Sở Cung vương dùng mưu kế của qua hữu doãn là công tử Nhâm Phu, thống suất đại binh, cùng với Trịnh Thành công sang đánh Tống, sai bọn Ngư Thạch đi dẫn đường, đánh được đất Bành Thành, cho bọn Ngư Thạch đóng quân ở đấy . Cung vương bảo bọn Ngư Thạch rằng:

- Nước Tấn đang giao thiệp với nước Ngô để chống cự nước Sở ta, mà đất Bành Thành này lại là chỗ tiếp giáp Ngô và Tấn . Nay ta cho các ngươi đóng quân ở đây tiến đánh thì có thể xâm chiếm được địa giới nước Tống; lui giữ thì cũng có thể ngăn trở được đường lối đi lại của quân Tấ và quân Ngô, vậy các ngươi nên cẩn thận; chớ phụ lòng uỷ thác của ta! Dặn bảo xong, Cung vương trở về nước Sở .

Cuối năm ấy, Tống Thành công sai quan đại phu là Lão Tá đem quân vây đất Bành Thành . Ngư Thạch đem quân ra nghênh chiến, bị Lão Tá đánh thua . Quan lệnh doãn nước Sở là công tử Anh Tề nghe tin đất Bành Thành bị vây, đem quân đến cứu . Lão Tá cậy có sức mạnh, xông vào trong đám quân Sở, liền bị tên bắn chết . Công tử Anh Tề tiến binh sang xâm phạm nước Tống . Tống Thành công kinh sợ, sai quan hữu sư là Hoa Nguyên sang cáo cấp với nước Tấn . Hàn Quyết nói với Tấn Điệu công rằng:

- Ngày xưa vua Văn công ta làm được bá chủ cũng bởi có việc cứu nước Tống . Cơ hay dở ở một việc này, ta nên đem quân sang cứu mới phải .

Hàn Quyết liền sai sứ đi mượn quân chư hầu . Tấn Điệu công thống suất đại binh đến đóng ở đất Đài Cốc . Công tử Anh Tề nghe tin quân Tấn kéo đến, tức khắc rút quân trở về Sở . Đến năm sau, Tấn Điệu công đem quân 8 nước là: Tống, Lỗ, Vệ, Tào, Cử, Châu, Đằng và Tiết đến vây đất Bành Thành . Quan đại phu nước Tống là Hướng Thú sai quân sĩ đứng lên trên xe, gọi người trong thành mà bảo rằng:

- Ngư Thạch là một đứa phản tặc, không thể dung tha được . Nay nước Tấn sắp đem 20 vạn quân, đạp đổ thành này, không để sót một ngọn cỏ . Bọn các ngươi, nếu biết lẽ phải, nên bắt đứa phản tặt ấy đem nộp, chớ để cho những người vô tội cùng bị chết lây .

Dân trong Bành Thành nghe thấy, biết là Ngư Thạch trái lẽ, liền mở cửa thành ra để đón quân Tấn . Tấn Điệu công tiến vào trong thành . Quân Sở bỏ chạy cả . Hàn Quyết bắt được Ngư Thạch; Loan Áp và Tuân Yển bắt được Ngư Phủ; Hướng Thú bắt được Hướng Vi Nhân và Hướng Đãi; Trọng Tôn Miệt đại phu nước Lỗ bắt được Lân Chu, đều giải đến nộp Tấn Điệu công . Tấn Điệu công truyên đem bọn Ngư Thạch ra chém, rồi kéo quân sang hỏi tội nước Trịnh . Quan hữu doãn nước Sở là công tôn Nhâm Phu đem quân sang xâm phạm địa giới nước Tống, để làm kế cứu Trịnh . Các nước lại đem quân sang cứu Tống, rồi cùng nhau rút quân về nước cả .

Năm ấy Chu Giản vương mất, thái tử Tiết Tâm lên nối ngôi, tức là Chu Linh vương . Chu Linh vương từ khi mới sinh ra, phía trên miệng đã có râu ria mọc, bởi vậy người nhà Chu cũng gọi là Tỳ vương . Năm đầu đời vua Tỳ vương nhà Chu cũng gọi là Tỳ vương . Năm đầu đời vua Tỳ vương nhà Chu, Trịnh Thành công ốm nặng, bảo quan thượng khanh là công tử Phi rằng:

- Vua Sở vì đem quân sang cứu nước ta mà bị thương hỏng mất một mắt, ơn ấy không bao giờ ta dám quên . Sau khi ta chết, các ngươi chớ có bội nước Sở .

Trịnh Thành công nói xong thì chết . Bọn công tử Phi lập thế tử Khôn Ngoan lên nối ngôi, tức là Trịnh Hi công . Tấn Điệu công thấy người nước Trịnh chưa phục, mới đại hội chư hầu ở Thích Địa (đất nước Vệ) để bàn việc đánh Trịnh . Quan đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Miệt hiến kế rằng:

- Đất nước Trịnh không đâu hiểm bằng cửa quan Hổ Lao, đó là một chỗ xung yếu, tiếp giáp nước Trịnh và nước Sở, nếu ta đắp một cái thành ở đấy, rồi đóng quân để chặn ngang thì nước Trịnh tất phải theo ta .

Vu Thần hiến kể rằng:

- Sở và Ngô chỉ cách nhau có một con sông, năm trước tôi sang sứ nước Ngô, có ước với Ngô để cùng đánh Sở . Từ bấy giờ Ngô thường sang quấy nhiễu những thuộc quốc của Sở, người nước sở lấy làm khổ lắm . Nay ta lại sai sứ sang bảo Ngô đánh Sở; nước Sở, phía đông đanh khổ với quân Ngô thì phía bắc tất không cùng ta tranh nhau nước Trịnh được .

Tấn Điệu công theo cả hai kế . Bấy giờ Tề Linh công cùng sai thế tử Quang, cùng với quan thượng khanh là Thôi Trứ sang dự hội để tuân theo mệnh lệnh của nước Tấn . Tấn Điệu công họp quân các nước để đáp thành ở cửa quan Hổ Lao, rồi lấy quân các nước cứ mỗi nước lớn một nghìn quân, mỗi nước nhỏ năm trăm hoặc ba trăm quân, cho đóng giữ ở đấy . Trịnh Hi công sợ hãi, xin giảng hoà với nước Tấn . Lúc bấy giờ quan trung quân uý nước Tấn là Kỳ Hề, đã ngoại bảy mươi tuổi, cáo lão về nghỉ . Tấn Điệu công hỏi:

- Có người nào thay nhà ngươi đựơc không ? Kỳ Hề nói:

- Không ai bằng Giải Hổ .

Tấn Điệu công nói:

- Ta nghe nói Giải Hổ là người thù của nhà ngươi, sao nhà ngươi lại còn tiến dẫn ?

Kỳ Hề nói:

- Chúa công hỏi ai là ngươi giỏi, chứ có hỏi ai là người thù của tôi đâu!

Tấn Điệu công sai người đi triệu Giải Hổ . Giải Hổ chưa kịp đến nhận chức thì đã ốm chết . Tấn Điệu công lại hỏi Kỳ Hề rằng:

- Trừ Giả Hổ ra không kể, nhà ngươi còn biết ai nữa không ?

Kỳ Hề nói:

- Sau Giải Hổ thì không ai bằng Kỳ Ngọ .

Tấn Điệu công nói:

- Thế Kỳ Ngọ không phải là con nhà ngươi sao ?

Kỳ Hề nói:

- Chúa công hỏi ai là người giỏi, chứ có hỏi ai là con của tôi đâu!

Tấn Điệu công nói:

- Nay quan trung quân phó uý là Dương Thiệt Chức cũng chết, nhà ngươi lại chọn cho ta một người khác để thay .

Kỳ Hề nói:

- Dương Thiệt Chức có hai con là: Dương Thiệt Xích và Dương Thiệt Bật . Hai người ấy đều gỉoi cả, chúa công muốn dùng người nào thì dùng .

Tấn Điệu công theo lời, cho Kỳ Ngọ làm trung quân uý, Dương Thiệt Xích làm trung quân phó uý . Các quan đại phu, đều lấy làm bằng lòng .

Con Vu Thần là Vu Hồ Dung phụng mệnh Tấn Điệu công sang sứ nước Ngô, vào yết kiến vua Ngô là Thọ Mộng, xin mượn quân để đánh Sở . Thọ Mộng thụân cho, sai thế tử Chư Phàn làm tướng, luyện quân ở bên sông Trường Giang . Quan lệnh doãn nước Sở là công tử Anh Tề nghe tin ấy, liền tâu với Sở Cung vương rằng:

- Quân Ngô chưa sang nước Sở ta bao giờ, nếu đã sang được một lần thì rồi lại sang quấy mãi, chi bằng ta đánh trước đi là hơn .

Sở Cung vương khen phải . Công tử Anh Tề tuyển hai vạn thủy quân, cho qua sông Trường Giang, phá vỡ đất Cưu Tư của nước Ngô; lại toan thuận dòng kéo quân thẳng xuống . Tướng nước Sở là Đặng Sưu nói với công tử Anh Tề rằng:

- Sông Trường Giang này nước chảy xiết, tiến dễ mà lui khó, tôi xin đem một toán quân đi trước, nếu thuận lợi thì tiến, mà không thuận lợi thì cũng chẳng đến nỗi thua to . Quan nguyên sóai cứ đóng quân ở

Hách Sơn, tuỳ cơ ứng biến, mới giữ vẹn toàn được .

Công tử Anh Tề khen phải, tức khắc cho Đặng Sưu đem một toán quân tinh nhuệ cùng một trăm chiếc thuyền đi trước . Thế tử Chư Phàn nghe tin đất Cưu Tư bị quân Sở chiếm mất; liền bảo các tướng rằng:

- Quân Sở đã chiếm được đất Cưu Tư thì tất thừa thế kéo xuống, ta phải phòng bị mới được .

Thế tử Chư Phàn sai công tử Di Muội đem một toán quân với vài mươi chiếc thuyền ra Lương Sơn để làm kế dụ quân Sở; còn công tử Dư Sái (em công tử Chư Phàn) đem một toán quân ra phục sẵn ở Thái Thạch cảng . Đặng Sưu (tướng nước Sở) đem quân ra Hách Sơn, trông thấy ở Lương Sơn có binh thuyền của nước Ngô, vội vàng ra sức tiến đánh . Công tử Di Muội giả cách thua chạy . Đặng Sưu thúc quân đuổi theo, qua Thái Thạch cảng, lại gặp đại binh của công tử Chư Phàn đến . Hai bên giao chiến được mười hợp thì công tử Dư Sái ở Thái Thạch càng đem phục binh đổ ra, theo phía sau đánh ập trở lại, tên bắn như mưa . Đặng Sưu bị ba phát tên bắn vào mặt, nhưng rút tên ra mà cố sức đánh .

Bấy giờ công tử Di Muội, cưỡi chiếc thuyền lớn đến, truyền cho quân sĩ cầm giáo dài đâm vào thuyền quân Sở . Thuyền quân Sở vỡ đắm rất nhiều . Đặng Sưu bị bắn, không chịu khuất phục mà chết . Quân Sở cũng chết hại rất nhiều . Công tử Anh Tề sợ tội, toan giấu sự thua trận đi, không tâu cho Sở Cung vương biết, ai ngờ thế tử Chư Phàn thừa thắng đem quân tiến đánh, công tử Anh Tề thua to chạy về và đất Cưu Tư lại thuộc về nước Ngô . Công tử Anh Tề tức giận thành bệnh, chưa về đến kinh thành nước Sở thì chết . Sở Cung vương bèn đưa quan hữu doãn là công tử Nhâm Phu lên làm chức lệnh doãn . Công tử Nhâm Phu tính tham lam, thường bắt các nước phụ thuộc phải lễ đút, Trần Thành công không thể chịu được, mới sai Viên Kiểu Như (cháu bốn đời Viên Đào Đồ) sang xin theo Tấn . Sở Cung vương thấy nước Trần theo Tấn, đổi tội cho công tử Nhâm Phu, đem giết đi; lại dùng người con là công tử Trịnh (tên tự là Tử Nang) làm lệnh doãn cử binh sang đánh Trần .

Bấy giờ Trần Thành công (Ngọ) chết, thế tử Nhược lên nối ngôi, tức là Trần Ai công . Trần Ai công thấy nước Sở thế mạnh, lại xin theo Sở . Tấn Điệu công nghe tin giận lắm, toan cử binh cùng Sở tranh nhau nước Trần, bỗng nghe báo có vua nước Vô Chung là Gia Phủ sai quan đại phu là Mạnh Lạc đem da hổ, da báo cả thảy một trăm chiếc đến dâng và tâu rằng:

- Các nước Sơn Nhung, trước kia Tề Hoàn công đã dẹp yên tất cả, mới rồi nhân nước Yên và nước Tần suy yếu, các nước Sơn Nhung thấy Trung quốc không có bá chủ lại xâm nhiễu . Chúa công tôi nghe nói nhà vua anh minh, sắp nối được bá nghiệp của Tề Hoàn công và Tấn Văn công thuở xưa, vì vậyt chúa công tôi đã tuyên bá uy đức của nhà vua cho Sơn Nhung biết, các nước ấy đều muốn giảng hoà, xin nhà vua định đoạt .

Tấn Điệu công họp các tướng lại để thương nghị . Các tướng đều nói rằng:

- Quân rợ mọi ấy, không biết lẽ phải, ta phải dùng binh uy với nó mới được . Vua Tề Hoàn công thuở xưa, cũng phải trước đánh Sơn Nhung, sau đánh nước Sở, mới làm nên nghiệp bá được .

Quan tư mã là Ngụy Giáng can rằng:

- Không nên! nay ta mới thu phục được chư hầu, mà đã đem quân đi đánh Sơn Nhung thì quân Sở tất thừa hư quấy nhiễu, như vậy thì chư hầu lại bỏ Tấn theo Sở mà thôi . Sơn Nhung là cầm thú, chư hầu là anh em ta theo đuổi quân cầm thú mà bỏ mất cái tình anh em, sao gọi là kế hay được!

Tấn Điệu công nói:

- Vậy thì ta có nên giảng hoà với các nước Sơn Nhung không ?

Ngụy Giáng nói:

- Giảng hoà với các nước Sơn Nhung, có năm điều lợi: Sơn Nhung tiếp giáp với nước ta, nhiều đất bỏ hoang, ta có thể mở rộng đất được, đó là một điều lợi; Sơn Nhung không quấy nhiễu ta nữa thì những dân ở bờ cõi được yên nghiệp làm ăn, đó là hai điều lợi; quân sĩ của ta không phải khó nhọc về sự đánh dẹp, đó là ba điều lợi; Sơn Nhung đã thần phục thì các nước chư hầu cũng phải sợ hãi, đó là bốn điều lợi; ta không phải lo về mặt bắc (tức là phía Sơn Nhung) thì có thể dốc sức về mặt nam (tức là phía nước Sở) được, đó là năm điều lợi . Có năm điều lợi ấy sao chúa công không theo ?

Tấn Điệu công bằng lòng, liền sai Ngụy Giáng làm sứ thần để đi giảng hoà với các nước Sơn Nhung . Nguỵ Giáng cùng với Mạnh Lạc (quan đại phu nước Vô Chung) đến nước Vô Chung, để cùng với vua nước Vô Chung là Gia Phủ thương nghị việc giảng hoà . Gia Phủ sai người đi triệu các nước Sơn Nhung mà bảo rằng:

- Nay vua nước Tấn làm bá chủ ở Trung nguyên, có sai sứ thần sang đây, để cùng với các nước Sơn Nhung giảng hoà . Các ngươi nên một lòng thần phục, từ đây trở đi, không được quấy nhiễu .

Các nước Sơn Nhung đều xin ăn thề, lại bảo nhau đem thổ sản đến dâng Ngụy Giáng . Ngụy Giáng nhất định không lấy gì cả . Các nước Sơn Nhung đều khen Ngụu Giáng là liêm khiết, lại càng có ý kính trọng . Ngụy Giáng về tâu lại với Tấn Điệu công . Tấn Điệu công bằng lòng .

Bấy giờ quan lệnh dõan nước Sở là công tử Trịnh, đã thu phục được Trần, lại đem quân đi đánh Trịnh, chỉ vì cửa quan Hổ Lao có quân Tấn đóng, nên không dám kéo qua sông Dĩ Thủy, phải theo đường nước Hứa mà tiến sang nước Trịnh .

Trịnh Hi công (Khôn Ngoan) sợ lắm, họp sáu quan khanh lại để thương nghị . Trong sáu quan khanh kể tên sau này: 1. công tử Phi, tên tự là Tử Tứ; 2. công tử Phát, tên tự là Tử Quốc; 3. công tử Gia, tên tự là Tử Khổng; (ba người này đều là con Trịnh Mục công, đối với Trịnh Hi công thì là hàng thúc tổ phụ); 4. công tử Chiếp, tên tự là Tử Nhĩ (con công tử Khứ Tật); 5. công tôn Mại, tên tự là Tử Kiều (con công tử Yển); 6. công tôn Xá, tên tự là Tử Triền (con công tử Hi); (ba người này đều là cháu Trịnh Mục công, đối với Trịnh Hi công thì là hàng thúc phụ).

Sáu quan khanh ấy đều là bậc tôn trưởng của Trịnh Hi công cả, từ lau vẫn giữ quyền chính nước Trịnh . Trịnh Hi công là người kiêu ngạo, không biết tôn trọng các bậc tôn trưởng, bởi vậy vua tôi vẫn bất hoà với nhau, nhất là công tử Phi lại càng bất hoà lắm . Trong khi hội nghị, Trịnh Hi công chú ý muốn cố giữ để đợi quân Tấn đến cứu . Công tử Phi nói:

- Tục ngữ có câu rằng: "Nước xa không cứu được lửa gần", vậy chi bằng ta theo Sở là hơn .

Hi công nói:

- Nếu ta theo Sở, quân Tấn lại sang đánh ta, lấy gì mà chống cự lại ?

Công tử Phi nói:

- Tấn vả Sở chẳng nước nào thương ta cả, ta cũng chẳng cứ phải chọn nước nào, hễ nước nào mạnh thế thì ta theo. Nay ta cứ đem lễ vật ra đợi sẵn ở ngoài cõi, Sở đến thì ta hội thề với Sở, mà Tấn đến thì ta hội thề với Tấn . Hai nước mạnh chọi nhau mãi thì tất có một nước thua, bấy giờ mạnh yếu phân biệt rõ ràng, ta xem nước nào thắng thì theo, để giữ cho nhân dân được yên ổn, thế là hay hơn cả!

Trịnh Hi công không theo kế đó, nói:

- Cứ như nhà ngươi nói, thì tại sao nước Trịnh ta chỉ những hội thề mà không năm nào đựơc yên cả .

Trịnh Hi công sai sứ sang nước Tần cầu cứu . Các quan đại phu đều sợ trái ý công tử Phi, không ai dám đi sứ . Trịnh Hi công giận lắm, thân hành đi sứ . Đêm hôm ấy Trịnh Hi công ngủ ở quán xá, công tử Phi sai người đến giết đi, rồi nói thác rằng Trịnh Hi công bị bạo bệnh mà chết, rồi lập người em là Gia lên nối ngôi, tức là Trịnh Giản công .

Công tử Phi sai người nói dối quân Sở rằng:

- Việc theo Tấn đều là tự ý Không Ngoan (tức là Trịnh Hi công), nay Không Ngoan đã chết rồi, vậy nước tôi lại xin theo thượng quốc .

Công tử Trịnh nước Sở lại cho nước Trịnh giảng hoà . Tấn Điệu công nghe tin nước Trịnh lại theo Sở, liền hỏi các quan đại phu rằng:

- Nay Trần và Trịnh cùng theo Sở cả, ta nên đánh nước nào trước ?

Tuân Dinh nói:

- Nước Tần nhỏ mọn, dẫu có theo ta hay không cũng không có gì là quan trọng cả; còn nước Trịnh là một nước trọng yếu, nếu muốn làm bá chủ, tất phải thu phục lấy nước Trịnh . Thà mất người nước Trần, chứ không nên bỏ mất một nước Trịnh!

Hàn Quyết nói:

- Tử Vũ (tên tự của Tuân Dinh) là người có kiến thức, tất thu phục đựơc nước Trịnh, tôi nay tuổi gia sức yếu, xin đem chức trung quân nguyên soái nhường lại cho Tử Vũ .

Tấn Điệu công bất đắc dĩ phải cho Tuân Dinh thay Hàn Quyết làm trung quân nguyên soái, đem đại binh đi đánh Trịnh . Quân Tấn kéo thẳng đến cửa quan Hổ Lao . Người nước Trịnh xin thề . Tuân Dinh thuận cho . Đến lúc quân Tấn về, Sở Cung vương lại thân hành đem quân sang đánh Trịnh . Người nước Trịnh lại theo Sở . Tấn Điệu công giận lắm, hỏi các quan đại phu rằng:

- Người nước Trịnh phản phúc, quân ta đến thì theo, quân ta về, lại phản, nay muốn làm cho người nước Trịnh phải một lòng theo ta thì nên dùn kế gì ?

Tuân Dinh hiến kế rằng:

- Nước Tấn ta không thu phục được nước Trịnh là vì người nước Sở cố sức mà tranh nước Trịnh với ta . Nay muốn thu phục được nước Trịnh thì tất phải đối địch với Sở, mà muốn làm cho Sở phải khốn quẫn thì nên dùng kế "dĩ giật đãi lao" .

Tấn Điệu công nói:

- Thế nào gọi là "dĩ giật đãi lao" ?

Tuân Dinh nói:

- Quân nước mình không nên dùng luôn, dùng luôn thì người mình nhọc; quân chư hầu không nên điều động luôn, điều động luôn thì chư hầu oán . Trong nhọc mà ngoài oán, cứ như thế thì không bao giờ thắng được nước Sở . Tôi xin đem quân ta mà chia ra làm ba đạo, mỗi đạo quân có mấy nước chư hầu phụ thuộc vào, thay đổi nhau mà đối địch với quân Sở, Sở tiến thì ta lui, Sở lui thì ta tiến, đem một đạo quân của ta mà làm cho cả nước Sở không lúc nào được yên, như thế thì nước Sở khốn quẫn, bấy giờ nước Trịnh tất phải một lòng theo ta .

Tấn Điệu công khen phải liền sai Tuân Dinh luyện quân ở đất Khúc Lương chia làm ba đạo, định phép thay phiên nhau . Tuân Dinh lên tướng đàn . Trên tướng đàn có cắm một lá cờ đại bái sắc vàng, trên đề mấy chữ "Trung quân nguyên sóai Trí", dưới tướng đài chia quân làm ba đạo: đạo thứ nhất, thượng quân nguyên soái là Tuân Yển, phó tướng là Hàn Khởi, ba nước: Lỗ, Tào, Châu đem quân theo đạo ấy; trung quân phó tướng là Phạm Mang (tức là Sĩ Mang, đổi họ Phạm) đi tiếp ứng . Đạo thứ hai, hạ quân nguyên soái là Loan Áp, phó tướng là Sĩ Phường, ba nước: Tề, Đằng, Tiết đem quân theo đạo ấy; trung quân thượgn đại phu là Ngụy Hiệt đi tiếp ứng . Đạo thứ ba, tân quân nguyên soái và Triệu Vũ, phó tướng là Nguỵ Tướng, ba nước: Tống, Vệ, Nghê đem quân theo đạo ấy; trung quân hạ đại phu là Tuân Hội đi tiếp ứng .

Tuân Dinh truyền lệnh rằng:

- Ba đạo quân, cứ thay phiên nhau đi đánh Trịnh, hễ Trịnh chịu giảng hoà thì lại rút về ngay, nhất thiết không được giao chiến với quân Sở .

Công tử Dương Can là em cùng mẹ với Tấn Điệu công, mới mười chín tuổi, đang làm chức trung quân nhung ngự, tính khí hãy còn hăng hái, chưa từng ra trận bao giờ, nghe nói Tuân Dinh luyện quân để sắp đi đánh Trịnh, múa tay hoa chân, chỉ mong được ra nơi chiến trường, nhưng không thấy Tuân Dinh dùng đến mình, mới tình nguyện xin đi tiên phong . Tuân Dinh nói:

- Ngày nay ta luyện quân là chỉ muốn tiến cho chóng, lại thoái cho mau, không cần đánh quân giặc, tiểu tướng quân dẫu có sức khoẻ, cũng không dùng làm gì!

Công tử Dương Can cố ý xin mãi . Tuân Dinh nói:

- Tiểu tướng quân đã cố xin như vậy thì quyền cho làm bộ hạ quan Tuân đại phu (tức là Tuân Hội) để tiếp ứng đạo tân quân .

Công tử Dương nói:

- Đạo tân quân đến lần thứ ba mới ra đánh thì tôi đợi sao được, xin cho tôi thuộc vào đạo thượng quân .

Tuân Dinh không cho . Công tử Dương Can cậy thế là em Tấn Điệu công, đem ngay quân bạn bộ của mình, đi theo toán quân Phạm Mang . Quan tư mã là Ngụy Giảng trông thấy công tử Dương Can dám rẽ hàng quân để đi lên trước, liền đánh trống mà tuyên cáo với các tướng rằng:

- Công tử Dương Can dám trái tướng lệnh, đi loạn hàng quân, tội đáng chết chém, nay nể là em chúa công, vậy phải giết người dong xe để thay mạng .

Ngụy Giáng truyền cho quân sĩ bắt người dong xe đem chém . Công tử Dương Can căm tức vô cùng, vội vàng vào thuật chuyện lại cho Tấn Điệu công biết, và khóc mà nói rằng:

- Ngụy Giáng khinh bỉ em như vậy thì em không còn mặt mũi nào mà trông thấy các tướng nữa!

Tấn Điệu công vốn có lòng yêu em, không kịp hỏi rõ, liền nổi giận mà nói rằng:

- Nguỵ Giáng làm nhục em ta, khác nào như làm nhục ta, ta tất phải giết, không thể tha được!

Tấn Điệu công bèn truyền gọi quan trung quân phó súy là Dương Thiệt Chức, sai đi bắt Ngụy Giáng . Dương Thiệt Chức nói với Tấn Điệu công rằng:

- Ngụy Giáng là người có chí khí, có việc thì không tránh khó khăn, có tội thì không trốn hình phạt . Khi việc quân đã xong, tất nhiên đến đây tạ tội, bất tất phải cho đi triệu .

Được một lúc thì quả nhiên Ngụy Giáng đến, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm tờ tâu, sắp sửa vào triều để tạ tội . Ngụy Giáng đến triều môn thì nghe tin Tấn Điệu công toan sai người đi bắt mình, liền giao tờ tâu cho người nhà, rồi toan cầm kiếm tự tử . Bỗng có hai viên quan ở đâu hối hả chạy đến, tức là quan hạ quân phó tướng Sĩ Phường và quan chư hậu đại phu Trương Lão . Sĩ Phường và Trương Lão trông thấy Ngụy Giáng toan tự tử, vội vàng giằng lấy thanh kiếm mà nói rằng:

- Chúng tôi nghe nói quan tư mã (trỏ Ngụy Giáng) vào triều, tất là vì việc công tử Dương Can, vậy chúng tôi vội vàng tới đây, định cùng nhau vào tâu để chúa công biết, chẳng hay vì cớ gì mà quan tư mã lại liều mình như thế ?

Ngụy Giáng thuật lại việc Tấn Điệu công toan sai Dương Thiệt Chức đi bắt mình . Sĩ Phường và Trương Lão nói:

- Quan tư mã một lòng giữ phép, không tư vị ai, can gì lại phải liều mình! âu là để chúng tôi vào tâu với chúa công .

Sĩ Phường và Trương Lão đem tờ tâu của Nguỵ Giáng vào dâng Tấn Điệu công . Tấn Điệu công mở ra xem, đại lược nói rằng:

"Chúa công không chê tôi là bất tài mà cho sung vào chức tư mã . Tôi nghe nói tính mệnh của ba quân là ở trong tay quan nguyên soái, mà quyền của quan nguyên sóai là ở trong mệnh lệnh; chỉ vì không tuân mệnh lệnh mà quân ta bị thua ở Hà Khắc và ở Bí Thành . Mới rồi, tôi có giết một kẻ không tuân theo mệnh lệnh ấy là để làm hết chức phận tư mã . Việc ấy xúc phạm đến ngự đệ, tôi biết tội đáng chết, vậy xin liều thân với lưỡi gươm trước mặt chúa công, để tỏ rõ tấm lòng thân ái của chúa công đối với ngự đệ".

Tấn Điệu công xem xong, hỏi Sĩ Phường và Trương Lão rằng:

- Ngụy Giáng bây giờ ở đâu ?

Sĩ Phường và Trương Lão nói:

- Nguỵ Giáng sợ tôi đã toan tự tử, chúng tôi cố can mãi, hiện bây giờ đang đứng ở ngoài cửa cung .

Tấn Điệu công hoảng hốt dứng dậy, chân không kịp xỏ giày bước ngay ra ngoài cửa cung, cầm lấy ta Ngụy Giáng mà bảo rằng:

- Câu nói của ta là tình riêng; việc làm của nhà ngươi là phép công . Ta không biết dạy em để phạm đến phép công, đó là lỗi tại ta, chứ nhà ngươi có lỗi gì!

Dương Thiệt Chức ở bên cạnh, nói to lên rằng:

- Chúa công đã xá tội cho thì Ngụy Giáng nên lui ra .

Ngụy Giáng lạy tạ . Dương Thiệt Chức cùng với Sĩ Phường và Trương Lão cùng sụp lạy Tấn Điệu công mà chúc mừng rằng:

- Chúa công có người bề tôi biết giữ phép như thế, chắc là thành được nghiệp bá!

Bốn người cùng cáo từ Tấn Điệu công rồi lui về . Điệu công vào cung, xỉ mắng công tử Dương Can rằng:

- Nhà ngươi không biết giữ phép, suýt nữa thì khiến ta mang tiếng xấu, giết lầm một đại tướng của ta!

Lại sai nội thị giải công tử Dương Can đến nhà quan công tộc đại phu là Hàn Vô Ky, bắt họ lễ trong ba tháng, rồi mới được trở về yết kiến . Công tử Dương Can lấy làm hổ thẹn vô cùng .

Tuân Dinh chia quân xong, vừa toan đi đánh Trịnh, bỗng có sứ thần nước Tống đưa văn thư đến, Tấn Điệu công mở xem, mới biết nước Sở và nước Trịnh thường đem quân đi qua Bức Dương sang xâm lược địa giới nước Tống . Vì thế nước Tống phải sai sứ sang cáo cấp với nước Tấn . Quan thượng quan nguyên soái là Tuân Yển nói với Tấn Điệu công rằng:

- Nước Sở đã thu phục được Trần và Trịnh rồi mà lại còn sang xâm phạm nước Tống là có ý muốn cùng nước Tấn ta tranh nghiệp bá . Nay Bức Dương là con đường quân Sở sang đánh một trận có thể chiếm lấy được, rồi phong cho quan đại phu nước Tống là Hướng Thú ở đấy, (vì Hướng Thú đã có công ở trận Bành Thành), để chẹn đường quân Sở, cũng là một kế hay đó!

Tuân Dinh nói:

- Bức Dương dẫu nhỏ, nhưng thành quách vững bền lắm, nếu ta đánh mà không được, tất bị các nước chê cười .

Quan trung quân phó tướng là Sĩ Mang nói:

- Trận Bành Thành, ta đang đánh Trịnh thì Sở xâm Tống để cứu Trịnh; trận Hổ Lao, ta đang cùng với Trịnh giảng hoà thì Sở lại xâm Tống để báo thù, vậy ta muốn phục nuớc Trịnh thì trước hết phải lập mưu giữ nước Tống mới được . Tuân Yển nói phải lắm!

Tuân Dinh nói:

- Hai người có chắc là diệt được Bức Dương hay không!

Tuân Yển và Sĩ Mang đồng thanh đáp rằng:

- Xin nguyên soái cứ chắc ở hai chúng tôi, nếu không thành công thì hai chúng tôi xin chịu tội .

Tấn Điệu công nói:

- Bá Du (tên tự của Tuân Yển) khởi xướng lên mà Bá Hà (tên tự của Sĩ Mang) giúp vào thì lo gì không thành công!

Tấn Điệu công liền phái đạo quân thứ nhất đi đánh Bức Dương, nước Lỗ, nước Tào và nước Châu đem quân theo đạo ấy . Quan đại phu Bức Dương nói với vua Bức Dương rằng:

- Quân Lỗ đóng ở thành cửa bắc, ta giả cách mở cửa thành ra đánh, khiến cho quân Lỗ kéo vào; chờ khi vào được nửa chừng, bấy giờ ta hạ cánh cửa treo ở trên xuống mà chắn ngang . Quân Lỗ đã thua thì quân Tào và quân Châu tất sợ, tự khắc khí thế của nước Tấn cũng phải nhụt đi!

Vua Bức Dương dùng kế ấy . Tướng nước Lỗ là Mạnh Tôn Miệt (tức là Trọng Tôn Miệt) đem bộ thuộc của mình là Thúc Lương Ngột, Tần Cận Phụ và Địch Tây Di đánh cửa bắc . Tần Cận Phụ và Địch Tây Di trông thấy cánh cửa treo mở, liền cậy sức khoẻ tiến vào trước, Thúc Lương Ngột đi theo sau . Bỗng nghe trên mặt thành có tiếng cót két rồi cánh cửa từ từ đẩy lên . Toán hậu đội nước Lỗ thấy vậy liền nổi hiệu thu quân . Tần Cận Phụ và Địch Tây Di vội vàng quay mình trở ra . Tướng Bức Dương là Văn Ban ở trong thành đem quân đuổi theo, trông thấy Thúc Lương Ngột đang giơ tay đỡ cánh cửa treo để cho quân Lỗ rút lui thì kinh hãi, nghĩ thầm rằng: "cánh cửa treo tự trên buông xuống, nặng kể có nghìn cân, nếu tướng kia không có sức khoẻ hơn người thì đỡ lên thế nào cho nổi ? nay ta ra tới đấy mà bị người ây buông xuống thì phỏng còn gì là tính mệnh!" Văn Ban không dám đuổi theo nữa, mới dừng xe lại đứng xem . Thúc Lương Ngột đợi cho quân mình lui ra hết, rồi quát to lên rằng:

- Ta đây là một danh tướng nước Lỗ, tên gọi Thúc Lương Ngột có ai muốn ra đối địch thì nhân khi ta chưa buông tay này mau mau ra đi!

Người trong thành không ai dám nói gì cả . Văn Ban giương cung toan bắng . Thúc Lương Ngột nghiêm mình trở ra, rồi buông hai tay không đỡ nữa . Cánh cửa lại sập thẳng xuống tận đất . Thúc Lương Ngột về dinh bảo Tần Cận Phụ và Địch Tây Di rằng:

- Tính mệnh hai tướng vừa rồi, thật ở trong tay ta!

Tần Cận Phụ nói:

- Nếu hậu đội không nổi hiệu thu quân thì chúng ta cố sức xông vào, đã phá vỡ thành Bức Dương rồi!

Địch Tây Di nói:

- Để đến ngày mai chỉ một mình ta phá vỡ thành Bức Dương cho họ biết sức khoẻ của người nước Lỗ .

Ngày hôm sau Mạnh Tôn Miệt lại đem quân đến dưới thành để khiêu chiến, chia quân ra từng đội, mỗi đội một trăm người . Địch Tây Di nói:

- Ta không cần phải ai giúp, một mình ta làm một đội cũng đủ rồi!

Địch Tây Di lấy một cái áo giáp trùm lên một cái bánh xe, giương lên làm cái mộc, rồi cầm một cái kích thật dài, vừa múa vừa xông vào, chạy nhanh như bay . Quân Bức Dương đứng trên mặt thành, trông thấy Địch Tây Di dũng mạnh như vậy, mới dòng tấm vải xuống mà bảo rằng:

- Ta dòng dây cho mà lên, có dám lên thì mới cho là giỏi!

Nói chưa dứt lời thì trong đám quân Lỗ có một viên tướng bước ra nói:

- Khi nào lại không dám!

Viên tướng ấy tức là Tần Cận Phụ . Tần Cận Phụ lấy ta bíu tấm vải, tay phải tay trái lần thay nhau mà leo lên . Khi gần đến mặt thành thì quân Bức Dương lấy dao cắt đứt tấm vải . Tần Cận Phụ đang ở lưng chừng ngã lăn xuống đất . Thành Bức Dương cao kể mấy nhận (mỗi nhận tám thước),cứ như người khác mà ngã thì chẳng chết cũng bị trọng thương, thế mà Tần Cận Phụ không hề chi cả . Qúân Bức Dương lại dòng tấm vải xuống mà bảo rằng:

- Còn dám lên nữa không ?

Tần Cận Phụ lại bíu tấm vải mà len lên, cũng lại bị quân trên mặt thành cắt đức tấm vải mà ngã lăn xuống đất . Tần Cận Phụ vừa đứng dậy thì quân trên mặt thành lại dòng tấm vải xuống mà hỏi rằng:

- Nào! nào! còn dám lên nữa hay là thôi đấy!

Tần Cận Phụ lại hăng hái nói:

- Nếu không dám lên thì sao gọi là giỏi được!

Nói xong, lại leo lên như trước . Quân Bức Dương ở trên mặt thành trông thấy Tần Cận Phụ đã hai lần ngã mà vẫn dám lên, không chút sợ hãi, thì có ý lo, liền giơ dao cắt tấm vải, ngờ đâu Tần Cận Phụ đã nắm được một người mà vứt xuống, chết ngay lập tức . Tần Cận Phụ cũng ngã theo xuống, lại gọi quân trên mặt thành mà bảo rằng:

- Các người còn dám dòng vải xuống nữa hay thôi ?

Quân Bức Dương đáp:

- Đã biết tài sức của tướng quân rồi, không dám dòng vải xuống nữa!

Tần Cận Phụ sai lấy ba đoạn vải ấy đưa khắp cho quân sĩ xem, mọi người đều lắc đầu lè lưỡi . Mạnh Tôn Miệt khen rằng:

- Kinh thi có câu "sức khoẻ như hổ", ba tướng (trỏ Thúc Lương Ngột, Tần Cận Phụ và Địch Tây Di) nay thật xứng đáng với câu ấy!

Văn Ban thấy các tướng nước Lỗ đều mạnh tợn như thế, không dám ra đánh, truyền cho quân sĩ cố giữ thế thủ . Quân các nước vây thành Bức Dương đã hai mươi ngày mà chưa phá nổi, bỗng trời mưa to lắm, mặt đất bị nước ngập sâu ba thước, quân sĩ hoảng sợ . Tuân Yển và Sĩ Mang (tướng nước Tấn) vội vàng vào thương nghị với Tuân Dinh để xin rút quân về .
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện