý kiến của ông thế nào?".

Ngũ Tử Tư đáp: "Phu Khái Vương chỉ ra hướng hưng khởi của Ngô quốc, đề cấp đến khả năng mở rộng lãnh thổ, bản tướng hoàn toàn đồng ý. Nhưng về phương pháp tiến hành, e rằng có chỗ cần thương thảo thêm".

Phu Khái Vương sắc mặt âm trầm, không để lộ lấy một nét buồn hay giận, hắn xưa nay vẫn bất hòa với Ngũ Tử Tư, trong lòng lúc này nổi rất nhiều sát cơ.

Bạch Hỉ cười lạnh, nhưng chỉ im lặng.

Ngũ Tử Tư cũng không để tâm, tiếp tục nói: "Ngô muốn thôn tính các tiểu quốc lân cận, thì dư sức. Có điều mấy nước như Đàm, Từ... tuy nhỏ, nhưng quan hệ rất mật thiết với các nước lớn, vì vậy phạm đến họ, tức là kích động cơn giận của số đông, dẫn đến việc nhiều nước mạnh cùng nhau công kích chúng ta".

Đại phu Đấu Tân hưởng ứng: "Ngũ tướng quân nói đúng lắm vậy!".

Phu Khái Vương và Bạch Hỉ cười khẩy, lắc đầu biểu thị không đồng ý chút nào.

Tình thế vậy là hết sức rõ ràng. Năm đại thần quan trọng nhất của Ngô quốc, trừ một mình Tử Sơn chủ trương khoan tiến ra bên ngoài, những người khác đều theo phái chủ chiến, nhưng phái chủ chiến lại phân ra một phe của Phu Khái Vương và Bạch Hỉ, còn Ngũ Tử Tư và Đấu Tân lại ngả theo một luồng ý kiến khác.

Chỉ có Ngô vương Hạp Lư vẫn chưa bộc lộ quan điểm.

Hạp Lư cười dài: "Kế hoạch của Ngũ tướng quân rốt cục là như thế nào, còn ngại gì mà không nói ra cho mọi người cùng nghiên cứu!".

Ngũ Tử Tư vẫn thản nhiên, vẻ tự tin mạnh mẽ: "Nếu muốn tranh bá trung nguyên, lưu vực Hoài Hà phải là hòn đá móng của chúng ta!".

Hạp Lư chau mày: "Dải đất ấy nằm trong tầm khống chế của Sở quốc, chúng ta muốn dự phần vào, chẳng phải sẽ dẫn đến sự xung đột chính diện với Sở quốc hay sao?".

Phu Khái Vương phá lên cười lớn: "Điều đó thật hợp với ý của Ngũ tướng quân mà!".

Nguyên lai Ngũ Tử Tư là người nước Sở, vì cha, anh và cả nhà đều bị giết dưới tay Sở vương, y nuôi chí phục hận, nên Phu Khái Vương mới gièm y có tư tâm.

Ngũ Tử Tư tuyệt không đếm xỉa, công phu hàm dưỡng của y rất cao, chưa bao giờ tùy tiện để lộ những cảm xúc trong tâm khảm. Lúc này nét mặt y càng như băng giá, vì suy nghĩ quá độ mà phảng phất có vẻ tiều tuỵ, y nói, không mảy may kích động: "Chúng ta muốn lớn mạnh, tất không thể nhượng Sở quốc! Huống hồ mặt đông của ta là biển lớn, không còn đất để mở rộng, phương nam là một vùng lạc hậu, lấy được cũng vô dụng, nhìn sang phía bắc, các nước mạnh như Tề, Tấn, Tần chẳng lẽ chịu để cho thế lực của ta tràn sang? Vì vậy nếu mưu đồ vượt lên, tất phải đánh bại Sở quốc đầu tiên. Muốn đánh bại Sở quốc, thì phải lấy được Hoài Di. Hoài Di đất đai phì nhiêu giàu có, lại lắm quặng đồng, tất có thể trợ giúp cho bá nghiệp của chúng ta!".

Ngũ Tử Tư kiến giải rất hợp lý, Ngô vương Hạp Lư gật đầu không ngớt. Đến Phu Khái Vương và Bạch Hỉ cũng phải nghẹn lời. Hai người bọn họ đều là danh tướng, đều hiểu mưu lược, tự nhiên nhận biết những điều Ngũ Tử Tư phân tích đích thực là cao kiến.

Tử Sơn nói: "Ngũ tướng quân đã vạch ra hết tình thế của địch và ta, nhưng sức mạnh quân sự của Sở gấp mười lần Ngô, lại thêm nước ta nằm ở hạ du Trường Giang, mà Sở quốc thì nằm ở trên nguồn, địch nhân thuận dòng tấn công ta thì dễ, ta ngược dòng đánh lên lại khó. Huống hồ thủy sư Sở quốc danh chấn thiên hạ, danh tướng như hạng Tố Công đều thiện chiến đường thủy, chúng ta làm sao có thể kháng cự?" Tử Sơn trước sau chủ hòa không chủ chiến, nhưng kiến giải của y, đã chỉ ra nguyên do khiến Ngô quốc xưa nay vẫn luôn rơi vào thế hạ phong.

Ngũ Tử Tư nói: "Ta chính là nhằm vào điểm này, đã định ra mấy cách đối phó. Thứ nhất, chúng ta phải nỗ lực học cách công thủ trên bộ, đặc biệt là tinh nghiên thuật xa chiến. Nếu đại vương phê chuẩn, thần có một cố nhân ở Tấn quốc, người này rất giỏi thuật xa chiến, đặc biệt thành thạo chiến thuật của Sở quân, được y phò giúp, không khác gì như hổ thêm cánh!".

Hạp Lư gật đầu: "Người Ngũ tướng quân nhắc đến đó tất là Vu Thần vừa phản lại Sở quốc, sau khi y bỏ đi, thân tộc đã bị Công tử Phản, Nang Ngõa tận sát, huyết hải thâm cừu, quả nhiên là một người lý tưởng, Ngũ tướng quân cứ tùy nghi hành sự". Hạp Lư nghe Ngũ Tử Tư trình bày kế sách tránh cái nặng lấy cái nhẹ, không giao phong với địch nhân trên sông, hiển nhiên rất hân thưởng. Nên biết Ngô quốc vốn là đất nước nhiều sông nhiều suối, quen thủy chiến chứ không quen lục chiến, nhưng giao tranh đường thủy với Sở, thực không có cách nào thủ thắng, nên đối sách của Ngũ Tử Tư quả nhiên là xem đúng bệnh mà cắt thuốc.

Ngũ Tử Tư nói: "Thứ hai, bên ta còn một nhân tố thuận lợi khác, chính là tận dụng tình thế roi dài mà không với tới của địch nhân. Thế lực Sở quốc tuy có thể vươn tới hạ du Hoài Hà, nhưng lại cách đất đai của ta quá xa, khó mà chi phối được, đó cũng là điểm yếu của nó. Vì vậy vùng Hoài Di là nơi mà chúng ta nhất định phải giành lấy, cũng là vùng nhất định có thể giành lấy được!" Ngừng một lát, y lại tiếp: "Ba ấp Châu Lai, Chung Li và Sào mà Sở quốc đặt ở vùng này là những mục tiêu đầu tiên của chúng ta, chỉ cần đoạt được ba trấn này, là sẽ khống chế được khu vực Hoài Hà, rất có lợi cho việc tiến về phía tây. Chúng ta có thể phân ba mũi tấn công, địch tiến thì ta lui, địch lui thì ta tiến, khiến cho chúng mệt mỏi đến chết".

Hạp Lư vỗ án khen hay, đến Phu Khái Vương và Bạch Hỉ xưa nay bất hòa với Ngũ Tử Tư mà cũng phải gật đầu đồng ý, nhưng đồng thời, càng sinh lòng đố kỵ với y hơn.

Đấu Tân lúc này mới chen vào: "Trước lúc đó, chúng ta phải cắt đứt hậu phương, không cho Việt chi viện Sở".

Ngũ Tử Tư đáp: "Điều ấy tất nhiên!".

Hạp Lư trong lòng hoan hỉ, đang định tán thưởng, nhưng Ngũ Tử Tư đã lại nói: "Hạ tướng còn một đề nghị!".

Mọi người hết sức tò mò, không biết y còn đưa ra kỳ mưu diệu kế gì nữa.

Ngũ Tử Tư không nói, im lặng lấy từ trong bọc ra một quyển cẩm thư, dâng lên cho Hạp Lư.

Hạp Lư đón lấy, lật mở xem, giây lát nét mặt lộ vẻ kinh ngạc, ngẩng phắt đầu lên hỏi: "Người này hiện ở đâu?" Ngũ Tử Tư đáp: "Mười ngày trước y từ Tề quốc chạy tới chỗ thần cầu kiến, đưa ra cuốn binh thư y viết. Đúng là thiên tài, những kiến giải đó tiền nhân chưa hề nhắc đến. Thần và y đã luận đạo suốt mười ngày, trộm nghĩ được người này tận giúp Ngô quốc, nào sợ đại sự không thành!".

Hạp Lư ngửa mặt cười lớn: "Ngũ tướng quân mau dẫn kiến y với bản vương, đúng là trời giúp ta rồi!".

---- o0o ----

1 Hào Sơn: cũng gọi là Đông Sơn hoặc Hào Đình, nơi Nguyên soái nước Tấn Tiên Trẩn đại phá quân Tần, bắt sống cả 3 viên tướng chỉ huy, là Mạnh Minh Thị con trai của Tả thừa tướng Bá Lý Hề, Kiển Bính con trai Hữu thừa tướng Kiển Thúc, và mãnh tướng Tây Khuất Thuật, cả 3 đều là tướng giỏi bậc nhất thời ấy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện